Nghiên cứu khoa học

GIÚP GIÁO SINH MỸ THUẬT DẠY TỐT TRONG CÁC ĐỢT TTSP Ở BẬC THCS

14/01/2015 2:37:16 CH - Lượt xem: 2082

.

Th.S Trần Văn Phê

                                                                                Phó trưởng khoa TD – Nhạc – Họa

 TÓM TẮT: Chuyên ngành Mỹ thuật là môn học mang tính đặc thù riêng, trong quá trình học và ứng dụng kiến thức vào thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn. Bài tham luận nêu một số thực trạng còn hạn chế và đã đưa ra một số giải pháp nhằm giúp giáo sinh CĐSP Mỹ thuật có thêm kinh nghiệm để tự tin hơn trong quá trình soạn giảng ở các đợt thực tập Sư phạm.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Phát huy tính tích cực, độc lập suy nghĩ, tìm tòi sáng tạo của học sinh là tư tưởng của phương pháp dạy học hiện đại mang tính phổ biến, nó được áp dụng chung cho tất cả các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Muốn đạt được kết quả trên thì việc tổ chức DẠY – HỌC có vai trò quan trọng đòi hỏi người giáo viên phải thường xuyên nghiên cứu, trau dồi và vận dụng một cách linh hoạt phương pháp dạy học nhằm mang lại kết quả cao nhất. Đặc biệt đối với môn Mỹ thuật tự thân đã đòi hỏi người học phải hoạt động sáng tạo để mang lại sản phẩm phong phú đa dạng đáp ứng được mục tiêu của môn học. Tuy nhiên hiện nay không ít giáo sinh ngành Mỹ thuật với nhiều lý do chủ quan và khách quan khác nhau nên quá trình tổ chức dạy học vẫn còn thụ động, truyền đạt kiến thức một chiều. Như vậy việc học sẽ bị lặp lại nhàm chán và học sinh ít có cơ hội để thể hiện mình trong quá trình học. Trước thực tế đó, dạy học nói chung và dạy học Mỹ thuật nói riêng phải gắn liền với việc phát huy tính tích cực học tập của học sinh là yêu cầu cấp thiết, góp phần quan trọng  đào tạo những con người lao động trong thời kỳ đổi mới  nhằm đáp ứng sự phát triển chung của đất nước.

2. NỘI DUNG

2.1. Thực trạng của giáo sinh Mỹ thuật  trong các đợt thực tập Sư phạm ở bậc THCS

      Cùng với sự hội nhập đi lên của nhiều ngành khoa học, những năm qua BGD & ĐT đã chú trọng xây dựng chiến lược làm nền tảng vững chắc ở các bậc học đi đôi với đổi mới phương pháp dạy học. Góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục đào tạo phát triển toàn diện, đã đưa đất nước lên tầm cao hơn, sánh vai với các nước đang phát triển trong khu vực và thế giới. Để đáp ứng thực tiễn trên, các trường ĐH-CĐ và Trung học chuyên nghiệp đã tập trung vào việc chuẩn bị cho người giáo viên tương lai rèn luyện kỷ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận. Song, quá trình dạy học nói chung và dạy học Mỹ thuật nói riêng trong nhà trường Sư phạm luôn đề cập tới yếu tố phát huy tính tích cực học tập, độc lập suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo của học sinh. Nhưng điều đó mới chỉ tồn tại trên lý thuyết,còn trong thực tế cách thiết kế bài giảng và cách tổ chức dạy học trong chương trình Mỹ thuật THCS vẫn còn thuyết trình nhiều về lý thuyết. Các giáo sinh tham gia thực tập sư phạm chưa có nhiều kinh nghiệm, trong giờ dạy học Mỹ thuật còn tham kiến thức muốn truyền đạt và giảng  giải nhiều. Dẫn đến kết quả bài vẽ của học sinh còn thụ động, chủ yếu là làm theo thị phạm của giáo sinh... Sản phẩm của học sinh chưa thật sự phong phú, chưa phát huy tính sáng tạo và năng lực của từng em. Ngoài ra thời gian truyền đạt lý thuyết còn nhiều so với thời gian thực hành, cho nên đa số học sinh không hoàn thành được bài trên lớp, đã ảnh hưởng không nhỏ đến giờ tự học ở nhà của học sinh.

2.2. Giải pháp giúp giáo sinh Mỹ thuật dạy tốt trong các đợt thực tập Sư phạm ở bậc THCS    

       Từ thực trạng đã nêu trên, là một giáo viên giảng dạy môn phương pháp dạy học Mỹ thuật ở trường CĐSP tôi đã mạnh dạn đề xuất một số giải pháp nhằm giúp giáo sinh Mỹ thuật khắc phục các điểm tồn tại để giúp giáo sinh Mỹ thuật dạy học mang lại hiệu quả cao trong các đợt TTSP nhằm phát huy tính tích cực học tập và tự do sáng tạo của học sinh.

       Thứ nhất, Là quá trình thiết kế bài giảng Mỹ thuật cần tập trung cho giáo sinh chú trọng ý tưởng và chuẩn bị kênh hình ảnh trực quan.Ứng với từng phân môn và từng bài trong chương trình Mỹ thuật THCS mà người dạy phải biết khai thác tranh ảnh trực quan cho phong phú, hợp lý và sát với với nội dung chủ đề. Giáo sinh có thể sưu tầm tranh ảnh theo nhiều nguồn khác nhau như:

       - Tranh vẽ của các họa sĩ lấy nguồn từ mạng intenet.

       - Bộ tranh đồ dùng dạy học Mỹ thuật của BGD&ĐT phát hành.

       - Tranh chụp (phóng) qua các tài liệu sách giáo khoa và các loại sách báo khác.

       - Quay các trích đoạn Video từ thực tiễn cuộc sống có nội dung liên quan đến chủ đề của bài giảng.

       - Tranh in trên bìa lịch, tranh in bày bán sẵn.

       - Bộ tranh dân gian Việt Nam.

       - Trao đổi tư liệu với những bạn cùng học Mỹ thuật.

       - Tích lũy tranh vẽ, bài học của học sinh.

       - Ngoài ra giáo sinh có thể tự làm đồ dùng dạy học.

       - Những đồ vật, hình ảnh Mỹ thuật mang tính đặt thù địa phương....

       Sau khi giáo sinh có được nguồn tư liệu phong phú, cần tư vấn thêm những người có kinh nghiệm như: thầy cô giáo bộ môn ở trường Sư phạm, giáo viên hướng dẫn thực tập bộ môn ở trường phổ thông… để chọn lựa trực quan cho phù hợp với từng nội dung bài cụ thể.

       Giáo sinh có thể biểu diễn trực quan bằng nhiều cách sao cho học sinh dễ quan sát:

       -Trình chiếu trên màng hình bằng đèn chiếu PROJECTOR.

       -Trình chiếu trên màng hình ti vi.

       -Trình bày trên bảng phụ.

       -Trình bày trực tiếp lên bảng.

       -Trình bày theo từng nhóm...

       Thứ hai, Bên cạnh kênh hình ảnh là một hệ thống mô đun câu hỏi vấn đáp, thảo luận được thiết kế sát với nội dung của từng bài, từng phân môn. Câu hỏi đặt ra cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ trả lời và phù hợp với lứa tuổi học sinh THCS.

       Ví dụ ở hoạt động 1 hướng dẫn quan sát và nhận xét của phân môn vẽ tranh ta có thể đặt hệ thống mô đun câu hỏi theo hướng như sau:

          1. Em có nhận xét gì về nội dung các bức tranh trên?

          2. Kể tên chất liệu của các bức tranh?

          3. Trong các bức tranh vẽ những hình ảnh gì?

          4. Em thích bức tranh nào nhất? vì sao?

          5. Bố cục mảng chính, mảng phụ trong các bức tranh được sắp xếp như thế nào?

          6. Màu sắc của các bức tranh được vẽ như thế nào?

          7. Những bức tranh nào được vẽ bằng màu nóng, màu lạnh?...

        Tùy vào từng nội dung bài của các phân môn mà giáo sinh thiết kế mô đun câu hỏi không quá nhiều hoặc quá ít và nội dung các câu hỏi cho thích hợp.

         Như vậy ta đã có 2 yếu tố cơ bản để tổ chức một giờ dạy học Mỹ thuật nhằm phát huy tính tích cực học tập và tự do sáng tạo của học sinh THCS, đồng thời người dạy thực sự đóng vai trò là người tổ chức bằng cách: Giáo sinh trình bày song song cùng lúc cả kênh hình và kênh câu hỏi. Sau đó cho học sinh quan sát thảo luận trả lời các câu hỏi theo cặp, theo nhóm hoặc cũng có thể trả lời theo cá nhân... Thực tế cùng một câu hỏi nhưng mỗi nhóm, mỗi cặp hoặc mỗi cá nhân cũng có thể trả lời theo nhiều hướng, cốt là thể hiện được sự am hiểu và nắm được kiến thức bài học. Như vậy học sinh hiểu, cảm nhận tranh và trả lời câu hỏi theo hướng nào thì các em sẽ thể hiện bài vẽ của mình theo sự suy nghĩ và sáng tạo riêng của mình.          

      Mỹ thuật là môn học đặc thù, chương trình được xây dựng theo hướng đồng tâm trên cơ sở 4 phân môn từ tiểu học đến THCS. Đặc biệt học Mỹ thuật ở bậc tiểu học học sinh đã được hướng dẫn rất chi tiết cụ thể . Do đó đối với bậc THCS, giáo viên dạy Mỹ thuật nói chung và giáo sinh thực tập Mỹ thuật nói riêng việc giảng giải nhiều lý thuyết là không cần thiết, mà phải biết tích hợp kiến thức của các em đã được học từ các lớp trước. Người dạy chỉ cần nhấn mạnh một số ý trọng tâm, chủ yếu là khuyến khích giành nhiều thời gian cho học sinh thực hành, khi các em cảm thấy giờ học Mỹ thuật nhẹ nhàng, thoải mái và tự tin thể hiện bài vẽ của mình. Kết quả cuối cùng là đa số học sinh sẽ hoàn thành bài ngay trên lớp để làm cơ sở đánh giá giờ dạy tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi để các em giành thời gian tự học ở nhà cho các môn học khác.

