ThS. ĐINH THỊ MỸ HẰNG
Trường CĐSP Gia Lai
Tóm tắt: Dạy học theo định hướng phát triển năng lực là một trong những nội dung cơ bản của mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo. Đối với môn Địa lý, năng lực sử dụng bản đồ là một trong những năng lực chuyên biệt mà người học cần được hình thành và phát triển trong cả quá trình học tập. Để đáp ứng được mục tiêu này, người giáo viên có thể chuẩn bị cho tiến trình dạy học bằng hệ thống câu hỏi phù hợp với bảng mô tả năng lực. Bài viết này đề cập đến cách thức vận dụng bảng mô tả các mức độ cần đạt được trong năng lực sử dụng bản đồ để xây dựng hệ thống câu hỏi phục vụ cho tiến trình dạy học phần 2 trong sách giáo khoa Địa lý 8 hiện hành.
I. Đặt vấn đề
Hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông nước ta đang trong quá trình thực hiện bước chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học. Vì lẽ đó cho nên cách thức dạy học theo định hướng phát triển năng lực là một trong những nội dung cơ bản của mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo. Đối với môn học Địa lý, năng lực sử dụng bản đồ là một trong những năng lực chuyên biệt mang tính xuyên suốt trong các cấp học, lớp học và trong hầu hết các chủ đề dạy học. Để hình thành và phát triển năng lực này cho học sinh, người giáo viên có thể xây dựng hệ thống câu hỏi vận dụng bảng mô tả các mức độ cần đạt được trong năng lực sử dụng bản đồ vào các chủ đề liên quan. Đây là một trong những bước chuẩn bị cơ bản cho việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới.
Trong khuôn khổ bài viết này, sau khi giới thiệu ngắn gọn về năng lực và bảng mô tả năng lực sử dụng bản đồ Địa lý, tác giả minh họa bằng hệ thống câu hỏi vận dụng bảng mô tả năng lực sử dụng bản đồ vào một số chủ đề trong phần hai - sách giáo khoa Địa lý 8 hiện hành (Phần Địa lý tự nhiên Việt Nam). Trong các chủ đề được lựa chọn, bài viết nhấn mạnh đến các nội dung (các mục trong sách giáo khoa hiện hành) liên quan trực tiếp đến bản đồ.
II. Giải quyết vấn đề
1. Năng lực và bảng mô tả năng lực sử dụng bản đồ Địa lý
Mục tiêu của dạy học định hướng phát triển năng lực là hình thành cho người học các năng lực chung và năng lực chuyên biệt. Năng lực chung là những năng lực cơ bản, thiết yếu hoặc cốt lõi… làm nền tảng cho mọi hoạt động của con người trong cuộc sống và lao động nghề nghiệp. Năng lực chuyên biệt là những năng lực được hình thành và phát triển trên cơ sở các năng lực chung theo định hướng chuyên sâu, riêng biệt trong các loại hình hoạt động, công việc hoặc tình huống, môi trường đặc thù, cần thiết cho những hoạt động chuyên biệt, đáp ứng yêu cầu hạn hẹp hơn của một hoạt động.
