HOÀNG NGỌC PHONG
Trường CĐSP Gia Lai
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất trăn trở đến vấn đề văn hóa, nhất là nâng cao văn hóa dân tộc. Điều đó được thể hiện nhất quán trong tư tưởng của Người sau khi Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công với quan điểm xuyên suốt “Văn hóa soi sáng cho quốc dân đi”. Trong văn hóa Người quan tâm nhiều đến đời sống mới vì đó là nền tảng vững chắc của văn hóa đối với cuộc sống mới của dân tộc. Chính vì vậy, ngay từ khi còn trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch (8/1943), lần đầu tiên Người đã đưa ra định nghĩa về văn hóa. Điều thú vị là định nghĩa của Người có rất nhiều điểm gần với quan niệm hiện đại về văn hóa, Người viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày, về mặc, ăn, ở, và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó, tức là văn hóa” 1.
Nhận thấy tầm quan trọng của nâng cao văn hóa trong cuộc sống mới, Người nghĩ ngay đến nâng cao đời sống mới cho muôn dân. Do vậy, để có một phong trào xây dựng đời sống mới thu hút được nhiều người hưởng ứng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào xây dựng đời sống mới (1/1946) và đặc biệt vào tháng 4/1946, Người đã ký Sắc Lệnh thành lập Uỷ ban Trung Ương vận động đời sống mới. Tháng 3/1947, Người đã viết cuốn sách “Đời Sống Mới” để hướng dẫn việc xây dựng đời sống mới trong các tầng lớp nhân dân, trong toàn xã hội. Cuộc vận động ngay sau đó trở thành một phong trào quần chúng sôi nổi, rộng lớn ngay cả khi cách mạng mới thành công và nhân dân ta phải đi ngay vào cuộc kháng chiến chống ngoại xâm hết sức khốc liệt, khi cuộc sống còn trăm bề thiếu thốn khó khăn.
Đời sống mới là bao gồm cả “đạo đức mới, lối sống mới và nếp sống mới”. Ba nội dung ấy, có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó đạo đức đóng vai trò chủ yếu. Đạo đức gắn liền với lối sống và nếp sống. Chính vì vậy, việc xây dựng đạo đức mới phải được tiến hành đồng thời với việc xây dựng lối sống mới và nếp sống mới. Có dựa trên nền đạo đức mới thì mới xây dựng được lối sống mới, nếp sống mới lành mạnh, vui tươi, hướng con người tới tầm cao của văn hóa, của một đất nước độc lập và xã hội chủ nghĩa. Ba nội dung đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Muốn xây dựng đời sống mới trước hết là phải xây dựng được đạo đức mới. Về vấn đề này, Người đã chỉ ra rằng: Thực hiện đời sống mới là: cần, kiệm liêm, chính, nếu không giữ được cần, kiệm, liêm, chính dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân; còn “nêu cao và thực hành cần kiệm, liêm chính tức là nhen lửa cho đời sống mới” 2. Theo Hồ Chí Minh, phải xây dựng một phong cách khiêm tốn, giản dị, chừng mực, điều độ ngăn nắp, vệ sinh, yêu lao động, biết quý trọng thời gian, ít lòng ham muốn về vật chất, về chức quyền danh lợi. Trong quan hệ với nhân dân, bạn bè, đồng chí, anh em thì cởi mở, chân tình, ân cần, tế nhị, giàu lòng yêu thướng quý trọng con người, trân trọng con người; đối với mình thì chặt chẽ, đối với người khác thì khoan dung độ lượng. Người cho rằng: “Cách ăn mặc phải sạch sẽ, giản đơn, chất phác, chớ lướt thượt, xa xỉ, lòe loẹt” 3…vv
Nhìn tổng thể, nhiệm vụ xây dựng văn hóa đời sống mới trong tư tưởng của người nhằm biến Việt Nam thoát khỏi quốc gia nghèo nàn, lạc hậu trở thành một quốc gia văn minh và phú cường. Đó là quá trình lâu dài và phải có phương pháp tốt, điều đó đòi hỏi sự quyết tâm của cả dân tộc, song trước hết phải được bắt đầu từ mỗi con người, mỗi gia đình với tư cách là một tế bào của xã hội.
Ở nước ta hiện nay, việc xây dựng đời sống văn hóa mới nhất thiết phải tuân thủ những nguyên tắc phương pháp luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xây dựng đời sống mới, đồng thời phải có giải pháp phù hợp với tình hình cụ thể của đất nước trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chúng ta biết rằng: Cơ chế là hình thái tồn tại của sự vật đang vận động, là mắt xích trong quy trình vận động của sự vật. Trong lĩnh vực kinh tế “cơ chế kinh tế” là thuật ngữ phản ánh tổng thể các yếu tố có mối quan hệ chế ước và tác động qua lại lẫn nhau giữa các bộ phận cấu thành của hệ thống kinh tế, tạo thành động lực điều tiết dẫn dắt nền kinh tế phát triển.
