Ths. Dương Thơ
Giáo dục môi trường (GDMT) là một quá trình giáo dục nhằm góp phần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi người. Từ đó, giúp họ có ý thức tạo ra những thay đổi tích cực trong việc bảo vệ môi trường nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ở trường học, việc GDMT cho học sinh tất yếu phải thông qua môn học. Tuy nhiên, quỹ thời gian học tập ở nhà trường có hạn, nên vấn đề GDMT phải được tích hợp thông qua một số môn học, mà nội dung có quan hệ gần gũi với môi trường.
Qua nghiên cứu về nội dung, chương trình, SGK... tôi thấy rằng môn Tự nhiên – Xã hội (TN – XH) lớp 1,2,3 ở bậc Tiểu học với nhiều bài có khả năng tích hợp để GDMT cho học sinh. Nên tôi chọn vấn đề này làm bài tham luận khoa học của mình.
Nội dung bài viết đã làm rõ:
- Mục tiêu, quan điểm, ý nghĩa của việc tích hợp GDMT ở bậc Tiểu học.
- Xác định nội dung GDMT cần được tích hợp trong môn TN – XH lớp 1, 2, 3.
- Đưa ra phương pháp xác định kiến thức GDMT để tích hợp vào bài giảng (có minh họa ở một số bài cụ thể)...
I. MỞ ĐẦU:
1. Đặt vấn đề:
Như chúng ta đã biết, mỗi hoạt động của con người đều có tác động đến môi trường xung quanh. Khi xã hội loài người còn kém phát triển, các tác động đó không đáng kể; nhưng xã hội càng phát triển thì tác động đó ngày càng tăng. Đặc biệt trong thời đại ngày nay, những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã làm cho tác động của con người đến môi trường ngày càng rộng lớn và sâu sắc…Với những tác động tiêu cực sẽ làm cho chất lượng môi trường bị giảm sút, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, cân bằng sinh thái bị đảo lộn và ô nhiễm nghiêm trọng...
Để khắc phục những hạn chế nói trên, cần phải có hàng loạt các biện pháp, trong đó giáo dục là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu. Vì đây là biện pháp hữu hiệu nhất nhằm nâng cao trình độ dân trí, trang bị những hiểu biết cơ bản, cần thiết cho mọi người, mọi lứa tuổi về lĩnh vực môi trường.
2. Vai trò của môi trường:
+ Môi trường cung cấp những thứ cần thiết cho sự sống của con người và mọi sinh vật như: không khí để thở, nước để uống, nguồn thức ăn và không gian để tồn tại...
+ Môi trường cung cấp các thứ cần thiết để cho xã hội loài người phát triển như: các nguồn tài nguyên để tạo ra của cải vật chất, năng lượng cần thiết cho hoạt động phục vụ cho đời sống và sản xuất của con người...
+ Môi trường là nơi lưu trữ và cung cấp các nguồn thông tin cho con người như: Giúp cho con người biết được những điều bí ẩn trong quá khứ nhờ các hiện vật, di chỉ phát hiện được trong khảo cổ học; kết nối giữa hiện tại và quá khứ, dự đoán được tương lai...
+ Môi trường còn là nơi chứa đựng và phân huỷ các phế thải do con người và sinh vật tạo ra ...dưới sự tác động của các yếu tố tự nhiên như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng... cùng với sự tham gia của vi sinh vật sẽ phân huỷ và biến đổi trở thành các chất dinh dưỡng làm tăng độ phì cho đất.... Tuy nhiên, nếu số lượng chất thải tăng lên quá nhiều, đặc biệt có nhiều loại phế thải không thể phân hủy được sẽ làm cho môi trường bị ô nhiễm, đe dọa đến sự sống của con người và sinh vật...
3. Mục tiêu của giáo dục môi trường là gì?
+ Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sống trên Trái đất...Vì hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới môi trường đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của con người và sinh vật.
+ Trang bị cho người học các kiến thức về môi trường, nhằm giúp họ có được sự hiểu biết về môi trường, có kĩ năng sống và làm việc trong một môi trường trong lành, bền vững.
+ Giúp người học có thái độ, cách ứng xử đúng đắn truớc các vần đề về môi trường và luôn thân thiện với môi trường. Biết sử dụng một cách hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên nơi họ đang sinh sống, học tập và làm việc...