Đối với môn Địa lý, năng lực sử dụng bản đồ là một trong những năng lực chuyên biệt mà người học phải đạt được [6]. Để hình thành năng lực học tập với bản đồ, cần đặt ra yêu cầu sử dụng bản đồ theo các mức độ từ thấp đến cao. Năng lực sử dụng bản đồ chia thành 5 mức độ, được mô tả theo bảng sau:
Mức 1 |
Mức 2 |
Mức 3 |
Mức 4 |
Mức 5 |
Xác định được phương hướng, vị trí, giới hạn của các đối tượng tự nhiên và kinh tế - xã hội trên bản đồ. |
Mô tả được đặc điểm về sự phân bố, quy mô, tính chất, cấu trúc, động lực của các đối tượng tự nhiên và kinh tế - xã hội được thể hiện trên bản đồ. |
So sánh được sự giống nhau và khác nhau về đặc điểm tự nhiên và kinh tế - xã hội của hai khu vực được thể hiện trên bản đồ. |
Giải thích và chứng minh được sự phân bố, đặc điểm hoặc mối quan hệ của các yếu tố tự nhiên và kinh tế - xã hội được thể hiện trên bản đồ. |
Sử dụng bản đồ trong học tập và trong các hoạt động thực tiễn như khảo sát, tham quan, thực hiện dự án… ở ngoài thực địa có hiệu quả. |
Trong bảng trên, mức 1 diễn tả năng lực sử dụng bản đồ ở mức sơ đẳng nhất, học sinh được học, rèn luyện các kiến thức cơ bản về bản đồ (xác định phương hướng, vị trí, giới hạn của các đối tượng tự nhiên và kinh tế - xã hội trên bản đồ). Các mức 2, 4 có yêu cầu rõ ràng và có thể sử dụng theo từng bản đồ. Ở mức 3 cần vận dụng linh hoạt: So sánh được sự giống nhau và khác nhau về đặc điểm tự nhiên và kinh tế - xã hội của hai khu vực được thể hiện trên một bản đồ hoặc giữa khu vực trên bản đồ với một khu vực khác ở một bản đồ khác. Mức 5 liên quan đến hoạt động khảo sát, tham quan, thực hiện dự án ở ngoài thực địa nên câu hỏi hầu như không được giải quyết ngay trên lớp. Mặt khác, tùy vào nội dung và yêu cầu của từng mục, bài để xác định học sinh cần đạt được các mức nào, không phải nội dung nào cũng yêu cầu phải đạt được cả 5 mức độ như bảng mô tả đã đưa ra.
2. Xây dựng hệ thống câu hỏi vận dụng bảng mô tả năng lực sử dụng bản đồ cho các chủ đề Địa lý lớp 8 - phần hai
Căn cứ vào bảng mô tả năng lực sử dụng bản đồ như trên, giáo viên cần xây dựng hệ thống câu hỏi vận dụng cho các chủ đề dạy học trong sách giáo khoa có liên quan đến bản đồ. Các bản đồ được sử dụng gồm cả bản đồ trong sách giáo khoa và Atlat Địa lý Việt Nam. Các chủ đề dạy học và các mục bài viết lựa chọn trong sách giáo khoa Địa lý 8 - phần hai gồm:
1. Vị trí, giới hạn, hình dạng lãnh thổ. Vùng biển Việt Nam (Mục 1, bài 23; Mục 1, bài 24).
2. Địa hình Việt Nam (Mục 1, 2, bài 28; Mục 1, bài 29).
3. Sông ngòi Việt Nam (Mục 1, bài 33).
4. Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ (Mục 1, 3, bài 41).
5. Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ (Mục 1, 2, bài 42).
6. Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ (Mục 1, 3, bài 43).
Hệ thống câu hỏi vận dụng bảng mô tả cho từng chủ đề dạy học như sau:
2.1. CHỦ ĐỀ 1: Vị trí, giới hạn, hình dạng lãnh thổ. Vùng biển Việt Nam
* Mức 1:
Câu 1: Dựa vào bản đồ hành chính trang 4 - 5 trong Atlat hoặc bản đồ trang 82 và 87:
a. Cho biết Việt Nam nằm ở khu vực nào của châu Á?
b. Xác định các điểm cực Bắc, Nam, Đông, Tây của Việt Nam trên đất liền.
c. Xác định vị trí giới hạn và phạm vi lãnh thổ của Việt Nam.
Câu 2: Dựa vào bản đồ hành chính trang 4 - 5 trong Atlat hoặc bản đồ trang 87 cho biết:
a. Giới hạn của biển Đông.
b. Vị trí các eo biển và vịnh biển. (Đã nêu trong phần kênh chữ SGK).
* Mức 2:
Câu 3: Dựa vào bản đồ hành chính trang 4 - 5 trong Atlat hoặc bản đồ trang 82 và 87 phân tích ý nghĩa của vị trí Địa lý nước ta về mặt tự nhiên, kinh tế - xã hội?
Câu 4: Dựa vào bản đồ hành chính trang 4 - 5 trong Atlat hoặc bản đồ trang 87 cho biết biển Đông có vai trò như thế nào về tự nhiên, kinh tế, chính trị - xã hội?
* Mức 3:
Câu 5: Dựa vào bản đồ hành chính trang 4 - 5 trong Atlat hoặc bản đồ trang 82 và 87 so sánh sự khác nhau về đặc điểm vị trí Địa lý của Việt Nam so với 2 nước còn lại trong bán đảo Đông Dương (Lào, Campuchia)?
* Mức 4:
Câu 6: Dựa vào các bản đồ hình trên và nội dung đã phân tích, hãy cho biết vị trí Địa lý của Việt Nam đem lại lợi thế so sánh như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội?
Câu 7: Dựa vào bản đồ hành chính trang 4 - 5 trong Atlat hoặc bản đồ trang 87 và kiến thức đã học giải thích tại sao nước ta không bị hoang mạc hóa như các nước cùng vĩ độ?
2.2. CHỦ ĐỀ 2: Địa hình Việt Nam
* Mức 1:
Câu 1: Dựa vào bản đồ hình thể trang 6 - 7 trong Atlat hoặc bản đồ Hình 28.1 trang 103 cho biết:
a. Các khu vực núi cao/khu vực núi thấp nằm ở những vùng nào trên lãnh thổ?
b. Xác định vị trí các đỉnh núi cao: Phanxipang, Ngọc Linh.
c. Tìm các vùng núi cao, cao nguyên bazan, các đồng bằng trẻ.
Câu 2: Dựa vào bản đồ hình thể trang 6 - 7 trong Atlat hoặc bản đồ Hình 28.1 trang 103: Xác định hướng của các dãy núi: Hoàng Liên Sơn, Trường Sơn Bắc; Ngân Sơn, Bắc Sơn, Sông Gâm, Đông Triều.
* Mức 2:
Câu 3: Dựa vào bản đồ hình thể trang 6 - 7 trong Atlat hoặc bản đồ Hình 28.1 trang 103 nhận xét về sự phân bố và hướng nghiêng của địa hình?
Câu 4: Dựa vào bản đồ hình thể trang 4 - 5 trong Atlat hoặc bản đồ trang 103 kết hợp sách giáo khoa cho biết đặc điểm chung của địa hình Việt Nam?
Câu 5: Dựa vào bản đồ hình 28.1 nhận xét về các khu vực mang tính chuyển tiếp giữa các bậc địa hình trên lãnh thổ?
* Mức 3:
Câu 6: Dựa vào bản đồ hình thể trang 6 - 7 trong Atlat hoặc bản đồ Hình 28.1 trang 103 kết hợp sách giáo khoa so sánh đặc điểm địa hình các vùng đồi núi ở Việt Nam? (vùng núi Đông Bắc, vùng núi Tây Bắc, vùng núi Trường Sơn Bắc, vùng núi và cao nguyên Trường Sơn Nam, địa hình bán bình nguyên Đông Nam Bộ và vùng đồi trung du Bắc Bộ).
* Mức 4:
Câu 7: Dựa vào bản đồ hình 28.1 cho biết tại sao các dãy núi Hoàng Liên Sơn, Bạch Mã, Hải Vân được coi là các ranh giới khí hậu của Việt Nam?
* Mức 5 (dành cho học sinh có điều kiện được đi thực địa):
Câu 8: Theo dõi và nhận xét sự thay đổi đặc trưng khí hậu, thời tiết khi đi qua các dãy núi cao (Hoàng Liên Sơn, Bạch Mã, đèo Hải Vân).
2.3. CHỦ ĐỀ 3: Sông ngòi Việt Nam
* Mức 1:
Câu 1: Dựa vào bản đồ các hệ thống sông trang 10 trong Atlat hoặc bản đồ hình 33.1 trang 118:
a. Xác định vị trí các hệ thống sông lớn của Việt Nam.
b. Nêu tên các sông lớn và sắp xếp theo hai hướng chính là tây bắc - đông nam và vòng cung.
c. Nêu tên các sông xuất phát từ quốc gia khác chảy vào Việt Nam.
* Mức 2:
Câu 2: Dựa vào bản đồ các hệ thống sông trang 10 trong Atlat hoặc bản đồ hình 33.1 trang 118 nhận xét mối quan hệ giữa hướng nghiêng của địa hình với hướng chảy của sông ngòi.
* Mức 3:
Câu 3: Dựa vào bản đồ các hệ thống sông trang 10 trong Atlat hoặc bản đồ hình 33.1 trang 118 so sánh đặc điểm các sông ở vùng đồng bằng (Bắc Bộ, Nam Bộ) với các sông ở miền Trung.
