Nghiên cứu khoa học

MẤY VẤN ĐỀ VỀ BẢNG CHỮ CÁI TIẾNG VIỆT TRONG CHƯƠNG TRÌNH TIỂU HỌC

09/01/2015 10:41:04 SA - Lượt xem: 14187

.

                                               Ths. Nguyễn Tiến Dũng

TÓM TẮT

      Hiện nay việc sử dụng Bảng chữ cái tiếng Việt (BCCTV) chưa thống nhất và tùy tiện. Đó là sự không thống nhất về số lượng chữ cái, tùy tiện trong cách gọi tên âm, tên chữ cái TV. Thực trạng này ảnh hưởng sâu sắc đến việc dạy TV ở TH hiện nay và việc sử dụng TV sau này của học sinh. Cần thiết phải có sự điều chỉnh kịp thời.

Từ khóa: Bảng chữ cái, tiếng Việt, tên âm, tên chữ cái.

 

1. Mở đầu:

            BCCTV có một vai trò hết sức quan trọng trong việc sử dụng tiếng Việt (TV), nhất là việc dạy học TV ở trường phổ thông và sư phạm. Qua quá trình giảng dạy ở trường cao đẳng sư phạm và nghiên cứu sách giáo khoa (SGK) bậc tiểu học (TH), chúng tôi đã phát hiện nhiều điều bất cập về  BCCTV, cần thiết phải đưa ra trao đổi, bàn bạc.

2. Nội dung:

    2.1. Chưa thống nhất về số lượng chữ cái

SGK, sách giáo viên (SGV) TV 1 và hầu hết sách tập viết lớp 1, 2, 3, đều sử dụng bộ chữ cái theo Quyết định số 31/2002/QĐ-BGD & ĐT ngày 14 tháng 6 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) với 29 chữ cái (a, ă, â, b, c, d, đ, e, ê, g, h, i, k, l, m, n, o, ô, ơ, p, q, r, s, t, u, ư, v, x, y). Các phần mềm học vần, tập viết bậc tiểu học các phần mềm học vần, tập viết bậc tiểu học được soạn thảo từ năm 2002 đến nay cũng sử dụng 29 chữ cái như trên. Chẳng hạn như các băng đĩa tập huấn thay SGK theo Chương trình 2000 của Bộ GD& ĐT, các phần mềm hỗ trợ học tập của School@net - Công ty Công nghệ Tin học Nhà trường,…Nhìn chung, SGV TV1 đã đưa ra cách gọi tên âm và tên chữ cái rõ ràng và dễ chấp nhận: tên âm, tên chữ cái, cách đọc 03 âm c, k, q và các nét cơ bản để viết TV [2, tr.12].

       Gần đây có ý kiến đưa 04 chữ cái F, J, W, Z vào BCCTV để “sử dụng font chữ tiếng Việt trên máy tính trong hệ thống giáo dục quốc dân”, nâng lên thành 33 chữ cái [1]. Người đề xuất đưa thêm 04 chữ cái trên vào BCCTV cho rằng sẽ làm phong phú BCCTV, khắc phục những lỗi không đáng có của TV hiện nay trên máy tính và góp phần cho TV hòa nhập quốc tế. Tuy nhiên ý kiến này chưa được Bộ GD & ĐT chấp thuận và có nhiều ý kiến trái chiều.

        PGS. TS. Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) cho rằng: Từ điển TV đã sử dụng 33 chữ cái từ lâu, các nhà biên soạn Từ điển TV đã bổ sung bốn chữ cái F, J, W, Z vào bảng chữ cái TV, nâng số ký tự tra cứu thành 33 (cụ thể là từ năm 1988, khi công bố cuốn Từ điển TV của Viện Ngôn ngữ học do GS Hoàng Phê chủ biên). Cũng theo PGS.TS.Phạm Văn Tình “giải pháp này nhằm giúp việc phiên âm, chuyển tự một số từ mượn của nước ngoài hoặc viết nguyên dạng các thuật ngữ khoa học có tính chất quốc tế.” [7]