4. Mục tiêu giáo dục môi trường ở bậc tiểu học:
Bậc Tiểu học là bậc học nền tảng rất quan trọng, dễ tiếp thu những giá trị mới về kiến thức và kỹ năng... nên việc đưa giáo dục bảo vệ môi trường vào bậc học này sẽ giúp cho các em sớm có ý thức trong việc bảo vệ môi trường sống. Nếu được giáo dục tốt các em sẽ là lực lượng nòng cốt trong việc cải tạo, bảo vệ môi trường tại địa phương và đặc biệt hơn các em sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong cộng đồng...
Vì vậy, mục tiêu giáo dục môi trường ở bậc Tiểu học cần đạt là:
+ Về kiến thức:
Giúp cho học sinh ban đầu biết được:
- Các thành phần của môi trường và tác động qua lại giữa chúng
- Mối quan hệ giữa con người với môi trường...
- Biết được thế nào là ô nhiễm môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường xung quanh...
+ Về Kĩ năng:
- Biết giữ gìn vệ sinh mọi nơi, mọi lúc...
- Biết làm đẹp môi trường xung quanh...
- Biết trồng và chăm sóc cây xanh...
+ Thái độ:
- Có tình thương yêu, tôn trọng mọi người...
- Có ý thức sống thân thiện với thiên nhiên.
II. NỘI DUNG:
1. Tích hợp GDMT trong môn TNXH lớp 1, 2, 3
a. Khái niệm:
Tích hợp là sự kết hợp chặc chẽ, có cân nhắc, lựa chọn về mặt nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức dạy học nhằm thực hiện nhiệm vụ dạy học đạt kết quả tốt nhất. Việc tích hợp có thể thực hiện trong cùng môn học, hoặc giữa các môn học với nhau; với điều kiện các kiến thức đó phải có liên quan với nhau, hoặc có những điểm tương đồng…
Như vậy sự tích hợp kiến thức GDMT vào môn TN - XH là sự cân nhắc, lựa chọn, kết hợp chặc chẽ một cách có hệ thống các kiến thức GDMT và kiến thức môn TN - XH thành một nội dung thống nhất, gắn bó với nhau, dựa trên cơ sở các mối liên hệ được đề cập trong bài học...
b. Vì sao phải quán triệt quan điểm tích hợp:
Ngày nay, vấn đề tích hợp đã trở nên cấp thiết. Thực tiễn cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã xây dựng chương trình một số môn học ở bậc tiểu học theo hướng tích hợp. Vì môn học ở cấp I không tương ứng hoàn toàn với từng lĩnh vực văn hoá, khoa học riêng biệt, mà được xây dựng dưới dạng tích hợp những tri thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Mặt khác, khi xây dựng nội dung chương trình, cần phải chú đến mối liên hệ giữa các môn học....
c. Ý nghĩa của việc tích hợp trong dạy học:
+ Loại bỏ những trùng lặp về kiến thức trong từng bài học, môn học, cũng như các môn học có mối quan hệ gần gũi.
+ Nhờ tích hợp mà chúng ta có điều kiện giảm bớt số lượng môn học bắt buộc, giảm bớt số lượng tiết học, nhằm dành thời gian cho các hoạt động học tập, giáo dục khác; tăng khả năng thực hành, rèn luyện các kỹ năng cần thiết…
+ Nhờ tích hợp chúng ta có thêm nhiều thuận lợi để tiến hành giáo dục học sinh về các mặt: đạo đức, lao động, thẩm mỹ, thể chất…
+ Nhờ tích hợp mà cùng một sự kiện, một vấn đề, một nội dung…học sinh có thể tiếp thu một cách trọn vẹn, đầy đủ hơn, cũng như thấy được các mối liên hệ có tính bản chất hơn…
d. Nội dung kiến thức trong môn Tự nhiên – Xã hội lớp 1, 2, 3:
Chương trình môn Tự nhiên và xã hội lớp 1, 2, 3 được cấu trúc thành 3 chủ đề:
+ Chủ đề "Con người và sức khỏe": Giúp học sinh nhận biết được các bộ phận bên ngoài của cơ thể, vai trò của các giác quan, các hệ cơ quan trong cơ thể và những ảnh hưởng của môi trường tới sức khỏe con người...
+ Chủ đề "Xã hội": Giúp học sinh nhận biết được các thành viên cũng như các hoạt động trong gia đình, trường học, quê hương và các mối quan hệ với cuộc sống xung quanh...
+ Chủ đề "Tự nhiên": Giúp cho học sinh biết được đặc điểm, lợi ích các loài thực vật, động vật gần gũi cũng như các điều kiện sống và mối quan hệ của chúng...
e. Nội dung GDMT cần tích hợp trong môn TN –XH lớp 1, 2, 3:
Mỗi chủ đề nói trên đều có thể tích hợp nội dung giáo dục môi trường một cách thuận lợi.
