Nghiên cứu khoa học

Ảnh hưởng của luật tục Jrai

08/01/2015 9:01:48 SA - Lượt xem: 1664

đến việc thực hiện dân chủ trong lĩnh vực kinh tế ở cơ sở

Hồ Thị Thanh Hiền

Bộ môn Lý luận chính trị

        Tóm tắt:

   Luật tục có vai trò rất quan trọng trong đời sống của người Jrai, là bộ phận thiết yếu trong việc điều chỉnh các mối quan hệ buôn làng, giữ gìn phong tục, tập quán. Bản thân luật tục tồn tại mặt tích cực và tiêu cực đan xen nên ảnh hưởng không nhỏ đến quyền dân chủ của người dân trên nhiều lĩnh vực trong đó có kinh tế. Trong nhiều năm, chính quyền sở tại chưa đánh giá đúng vai trò của luật tục, chưa khai thác yếu tố tích cực của nó trong việc phát huy dân chủ cơ sở và chưa tìm cách khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng tiêu cực của luật tục đối với vấn đề trên. Ảnh hưởng của luật tục  không hiếm trường hợp còn mang tính tự phát và đang dần mất đi hiệu lực trong đời sống cộng đồng.

---------------------------------------------

Nền văn hoá của mỗi dân tộc đều mang trong nó một sắc thái riêng mà chỉ có dân tộc đó mới có. Cái làm nên sắc thái riêng đó gọi là bản sắc văn hoá, được biểu hiện qua nhiều lĩnh vực của đời sống trong đó có nếp sống, phong tục… Và một trong những chất liệu chính tạo nên bản sắc văn hoá Jrai chính là luật tục.

Luật tục không thuần tuý là “luật” mà cũng không hoàn toàn là “tục”, nó là hình thức trung gian, là bước chuyển tiếp từ tập tục lên luật pháp. Vì vậy, một điều dễ nhận biết là, luật tục vừa mang tính chất của pháp luật như quy định các hành vi phạm tội, bằng chứng, việc xét xử và hình phạt… lại vừa mang tính chất tục lệ như các lời răn dạy mang tính đạo đức hướng dẫn hành vi cá nhân, tạo dư luận để điều chỉnh hành vi ấy.

Luật tục Jrai ra đời trong giai đoạn cuối của chế độ công xã thị tộc, xã hội đã có sự phân hoá giàu nghèo ở những mức độ khác nhau nhưng giai cấp chưa xuất hiện, tổ chức xã hội cơ bản là “làng”. Luật tục Jrai bị chi phối bởi lối tư duy mộc mạc, giản đơn và tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Nhìn từ góc độ triết học, luật tục Jrai là sự thể hiện quan niệm của người Jrai về thế giới, về cuộc sống, là nơi gửi gắm những ước mơ, khát vọng chinh phục, cải tạo tự nhiên và xã hội của con người. Lúc đầu, luật tục Jrai ra đời với nội dung chủ yếu là giáo dục con người sống bình đẳng trong cộng đồng. Về sau, do xã hội biến đổi, luật tục Jrai dần hoàn thiện, chế định các mối quan hệ xã hội của con người toàn diện hơn. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình hình thành, cơ chế vận hành và cách thức phán xử của luật tục Jrai là tính dân chủ và tính nhân văn.

Nghiên cứu về luật tục nói chung và luật tục Jrai nói riêng ta thấy, nó thuộc phạm trù ý thức xã hội và kiến trúc thượng tầng, nó nảy sinh từ cơ sở hạ tầng tương ứng và phục vụ cho sơ sở hạ tầng ấy. Chính vì thế, luật tục Jrai chứa đựng trong mình nhiều yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen vào nhau. Những yếu tố tích cực và hạn chế này ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện dân chủ trong mọi lĩnh vực từ kinh tế đến chính trị, văn hoá tư tưởng… Có thể nói, quyền dân chủ của con người trong lĩnh vực kinh tế là một trong những quyền quan trọng nhất và cơ bản nhất, nó thể hiện tính ưu việt của một chế độ chính trị.  Những quy định của luật tục Jrai  về kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề dân chủ trong lĩnh vực kinh tế của người dân, điều này được thể hiện ở các khía cạnh sau:

