ThS. Nguyễn Văn Hiền
Trường cao đẳng sư phạm Gia Lai
ĐT: 0984481824
Tóm tắt
Cuộc sống con người ta thường dễ mắc những sai lầm phiến diện dạng như chỉ coi trọng một mặt nào đó, bỏ quên mặt kia mà không biết rằng vốn dĩ chúng có một mối quan hệ biện chứng, thống nhất nhau. Chẳng hạn như, dưới tác động của kinh tế thị trường có người cho rằng chỉ cần có yếu tố tài là đủ, là sống được không cần yếu tố đức, đức không thể “mài” ra mà ăn được. Để tránh được những sai lầm dạng như vậy cần thiết phải trở về với những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi trọng cả đức lẫn tài. Đặc biệt, nghề thầy giáo là một trong những nghề cao quý, sản phẩm họ tạo ra là những thế hệ công dân có ích cho xã hội nên chính bản thân họ càng cần thiết phải coi trọng việc rèn đức luyện tài theo những lời dạy quý báu của Bác Hồ.
1. Mở đầu
Hồ Chí Minh là biểu trưng cho một trình độ đạo đức mới trong văn hoá Việt Nam. Trong gần 40 năm, Người đã viết hơn 60 bài báo, sách về đạo đức cách mạng. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà Người ít quan tâm hay xem nhẹ yếu tố tài. Ngược lại, theo Người giữa đức và tài, hồng và chuyên phải gắn bó chặt chẽ nhau, bổ trợ nhau mới làm nên sự hoàn thiện trong nhân cách của con người. Luận điểm nổi tiếng mà Người đã nêu ra rằng: “Có tài mà không có đức là người vô dụng; có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Đức với tài theo tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành tiêu chuẩn nhân cách cơ bản của con người ở mọi ngành nghề nói chung, trong đó nghề giáo viên – nghề đào tạo ra những thế hệ công dân có ích cho xã hội tất yếu càng phải rèn đức luyện tài.
2. Nội dung
2.1. Những lời dạy riêng của Bác Hồ đối với giáo viên
Năm 1959, trong Bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên của Bác Hồ có đoạn: “Ta là cán bộ chuyên môn, có chuyên môn mà không có chính trị giỏi thì dù học giỏi mấy dạy trẻ con cũng hỏng. Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn, nếu thầy giáo, cô giáo bàng quan thì lại đúc ra một số công dân không tốt, cán bộ không tốt. Nói tóm lại, chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chỉ i, tờ thì dạy thế nào? Đức phải có trước tài”[3; 492]. Người còn ví: “Trẻ em như cái gương trong sáng, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu, cho nên phải chú ý giáo dục chính trị tư tưởng trước, chính thầy giáo, cô giáo cũng phải tiến bộ về tư tưởng”[3; 492]. Sách Tam tự kinh có câu: “Giáo bất nghiêm/ sư chi đọa – giáo dục không nghiêm là lỗi ở thầy giáo”. Hồ Chí Minh cũng bảo vậy: “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu”[3; 492]. Vì vậy, ngày nay người thầy phải là một điển hình tốt về tinh thần tự học, tự vươn lên, một tấm gương sáng ngời về đạo đức, về nhân cách đối với học sinh, nói chung phải vừa hồng vừa chuyên, toàn diện cả đức lẫn tài. Hồ Chí Minh còn lưu ý đức và tài phải tương hỗ nhau, thống nhất nhau, nhưng đạo đức được đòi hỏi trước tiên, đức là gốc. Cũng trong Bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên, Người nhấn mạnh: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hoá, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức”[3; 492]. Năm 1964, trong một lần đến thăm trường Đại học sư phạm Hà Nội, Người nhắc nhở các giảng viên: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân”[4; 329]. Người còn nói: “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc” nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng”[4; 332]. Có thể nói, theo Hồ Chí Minh bất luận trong hoàn cảnh thế nào dù là những con người bình thường cũng phải luôn trau dồi cả đức lẫn tài và sẽ càng cần thiết hơn đối với người giáo viên, những người gánh vác trọng trách trồng người, bởi lẽ họ luôn là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục. Hơn nữa, mọi cán bộ trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa… mà chúng ta có được luôn phải bước ra từ trên ghế của nhà trường, từ những hành trang thiết yếu mà người thầy đã phòng bị cho. Giá trị, tầm quan trọng của người thầy được thể hiện trong câu nói rất đỗi bình dị của Hồ Chí Minh: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hoá”.