3. KẾT LUẬN

      Trong quá trình rèn luyện kỷ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn dạy học Mỹ thuật, giáo sinh cần phải biết định hướng, tổ chức các hoạt động học tập để học sinh chủ động lĩnh hội được nội dung kiến thức, phát huy tính tích cực học tập và khả năng tưởng tượng sáng tạo của mình. Ngoài ra muốn đạt được kết quả cao trong dạy và học Mỹ thuật người dạy cần phải năng động, sáng tạo, chịu khó nghiên cứu và đưa ra những giải pháp kịp thời nhằm khắc phục những tồn tại.

        Với trách nhiệm là thầy giáo giảng dạy bộ môn PPDH Mỹ thuật ở trường CĐSP và nhiều năm trực tiếp tham gia dẫn đoàn giáo sinh TTSP ở các trường THCS. Chúng tôi mong muốn có nhiều giải pháp hơn nữa nhằm giúp cho những giáo sinh CĐSP  Mỹ thuật có thêm kinh nghiệm để tự tin hơn trong các đợt TTSP, mang lại hiệu tốt nhất trong dạy và học Mỹ thuật. Góp phần đào tạo những “kỹ sư tâm hồn” có đầy đủ kiến thức và kỷ năng đáp ứng được nhu cầu phát triển giáo dục của toàn xã hội.

 

*Một số đề xuất, kiến nghị đối với quản lý ngành giáo dục

- Mở các khóa học nhằm bồi dưỡng kiến thức Sư phạm cho những đối tượng là giáo viên Mỹ thuật tốt nghiệp các trường Văn hóa nghệ thuật, cao đẳng nghệ thuật, đại học nghệ thuật chưa qua Sư phạm.

- Định kỳ hàng năm cần tổ chức chuyên đề cập nhật về phương pháp cho giáo viên Mỹ thuật đang công tác giảng dạy ở bậc THCS và tiểu học.(Vận dụng công nghệ thông tin vào DHMT; sử dụng trực quan trong DHMT; phương pháp DHMT của các nước phát triển trong khu vực và thế giới; tìm hiểu những tồn tại còn gặp phải khi dạy Mỹ thuật ở các địa phương, cùng trao đổi thảo luận để có hướng khắc phục kịp thời; trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả trong DHMT…)

- Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy của giáo viên mỹ thuật (phòng học cho đặc thù bộ môn, ti vi, đèn chiếu Projector, máy vi tính, nguồn tài liệu, dụng cụ phục vụ môn học …)

- Tổ chức cho giáo viên tham quan thực tế các bảo tàng Mỹ thuật, công trình văn hóa, kiến trúc, điêu khắc…

- Sắp xếp phân bố lại đội ngũ giáo viên mỹ thuật cho phù hợp với trình độ chuyên môn (tốt nghiệp hệ trung cấp dạy bậc tiểu học, tốt nghiệp hệ cao đẳng dạy bậc THCS…)

- Các cấp quản lý như Sở giáo dục cần có biên chế giáo viên đầu ngành bộ môn âm nhạc, mỹ thuật, phòng giáo dục nên có giáo viên chuyên trách cho các môn nghệ thuật…

- Biên soạn sách giới thiệu tranh tham khảo từ lớp 1 đến lớp 9 (có thể chọn in mỗi tỉnh thành một tranh / 1khối lớp, tranh vẽ cần thể hiện được nét văn hóa đặc thù của mỗi địa phương thì sẽ càng tốt…).

- Ngành giáo dục cần phát động vẽ tranh và tổ chức trưng bày triển lãm tranh của giáo viên mỹ thuật, ở các trường nên tổ chức trưng bày bài vẽ của học sinh vào các ngày lễ hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 [1] Nguyễn Quốc Toản (chủ biên), Hoàng Kim Tiến (2007), Phương pháp dạy-học Mỹ thuật -  NXB Đại học Sư phạm.

        [2] Kỷ yếu Hội thảo (2006), đổi mới nội dung và phương pháp dạy học Mỹ thuật - Bộ GD&ĐT.

CÁC TIN KHÁC
Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Thư viện ảnh
Hỗ trợ online
thaiha0511@gmail.com
Hotline: 02693877244
phonghcqtc38@gmail.com
Hotline: 02693877351
Lượt truy cập
Online: 45 | Thống kê: 528811
Liên kết website
Bản quyền (C) 2013 thuộc trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai
Điện thoại: 0593.877.244 - Fax: 3877312. Email: cdspgialai@cdspgialai.edu.vn
Giấy phép số 383754/GP - BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 03/03/2013
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Địa chỉ: 126 Lê Thánh Tôn - T.P Pleiku - Gia Lai
Ghi rõ nguồn gốc "Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai" khi phát hành lại thông tin từ website này
Các trang sẽ mở ra tại cửa sổ mới. Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai không chịu trách nhiệm nội dung các trang này.