Thứ nhất, luật tục Jrai quy định sở hữu chung, sở hữu mang tính cộng đồng

Với trình độ tư duy còn mang tính trực quan và thế giới quan mang màu sắc thần bí; trình độ canh tác lạc hậu, công cụ lao động thô sơ… người Jrai sống phụ thuộc vào tự nhiên, họ sở hữu tập thể về môi trường mình sinh tụ. Mỗi làng có một địa vực nhất định, dân làng là chủ nhân trên đó. Quyền sở hữu này được kế tiếp qua các đời. Về nguyên tắc, địa vực ấy cùng tất cả các sản vật các loại dù hoang dại hay do con người tạo lập nên đều thuộc về dân làng sở tại. Tất cả những tài sản chung ai cũng có quyền sử dụng. Trong cộng đồng, không ai có đặc quyền về đất và tài nguyên, không ai được quyền bán, đổi. Ai xâm hại đều bị cộng đồng xử lý.

Ngoài sở hữu chung của cả cộng đồng, luật tục Jrai cũng quy định về sở hữu cá thể là sở hữu riêng của từng người như quần áo, đồ trang sức, tẩu thuốc… và sở hữu từng gia đình như nhà ở, chuồng nhốt vật nuôi, kho thóc, gia súc, cồng chiêng… Với rẫy thì quá trình xác lập quyền sở hữu gia đình diễn ra chậm hơn. Mỗi gia đình có quyền khai phá đất làng mình để sản xuất, có thể sử dụng và truyền lại cho con cháu đời sau. Trường hợp rẫy bị bỏ hoá lâu ngày (3 năm) thì quyền quản lý của người khai thác và canh tác trên đất đó cũng chấm dứt, đất đó lại thuộc về sở hữu của làng. Việc sở hữu cá nhân về đất đai đi đối với việc cá nhân được hưởng hoa lợi trên đất canh tác của mình. Không những vậy, sản phẩm của săn bắt, hái lượm do cá nhân tiến hành cũng thuộc về sở hữu cá nhân.  Luật tục còn thừa nhận cả quyền khai thác tượng trưng đối với sản vật tự nhiên. Vào rừng, ai phát hiện ra tổ ong, cây ăn quả… người ấy có thể xác lập quyền sở hữu của mình bằng cách làm dấu.

Như vậy, theo luật tục Jrai sở hữu cá nhân nằm trong khuôn khổ sở hữu cộng đồng nên quyền dân chủ của người dân đối với tài sản của mình bị hạn chế chẳng hạn việc thừa kế hay chuyển nhượng ruộng rẫy của các hộ gia đình không được tiến hành một cách tuỳ tiện, việc đó do cộng đồng quyết định để tránh trường hợp đất làng rơi vào tay người khác. Cả trong trường hợp ai đó đi nơi khác, nếu không có thân nhân ở lại tiếp nhận ruộng rẫy thì số đất đó phải trả về cho làng. Những quy định của luật tục Jrai về sở hữu cá nhân như trên ở một khía cạnh nhất định thể hiện tính tích cực trong việc bảo vệ tài sản chung. Nhưng xét ở góc độ khác thì quyền dân chủ của cá nhân chưa được trọn vẹn, chưa đầy đủ và do vậy có thể gọi là chiếm hữu, chiếm dụng. So với pháp luật nhà nước, những quy định về sở hữu tài sản trong luật tục Jraiai đã thể hiện ng quyền dân chủ của người dân nhưng chỉ ở mức độ thấp, vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp với sự phát triển hiện nay. Người dân chỉ có quyền sử dụng tài sản mà chưa thực sự có quyền quyết định hay định đoạt về tài sản đó. Quyền quyết định thực sự là ở cộng đồng dân làng. Đây là điểm chưa tương đồng giữa luật tục và luật pháp.