2.2. Thông điệp chung về “đức – tài” cho toàn xã hội
Theo Hồ Chí Minh, giữa đức với tài không thể có mặt này mà thiếu mặt kia, chúng phải tương hỗ cùng nhau, thống nhất hữu cơ với nhau mới giúp cho con người, nhất là người cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ cách mạng cũng như hoàn thiện nhân cách bản thân. Luận điểm nổi tiếng mà Người đã nêu ra rằng: “Có tài mà không có đức là người vô dụng; có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Nhân cách và sự nghiệp của người giáo viên cũng vậy, phải chú trọng cả tài lẫn đức là ý chỉ dạy bảo của Hồ Chí Minh. Đối với đội ngũ giáo viên, tài là sự am hiểu, vốn tri thức, vốn kinh nghiệm thực tiễn của người thầy; đức là tư cách, tình yêu thương, trách nhiệm của người thầy đối với nghề, với các em học sinh… Trong mối quan hệ biện chứng đó, đức là nền tảng của tài, định hướng cho tài năng phát triển và phát triển đúng hướng – tức phục vụ nhân dân và cách mạng. Ngược lại, tài là thành tố góp phần tạo nên đức, phát huy tác dụng của đức, hoàn thiện đức.
Theo luận điểm của Hồ Chí Minh, có tài mà không có đức là người vô dụng; nó nguy hiểm hơn có đức mà không có tài. Bởi lẽ, tài năng đó không phục vụ cho cái chung, cho nhân dân mà chỉ mưu cầu lợi ích cho mỗi cá nhân thì cũng thành vô giá trị. Con người ta không thể sống đơn lẻ một mình, không thể tách rời khỏi tập thể, nhân dân, nhân loại. Giá trị một con người được xem xét chính bởi tác dụng của cá nhân đó trong mối quan hệ với đồng loại. Người không có đức là người không quan tâm đến quyền lợi của người khác. Nếu có tài, họ cũng chỉ vun vén để có lợi tư chứ không mưu lợi cho trăm họ. Người có tài mà đi ngược lại lợi ích chân chính của tập thể, của nhân dân, phản bội Tổ quốc thì chẳng những vô dụng mà còn có tội, tài đó đáng bỏ đi, không đáng trân trọng. Thực tiễn cho thấy, người càng có tài mà kém đức thì tác hại mang đến cho xã hội càng lớn. Một cán bộ, đảng viên với đầu óc sắc sảo, nắm giữ vị trí quan trọng trong xã hội mà suy thoái đạo đức, không có đạo đức thì nguy hiểm khôn lường. Một kẻ trộm cắp không đáng sợ, tác hại không to lớn bằng một ông giám đốc tham lam của công và ưa ăn hối lộ, hay một kẻ cầm cân nảy mực mà không công chính nghiêm minh. Đã là một giáo viên, nếu không có đạo đức tốt, không yêu trường, mến nghề, tận tụy với học sinh thì khó lòng mà say mê, toàn tâm toàn ý với công việc, phấn đấu vươn lên để nâng cao năng lực chuyên môn. Đạo đức của người giáo viên là một đòi hỏi cao, bao gồm ngoài đạo đức công dân nói chung họ còn phải có đạo đức người thầy giáo. Trong đạo đức người thầy giáo, Hồ Chí Minh yêu cầu phải hết lòng yêu thương, chăm sóc, quan tâm đến học sinh “như con em ruột thịt của mình”; bản thân người thầy không ngừng bồi dưỡng đạo đức, nâng cao tay nghề sư phạm để thật sự là tấm gương sáng cho người học noi theo. Có thể nói, đạo đức là nền tảng quan trọng vậy nên trong giáo dục mặc dù giáo viên vẫn còn thiếu, nhất là ở bậc tiểu học nhưng để bảo đảm chất lượng giáo dục - đào tạo và vì lợi ích lâu dài của sự nghiệp trồng người, Đảng ta kiên quyết yêu cầu: “Không bố trí người kém phẩm chất làm giáo viên, kể cả giáo viên hợp đồng”[1; 39]. Đây là quan điểm rất quan trọng khi tuyển chọn và bố trí cán bộ, trong đó có nhà giáo.
