Th.s Chử Lương Đào
I. Chủ trương, đường lối,chính sách và pháp luật của Đảng và nhà nước về ngôn ngữ dân tộc và dạy ngôn ngữ dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số
- Xưa nay, ở những quốc gia đa dân tộc, chính quyền bao giờ cũng có chính sách dân tộc, trong đó có chính sách ngôn ngữ dân tộc.
- Trong lịch sử, những kẻ sau khi đã thôn tính quốc gia khác, cùng với bóc lột về kinh tế là âm mưu đồng hóa về chính trị và văn hóa. Ngôn ngữ xâm lược được truyền dạy cho một bộ phận nhỏ người bản địa với mục đích đào tạo công chức, viên chức cho chính quyền và bành trướng văn hóa.
- Ở Việt Nam
+ Khi giành được độc lập dân tộc năm 938 sau hàng ngàn năm Bắc thuộc, một mặt cha ông ta quyết tâm khẳng định và bảo vệ nền độc lập ấy, mặt khác lại xây dựng mô hình nhà nước phong kiến giống Trung Hoa. Và chữ Hán là ngôn ngữ hành chính chính thức của các triều đại phong kiến Việt Nam 10 thế kỉ, trừ triều đại Tây Sơn ngắn ngủi 4 năm chủ trương dùng chữ Nôm.
+Thời thuộc Pháp ( 1861-1945) Việt Nam cùng tồn tại 4 loại văn tự là Pháp,Nôm, Hán, Quốc ngữ.
+ Sau 1945
* Việt Nam là quốc gia đa dân tộc. Ngoài người Việt (Kinh) chiếm 85% còn lại 53 dân tộc thiểu số khác. Đông đúc là Tày, Mường, Thái, Khơ me…ít ỏi là Brâu, Rơ măm (Kon Tum) và Chứt( Rục- Quảng Bình) thuộc các ngữ hệ khác nhau( Thái Mèo- Dao, Hán- Tạng…) Người Bah Nar thuộc ngữ hệ Nam Á; người Jrai thuộc ngữ hệ Nam Đảo. Các dân tộc có chữ viết lâu đời là Thái, Tày, Nùng, Chăm, Khơ me, Dao…
* Chính sách đối với ngôn ngữ các dân tộc thiểu số
Nhà nước Việt Nam chủ trương tôn trọng tiếng mẹ đẻ của các dân tộc, đảm bảo sự phát triển tự do và bình đẳng của tất cả các ngôn ngữ dân tộc ở VN. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng 1930 đã đề ra chính sách “ đoàn kết dân tộc trên cơ sở những nguyên tắc bình đẳng và tương trợ lẫn nhau để giành lại độc lập và hạnh phúc chung cho các dân tộc”. Chính cương 1951 ghi rõ: “Các dân tộc sống trên đất nước VN đều được bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ…Cải thiện đời sống cho các dân tộc ít người, giúp đỡ họ tiến bộ về mọi mặt, đảm bảo để họ tham gia chính quyền và dùng tiếng mẹ đẻ trong việc giáo dục ở các địa phương.”
Chính sách ngôn ngữ dân tộc cũng được ghi trong Hiến pháp, từ bản đầu tiên 1946 đến các bản sửa đổi những năm 1960, 1980,1992. “ Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình” ( Điều 5) “ Tòa án nhân dân đảm bảo cho công dân nước CHXHCNVN thuộc các dân tộc quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình trước tòa án” ( Điều 133) ( HP 1992)
Luật phổ cập giáo dục tiểu học ban hành ngày 6/8/1991: “ Các dân tộc thiểu số có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình cùng với tiếng Việt để thực hiện giáo dục tiểu học.”
Luật Giáo dục tiểu học ngày 10/12/1998 nói rõ hơn: “ Nhà nước tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói chữ viết của dân tộc mình. Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số sẽ được thực hiện theo qui định của chính phủ.”
Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính phủ đều nhằm 3 mục đích:
1.Cải tiến và xây dựng chữ viết cho các dân tộc thiểu số.( theo hướng gần gũi với chữ quốc ngữ)
2. Sử dụng tiếng nói và chữ viết dân tộc sao cho thích hợp, hiệu quả.
3. Duy trì bảo vệ ngôn ngữ và văn hóa dân tộc.(1)
Ngôn ngữ dân tộc là một nội dung, là bộ phận cấu thành của văn hóa dân tộc.Duy trì và bảo vệ ngôn ngữ dân tộc là duy trì và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc- một công việc mang tính nhân văn sâu sắc. Vì nếu mất đi sự đa dạng ngôn ngữ( trên thế giới hàng ngày đã có những ngôn ngữ bị biến mất) cũng có nghĩa là mất đi về trí tuệ, văn hóa. Vì vậy bảo vệ môi trường văn hóa là rất quan trọng.Đối với nhân loại, giá trị của mọi ngôn ngữ đều có chức năng và văn hóa như nhau. Kho tàng ngôn ngữ các dân tộc là tài sản quí báu của dân tộc, quốc gia và của toàn nhân loại. Quyết định của Hội đồng chính phủ về chủ trương đối với chữ viết các dân tộc thiểu số ngày 22/2/1980 viết: “ Tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số ở VN vừa là vốn quí của các dân tộc đó, vừa là tài sản văn hóa chung của cả nước.”
