Nghiên cứu khoa học

MỐI QUAN HỆ GIỮA NGHIÊN CỨU , HỢP TÁC NGHIÊN CỨU

27/08/2015 9:56:32 SA - Lượt xem: 1125

VÀ TRIỂN KHAI KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU TRONG LĨNH VỰC NGÔN NGỮ VÀ VĂN HỌC DÂN GIAN Ở GIA LAI

                                                                                            Th.s Chử Anh Đào

          ( Tham luận tại Hội thảo " Mạng lưới các nhà khoa học xã hội nghiên cứu về Tây Nguyên" của Viện Hàn lâm KHXH VN- Viện KHXH vùng Tây Nguyên, tại Buôn Ma Thuột ngày 21,22/8/2015)

                   Lịch sử nghiên cứu khoa học của nhân loại đã đi từ một cá nhân với đa ngành ( Arixtot, Pitago, Leona Đvanh xi...) tới một cá nhân với chuyên ngành đơn nhất và nhiều người cùng mối quan tâm tới một đối tượng chuyên sâu nhất. Kết quả nghiên cứu đã thật rõ ràng, chứng tỏ sức mạnh không thể phủ nhận của quá trình hợp tác nghiên cứu.

          Nghiên cứu về ngôn ngữ và văn học dân gian JRai, Bah Nar ở tỉnh Gia Lai cũng không nằm ngoài qui luật đó. Trong bài viết ngắn này, bằng thực tế địa phương, tôi chỉ muốn làm sáng rõ thêm những vấn đề hiển nhiên, góp thêm một tiếng nói khẳng định.

          Ở nội dung thứ nhất, công lao thuộc về các nhà truyền giáo phương Tây từ thế kỉ XVII, các quan chức cai trị người Pháp, các nhà khoa học Pháp ( Henri Maitre...), những người cộng sản, trí thức người dân tộc ( Nay Der). Thoạt kì thủy, họ dùng chữ cái Latin ghi lại âm của hai ngôn ngữ bản địa để rao giảng Kinh thánh, dạy học. Kèm theo đó, cho đến tận ngày nay, các bộ từ điển có giá trị lần lượt ra đời. Kết quả nghiên cứu vẫn chủ yếu dựa vào nỗ lực của từng cá nhân. Sự kết hợp hai người trong một công trình là vô cùng ít ỏi ( Nguyễn Kinh Chi- Nguyễn Đổng Chi: Mọi Kon Tum-1937; Cửu Long Giang- Toan Ánh: Miền Thượng Cao nguyên Việt Nam-1974...)

          Chính sách giáo dục và chính sách ngôn ngữ dân tộc vùng sắc tộc thiểu số Cao nguyên cũng được nhà nước của chế độ Việt Nam cộng hòa để ý tới ( xem thư mục của T.s Nguyễn Thị Kim Vân) Riêng về ngôn ngữ, ngoài sự phát triển tự phát của bộ phận từ vựng, các thành quả nghiên cứu về nó còn rất hạn chế.

          Từ sau 1945 đến 1975, về nội dung nghiên cứu văn học dân gian, có hai nguồn cán bộ chính:

          - Lớp cán bộ người Tây nguyên và học sinh miền Nam ra Bắc công tác và học tập. Họ mang theo hành trang kho tàng văn học dân gian của ông cha mình, kể lại cho người khác nghe. " Bài ca chàng Đăm San", " Xing Nhã" được người Pháp sưu tầm từ 1923 nhưng bản công bố trên đất Bắc thuộc về công sức của những cán bộ này những năm đầu của thập kỉ 60 thế kỉ trước.

          - Lớp cán bộ ở các viện nghiên cứu: Văn học, Văn hóa dân gian, Nghệ thuật...Các công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí chuyên ngành.

          Từ sau 1975 đến nay: các lĩnh vực nghiên cứu của khoa học xã hội gặt hái nhiều thành quả mới, do hai lực lượng đảm nhận.

