Từ ngày 12 đến 14.8, Hội nghị Toán học miền Trung - Tây Nguyên lần thứ nhất đã diễn ra tại Trường ĐH Quy Nhơn. Gần 200 giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên Toán học nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã về dự Hội nghị. Từ sự kiện này, có thể khẳng định tiềm lực Toán học của Bình Định và khu vực miền Trung - Tây Nguyên rất dồi dào, mở ra hướng xây dựng cộng đồng Toán học ở cấp khu vực.
Báo cáo của Cử nhân Nguyễn Dư Vi Nhân (Trường ĐH Quy Nhơn) tại tiểu ban Giải tích được nhiều nhà khoa học trong và ngoài tỉnh quan tâm. |
Nhiều nhà khoa học đã nói nhiều đến sự “bất ngờ” của họ khi chứng kiến diễn biến Hội nghị. Xuất phát từ ý tưởng nhỏ của một nhóm người yêu Toán muốn có một nơi gặp gỡ, giao lưu với nhau trong tầm khu vực, nhưng Hội nghị đã nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu Toán học cả nước và các lãnh đạo Viện Toán học Việt Nam. Còn những điều thú vị là nhiều báo cáo rất chất lượng, những đóng góp, chia sẻ hay, cách tổ chức chu đáo, bài bản, chuyên nghiệp của đơn vị đăng cai (Trường ĐH Quy Nhơn). Đặc biệt tại một hội nghị chuyên sâu như Hội nghị về Toán lại có điều thú vị là nhiều nhà nghiên cứu lại dành không ít thời gian để… tâm tình rằng họ rất ngạc nhiên bởi thành phố biển Quy Nhơn quá đẹp.
PV Báo Bình Định đã lược ghi lại một số ý kiến, cảm nhận về Hội nghị lần đầu này.
GS-TSKH PHÙNG HỒ HẢI, Phó Viện trưởng Viện Toán học, Tổng thư ký Hội Toán học Việt Nam:
Hội nghị đã chứng tỏ khả năng tự lập của những người làm Toán miền Trung - Tây Nguyên
Bản thân tôi đánh giá cao Hội nghị này, từ ý tưởng, việc những người nghiên cứu, giảng dạy Toán trong khu vực tự đứng ra tổ chức và mời thêm các nhà Toán học trong nước tham dự. Mặc dù là hội nghị cấp khu vực nhưng có chất lượng rất tốt.
Đối với giới nghiên cứu Toán học, cơ hội gặp nhau rất quan trọng, để chia sẻ với nhau cả những vấn đề chuyên môn lẫn tinh thần. Nhiều khi, trong những câu chuyện vui thôi, những ý tưởng Toán học có thể nảy ra. Cũng có khi, với một vấn đề, một người làm Toán suy nghĩ cả năm trời không ra, nhưng đến dự một hội nghị, được nghe một gợi ý, thậm chí là câu nói bâng quơ của đồng nghiệp khác, lại giúp giải quyết vấn đề mình đã nghĩ cả năm trời đó. Cho nên, dù chúng ta đã có internet cùng nhiều phương tiện để giao tiếp tiện lợi nhưng việc nhìn thẳng vào mắt nhau mà trao đổi Toán học cũng không thể thay thế được. Tôi cho rằng, những hội nghị như thế này cần phải được mở rộng ra và các vùng, miền khác cần tham khảo.
Bước đi đầu tiên này của khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã chứng tỏ khả năng tự lập của giới làm Toán nơi đây trong việc tiến tới trở thành một cộng đồng Toán học có thể hoạt động tự lập. Hội nghị cũng cho thấy, nhiều người làm Toán trẻ tuổi, nhất là các giảng viên trẻ của Trường ĐH Quy Nhơn, với những kết quả Toán học rất có giá trị, đã và đang vượt qua lớp đàn anh.
PGS-TS ĐINH THANH ĐỨC, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, Trưởng Ban tổ chức Hội nghị:
Nghiên cứu Toán học của khu vực có những đặc thù, thế mạnh riêng
Với gần 90 báo cáo trình bày tại Hội nghị, có thể nói ngay lần đầu tiên diễn ra, Hội nghị đã thành công. Tất cả các nhà khoa học đã có cơ hội trình bày, góp ý, giao lưu lẫn nhau, tạo động lực phát triển Toán học trong khu vực và thúc đẩy quá trình nghiên cứu trong các trường đại học, cao đẳng.
Lâu nay, trong lĩnh vực nghiên cứu Toán, cả hàn lâm và ứng dụng, do địa bàn các tỉnh trải rộng, chưa có sự tập hợp bài bản chứ tập trung được thì lực lượng nghiên cứu của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên rất mạnh. Tuy chưa thể so với hai đầu đất nước nhưng khu vực vẫn có những đặc thù, thế mạnh riêng. Nhất là ở Trường ĐH Quy Nhơn, khoa Toán đã có những lĩnh vực nghiên cứu tốt, sâu mà cả nước chưa có.
Tại Hội nghị này, toàn bộ báo cáo là những hướng nghiên cứu, bài báo, kết quả Toán học mới, vừa mới được công bố hoặc chưa được công bố. Các nhà khoa học muốn trình bày, chia sẻ để được đồng nghiệp góp ý, hoàn thiện tốt hơn. 3 báo cáo mời toàn thể (toàn Hội nghị) trong buổi khai mạc đã đưa ra những ý tưởng, bài toán lớn. Một số báo cáo tiểu ban mời đưa ra những đặc thù, nét nghiên cứu cơ bản. Đáng chú ý như tiểu ban Giảng dạy và Lịch sử Toán học đã tập hợp nhiều nhà phương pháp từ Huế đến Ninh Thuận tham gia góp ý rất tốt các báo cáo về phương pháp dạy Toán; hay ở lĩnh vực Toán tài chính cũng có một số báo cáo tốt, vận dụng Toán học giải quyết hiệu quả các bài toán kinh tế...
Riêng với khoa Toán của Trường ĐH Quy Nhơn, hiện có 24 tiến sĩ, đa số trẻ tuổi, năng lực tốt với nhiều công trình khoa học. Hội nghị là một cơ hội tốt để họ trình bày, chia sẻ hướng nghiên cứu của mình, góp phần khẳng định thêm uy tín và chất lượng của nhà trường trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, giảng dạy Toán học trong khu vực và cả nước.
Từ thành công của Hội nghị lần thứ nhất, Ban tổ chức đang dự kiến sẽ tổ chức hội nghị tiếp theo trong 2 năm tới tại Trường Đại học Đà Lạt.
TS TRỊNH ĐÀO CHIẾN, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai:
Các báo cáo đã thật sự đáp ứng đúng nhu cầu của chúng tôi
Tôi cùng nhiều đồng nghiệp ở nhiều tỉnh, thành rất ấn tượng với cách tổ chức chu đáo, bài bản, chuyên nghiệp của đơn vị đăng cai là Trường ĐH Quy Nhơn. Và điều phấn khởi hơn cả là Hội nghị đã thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu Toán học cả nước, phù hợp với nhiều đối tượng khi đề cập đến 2 mảng nghiên cứu là nghiên cứu chuyên sâu về khoa học cơ bản và phương pháp giảng dạy, lịch sử về Toán học.
Hội nghị có nhiều báo cáo chất lượng, riêng tôi và các đồng nghiệp công tác tại trường đại học, cao đẳng rất ấn tượng với các báo cáo về phương pháp giảng dạy. Chúng thật sự đáp ứng nhu cầu của chúng tôi. Với tỉnh miền núi như Gia Lai, vấn đề nghiên cứu Toán còn yếu, chúng tôi đến đây chủ yếu để học hỏi và đã học được rất nhiều điều bổ ích.
Ngoài ra, đến với Hội nghị, chúng tôi cũng rất ấn tượng với sự phát triển của Trường ĐH Quy Nhơn, đặc biệt là khoa Toán, và được đi thăm thú nhiều cảnh đẹp, thưởng thức các đặc sản của Bình Định. Tất cả đều rất tuyệt vời.
NGỌC TÚ