+ Chủ đề "Con người và sức khỏe": Dựa vào kiến thức trong chủ đề, giáo viên hình thành cho học sinh có ý thức và thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh...
+ Chủ đề "Xã hội": Dựa vào kiến thức trong chủ đề, giáo viên hình thành cho học sinh thái độ tôn trọng, lòng thương yêu và có trách nhiệm giữ gìn môi trường sạch đẹp trong cộng đồng...
+ Chủ đề "Tự nhiên": Dựa vào kiến thức trong chủ đề, giáo viên hình thành cho học sinh ý thức thân thiện với môi trường và biết cách bảo vệ chúng...
2. Phương pháp xác định kiến thức GDMT để tích hợp vào nội dung bài học:
a. Các bước tiến hành:
+ Nghiên cứu SGK và phân loại các bài học để xác định các loại bài đã có nội dung hoặc có khả năng đưa nội dung GDMT vào bài. Kiến thức GDMT trong các bài học có thể phân biệt các loại bài khác nhau như:
- Toàn bài có nội dung GDMT.
- Trong bài có một mục, một đoạn hoặc một vài câu, một vài ý có nội dung GDMT.
- Kiến thức trong bài có một hoặc nhiều chỗ có khả năng liên hệ, bổ sung thêm kiến thức GDMT.
- Nội dung bài không có kiến thức và cũng không có khả năng liên hệ, bổ sung kiến thức GDMT.
+ Xác định kiến thức GDMT đã được lồng ghép vào các bài (nếu có).
+ Xác định các bài có khả năng đưa kiến thức GDMT vào bài bằng hình thức liên hệ và dự kiến các kiến thức có thể đưa vào từng bài.
b. Lựa chọn các kiến thức GDMT:
Việc lựa chọn các kiến thức GDMT để tích hợp vào bài học trong quá trình giảng dạy là rất cần thiết, vì sẽ giúp cho GV có sự tính toán để sắp xếp cho mình một hệ thống các kiến thức GDMT, phân bố theo từng chương trình, từng bài học. Để lựa chọn các kiến thức đó, GV cần lấy các kiến thức GDMT đã được dự kiến để xem xét, đối chiếu phù hợp cho từng nội dung bài giảng. Có vậy tiết học mới đạt được hiệu quả cao…
c. Các nguyên tắc đưa kiến thức GDMT vào bài học:
Do việc đưa kiến thức GDMT vào các bài học theo phương thức tích hợp, đặc biêt là hình thức liên hệ, có nghĩa là các kiến thức đưa vào bài giảng là do GV tự lựa chọn. Bởi vậy, việc đưa các kiến thức đó vào bài không thể tuỳ tiện, mà phải dựa vào những nguyên tắc khoa học rõ ràng. Những nguyên tắc đó là:
+ Phải dựa vào nội dung bài học, nghĩa là các kiến thức GDMT đưa vào bài học phải có mối liên hệ lôgic chặt chẽ với các kiến thức trong bài học. Các kiến thức trong bài học được coi là nền móng, là cơ sở cho kiến thức GDMT.
+ Các kiến thức GDMT đưa vào bài học phải có hệ thống, và phải phù hợp với trình độ của học sinh, không gây quá tải làm hạn chế đến việc tiếp thu nội dung chính của bài học. Theo nguyên tắc này, những kiến thức đưa vào bài phải có sự sắp xếp đúng chỗ, hợp lý, làm cho kiến thức môn học thêm phong phú, sát với thực tiễn…
+ Các kiến thức GDMT đưa vào bài học phải phản ánh được hiện trạng môi trường hoặc tình hình bảo vệ môi trường ở địa phương, giúp học sinh dễ dàng nhận thấy một cách cụ thể, không đưa ra những vấn đề xa lạ đối với các em…
d. Các bài được lựa chọn để tích hợp GDMT:
Qua nghiên cứu nội dung SGK môn TN – XH lớp 1, 2, 3, tôi thấy rằng nhiều nội dung bài học có khả năng tích hợp giáo dục môi trường cho học sinh rất lớn.