            Khác với ý kiến trên, PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng (ĐHSP TP.HCM) có quan điểm: “Nên giữ nguyên bảng chữ cái tiếng Việt”. Vì việc bổ sung 4 kí tự trên sẽ có những điểm bất lợi như: Làm cho bảng chữ cái TV không phản ánh đúng đặc trưng của ngữ âm TV và trở nên phức tạp hơn,… [7]

          Trong khi đó Bộ GD& ĐT không có ý kiến chỉ đạo về vấn đề này. Công văn ngày 10/8/2011 gửi các cơ quan thông tấn, báo chí có nội dung sau: “Việc đề xuất “Thêm ký tự F, J, W, Z cho bảng chữ cái tiếng Việt” chỉ là ý kiến cá nhân một số cán bộ nghiên cứu của Cục Công nghệ thông tin. Các ý kiến này chưa được đưa ra thảo luận trong ban soạn thảo, càng không phải là chủ trương, ý kiến của Bộ GD-ĐT.” [7]

Đáng chú ý là giáo trình Tiếng Việt thực hành (TVTH), tài liệu đào tạo giáo viên (GV) TH trình độ cao đẳng và đại học sư phạm lại có nội dung khác. Chủ đề 3 (tên là Rèn luyện kĩ năng viết tiếng Việt) của giáo trình này có đoạn viết: “Để ghi âm tiếng Việt, chữ quốc ngữ đã sử dụng 29 chữ cái (a, ă, â, b, c, d, đ, e, ê, g, h, i, k, l, m, n, o, ô, ơ, p, q, r, s, t, u, ư, v, x, y), 10 tổ hợp chữ cái ghi phụ âm (ch, gh, gi, kh, ng, ngh, nh, ph, th, tr)” [4, tr. 95]. Tài liệu này còn ghi rõ: “Số lượng các con chữ, thứ tự của các con chữ và tổ hợp các con chữ trong bảng chữ cái được dạy ở tiểu học như sau” và tài liệu ghi rõ 33 chữ cái trong bảng tổng hợp đánh số từ 1 đến 39. [4, tr.95-96]

Các số liệu trên cho thấy ngay trong ngành giáo dục và hệ thống SGK, giáo trình đã không thống nhất về số lượng và tên gọi âm và chữ cái trong BCCTV. Theo người viết bài này, khái niệm “tổ hợp chữ cái” được giáo trình TVTH nêu ra là không khoa học và không thực tế. Vì từ trước đến nay không ai sử dụng cái gọi là “tổ hợp chữ cái” nêu trên trong BCCTV. Mở rộng thêm, khi tìm hiểu các bộ chữ cái của các ngôn ngữ khác sử dụng bộ chữ cái La tinh như Anh, Pháp,… cũng không có ngôn ngữ nào gọi là “tổ hợp chữ cái”. Thực ra đó là các phụ âm đầu có hai chữ cái trong TV gồm: ch, gh, gi, kh, ng, ngh, nh, ph, th, tr. Người viết bài này đem khái niệm “tổ hợp chữ cái” của giáo trình trên trao đổi với các đồng nghiệp của một số trường cao đẳng sư phạm trong toàn quốc thì nhiều ý kiến phản hồi cho là khó chấp nhận và cũng không chấp nhập số lượng chữ cái TV là 33.

Để khẳng định thêm quan điểm của mình, người viết trực tiếp gặp và chất vấn chính tác giả của giáo trình TVTH là TS.Nguyễn Quang Ninh nhưng TS. Ninh cũng không có câu trả lời dứt khoát. Như vậy vấn đề về số lượng chữ cái 29 hay 39 chữ cái được ghi trong giáo trình trên chưa ngã ngũ. Trong khi đó giáo trình TVTH được xem là giáo trình chính thức trong chương trình đào tạo GVTH trong các trường cao đẳng, đại học hiện nay. Nội dung này của giáo trình thực sự gây lúng túng không chỉ cho GV các trường phổ thông mà  còn cho GV dạy các trường sư phạm.

    2.2. Loạn về cách đọc

SGK và chương trình TV ở TH hiện nay là 29 chữ cái và âm. Tuy nhiên mỗi tài liệu có một cách đọc khác nhau. Sách giáo viên (SGV) TV1, tập 1 phân biệt cách đọc tên chữ cái và tên âm của chữ cái. Cụ thể: Tên của 29 chữ cái là: a (a), ă (á), â (), b (), c (), d (), đ (đê), e (e), ê (ê), g (giê), h (hát), i ( i ngắn), k (ca), l (e-lờ), m (em-mờ), n (en-nờ), o (o), ô (ô), ơ (ơ), p (), q (quy hoặc cu), r (e-rờ), s (ét-sì), t (), u (u), ư (ư), v (), x (ích-xì), y (i dài); Tên các âm là: a (a), ă (á - a ngắn), â (ớ - ơ ngắn), b (bờ), c (cờ), d (dờ), đ (đờ), e (e), ê (ê), g (gờ), h (hờ), i ( i ), k (cờ), l (lờ), m (mờ), n (nờ), o (o), ô (ô), ơ (ơ), p (pờ), q (cờ), r (rờ), s (sờ), t (tờ), u (u), ư (ư), v (vờ), x (xờ), y (i). Trong cách đọc các âm, tài liệu này phân biệt rõ 03 âm [k] (đọc là cờ) gồm các chữ cái c, k, q trong đánh vần. [2, tr.12]

Hiện nay ở các trường TH không dạy tên chữ cái cho HS. Khi dạy học vần, hầu hết GV gọi các chữ cái là a, bờ, cờ, dờ, đờ,… tức là tên âm chứ không phải tên chữ cái. GV chỉ quan tâm đến việc dạy các âm cho HS đánh vần chứ chưa quan tâm đến việc dạy tên chữ cái trong bộ chữ cái TV. Trong một cuộc điều tra của người viết theo phiếu thăm dò vào tháng 3 năm 2013, có hơn 200/900 GVTH trong tỉnh Gia Lai nhầm lẫn trong cách gọi tên âm và tên 29 chữ cái TV.

Xét về yêu cầu thì cách dạy này chưa đủ chuẩn kiến thức TV ở trường TH, tức là dạy các âm phải gắn liền với dạy tên của từng chữ cái. Nội dung SGK và SGV TV1 ghi rất cụ thể và rõ ràng về việc dạy âm và chữ cái TV. Cụ thể là 6 bài đầu tiên SGK TV1 là dạy kiểu bài “Làm quen với chữ cái” [5, tr.4-15]. Sau đó đến bài 28 củng cố lại bộ chữ cái TV bằng bài học “Chữ thường - Chữ hoa” [5, tr.58]. Việc dạy bảng chữ cái TV còn kéo dài đến 02 tuần đầu của chương trình lớp 2 trong phân môn Chính tả (Tuần thứ nhất: Bảng chữ cái; Tuần thứ hai: Ôn bảng chữ cái). [6, tr.6, 11]

Việc chỉ chú trọng đến các âm để ghép âm hoặc đánh vần đã dẫn đến trường hợp GV gọi tên âm, tên chữ cái một cách tùy tiện. Ví dụ ngữ âm “ng” đọc là “ngờ đơn”, “ngh” đọc là “ngờ kép”; hoặc “g” đọc là “gờ đơn” và “gh” đọc là “gờ kép”,… Việc đọc tùy tiện này là do GV không biết đặc điểm ngữ pháp TV, không lí giải tại sao một âm mà có nhiều cách viết như vậy.

Trong khi cách đọc tên âm, tên chữ cái ở trường TH vẫn chưa đúng thì giáo trình dạy ở trường sư phạm cũng chưa thống nhất. Cụ thể là giáo trình TVTH như đã nêu đưa thêm 10 “tổ hợp chữ cái” vào bảng chữ TV thành 39 “chữ cái và tổ chợp chữ cái”. Cách làm này rất gượng ép và gây thêm nhiều rắc rối cho việc dạy bảng chữ cái cho học sinh (HS) TH. Các tác giả của giáo trình TVTH tự đặt tên cho các phụ âm là “tổ hợp chữ” cái rồi gán vào BCCTV làm cho người học và người dạy hết lúng túng. Người dạy không thể phân biệt đâu là phụ âm, đâu là chữ cái.