Từ kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, trong một nghiên cứu của mình, Trần Chí
Dõi rút ra: vấn đề giáo dục ngôn ngữ “ phải được đặt trong nhu cầu lợi ích của người thụ hưởng nền giáo dục ấy. Chính nhu cầu lợi ích của người thụ hưởng giáo dục song ngữ nhiều khi là yếu tố quyết định chi phối hoạt động giáo dục song ngữ. Trong thực hiện giáo dục song ngữ, khi ngôn ngữ thứ hai là tiếng mẹ đẻ của người thụ hưởng thì lợi ích văn hóa là lợi ích nổi trội nhất. Nếu không nắm bắt đầy đủ lợi ích này để nhận biết đầy đủ tính đa dạng của mục đích thụ hưởng thì việc xây dựng một chương trình giáo dục ngôn ngữ sẽ ít khả năng thu được thành công.” ( 2)
* Ở Gia Lai: Thái độ, công việc của người thầy giáo Jrai đầu tiên Nay Der với chữ viết dân tộc, tiếng Việt, tiếng Pháp.
Năm 1923, Nay Der tốt nghiệp sư phạm Qui Nhơn và trở thành thầy giáo đầu tiên của người Jrai. Ông là người soạn ra bộ chữ cái Jrai đầu tiên bằng mẫu tự latin để ghi lại tiếng nói của dân tộc mình.( chỉnh sửa 1983, 2011) Lớp học đầu tiên ở Kon Tum có 40 học sinh.( Trong đó 12 em là người Jrai, Bah Nar, Xơ Đăng, Rơ Ngao, 28 học sinh người Việt) Năm học 1940-1941 công sứ Pháp báo cho đốc học Kon Tum là Ăng Toan biết là cần đưa tiếng Pháp vào dạy ở bậc tiểu học. Nay Der phản đối và nói: “ Học sinh trong trường tuy là con em các sắc tộc thiểu số nhưng đều là người An Nam cả. Vì vậy việc dạy chữ quốc ngữ ghi tiếng mẹ đẻ là cần thiết bên cạnh việc dạy chữ dân tộc thiểu số. Còn dạy chữ Pháp ở bậc tiểu học là không cần. Nếu ông Thống sứ và ông Đốc học lấy uy quyền mà bắt buộc thì chỉ dạy một tuần vài tiết có tính chất giới thiệu. Học sinh sẽ không phải kiểm tra, sát hạch gì.” ( 1)
II. Vai trò, ý nghĩa của việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển tư duy và nhân cách của người học.
Việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số có vai trò, ý nghĩa cực kì quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển tư duy và nhân cách của học sinh bởi các lí do sau đây:
- Cùng với phong tục tập quán, với kho tàng Folclore…ngôn ngữ(*) dân tộc là một bộ phận quan trọng của văn hóa dân tộc.( “ văn hóa” hiểu theo nghĩa truyền thống và hiện đại) Nó là công cụ để tư duy và giao tiếp của các cá thể trong cộng đồng một tộc người; là nơi lưu giữ và phổ biến kinh nghiệm sống, tri thức, nghệ thuật…của dân tộc.( Ví dụ: so sánh tục ngữ, thành ngữ của người Việt với của người Jrai, Bah Nar) Có thể nói mà không sợ quá lời rằng: Nếu không còn ngôn ngữ thì cũng sẽ không còn văn hóa dân tộc.
-Như trên đã nói, ngôn ngữ là công cụ của tư duy. Nếu không có ngôn ngữ thì không thể tiến hành cảm nhận, nhận thức thế giới ( nội tâm và bên ngoài) và giao tiếp giữa người với người. Thực tế cho thấy vốn từ người nào càng phong phú thì năng lực tư duy càng cao và ngược lại. Đây là qui luật không có ngoại lệ. Vì vậy dạy học tiếng dân tộc cho học sinh ở mức độ lí tưởng nhất là giúp các em phát triển tư duy,diễn đạt đúng tiến tới hay, sinh động, phong phú những suy nghĩ của mình bằng tiếng mẹ đẻ.
- Nhân cách con người do nhiều yếu tố tạo nên. Giáo dục, phát triển nhân cách của học sinh qua việc dạy học tiếng dân tộc cần tiến hành các công việc:
+ Bồi dưỡng tình cảm yêu mến, trân trọng và tự hào về tiếng mẹ đẻ của mình.
+ Có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng nói dân tộc.
+ Có nhu cầu phát huy, quảng bá tiếng nói dân tộc bằng cách sáng tạo từ mới, cách nói mới, giới thiệu cái hay cái đẹp của tiếng nói với bạn bè, và những người thuộc dân tộc khác…
+ Tránh hai xu hướng: tự ti, mặc cảm ( chỉ thích nói tiếng Việt) hoặc quá lạm dụng tiếng mẹ đẻ, hạn chế tới quá trình tiếp thu kiến thức ở những lớp trên( Vì “ liều lượng” tiếng dân tộc sẽ theo hình chóp nón từ lớp 1 trở lên)
Có thể khẳng định: Sẽ là một nhân cách xộc xệch, méo mó nếu người nào đấy coi thường hoặc không thông hiểu tiếng nói mẹ đẻ của mình.
C.L.Đ
PK 4/2015
Chú thích: (*) Trong bài này “ ngôn ngữ” có lúc được hiểu là “ tiếng nói”, có lúc hiểu là “ chữ viết”.
Tài liệu tham khảo: