ThS.Võ Thị Kiều Trinh
Bộ môn Lý luận Chính trị
Trong triết học Mác - Lênin, mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị là một nội dung được quan tâm nhiều nhất. Mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị thường được biểu hiện trong đời sống xã hội, trong đường lối chính sách của Đảng cộng sản. Nó là cơ sở phương pháp luận để người lãnh đạo chỉ đạo cách mạng. Chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin ra đời năm 1921 như một cẩm nang làm cho nước Nga thoát khỏi tình hình “Ngàn cân treo sợ tóc”, là đường lối chiến lược và sách lược để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga. Mặc dù ra đời cách đây gần 100 năm, nhưng những tư tưởng nhất là tư tưởng về mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị của NEP vẫn còn ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới của nước ta hiện nay.
1. Biện chứng giữa kinh tế và chính trị trong chính sách kinh tế mới của Lênin
Mối quan hệ đó được Lênin khái quát như sau: “Chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế” và “Chính trị không thể không giữ vị trí ưu tiên so với kinh tế” [7, tr.273].
1.1. Chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế
Thứ nhất, với tư cách là một yếu tố của kiến trúc thượng tầng, chính trị sẽ do cơ sở kinh tế quyết định. Cơ sở kinh tế có vai trò rất to lớn đối với tư tưởng chính trị và hệ thống tổ chức chính trị. Chính cơ sở kinh tế quy định sự xuất hiện, quyết định nội dung, tính chất, mục tiêu, các nguyên tắc của chính trị. Còn mạnh mẽ hơn thế nữa, cơ sở kinh tế còn có vai trò quyết định đến sự thay đổi và phát triển của đường lối chính trị, hệ tư tưởng chính trị và cơ cấu của hệ thống chính trị... Thực tiễn của cuộc cách mạng XHCN và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước trên thế giới và ngay cả ở nước ta đã chứng minh một cách hùng hồn về vai trò của kinh tế có ý nghĩa quyết định đối với chính trị.
Thứ hai, do chính trị là biểu hiện tập trung của nền kinh tế, nên mọi chính sách chính trị đúng đắn đều phải xuất phát từ tình hình hiện thực, phản ánh sát, đúng với trạng thái hiện thực của nền kinh tế và chính sách đó xét cho cùng cũng do tình hình kinh tế quyết định. Tình hình kinh tế là cơ sở xuất phát cho việc lựa chọn các phương tiện, chính sách kích thích nền sản xuất phát triển nhằm hoàn thiện nền sản xuất xã hội. Đồng thời kinh tế cũng có vai trò quyết định cả việc lựa chọn chính sách phân phối và sự dụng hợp lý tổng sản phẩm xã hội, sản phẩm thặng dư dưới hình thức giá trị và hiện vật. Luận điểm này đã được V.I.Lênin áp dụng để chỉ đạo việc xây dựng xã hội mới ở nước Nga sau cách mạng tháng Mười năm 1917.
Thứ ba, chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế. Song, chính trị không phải là sự phản ánh giản đơn, trực tiếp quá trình kinh tế, mà là sự phản ánh một cách sáng tạo, phản ánh tập trung các hiện tượng kinh tế. Chính trị phản ánh về tư tưởng những nhu cầu của kinh tế trên lập trường lợi ích chung của giai cấp, là tập trung ý chí, sức lực, hành động của giai cấp để thực hiện một cách thực tế lợi ích chung đó. Sự biểu hiện tập trung, khái quát của kinh tế trong chính trị được thể hiện trước hết thông qua lợi ích kinh tế. Lợi ích kinh tế biểu hiện như là cái kích thích hoạt động thực tiễn của con người. Trong lịch sử xã hội loài người, khi các quan hệ xã hội mang tính chất chính trị thì điều chắc chắn là kinh tế không bao giờ tự nó phát triển được hay không một thứ kinh tế nào phát triển ngoài chính trị. Chính trị giữ vai trò lãnh đạo, điều khiển, quản lý, định hướng phát triển kinh tế. Tất cả sự phát triển kinh tế có sự tác động của chính trị thông qua quyền lực chính trị và thiếu nó thì sự phát triển kinh tế có thể dẫn đến hỗn loạn. Do thế, chính trị phải là sự phản ánh chủ động, tập trung trở thành một hệ thống điều khiển kinh tế và điều khiển toàn bộ xã hội.