          - Lớp cán bộ nghiên cứu người tại chỗ, đang công tác ở những cơ quan khác nhau: Giáo dục, Văn hóa, Văn học nghệ thuật. ..Lực lượng nghiên cứu này đã tốt nghiệp đại học trở lên. Nghiên cứu không phải là nhiệm vụ chính được giao. Nhưng họ đã dành nhiều tâm huyết, sức lực và tuổi trẻ của mình cho vùng đất có bản sắc văn hóa truyền thống đậm đà và đặc sắc.Thế mạnh của họ, ngoài lòng nhiệt tình còn là một vốn kiến thức lí luận căn bản và vốn sống, vốn thực tế phong phú, dồi dào. Đến nay, lực lượng này ở Gia Lai còn rất mỏng, có thể đếm trên đầu ngón tay. Và họ vẫn duy trì lối làm việc tự thân vận động. Tích lũy được ít vốn liếng rồi, đăng kí với Sở Khoa học- Công nghệ ( hơn 90%), với Hội chuyên ngành rồi bắt tay vào nghiên cứu. Có thể kể ra ở đây một số tên tuổi cùng thành tựu: Rơ man Del với " Từ điển JRai- Việt ( NXB KHXH- 1978); Siu Pơi với " Từ điển Việt- JRai (NXB GD); Lê Xuân Hoan với các đề tài nghiên cứu về âm nhạc truyền thống dân tộc JRai, Bah Nar; Nguyễn Quang Tuệ với Sử thi Bah Nar, câu đố JRai, Bah Nar; Chử Anh Đào với các truyện cổ JRai, Bah Nar, Xơ Đăng, các giáo trình dạy học tiếng JRai, Bah Nar, các từ điển phương ngữ JRai, Bah Nar; Nguyễn Thị Kim Vân với các vấn đề về kinh tế, văn hóa tộc người...

          - Lực lượng cán bộ nghiên cứu từ Trung ương. Họ có những phẩm chất: Chuyên môn vững vàng, giàu kinh nghiêm, vốn sống phong phú, phương tiện kĩ thuật hiện đại, nguồn tài chính dồi dào ( ít ra là so với địa phương) Đó là các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu đích thực: Nguyễn Tấn Đắc hoạch định chiến lược phát triển văn hóa GL-KT; Trần Từ Chi- Một lần gặp gỡ hoa văn Thượng; Đặng Nghiêm Vạn- Các dân tộc ở Gia Lai- Kon Tum; Tô Ngọc Thanh- Folclore Bah Nar; Họ còn là những tên tuổi: Lều Kim Thanh, Phạm Hùng Thoan, Ngô Văn Doanh, Nguyễn Chí Bền...với những đóng góp quan trọng khác.

          Đến thời điểm hiện nay, cả hai lực lượng này đều đã có những thành tựu được nhà nước ghi nhận. Nhưng nếu có sự hợp tác hỗ trợ, bổ sung chặt chẽ giữa họ thì chắc chắn kết quả nghiên cứu sẽ được nâng cao hơn rất nhiều. Vả lại, có những vấn đề nghiên cứu không thể không hợp tác. Ở lĩnh vực Folclore chẳng hạn.Lực lượng tại chỗ có thể định hướng, hướng đạo, tiền trạm...( Vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không phải cứ " đi bằng đít" với giấy giới thiệu có dấu đỏ chói là xong việc) Với bản thân người viết bài này, sự hợp tác với các nghệ nhân, với mạng lưới giáo viên là học trò cũ ở những vùng xa xôi hẻo lánh nhất đã giúp công việc sưu tầm văn học dân gian đạt kết quả khả quan. Đóng góp của họ là trên 50%. Tiếc thay mong ước này, thi thoảng mới trở thành hiện thực ( của Bộ Văn hóa-TT-DL về sưu tầm, nghiên cứu sử thi; Bộ Giáo dục- Đào tạo về biên soạn sách giáo khoa song ngữ, sách Ngữ pháp JRai, Bah Nar; Bộ Nội vụ về các từ điển phương ngữ JRai, Bah Nar)