Ngược lại, có đức mà không có tài thì công việc chật vật, khó đạt hiệu quả. Có đức, có khát vọng hành động vì lợi ích của mọi người nhưng không có kiến thức, năng lực kém thì những ý định tốt cũng khó trở thành hiện thực. Cách mạng không thể thành công được chỉ với cái tâm trong sáng, với lòng nhiệt thành mà nó phải được kết hợp và chỉ dẫn bởi cái tài, bởi năng lực thông tuệ. Nhiều khi vì không có tài năng, họ không những làm hỏng việc mà còn hại đến cả sự nghiệp chung. Một người cán bộ quản lý hợp tác xã có tinh thần, ý chí và trách nhiệm cao nhưng tài năng kém sẽ làm cho công việc lúng túng, sai sót, vất vả. Một đảng viên lãnh đạo nhà máy sống mẫu mực nhưng không có tài đã làm cho nhà máy thua lỗ và dẫn đến bờ vực phá sản. Một giáo viên yếu kém về năng lực sư phạm, hạn chế về tri thức chuyên môn, kỹ năng kỹ xảo nghề nghiệp thì khó lòng mang lại bài học hiệu quả, kích thích tư duy, trí tuệ của người học. Học trò trước hết là sản phẩm của thầy giáo. Học trò “ngồi nhầm lớp” được xem có cội nguồn từ việc thầy “đứng nhầm lớp”, thực trạng đó không chỉ gây nên bức xúc cho ngành giáo dục mà còn làm suy giảm lòng tin của xã hội đối với người thầy giáo, với ngành nghề vốn dĩ được coi là cao quý nhất. Cái tài của người thầy không phải là những gì quá cao siêu, mà đó chính là năng lực sư phạm. Năng lực sư phạm của người thầy theo Hồ Chí Minh yêu cầu trước hết phải có tri thức toàn diện (Bác Hồ gọi là tri thức phổ thông) và tri thức chuyên môn. Tri thức phổ thông gồm: hiểu biết chủ nghĩa Mác – Lênin, giác ngộ về chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ của cách mạng, đường lối, chính sách của Đảng… Trên nền tri thức chung đó, người thầy giáo phải am hiểu sâu sắc lĩnh vực chuyên môn giảng dạy, bởi vì: “muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội”[2; 46]. Tài của người giáo viên còn thể hiện ở chỗ linh hoạt, mềm dẻo, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, theo Bác Hồ yêu cầu là không được phép “câu nệ”, “hình thức”, “nhồi sọ” mà phải biết “quý hồ tinh bất quý hồ đa” và “việc cốt yếu là phải làm cho học sinh thấu hiểu vấn đề”. Tài của thầy giáo còn thể hiện ở khả năng biên soạn giáo án, tài liệu, cập nhật tài liệu học tập, hiểu biết sâu sắc người học. Đây là năng lực quan trọng, nhờ có sự gia công về mặt sư phạm mà nội dung tri thức, bài học được chuyển tải phù hợp với đặc điểm tâm lý, trình độ, kinh nghiệm của người học và tri thức được mang tính mới mẻ, hiện đại.
Có thầy giỏi mới có trò giỏi. Người giáo viên phải có trí tuệ và tài năng mới có thể đào tạo được những thế hệ công dân, cán bộ có tài cho xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một người thầy giáo giỏi không có nghĩa là phải tinh thông tất cả mọi lĩnh vực, hiểu trọn tri thức nhân loại, vì tri thức nhân loại vô cùng rộng lớn, tuy nhiên, người giáo viên cần không ngừng trau dồi kiến thức, đặc biệt phải thạo lĩnh vực chuyên môn của mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Người khuyên mọi người thực hiện theo chỉ dẫn của V.I.Lênin “Học, học nữa, học mãi” để thường xuyên tự rèn luyện mình, đồng thời lấy phương châm “học không biết chán, dạy không biết mỏi” của Khổng Tử để thực hành trong công việc. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu, những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục không được bằng lòng với kiến thức đã có mà phải thường xuyên tích luỹ kiến thức. Người cho rằng người nào tự cho mình là biết đủ rồi thì người đó là dốt nhất, Người nói: “Giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ, chớ tự mãn cho mình giỏi rồi thì dừng lại mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, tự đào thải mình trước”[3; 489].
3. Kết luận
Có thể nói, đức với tài gần giống như dạng mối quan hệ nhân – quả. Đức có rộng thì tài mới cao, tài mà hèn là do đức mọn. Từ lời nhắc nhở: “dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức” của Bác Hồ đến riêng giáo viên nhưng lại mang một thông điệp có ý nghĩa thời sự sâu sắc chung cho toàn xã hội. Đổi mới toàn diện giáo dục bắt đầu từ nhà giáo, cụ thể là nâng cao tài – đức của giáo viên có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi giáo viên là người trực tiếp thực hiện những quan điểm giáo dục của Đảng; tuyên truyền mọi đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước đến thực tiễn cuộc sống; người quyết định phương thức, hiệu quả của giáo dục; lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp đào tạo cán bộ… Học tập và làm theo lời Người dạy là nhu cầu thiết thân cho mỗi cá nhân, mỗi giáo viên đang bám lớp phải ra sức rèn đức luyện tài, góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong sạch và vững mạnh, tạo động lực thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mớir.
TÀI LIỆU THAM KHẢO