Nghiên cứu khoa học

CHỨC NĂNG GIÁO DỤC CỦA VĂN HỌC ĐỐI VỚI HỌC SINH TIỂU HỌC

07/01/2015 8:28:28 CH - Lượt xem: 43662

.

Ths. Lê Thị Xuân

A. Tóm tắt

      Trong quá trình giáo dục đạo đức, nhân cách, phẩm chất cho học sinh Tiểu học, bên cạnh các bộ môn khác như Đạo đức, Mỹ thuật, Tự nhiên- Xã hội…, thì bộ môn Tiếng Việt với những phân môn Tập đọc, Kể chuyện có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Do đó, vấn đề nhận thức về chức năng giáo dục của văn học và phát huy chức năng này trong quá trình giảng dạy ở trường Tiểu học là một vấn đề cần thiết được đặt ra và nghiên cứu thấu đáo để vận dụng vào thực tiễn. Với bài viết này, người viết tập trung làm rõ vấn đề chức năng giáo dục của văn học đói với Con người nói chung và học sinh Tiểu học nói riêng. Từ đó, bước đầu đề xuất cách thức tổ chức giảng dạy như thế nào để phát huy chức năng giáo dục của văn học cho học sinh Tiểu học

B. Nội dung cụ thể                           

      Mở đầu

     Văn học nghệ thuật là một hình thức của lý tưởng có chức năng làm cân bằng đời sống tinh thần của con người, bù đắp cho nhân loại những gì chưa có, chưa đến, những gì đang ao ước, mong mỏi, hi vọng. Nói đến chức năng của văn học là nói đến vai trò, tác dụng của văn học đối với đời sống xã hội, con người mà các hình thái ý thức xã hội khác không thể thay thế được. Có thể xem việc rèn luyện, phát triển những năng lực tình cảm của con người như một ý nghĩa xã hội quan trọng của văn học. Bởi thế, bên cạnh các chức năng nhận thức, thẩm mỹ, dự báo, giải trí…thì chức năng giáo dục là một chức năng vô cùng quan trọng mà văn học mang tới cho đời sống con người.

                                            Nội dung nghiên cứu

1. Chức năng giáo dục của văn học đối với người đọc và con đường giáo dục của nó

1.1. Chức năng giáo dục của văn học đối với người đọc

Vũ Quỳnh đã từng nói: “Văn chương có khả năng khuyến điều thiện, răn điều ác, bỏ giả, theo thật”. Còn Macxim Gorki trong bài viết Tôi đã học tập như thế nào lại tâm sự: “Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con thú để lên tới gần Con Người, tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất và về sự thèm khát cuộc sống ấy”. Và, văn học là một trong những loại sách, như quan niệm của M.Gorki, giúp người đọc “tới gần Con Người, tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất”. Văn học không phải là đạo đức học nhưng văn học, bằng những hình tượng thẩm mỹ được xây dựng nên bởi một thứ chất liệu đặc biệt- ngôn ngữ nghệ thuật, lại có khả năng làm cho con người ta tốt hơn hoặc là hoàn thiện hơn về nhân cách, nếu đó là thứ văn học chân chính. Tuy nhiên, nói đến chức năng giáo dục của văn học không có nghĩa chỉ bó hẹp trong vấn đề giáo dục đạo đức xã hội, giáo dục lập trường tư tưởng, không phải là sự lên lớp về các nguyên tắc, quy phạm đạo đức mà phần việc này đã có bộ môn Đạo đức, các trường tuyên huấn đảm nhận. Giáo dục ở văn học chính là tạo nên những giá trị tinh thần, bồi dưỡng tâm hồn và tình cảm, xây dựng nhân cách và bản lĩnh cho mọi thế hệ công dân, góp phần tạo nên môi trường đạo đức xã hội trong sáng, lành mạnh, có văn hóa. Quan niệm cho rằng văn học chỉ là vũ khí, là công cụ của công tác tư tưởng, quan niệm chức năng giáo dục là lên lớp thuyết lý đạo đức đều đã rất cũ kĩ, duy ý chí và không đúng với thực tế đặc thù của đời sống văn học. Mà văn học thực hiện chức năng giáo dục bằng con đường riêng của nó: tác động vào tình cảm con người bằng sự cảm hóa bởi những hình tượng thẩm mỹ. Với việc xây dựng nên những hình tượng thẩm mỹ, văn học hoặc làm cho con người yêu mến kính trọng, hoặc khinh bỉ căm ghét, hoặc đau đớn xót thương, hoặc căm giận trào sôi. “Văn học giúp cho con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy sinh trong con người một khát vọng hướng tới chân lí, đấu tranh với cái xấu xa trong con người, biết tìm tòi cái tốt trong con người và thức tỉnh trong tâm hồn họ sự xấu hổ, chí căm thù, lòng dũng cảm, biết làm tất cả để con người trở nên lành mạnh hơn và tắm đẫm con người trong ánh sáng thiêng liêng của vẻ đẹp” (Gorki). Văn học góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, tình cảm đạo đức cho con người bằng cách tập cho người đọc một thói quen cảm thụ tinh tế, mài sắc cho họ cảm quan nhận thức, khả năng nhận ra cái chân, cái thiện, cái mỹ trong đời sống bộn bề. Từ chỗ say mê, xúc động mãnh liệt, văn học làm cho con người nhận ra lẽ phải- trái, cái đúng- sai, nhận ra sự lầm lạc. Bởi thế, cần khẳng định rằng, mục đích của văn học không phải là đạo đức, mục đích của nó là chuẩn bị cho con người tiếp thu đạo đức. Văn học có khả năng thanh lọc và cảm hóa con người rất lớn. Vậy, quá trình giáo dục của văn học đối với người đọc diễn ra như thế nào?
            1.2. Con đường giáo dục của văn học đối với người đọc

Quá trình giáo dục trong văn học là một quá trình tác động lâu dài, tinh tế, bền bỉ. Ảnh hưởng của văn học nghệ thuật đối với con người diễn ra không phải một lúc mà thường là thấm vào dần dần, mỗi ngày một ít. Bản chất của văn học nghệ thuật là tình cảm. Đánh vào tình cảm là tác động vào khâu then chốt để lay chuyển con người. Nghệ thuật, cho dù là cao siêu và sâu sắc đến đâu trước hết cũng đòi hỏi xúc động. Bị xúc động, bị lôi cuốn, say mê bởi những điều trong tác phẩm, từ đó người đọc mới tự nhận thức lại chính mình và có những thay đổi, giác ngộ cần thiết cho chính mình. Trong quá trình tác động để biến cải con người, tác phẩm văn học nghệ thuật hiện ra không phải như người thầy, như nhà thuyết giáo mà như là người đồng hành, người đối thoại với bạn đọc. Sự đối thoại đó cũng chính là sự đối thoại bên trong ở mỗi người tiếp nhận nghệ thuật, đối thoại giữa mình với mình, giữa phần thiện và phần ác, phần lương tri và tội lỗi, giữa lí trí cao cả và dục vọng thấp hèn trong mỗi con người. Tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng nhằm khơi dậy cuộc đấu tranh, sự vật lộn bên trong ấy. Nó là tấm gương để con người tự soi mình, tự đối chiếu và phán xét về người khác cũng như về chính bản thân mình. Bằng cách đó, văn học chuyển quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục. Ở đây, sự thuyết phục từ bên ngoài chuyển dần thành tự thuyết phục. Giáo dục của văn học nghệ thuật do vậy không có tính chất cưỡng bức mà là một hoạt động tự giác. Không ai bắt mình phải làm theo những điều nhà văn mong muốn, những lời nhân vật kêu gọi, nhưng khi tiếp nhận tác phẩm, tất cả những điều hay dở, tùy thuộc vào quá trình nhận thức và khả năng tự đấu tranh ở mỗi người, thấm dần một cách tự nhiên và dễ dàng vào người đọc. Rồi một lúc nào đó, họ làm theo những điều hay dở ấy lúc nào không biết. Không phải ngẫu nhiên, khi nói đến chức năng giáo dục của văn học, người ta hay nói đến giáo dục đạo đức. Đây là một trong những mục tiêu tác động chính của tác phẩm văn học đối với đời sống con người. Nghệ thuật thời nào cũng vậy, luôn luôn có xu hướng khuếch đại cái tốt để nó trở nên đẹp đẽ, lộng lẫy hơn, từ đó lôi cuốn, hấp dẫn mọi người, làm cho mọi người tin rằng trên đời bao giờ cũng còn có công lý, lương tri, bao giờ cũng có người tốt, khơi dậy ở mỗi người khát vọng vươn tới cái lí tưởng, muốn noi gương, bắt chước làm theo điều thiện, điều hay. Vì vậy, trong văn học nghệ thuật không bao giờ thiếu cái đẹp, thiếu chất lý tưởng, thiếu chất anh hùng, lãng mạn, thiếu nhân vật tích cực. Đồng thời nhà văn cũng phóng đại cái xấu, làm cho nó trở nên ghê tởm và đáng ghét, phủ định nó, trước là trong tác phẩm và sau là trong chính cuộc đời.