Ở đây, tôi chỉ chọn một số bài tiêu biểu cho mỗi lớp (mỗi lớp chọn 02 bài):
+ Lớp 1:
- Bài 09: Hoạt động và nghỉ ngơi
- Bài 13: Công việc ở nhà
+ Lớp 2:
- Bài 06: Tiêu hóa thức ăn
- Bài 29: Một số loài vật sống dưới nước
+ Lớp 3:
- Bài 25: Một số hoạt động ở trường
- Bài 30: Hoạt động nông nghiệp
Trên đây chỉ là một số bài tiêu biểu cho việc tích hợp GDMT ở môn TN – XH lớp 1,2,3. Ngoài ra, còn có rất nhiều bài có khả năng tích hợp GDMT khác nhau. Do đó, khi lập kế hoạch dạy học cho từng bài ở mỗi lớp, GV cần có sự nghiên cứu chuẩn bị cho từng nội dung bài giảng phù hợp, để rút ra các kiến thức cần GDMT cho học sinh. Cần lưu ý, GV không nên quá đi sâu vào vấn đề tích hợp làm ảnh hưởng đến thời gian tiết dạy và nội dung bài học…
e. Phương pháp tích hợp cho một số bài đã chọn:
* Lớp 1:
+ Bài 09: Hoạt động và nghỉ ngơi
Nội dung bài này giúp cho học sinh dựa vào các tranh trong SGK để nói lên những hoạt động ( nhảy dây, đá cầu, bơi lội...) mà các em yêu thích và sự cần thiết phải nghỉ ngơi , giải trí... Dựa vào kết luận ở hoạt động 2 (theo SGV), GV có thể mở rộng thêm để GDMT cho các em như sau:
" Chúng ta cần có những nơi thoáng mát, không khí trong lành ... để nghỉ ngơi sau các hoạt động. Chúng ta cần phải giữ vệ sinh ở bể bơi, bãi biển... (không phóng uế, không vức rác...).
Qua đó giúp các em ý thức được rằng: Cần phải giữ gìn vệ sinh môi trường nơi các em hoạt động và nghỉ ngơi, để không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe...
+ Bài 13: Công việc ở nhà
Nội dung bài này giúp học sinh biết được công việc của mỗi người trong gia đình, kể được các việc em thường làm để giúp đỡ gia đình. Từ đó giúp các em biết yêu lao động và tôn trọng thành quả lao động của mọi người .
GV dựa vào phần kết luận của hoạt động (theo SGV): Nếu mỗi người trong nhà đều quan tâm đến việc dọn dẹp nhà cửa, nhà ở sẽ gọn gàng, ngăn nắp. GV mở rộng thêm: "Chúng ta cần phải phát quang bụi rậm quanh nhà, khai thông cống rãnh, vệ sinh chuồng trại... để phòng tránh bệnh tật và góp phần bảo vệ môi trường... "
Qua đó, bước đầu sẽ giúp cho học sinh ý thức được rằng: Việc giữ sạch môi trường xung nhà ở không những đảm bảo sức khoẻ cho gia đình, mà còn có ý nghĩa lớn hơn là bảo vệ cuộc sống tốt đẹp cho cả cộng đồng…
* Lớp 2:
+ Bài 6: Tiêu hóa thức ăn
Nội dung bài này giúp cho học sinh hiểu sơ lược về: Sự biến đổi thức ăn ở khoang miệng, dạ dày, ruột non, ruột già. Qua đó, giúp cho học sinh có ý thức: Ăn chậm, nhai kĩ; không nô đùa khi ăn no; không nhịn đi đại tiện...
Dựa vào phần kết luận ở hoạt động 2 (SGV), GV bổ sung thêm để tích hợp GDMT cho các em như sau: "Chúng ta phải đi đại tiện đúng nơi quy định, không đi bừa bãi ..." và có thể hỏi thêm:" Tại sao chúng ta không nên đi đại tiện bừa bãi...". Tùy theo trình độ của học sinh, GV có thể hỏi bằng nhiều câu hỏi khác nhau... Qua đó sẽ giúp cho các em ý thức được rằng: Đi đại tiện bừa bãi sẽ làm nhiễm bẩn môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe trong cộng đồng...
+ Bài 29: Một số loài vật sống dưới nước
Nội dung bài này giúp cho học sinh biết được một số loài vật sống ở nước ngọt, nước mặn...