           Triển khai kết quả nghiên cứu: Không như các tác phẩm nghệ thuật, các đề tài khoa học ứng dụng, các công trình NC KHXH có đặc thù riêng kèm theo những thuận lợi và khó khăn trong công tác triển khai kết quả nghiên cứu. Chẳng hạn, thời gian đánh giá hiệu quả có thể là cả một thập kỉ, lâu dài Hiển nhiên là các tác giả phải trả lời các câu hỏi: Nghiên cứu để làm gì? Có cần thiết không? Lợi ích xã hội? Đối tượng phục vụ? Triển khai kết quả nghiên cứu như thế nào?...Ở đây cần có chủ trương và sự chỉ đạo của các cấp trên. Được sự trợ giúp của các Bộ Giáo dục, Nội vụ, Thông tin truyền thông và UBND Tỉnh, trong thời gian qua, Gia Lai đã triển khai rất tốt các công trình từ điển điện tử phương ngữ, các sách giáo khoa về ngữ pháp, các sách giáo khoa song ngữ, giáo trình dạy-học tiếng JRai, Bah Nar cho công chúng nói chung và hàng chục ngàn học viên là cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, học sinh bậc tiểu học phổ thông... Thứ đến, nên khuyến khích các công trình có ý nghĩa thực tiễn, có khả năng ứng dụng cao vào đời sống xã hội. Về phía người nghiên cứu, cần tính đến điều kiện khả thi, tính ứng dung- thực tiễn cao của công trình. Sự phát triển ào ạt ở Tây nguyên đang đặt ra nhiều vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội bức thiết.Nghiên cứu khoa học xã hội kịp thời và có hiệu quả sẽ góp phần tích cực giải quyết những vấn đề cuộc sống  đã và đang đặt ra hôm nay.

          Cuối cùng, một công việc quan trọng khác mà xưa nay ta ít làm là rất cần những ý kiến phản hồi, các điều tra xã hội học về hiệu quả triển khai kết quả nghiên cứu. Các thông tin này sẽ góp phần thúc đẩy, điều chỉnh cho các công trình nghiên cứu tiếp theo trong những chủ đề tương tự.

           Vấn đề đang đặt ra và những đề xuất

          - Phát hiện vấn đề nghiên cứu là của từng cá nhân. Nhưng hợp tác nghiên cứu là công việc cần thiết, mang lại nhiều lợi ích về chất lượng công trình, tiến độ thời gian và khả năng triển khai trong thực tiễn.

          - Các cơ quan có thẩm quyền sớm có chính sách về hợp tác nghiên cứu; xây dựng tầm nhìn, kế hoạch ngắn hạn và dài hạn cho công tác này ( Chẳng hạn, căn cứ vào thực tiễn địa phương về vấn đề, về đội ngũ, cơ sở vật chất...mà quyết định " tỉ lệ" số lượng tác giả trung ương và địa phương hợp tác nghiên cứu.

          - Bộ GD&ĐT có kế hoạch tổng kết, đánh giá để có thể sớm đưa chương trình thể nghiệm song ngữ vào giảng dạy chính thức trong các trường tiểu học vùng đồng bào dân tộc.

          - Công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy những giá trị của văn học dân gian JRai, Bah Nar rất cần sự chung sức của nhiều người và cần tiến hành khẩn trương trong thời gian tới vì lớp trẻ đang ngày một xa lánh những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc mình; lớp nghệ nhân già yếu, nghèo khổ, lực bất tòng tâm với di sản văn hóa. ( Gia Lai hiện nay còn khoảng 20 nghệ nhân thể hiện sử thi)

          - Viện KHXH vùng Tây Nguyên cần thực sự trở thành chiếc cầu nối về kiến thức, phương pháp và hợp tác nghiên cứu giữa những người cùng hội cùng thuyền ở vùng, trong nước và thế giới.

                                                                  

                                                                        C.A.Đ

CÁC TIN KHÁC
Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Thư viện ảnh
Hỗ trợ online
thaiha0511@gmail.com
Hotline: 02693877244
phonghcqtc38@gmail.com
Hotline: 02693877351
Lượt truy cập
Online: 154 | Thống kê: 1003839
Liên kết website
Bản quyền (C) 2013 thuộc trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai
Điện thoại: 0593.877.244 - Fax: 3877312. Email: cdspgialai@cdspgialai.edu.vn
Giấy phép số 383754/GP - BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 03/03/2013
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Địa chỉ: 126 Lê Thánh Tôn - T.P Pleiku - Gia Lai
Ghi rõ nguồn gốc "Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai" khi phát hành lại thông tin từ website này
Các trang sẽ mở ra tại cửa sổ mới. Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai không chịu trách nhiệm nội dung các trang này.