1.2. Chính trị không thể không chiếm vị trí hàng đầu
Trong hoạt động thực tiễn ở nước Nga, V.I.Lênin đã kiên quyết đấu tranh với phái “kinh tế” để bảo vệ quan điểm chính trị chiếm vị trí hàng đầu. Người đã nhiều lần nhấn mạnh và bảo vệ quan điểm này. V.I.Lênin viết: “Từ chổ các quyền lợi kinh tế đóng vai trò quyết định, tuyệt nhiên không thể kết luận được rằng các cuộc đấu tranh kinh tế lại có một tầm quan trong bậc nhất, vì những quyền lợi chủ yếu “quyết định” của các giai cấp, nói chung, chỉ có thể thỏa mãn được bằng những cuộc cải biến chính trị căn bản; còn quyền lợi kinh tế trọng yếu của giai cấp vô sản nói riêng chỉ có thể thỏa mãn được bằng một cuộc cách mạng chính trị thay thế chuyên chính của giai cấp tư sản bằng chuyên chín vô sản”[5, tr.59]. Vị trí hàng đầu của chính trị so với kinh tế thể hiện ở những điểm sau:
Thứ nhất, thắng lợi của cách mạng chính trị là tiền đề, điều kiện tiên quyết cho những về chất và phát triển kinh tế diễn ra tiếp theo. Đó là một trong những điều kiện tất yếu đảm bảo sự thống trị về mặt chính trị của giai cấp công nhân, đảm bảo cho nhân dân lao động thực hiện có kết quả quyền lực chính trị và quản lý các quá trình hoạt động của xã hội, trong đó có kinh tế. Vì vậy, vai trò hàng đầu của chính trị đối với kinh tế là nhân tố quan trọng nhất để thực hiện lợi ích căn bản của giai cấp công nhân, là đòi hỏi của xã hội nhằm phát triển nền kinh tế có hiệu quả, vì lợi ích tất cả mọi thành viên trong xã hội.
Thứ hai, chính trị có tác động trở lại đối với kinh tế theo hướng thúc đẩy hoặc kìm hãm, nếu quan điểm chính trị mà sai lầm thì nó có thể làm tiêu vong toàn bộ những thành tựu kinh tế, làm cho nền kinh tế phát triển chệch hướng. V.I.Lênin đã nói: “… cố nhiên là tôi đã, đang và sẽ còn nói mong muốn rằng chúng ta làm chính trị ít hơn, và làm kinh tế nhiều hơn. Nhưng cũng dễ hiểu rằng muốn cho lòng mong muốn thành sự thực thì cần phải không có những nguy cơ về chính trị và những sai lầm chính tri”[7, tr.352]. Vì vậy, muốn để kinh tế phát triển phát triển đồng thuận với sự tác động của chính trị, đòi hỏi phải quan tâm tới cả ba phương diện: đường lối, chính sách kinh tế; thể chế kinh tế và chủ thể kinh tế.
Thứ ba, chính trị đóng vai trò định hướng và tạo môi trường chính trị - xã hội ổn định cho phát triển kinh tế. Muốn có một xã hội phát triển toàn diện thì chính trị phải trở thành phương tiện quan trọng, chính trị phải bảo đảm sự lãnh đạo đúng hướng trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống – xã hội. Sau khi giai cấp công nhân đã giành được chính quyền, trọng tâm chính trị chuyể dần vào lĩnh vực kinh tế, chính trị ngay trong kinh tế. Sau Cách mạng tháng Mười năm 1917, để chiến thắng thù trong giặc ngoài, bảo vệ thành quả cách mạng, V.I.Lênin đã chỉ ra rằng: “... mỗi bước dẫn chúng ta tiến tới ngày thắng lợi bọn bạch vệ, đều chuyển dần trọng tâm đấu tranh vào chính trị trong lĩnh vực kinh tế” [6, tr.482] và người đã nhấn mạnh: “Chính trị chủ yếu của chúng ta lúc này là xây dựng nước nhà về mặt kinh tế để tích góp được nhiều lúa mì hơn, để sản xuất được nhiều than hơn, để sử dụng lúa mì và than, đó là hợp lý hơn sao cho không còn người đói nữa” [6, tr.483].
Quan hệ chính trị với kinh tế là quan hệ cơ bản, nhảy cảm và phức tạp. Để giải quyết tốt quan hệ này cần tránh khuynh hướng tuyệt đối hóa kinh tế vì như vậy, kinh tế sẽ phát triển tự phát, vô chính phủ và khuynh hướng tuyệt đối hóa chính trị vì theo khuynh hướng này nền kinh tế bị áp đặt, không theo quy luật khách quan. Tuy nhiên, nếu đồng nhất chính trị với kinh tế sẽ làm chính trị trở nên cứng nhắc, giáo điều.
2. Sự vận dụng sáng tạo của Đảng ta về mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị trong Chính sách kinh tế mới của Lênin trong thời kỳ đổi mới
Sự vận dụng NEP như thế nào, điều đó phụ thuộc vào sự nhận thức và điều kiện hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước. Đối với Việt Nam, mặc dù điều kiện, hoàn cảnh lịch sử không hoàn toàn giống nước Nga Xô-viết trong thời điểm thực hiện NEP, song có nét tương đồng. Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm của NEP Đảng ta đã vận dụng một cách sáng tạo, tài tình mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị của NEP vào công cuộc đổi mới đất nước.