2. Chức năng giáo dục của văn học đối với học sinh Tiểu học và đề xuất cách thức tổ chức giảng dạy để phát huy chức năng giáo dục của văn học cho học sinh Tiểu học

         2.1. Chức năng giáo dục của văn học đối với học sinh Tiểu học

            Đối với thiếu nhi nói chung, học sinh Tiểu học nói riêng, văn học nghệ thuật giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của các em. Kha-li-nin nói: “Vấn đề giáo dục là một trong những vấn đề khó khăn nhất, những  nhà sư phạm ưu tú nhất đều công nhận nó không những là một khoa học mà còn là một nghệ thuật”. Vậy thì trong quá trình giáo dục cho học sinh Tiểu học, bên cạnh các bộ môn khác như Đạo đức, Mỹ thuật, Tự nhiên- Xã hội…, cần thấy được và phát huy tối đa sức mạnh giáo dục của các tác phẩm văn học, đặc biệt là các tác phẩm được trích học trong SGK. Như nhà thơ Hữu Thỉnh đã nhận định: “Văn học thiếu nhi rất quan trọng và không thể thiếu. Mỗi tác phẩm có giá trị được ví như một người thầy không những bồi dưỡng tâm hồn mà còn định hướng cho các em”. Từ văn học dân gian đến văn học viết, từ văn học nước nhà đến văn học thế giới, mỗi tác phẩm như một bài ca dịu ngọt, như một dòng suối mát lành tưới vào tâm hồn trẻ thơ. Ở lứa tuổi mà ý thức đang hình thành, nhân cách đang được định hình, tâm hồn đang trong sáng như pha lê, tư duy còn gắn liền với liên tưởng và tưởng tượng thì không gì gây tác động mạnh mẽ bằng những vần thơ, những áng văn giàu chất nhân văn và lấp lánh giá trị của nghệ thuật ngôn từ. Tình yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu quê hương làng xóm cũng từ đó mà đâm chồi nảy lộc. Cảm nhận cuộc sống, thu thập kiến thức qua văn học chính là con đường tích cực và nhẹ nhàng để giáo dục học sinh Tiểu học trở thành những con người có sự phát triển toàn diện về nhân cách.

Khi đọc bài thơ “Quạt cho bà ngủ”  (Thạch Quỳ), SGK lớp 3, tập 1 với những câu thơ chứa chan tình cảm:

                                    “Ơi chích chòe ơi!

                                    Chim đừng hót nữa,

                                    Bà em ốm rồi,

                                    Lặng cho bà ngủ.

 

                                    Bàn tay bé nhỏ

                                    Vẫy quạt đều đều

                                    Ngấn nắng thiu thiu

                                    Đậu trên tường trắng.

 

                                    Căn nhà đã vắng

                                    Cốc chén nằm im.

                                    Đôi mắt lim dim

                                    Ngủ ngon bà nhé…”

Chắc hẳn các em sẽ cảm nhận được, sẽ xúc động trước tình cảm yêu thương, hiếu thảo của bạn nhỏ trong bài thơ đối với bà. Từ đó, các em sẽ nghĩ về bà, về mẹ của mình và dâng lên trong lòng một tình yêu tha thiết với bà, với mẹ, các em cũng sẽ mong ước được quan tâm, chăm sóc cho bà, cho mẹ của mình như bạn nhỏ trong bài thơ. Đó là một sự tác động hết sức sức tự nhiên, một con đường giáo dục hết sức nhẹ nhàng, thông qua con đường cảm xúc, tình cảm chứ không phải bởi con đường giáo huấn.

            Hoặc đơn giản như khi học sinh lớp 4 đọc bài “Cánh diều tuổi thơ” của Tạ Duy Anh, SGK lớp 4, tập 1, các em sẽ cảm nhận được niềm vui lớn và những ước mơ đẹp gắn liền với trò chơi thả diều của tuổi thơ như thế nào. Từ đó, các em thêm yêu cánh diều, yêu tuổi thơ, yêu quê hương nơi cho mình thật nhiều tình cảm và nhiều kỷ niệm đẹp không thể nào quên. Đấy cũng là lúc mà văn học thấm vào lòng, làm đẹp thêm hơn tâm hồn và sâu sắc thêm hơn tình yêu quê hương xứ sở trong trái tim các em. Một con đường giáo dục tinh tế và hiệu quả vô cùng.

            Mặt khác, học sinh Tiểu học là lứa tuổi thích noi gương, chính vì vậy, văn học đã mang đến cho các em những hình ảnh đẹp, cao thượng, những tấm lòng nhân ái…để các em ngưỡng mộ, từ đó biết học hỏi những điều hay lẽ phải và trở thành người có ích trong cuộc sống. Bên cạnh đó, các em cũng cần được định hướng để nhìn thẳng vào những hiện tượng, tính cách xấu, những điều chưa hoàn thiện ở một cá nhân hay một kiểu người nào đó trong xã hội thông qua những nhân vật, những câu chuyện trong tác phẩm văn học. Từ đó các em biết tự trang bị cho mình một khả năng chống đỡ trước sự cám dỗ của những thói hư tật xấu, tự trang bị cho mình một thái độ phê phán, tẩy chay cái xấu, cái sai, cái tầm thường, lệch lạc…Đó cũng là một con đường để giúp các em trưởng thành hơn, hoàn thiện hơn những cảm xúc yêu- ghét, vui- buồn. Đến với văn học, các em không chỉ biết đến những nụ cười mà còn biết xót xa khi nhìn thấy những cảnh đời thiếu thốn, khốn khó, nuôi dưỡng những tình cảm nhân ái, cao đẹp ở các em. Những tác phẩm văn học ưu tú luôn khơi dậy trong tâm hồn các em học sinh khả năng đồng cảm và niềm tin vào sự tất thắng của cái thiện, cái cao cả.

Chẳng hạn, với các em học sinh lớp 4 khi được tiếp xúc với tác phẩm Dế mèn phiêu lưu kí (Tô Hoài) nói chung và đoạn trích Dế mèn bênh vực kẻ yếu nói riêng trong SGK lớp 4, tập 1, hẳn các em sẽ cảm thấy ở nhân vật Dế Mèn có nhiều đức tính tốt cần phải học tập, noi theo. Đặc biệt, ở đoạn trích được học, một nét tính cách của Dế Mèn làm cho các em nhỏ vừa khâm phục, nể trọng vừa cảm thấy cần học hỏi đó là tấm lòng nghĩa hiệp, là sự dũng cảm đứng ra bảo vệ lẽ phải, công bằng, bảo vệ những con người nhỏ bé, yếu đuối xung quanh mình.         

Hay, những câu (được cho là) ca dao về lao động sản xuất được trích học trong SGK lớp 5, tập 1 sau đây cũng sẽ có những tác động giáo dục nhất định đối với các em học sinh:

                        “Cày đồng đang buổi ban trưa

                        Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày

                        Ai ơi bưng bát cơm đầy

                        Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”

Khi đọc những câu ca này lên, các em sẽ hiểu rằng để có được bát cơm cho ta ăn hàng ngày, người nông dân phải trải bao vất vả, nhọc nhằn, bao mồ hôi công sức. Và, đấy chính là lúc các em hiểu rằng cần biết ơn người nông dân, cần trân trọng mỗi hạt gạo, chén cơm mình được hưởng thụ như thế nào. Mà điều này nếu được giáo dục bằng một bài học đạo đức hẳn sẽ không có hiệu quả bằng sự tác động của những câu từ chân chất mà chứa đầy tâm trạng, nỗi lòng sâu lắng của người nông dân qua bài ca dao này. 

         2.2. Đề xuất cách thức tổ chức giảng dạy để phát huy chức năng giáo dục của văn học cho học sinh Tiểu học

            Vậy, vấn đề đặt ra ở đây là người giáo viên Tiểu học, trong quá trình giảng dạy Tiếng Việt, trong những giờ Tập đọc, Kể chuyện, phải biết cách dạy như thế nào để đem đến sự thích thú, say mê và biến quá trình giáo dục trong văn học thành quá trình tự giáo dục một cách hiệu quả nhất cho học sinh? Thiết nghĩ, trong những giờ dạy các phân môn này, người giáo viên Tiểu học cần phải:

- Tổ chức hoạt động đọc diễn cảm (hoặc phân vai Kể chuyện) tác phẩm (đoạn trích) được học. Đây là hoạt động giúp học sinh bước đầu thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm và có những cảm nhận chung nhất, những rung động đầu tiên nhất về tác phẩm. Vì đọc diễn cảm không chỉ là để nắm bắt nội dung mà còn là nhập thân vào nhân vật, thả hồn vào tác phẩm để cùng buồn- vui, xúc động với những gì mà tác phẩm chứa đựng.

- Xây dựng loại câu hỏi yêu cầu học sinh nhận biết tính cách nhân vật qua hành động, lời nói, ngoại hình…, yêu cầu học sinh cảm nhận tâm trạng, tình cảm, lý tưởng được gửi gắm trong tác phẩm. Từ những câu hỏi gợi mở của giáo viên, học sinh sẽ hoàn toàn chủ động trong suy nghĩ, phân tích, lí giải, tưởng tượng. Từ đó, các em sẽ hình dung trong tâm trí mình những hình ảnh, hình tượng nghệ thuật mà nhà văn đã xây dựng nên hoặc cảm nhận được rõ nét những tâm tư, tình cảm, lí tưởng, khát vọng, những cảnh đời, những quy luật của cuộc sống mà tác phẩm (hoặc đoạn trích) đã đề cập. Thông qua hoạt động này, các em sẽ cùng vui- buồn, yêu- ghét, ngưỡng mộ- khinh bỉ, thương xót- căm giận…cùng với nhân vật, tâm trạng trong tác phẩm (đoạn trích).

Chẳng hạn, khi dạy đoạn trích Dế mèn bênh vực kẻ yếu trong SGK lớp 4, tập 1, trích Dế mèn phiêu lưu kí (Tô Hoài), giáo viên nên xây dựng các câu hỏi như:

Chị Nhà Trò là người như thế nào?(Mạnh mẽ hay yếu đuối?) Những chi tiết, lời nói nào của chị thể hiện tính cách ấy?

Khi bắt gặp cảnh ngộ của chị Nhà Trò, Dế Mèn đã có những lời nói, hành động gì?

Vậy, Dế Mèn có tính cách như thế nào? Tính cách ấy có đáng quý, đáng học tập không?

Đứng trước những câu hỏi này, học sinh sẽ tự tìm hiểu và nhận xét về hoạt động, tính cách của nhân vật (có thể có những nhận xét không hoàn toàn giống nhau và không giống cảm nhận của giáo viên cũng cần trân trọng). Từ đó hình thành nên trong lòng các em tình cảm xót thương, chia sẻ với sự yếu đuối, bất lực của chị Nhà Trò, yêu quý, ngưỡng mộ, trân trọng đối với sự thẳng thắn, nghĩa hiệp của Dế Mèn.

- Yêu cầu học sinh phát biểu cảm nghĩ của mình về tác phẩm (đoạn trích), về nhân vật trong tác phẩm, về ý nghĩa của hình tượng nghệ thuật hoặc tâm trạng nhân vật trữ tình trong đó. Từ đó, các em có thể nhìn lại mình, liên hệ bản thân, nói lên những mong muốn, ước mơ, những hi vọng, những hứa hẹn để góp phần xây dựng một cuộc sống tốt đẹp cho mình và cho xã hội.