Trong khi đó, các sách tham khảo và các phần mềm dạy TV trên thị trường cũng có nhiều cách đọc khác nhau hết sức tùy tiện. Ví dụ như phần mềm Bé yêu tập viết, Gugu học TV , Học vần TV… của Nhóm phát triển phần mềm sinh viên có nhiều cách đọc, cách gọi chữ cái TV. Lúc đọc chữ cái theo tên a, bê, xê, dê, đê, lúc đọc chức cái theo âm a, bờ cờ, dờ, đờ... Lúc đọc b là , lúc khác lại là bờ. Ngoài ra, nhiều bộ đồ chơi vui học chữ cái TV lại xếp thứ tự các chữ cái không đúng. Ví dụ chữ ê trước chữ e, chữ ư trước chữ u

 3. Kết luận:

     3.1. Việc chưa thống nhất về số lượng và tên gọi của BCCTV là có thực và là vấn đề bức xúc trong vấn đề dạy học, sử dụng TV hiện nay. Trước mắt nó sẽ tạo ra sự lộn xộn, không thống nhất trong việc đánh vần, gọi tên chữ cái, tên âm trong việc dạy TV ở bậc mầm non, tiểu học và những bậc học tiếp theo. Nếu không kịp thời chấn chỉnh sẽ có nhiều thế hệ học sinh sau này mù mờ về tên gọi và cách đọc chữ cái TV.

    3.2. Thiết nghĩ Bộ GD & ĐT nên rà soát lại các SGK, giáo trình hiện hành để thống nhất số lượng và cách gọi tên con chữ, tên âm trong BCCTV. Bên cạnh đó, Bộ GD & ĐT  cũng cần quản lí chặt chẽ các cơ sở sản xuất dụng cụ, phần mềm phục vụ dạy và học TV, nhất là phần mềm, dụng cụ phục vụ các môn học liên quan mật thiết đến bộ chữ cái như học vần, tập viết ở bậc TH, làm quen với chữ cái ở bậc mầm non. Trước mắt các trường TH chấn chỉnh ngay việc đọc sai, đọc tùy tiện tên âm, tên chữ cái TV.

                                                                                                                     N. T. D

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Hường (2011), “Có cần thêm F J, W, Z trong bảng chữ cái tiếng Việt”, Báo Vietnamnet, ngày 11/8/2011.

2. Đặng Thị Lanh (chủ biên, 2002), Sách giáo viên Tiếng Việt 1, Tập 1, NXB Giáo dục.

3. Lê Phương Nga, Đặng Kim Nga (2007), Phương pháp dạy học Tiếng Việt, Tài liệu đào tạo GVTH trình độ CĐ và ĐHSP, NXB Giáo dục - NXB ĐHSP.

4. Nguyễn Quang Ninh (chủ biên, 2007), Tiếng Việt thực hành, Tài liệu đào tạo GVTH trình độ CĐ và ĐHSP, NXB Giáo dục - NXB ĐHSP.

5. Nguyễn Minh Thuyết (chủ biên, 2013), Tiếng Việt 1, Tập 1, NXB Giáo dục.

6. Nguyễn Minh Thuyết (chủ biên, 2013), Tiếng Việt 2, Tập 1, NXB Giáo dục.

7. Nhiều tác giả, “Thêm ký tự F, J, W, Z trong bảng chữ cái tiếng Việt”, Báo Tuổi trẻ ngày 09/8/2011.

CÁC TIN KHÁC
Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Thư viện ảnh
Hỗ trợ online
thaiha0511@gmail.com
Hotline: 02693877244
phonghcqtc38@gmail.com
Hotline: 02693877351
Lượt truy cập
Online: 114 | Thống kê: 987974
Liên kết website
Bản quyền (C) 2013 thuộc trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai
Điện thoại: 0593.877.244 - Fax: 3877312. Email: cdspgialai@cdspgialai.edu.vn
Giấy phép số 383754/GP - BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 03/03/2013
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Địa chỉ: 126 Lê Thánh Tôn - T.P Pleiku - Gia Lai
Ghi rõ nguồn gốc "Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai" khi phát hành lại thông tin từ website này
Các trang sẽ mở ra tại cửa sổ mới. Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai không chịu trách nhiệm nội dung các trang này.