Sau khi cho học sinh kể tên và nêu lợi ích của một số con vật trong SGK. GV đưa ra câu hỏi để tích hợp GDMT cho các em như sau:
- Chúng ta phải làm gì để các con vật sống dưới nước (cá, cua...) không bị dịch bệnh? (gợi ý: không vứt rác thải, chất độc hại…vào môi trường sống của nó)
Như vậy, qua câu hỏi trên sẽ giúp cho các em có ý thức rằng: chúng ta muốn có cá, cua... để ăn hằng ngày mà không sợ mắc bệnh, thì phải bảo vệ môi trường sống của nó (nước) trong sạch…
* Lớp 3:
+ Bài 25: Một số hoạt động ở trường
Nội dung bài này nhằm giúp cho học sinh biết được một số hoạt động ở trường ngoài hoạt động học tập trong giờ học; biết được lợi ích của các hoạt động trên và qua đó có ý thức tham gia các hoạt động ở trường phù hợp với sức khỏe và khả năng của mình…
Sau khi GV kết luận (theo SGV) về các hoạt động chủ yếu trong nhà trường…GV đưa ra câu hỏi để tích hợp GDMT cho các em như sau:
Các em cần phải làm gì để ngôi trường chúng ta luôn sạch, đẹp? (gợi ý: Phải thường xuyên dọn vệ sinh, trồng và chăm sóc cây ở sân trường…)
Như vậy, qua câu hỏi trên sẽ giúp cho các em có ý thức rằng: để đảm bảo được sức khỏe, nhằm thực hiện các họat động trong nhà trường như: vui chơi, giải trí, văn nghệ, thể thao… thì các em cần phải giữ gìn sân trường sạch sẽ, thoáng mát. Đây là một trong những yếu tố nhằm góp phần giáo dục cho các em có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường…
+ Bài 30: Hoạt động nông nghiệp
Nội dung bài này nhằm giúp cho học sinh biết được một số hoạt động nông nghiệp của tỉnh, thành phố nơi các em đang học tập và sinh sống, cũng như biết được lợi ích của hoạt động nông nghiệp…
Trong hoạt động 1 (theo SGV), sau khi cho học sinh quan sát tranh và thảo luận theo nhóm, dựa vào các tranh 4 và 5 (trang 59 - SGK) GV đưa ra câu hỏi:
- Chúng ta cần phải làm gì để phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm? (gợi ý: tiêm thuốc phòng dịch, không nuôi thả rông, phải vệ sinh chuồng trại, cho ăn uống đầy đủ…)
- Nếu gia súc, gia cầm bị dịch bệnh chúng ta cần phải làm gì? (gợi ý: Báo với cơ quan y tế, không vức xác gia súc, gia cầm chết một cách bừa bãi, không ăn…).
GV phân tích thêm để HS thấy được việc phòng chống dịch bệnh làm cho ngành chăn nuôi phát triển ổn định, đồng thời là biện pháp bảo vệ môi trường tốt nhất…
Kết luận:
Chúng ta cần có cái nhìn rộng hơn về quan điểm tích hợp. Tích hợp không chỉ là để tinh giản, thu gọn, mà trong chừng mực nào đấy chúng ta có điều kiện bổ sung thêm kiến thức cho người học, đồng thời còn làm cho nội dung bài giảng thêm phong phú, tiết học trở nên hấp dẫn hơn…mà vẫn không làm ảnh hưởng đến nội dung bài học.
Môn Tự nhiên - Xã hội ở lớp 1, 2, 3 là môn học có nhiều thuận lợi để tích hợp nội dung GDMT cho học sinh. Việc giáo dục cho học sinh có ý thức bảo vệ môi trường không phải ngày một, ngày hai...mà phải được giáo dục thường xuyên từ năm này qua năm khác, từ cấp học này lên cấp học khác, thậm chí là giáo dục suốt đời...
Vì vậy, đòi hỏi GV phải nghiên cứu thực hiện ở nhiều mức độ khác nhau và có thể tiến hành bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau... mới mong đạt được kết quả tốt trong việc tích hợp GDMT cho học sinh...
D.T
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Phi Hạnh - Nguyễn Thị Kim Chương, Giáo dục môi trường qua môn địa lý ở trường phổ thông. NXB giáo dục, 1998.
[2] Đỗ Đình Hoan, Một số vấn đề cơ bản của chương trình tiểu học mới. NXB GD, 2002.
[3] Nguyễn Đình Hoè, Dân số - Định cư – Môi trường. NXB ĐHQG Hà Nội, 2000.
[4] Lê Huỳnh ( Chủ biên) - Nguyễn Thu Hằng Giáo trình giáo dục dân số - môi trường và giảng dạy địa lý địa phương. NXB ĐHSP, 2005.
[5] Lê Văn Khoa, Môi trường và ô nhiễm. NXB giáo dục, 1995.
[6] Bùi Phương Nga (chủ biên) và các tác giả, Tự nhiên – xã hội và phương pháp dạy học tự nhiên – xã hội. NXB GD, 2007.
[7] Bùi Phương Nga (chủ biên) và các tác giả, Sách giáo viên và sách giáo khoa môn TỰ NHIÊN – XÃ HỘI lớp1, 2, 3 NXB giáo dục, 2010.
-----------------------------&------------------------------