Một là, duy trì và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Chủ trương này là sự vận dụng sáng tạo quan hệ hàng hoá - tiền tệ trong NEP vào điều kiện nước ta. Nền kinh tế nước ta trong thời kỳ quá độ là một nền kinh tế nhiều thành phần, đã được nhận thức từ Đại hội VI của Đảng, và tư tưởng này được các Đại hội VII, VIII, IX, X, XI của Đảng tiếp tục tái khẳng định, bổ sung và hoàn thiện với nhiều nội dung, biện pháp, chính sách mới, như giữ vững vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, khuyến khích phát triển và định hướng thành phần kinh tế tư nhân theo quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội, sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước và phát triển kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Thực tế cho thấy, nền kinh tế thị trường luôn có hai mặt tích cực và tiêu cực. Vì vậy, việc chọn kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo nhằm hạn chế tiêu cực và phát huy tích cực của kinh tế thị trường là sự lựa chọn sáng suốt của Đảng ta. Đảng chỉ rõ: “Đảng và nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Đó là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa”[1, tr.23]. “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Đây là một hình thái kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội” [2, tr.204-205]. Như vậy, có thể nói, quan điểm của Đảng ta về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước chính là sự tiếp tục cuộc cách mạng trên lĩnh vực quan hệ sản xuất trong điều kiện mới, đảm bảo thích ứng của quan hệ sản xuất với trình độ hiện có của lực lượng sản xuất, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.
Hai là, đổi mới kinh tế là trọng tâm, tùy theo thành quả và yêu cầu của đổi mới mà từng bước đổi mới chính trị. V.I.Lênin cho rằng: Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa lĩnh vực quan trọng nhất là lĩnh vực kinh tế. Vai trò lãnh đạo của Đảng phụ thuộc vào hiệu quả lãnh đạo kinh tế. Vì vậy phải quan tâm mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế. Trong công cuộc đổi mới của chúng ta, trước hết phải đổi mới về kinh tế và từng bước đổi mới hệ thống chính trị nhắm tuân thủ các nguyên tắc mà trong NEP đã chỉ ra. Đảng ta thực hiện từng bước đổi mới về chính trị, cụ thể là đổi mới hệ thống chính trị. Để đảm bảo chính trị là động lực mở đường cho kinh tế phát triển thì bản thân chính trị - mà cụ thể là hệ thống chính trị, phải tiến hành đổi mới, nâng lên ngang tầm với đổi mới kinh tế. Nếu không thì hệ thống chính trị không thể định hướng cho kinh tế và nguy cơ chệch hướng kinh tế hoàn toàn có thể xảy ra. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020, Đảng ta đã chỉ rõ: “Đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương để thúc đẩy đổi mới toàn diện và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Lấy việc thực hiện mục tiêu này là tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá hiệu quả của quá trình đổi mới và phát triển”[2, tr.99-100].
Ba là, đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu qủa quản lý của Nhà nước. Đây là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng ta có sự đổi mới nhận thức về sự tồn tại khách quan của sản xuất hàng hóa trong thời kỳ quá độ, chuyển nền kinh tế tự cung, tự cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đi liền với đó, Đảng ta chủ trương đổi mới cơ chế quản lý, xóa bỏ triệt để cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, hình thành cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; đổi mới công tác kế hoạch; thực hiện hạch toán kinh doanh và giao quyền tự chủ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh của Nhà nước; ổn định tiền tệ, khắc phục có hiệu quả lạm phát; cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước... Đảng ta cho rằng, để tăng cường xây dựng Đảng về chính trị nhằm nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng thì phải: “Tiếp tục đổi mới tư duy kinh tế, nâng cao năng lực lãnh đạo kinh tế của các tổ chức Đảng; tăng cường sử dụng hợp lý các tổ chức, cán bộ nghiên cứu để tham mưu cho Đảng trong việc xây dựng, lãnh đạo và kiểm tra việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội. Đảng và nhà nước phải thực sự nâng cao vai trò lãnh đạo, quản lý kinh tế thị trường, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ công tác”.[2, tr. 214]
Như vậy, theo quan điểm của V.I.Lênin, trong mối quan hệ giữa kinh tế với chính trị - cơ sở hạ tầng với kiến trúc thượng tầng, thì kinh tế quyết định chính trị và chính trị tác động trở lại kinh tế. Vận dụng mối quan hệ đó trong thời kỳ đổi mới ở nước ta, Đảng ta khẳng định: Một là, duy trì và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; Hai là, đổi mới kinh tế là trọng tâm, tùy theo thành quả và yêu cầu của đổi mới mà từng bước đổi mới chính trị; Ba là, Đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu qủa quản lý của Nhà nước. Sự vận dụng đúng đắn này nhằm đảm bảo mục tiêu xây dựng nền kinh tế chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Sự vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm của NEP đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước. Trong gần ba mươi năm đổi mới, đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, có sự thay đổi cơ bản và toàn diện, kinh tế tăng trưởng khá nhanh; sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang được đẩy mạnh; hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng và an ninh được giữ vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội
[3] Nguyễn Ngọc Thành (2007), Tính biện chứng trong chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin và ý nghĩa của nó đối với công cuộc đổi mới hiện nay ở Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội
[4] Nguyễn Đức Nghĩa (2014), Sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại ngày nay.
[5] V.I.Lênin toàn tập (1978), tập 6, NXB Tiến bộ
[6] V.I.Lênin toàn tập (1978), tập 42, NXB Tiến bộ
[7] V.I.Lênin toàn tập (1978), tập 43, NXB Tiến bộ