Chẳng hạn, cũng với bài Dế mèn bênh vực kẻ yếu trong SGK lớp 4, tập 1, sau khi cho các em tìm hiểu về hoạt động, tính cách của nhân vật, giáo viên có thể yêu cầu học sinh:

Qua nhân vật Dế Mèn, em học tập được đức tính gì?

Em thấy trong cuộc sống con người thì đức tính ấy của Dế Mèn có cần thiết không?

Nếu là em, em có hành động như Dế Mèn không? Tại sao?

Với những câu hỏi này, các em sẽ tự nói về cảm nghĩ của mình. Có thể là qua nhân vật Dế Mèn, em thì học được đức tính thẳng thắn, dũng cảm bảo vệ lẽ phải, em thì học được đức tính nghĩa hiệp, thấy bất công là hành động để bảo vệ người lương thiện, kẻ yếu, em thì học được đức tính thương người…Và các em cũng sẽ hiểu rằng trong cuộc sống vẫn luôn có những hoàn cảnh trớ trêu, éo le, oan ức, mình cần phải góp phần bảo vệ cái lương thiện, bảo vệ lẽ phải, có thái độ và hành động chống lại kẻ xấu chuyên ức hiếp người khác. Vân vân….

            Khi giáo viên giúp học sinh thực hiện những nhiệm vụ trên cũng là lúc người dạy giúp các em tiếp nhận tác phẩm văn học (đoạn trích) một cách tự giác, chủ động, sáng tạo và hiệu quả nhất. Từ đó, các tác phẩm văn học sẽ đi vào thế giới tâm hồn của các em một cách tự giác mà sâu sắc nhất, bằng những cảm xúc chân thật và những rung động, đồng cảm thiết tha nhất, hướng các em tới sự trau dồi vẻ đẹp nhân cách, tâm hồn, trí tuệ cho tuổi thơ và cho suốt hành trình của cuộc đời.

                                                                       Kết luận       

            Tóm lại, không có một người thầy nào có thể dạy cho trẻ hết tri thức về cuộc sống và tình cảm con người cũng như cách đối nhân xử thế, nhưng văn học có thể mang lại điều kỳ diệu đó và sẽ đi theo trẻ suốt cuộc đời như một người thầy vĩ đại nhất. Đến với văn học, tâm hồn non nớt của các em học sinh Tiểu học sẽ được chắp thêm đôi cánh để có thể tự tin bay cao, như một búp non tràn trề nhựa sống tình thương sẵn sàng vươn lên trong vườn hoa nhân ái của cuộc đời. Bởi vậy, giáo viên Tiểu học phải là người biết cách khơi dậy và phát huy chức năng cao cả này của văn học đối với các em học sinh thân yêu qua mỗi tiết dạy của mình.

                                                                                    L.T.X 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phương Lựu (chủ biên), (2002), Lý luận văn học,  NXB Giáo dục.

2. Nguyễn Minh Thuyết (Chủ biên), (2010), Tiếng Việt 3, tập 1, NXB Giáo dục.

3. Nguyễn Minh Thuyết (Chủ biên), (2010), Tiếng Việt 4, tập 1, NXB Giáo dục.

4. Nguyễn Minh Thuyết (Chủ biên), (2010), Tiếng Việt 5, tập 1, NXB Giáo dục.

5. Lê Ngọc Trà, Lý luận và văn học, (2005), NXB Trẻ.

CÁC TIN KHÁC
Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Thư viện ảnh
Hỗ trợ online
thaiha0511@gmail.com
Hotline: 02693877244
phonghcqtc38@gmail.com
Hotline: 02693877351
Lượt truy cập
Online: 63 | Thống kê: 726455
Liên kết website
Bản quyền (C) 2013 thuộc trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai
Điện thoại: 0593.877.244 - Fax: 3877312. Email: cdspgialai@cdspgialai.edu.vn
Giấy phép số 383754/GP - BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 03/03/2013
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Địa chỉ: 126 Lê Thánh Tôn - T.P Pleiku - Gia Lai
Ghi rõ nguồn gốc "Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai" khi phát hành lại thông tin từ website này
Các trang sẽ mở ra tại cửa sổ mới. Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai không chịu trách nhiệm nội dung các trang này.