Tính định hướng xã hội chủ nghĩa được thể hiện trên cả ba mặt của quan hệ sản xuất: sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối, nhằm mục đích cuối cùng là dân giàu, nước mạnh, tiến lên hiện đại, trong một xã hội do nhân dân làm chủ, nhân ái, có văn hóa, có kỷ cương, xóa bỏ áp bức và bất công, tạo điều kiện cho mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
Định hướng của văn hóa cũng vận dụng trên cơ sở định hướng xã hội chủ nghĩa nói chung, từ đó nêu lên những định hướng cụ thể của văn hóa. Điều đó được thể hiện rõ nét trong Nghị quyết lần thứ IV của Đảng (khóa VII, năm 1991) về một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt với phương châm: “Phát triển văn hóa với nước ngoài, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu đẹp thêm nền văn hóa Việt Nam. Ngăn chặn và đấu tranh chống sự xâm nhập của của các loại văn hóa độc hại, bảo vệ nền văn hóa dân tộc” 4.
Trên cơ sở đó, để vận dụng tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về đời sống mới vào việc xây dựng đời sống văn hóa mới trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, cần phải:
Thứ nhất, chúng ta phải ra sức học tập và làm tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” về xây dựng Đời sống văn hóa mới, sẽ đáp ứng được yêu cầu chung của công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng được sự mong đợi của đông đảo cán bộ, Đảng viên và toàn thể nhân dân.
Thứ hai, nắm vững phương hướng chung của sự nghiệp văn hóa nước nhà đã được Hội nghị lần thứ V (khóa VIII) của Đảng nêu lên là: “Phát huy chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo dựng trên đất nước ta một đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” 5.
Thứ ba, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là cách tốt nhất để phát triển sức sản xuất, nhằm tiến tới hiện đại hóa đất nước, tạo điệu kiện xây dựng văn hóa tiến bộ. Phát triển sản xuất, tạo điều kiện văn hóa phát triển song song với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có vai trò vừa giải phóng sức sản xuất xã hội, vừa thỏa mãn nhu cầu văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Văn hóa mà chúng ta xây dựng ở đây, là nền văn hóa tiên tiến, thích ứng với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tính tiên tiến của nó không những thể hiện sự tiếp nối hiệu quả truyền thống văn hóa mà quan trọng là thể hiện sự phát triển ở sức sống cơ bản của văn hóa mới, được bắt nguồn từ hoạt động sáng tạo của nhân dân. Do xây dựng và phát triển văn hóa đương đại, trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, chúng ta đã biết gắn phát triển văn hóa với kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế để phát triển văn hóa, mà thực chất là tăng trưởng kinh tế làm cho lực lượng sản xuất phát triển, năng suất lao động cao, thúc đẩy nhiều ngành làm ra sản phẩm có hàm lượng tri thức, hình thức mẫu mã ngày càng đa dạng và sinh động với nhiều sản phẩm văn hóa có giá trị ra đời.
Thứ tư, đẩy mạnh cuộc vận động giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với thi đua yêu nước và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Do tình hình mới của đất nước đứng trước nguy cơ từ thách thức của nền kinh tế thị trường, Hội nhập Quốc tế và khu vực nên bằng hình thức tuyên truyền giáo dục làm chuyển biến nhận thức trong toàn xã hội mà trước hết trong các cấp ủy Đảng, đảng viên, cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ các đoàn thể quần chúng về tầm quan trọng, sự cần thiết cấp bách của việc xây dựng, phát triển văn hóa và trách nhiệm trong bộ máy chính quyền biết gìn giữ, bảo vệ phát triển văn hóa.
Muốn vậy, phải giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn chặt với phong trào thi đua yêu nước, giáo dục về chủ nghĩa xã hội, về nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu; làm cho mọi người thấm nhuần truyền thống lịch sử và cách mạng dân tộc.
Phát động phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, huy động mọi lực lượng nhân dân và cả hệ thống chính trị từ trên xuống, từ trong Đảng, cơ quan Nhà nước, các đoàn thể ra ngoài xã hội tích cực tham gia phong trào. Phong trào gồm người tốt việc tốt, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, Xóa đói giảm nghèo, Xây dựng gia đình văn hóa, làng, xã, phường văn hóa, Toàn dân xây dựng đời sống mới ở các khu dân cư…và toàn bộ các phong trào ấy đều hướng vào cuộc thi đua yêu nước “Tất cả vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”./.
H.N.P
Chú Thích:
1 Văn kiện Hội nghị BCHTW 5 khóa VIII, ST, NXBCTQG, Hà Nội, 1998, tr19.
2 Trang điện tử: Tư tưởng Hồ Chí Minh về đời sống văn hóa(www.bplL.gov.vn/index).
3 Trang điện tử: Tư tưởng Hồ Chí Minh về đời sống văn hóa(www.bplL.gov.vn/index).
4 Phan Cự Đệ “Văn học đổi mới và giao lưu văn hóa” ST, NXBCTQG, Hà Nội, năm 1997, tr 259.
5 Văn kiện Hội nghị BCHTW 5 khóa VIII, ST, NXBCTQG, Hà Nội, 1998, tr19.