Câu 4: Dựa vào bản đồ hình 33.1 trang 118 và kiến thức đã học so sánh đặc điểm lũ các sông ở vùng đồng bằng (Bắc Bộ, Nam Bộ) với các sông ở miền Trung.
* Mức 4:
Câu 5: Dựa vào bản đồ trên và kiến thức đã học, hãy cho biết mối quan hệ giữa các đặc điểm địa hình, khí hậu với sông ngòi.
Câu 6: Dựa vào bản đồ hình 28.1 trang 103 và bản đồ hình 33.1 trang 118 cho biết tại sao các sông ngòi ở miền Trung lại ngắn, dốc?
* Mức 5 (dành cho học sinh có điều kiện được đi thực địa):
Câu 7: Dựa vào bản đồ Việt Nam nêu tên và khái quát các đặc điểm của con sông trên tuyến, điểm thực địa.
2.4. CHỦ ĐỀ 4: Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ
* Mức 1:
Câu 1: Dựa vào bản đồ hình 41.1 trang 141:
a. Xác định vị trí và giới hạn của miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ.
b. Xác định vị trí các dãy núi chính, các sơn nguyên đá vôi Hà Giang, Cao Bằng, đồng bằng sông Hồng, các con sông lớn, vùng quần đảo Hạ Long - Quảng Ninh.
Câu 2: Dựa vào bản đồ hình 41.1 trang 141: Xác định các hướng núi và tên các núi theo từng hướng.
Câu 3: Dựa vào bản đồ hình 41.1 trang 141: Nêu tên và phân bố các loại khoáng sản chính.
* Mức 2:
Câu 4: Dựa vào bản đồ hình 41.1 trang 141: nhận xét hướng nghiêng của địa hình.
Câu 5: Dựa vào bản đồ hình 41.1 trang 141: nhận xét tính đa dạng về địa hình của miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ.
Câu 6: Dựa vào bản đồ hình 41.1 trang 141: phân tích những thuận lợi và khó khăn của địa hình đối với phát triển kinh tế - xã hội của miền.
* Mức 4:
Câu 7: Dựa vào bản đồ trên và kiến thức đã học, chứng minh miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ có thiên nhiên đa dạng.
2.5. CHỦ ĐỀ 5: Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ
* Mức 1:
Câu 1: Dựa vào bản đồ hình 42.1 trang 145:
a. Xác định vị trí và giới hạn của miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ.
b. Xác định vị trí các dãy núi chính: Hoàng Liên Sơn, Pu Đen Đinh, Pu Sam Sao, Trường Sơn Bắc, Hoành Sơn, Bạch Mã; các đồng bằng Thanh Hóa, Nghệ An, các con sông lớn.
Câu 2: Dựa vào bản đồ hình 42.1 trang 145 cho biết những dãy núi, những sông lớn nào có hướng tây bắc - đông nam?
Câu 3: Dựa vào bản đồ hình 42.1 trang 145: Nêu tên và phân bố các loại khoáng sản chính.
* Mức 2:
Câu 4: Dựa và bản đồ hình 42.1 trang 145 nhận xét hướng nghiêng của địa hình miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ.
* Mức 3:
Câu 5: Dựa và bản đồ hình 42.1 trang 145 và bản đồ hình 41.1 trang 141 so sánh các đặc điểm tự nhiên của miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ so với miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ.
* Mức 4:
Câu 6: Dựa vào đặc điểm địa hình thể hiện trên bản đồ hình 42.1 trang 145 giải thích tác động của yếu tố địa hình làm cho miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ có mùa đông ngắn hơn và ấm hơn miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ.
2.6. CHỦ ĐỀ 6: Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ
* Mức 1:
Câu 1:
a. Dựa vào bản đồ hình 43.1 trang 149: Xác định vị trí và giới hạn của miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
b. Xác định vị trí các khu vực núi cao, dãy núi, cao nguyên chính, các con sông lớn, các đảo ven bờ.
Câu 2: Dựa vào bản đồ hình 43.1 trang 149 xác định vị trí, phạm vi đồng bằng sông Cửu Long.
Câu 3: Dựa vào bản đồ hình 43.1 trang 149: Nêu tên và phân bố các loại khoáng sản chính.
* Mức 3:
Câu 4: Dựa vào bản đồ hình 43.1 trang 149, hình 42.1 trang 145 và bản đồ hình 41.1 trang 141 so sánh các đặc điểm tự nhiên giữa các miền tự nhiên: miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ so với miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ?
Câu 5: Dựa vào bản đồ hình 43.1 trang 149, hình 42.1 trang 145, hình 41.1 trang 141 và sách giáo khoa so sánh sự khác nhau về hình dạng, diện tích, mức độ cắt xẻ của các đồng bằng: đồng bằng sông Hồng, đồng bằng duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long?
* Mức 4:
Câu 6: Dựa vào bản đồ hình 43.1 trang 149 giải thích tác động của yếu tố địa hình làm cho miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ không có mùa đông lạnh giá như hai miền phía bắc?
III. KẾT LUẬN
Dạy học theo định hướng phát triển năng lực có sứ mạng cung cấp cho học sinh cách thức, con đường để đi đến tri thức, đặc biệt là các tri thức khoa học, hiện đại. Thông qua nội dung, hệ thống câu hỏi vận dụng bảng mô tả năng lực sử dụng bản đồ nói riêng và bảng mô tả các mức độ nhận thức nói chung của từng chủ đề dạy học, học sinh sẽ từng bước tiếp cận được con đường đó. Để bản đồ thực hiện chức năng là nguồn cung cấp tri thức bên cạnh nguồn kênh chữ trong sách giáo khoa, cả người dạy và người học cần có định hướng hướng dẫn khai thác và khai thác có hiệu quả thông qua sự phân hóa mức độ câu hỏi. Học sinh phải biết kết hợp vốn hiểu biết về bản đồ và các kiến thức Địa lý đã có để tìm ra những kiến thức chứa đựng trong mỗi bản đồ theo yêu cầu của bài học; biết cách tìm kiếm thông tin từ các bản đồ riêng lẻ hoặc đối chiếu, so sánh, phối hợp các bản đồ với nhau trên cơ sở đó mà nắm vững tri thức, phát triển tư duy và kĩ năng sử dụng bản đồ.
Hệ thống câu hỏi nêu trên được sắp xếp theo mức độ nhận thức từ thấp đến cao theo các nội dung có liên quan đến sử dụng bản đồ trong chủ đề dạy học. Trong quá trình thiết kế chủ đề và tổ chức dạy học trên lớp, người dạy cần đưa câu hỏi cho phù hợp với nội dung từng vấn đề. Để nâng cao hiệu quả dạy học Địa lý ở THCS, cần phối hợp giữa sử dụng bản đồ theo các mức độ nhận thức với các phương tiện dạy học như tranh ảnh, video clip,… đặc biệt là các hình thức tham quan, khảo sát địa phương, thực hiện dự án để tạo biểu tượng cụ thể, sinh động về các đối tượng Địa lý cho học sinh; đồng thời phát huy cao độ tính tích cực trong học tập của học sinh. Đối với sinh viên hệ cao đẳng ngành Sư phạm Địa lý, hệ thống câu hỏi theo bảng mô tả năng lực sử dụng bản đồ phục vụ cho phần thực hành của học phần Bản đồ học ở năm thứ 2 trong chương trình đào tạo.
Tài liệu tham khảo
[1] Lâm Quang Dốc (2003), Bản đồ giáo khoa, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
[2] Lâm Quang Dốc (2004), Bản đồ học, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
[3] Nguyễn Công Khanh, Đào Thị Oanh, Lê Mỹ Dung (2014), Tài liệu kiểm tra đánh giá trong giáo dục, Tài liệu tập huấn, Hà Nội.
[4] Đặng Duy Lợi (CB) (2005), Địa lý tự nhiên Việt Nam (Tập 1), NXB Giáo dục.
[5] Đặng Duy Lợi (CB) (2007), Địa lý tự nhiên Việt Nam (Tập 2), NXB Giáo dục.
[6] Vụ giáo dục Trung học, Chương trình phát triển Giáo dục trung học (2014), Kiểm tra đánh giá trong quá trình dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh trong trường THCS (môn Địa lý), Tài liệu tập huấn, Hà Nội.