Thứ hai, mặc dù đã tồn tại sở hữu cá nhân nhưng việc sở hữu tài sản mang tính cộng đồng lại giữ vai trò chi phối nên ít nhiều cũng dẫn đến việc phân phối tài sản mang tính bình quân.

Mọi sản vật tự nhiên hay các công trình văn hoá công cộng ai cũng có quyền sử dụng, khai thác và có trách nhiệm bảo vệ. Người Jrai còn san sẻ cho nhau phần đất canh tác thuộc sở hữu cá nhân, người có nhiều đất có thể trích hẳn một phần diện tích nào đó cho người thiếu đất làm ăn. Như vậy, ở phương diện đạo đức, người Jrai sống với nhau đầy nghĩa tình. Ở phương diện kinh tế, điều này vừa mang tính dân chủ lại vừa làm cho việc phân phối tài sản mang tính bình quân. Thêm vào đó, khi thực hiện phân phối, người Jrai căn cứ vào yếu tố tự giác lao động của mỗi người là chủ yếu, không căn cứ vào kết quả lao động và hiệu quả kinh tế như quy định của pháp luật nhà nước. Tính bình quân trong phân phối tài sản đan xen trong nó mặt tích cực và tiêu cực trong đời sống cộng đồng, ta có thể thấy được điều đó qua mấy điểm sau:

Về mặt tích cực, ta thấy rằng, trong điều kiện sản xuất còn thấp kém, đời sống vật chất còn nhiều thiếu thốn thì phân phối bình quân sẽ là cứu cánh cho người ốm đau, già yếu, tật nguyền… không có đủ khả năng lao động có thể tồn tại được. Với kiểu phân phối này, mọi người đều thấy mình bình đẳng trong cộng đồng nên nó có tác dụng tinh thần rất lớn, tạo thành khối cố kết cộng đồng bền chặt. Chính tính cộng đồng này lại tạo nên sức mạnh vật chất giúp người Jrai chinh phục mảnh đất cao nguyên hùng vĩ của mình.

Về mặt tiêu cực, phân phối bình quân làm thui chột động lực phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu của các cá nhân. Theo quy định của luật tục, các cá nhân, các hộ gia đình khá giả, ăn nên làm ra phải có nghĩa vụ san sẻ giúp đỡ những người khó khăn, nếu không sẽ bị cả cộng đồng lên án và bị xử phạt. Như vậy, so với pháp luật nhà nước hiện nay, những quy định của luật tục về phân phối tài sản là một trong những trở lực của việc giải phóng cá nhân, giải phóng sức sáng tạo trong sản xuất và hoạt động xã hội của các thành viên trong cộng đồng. Có thể thấy rằng, phân phối bình quân là một trong những lý do giải thích vì sao tốc độ phát triển kinh tế của người Jrai thấp, chậm so với mặt bằng chung của xã hội.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh nhất định, phân phối tài sản bình quân vẫn còn nhiều điểm phù hợp với sự phát triển và còn nhiều điểm tương đồng với chế độ phân phối của nhà nước ta. Nhà nước cũng thực hiện nhiều ưu đãi đối với các trường hợp đặc biệt: người nghèo, người có công với cách mạng; nhà nước đánh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, khuyến khích làm từ thiện, làm giàu hợp pháp… Đây là mô thức phù hợp cho sự phát triển của cá nhân cũng như cho toàn xã hội.

Thứ ba, đi đôi với việc sở hữu tài sản mang tính cộng đồng và phân phối tài sản bình quân thì vấn đề quản lý tài sản cũng mang tính cộng đồng.

Mỗi một thành viên trong cộng đồng đều được quyền sử dụng tài sản chung và có nghĩa vụ bảo vệ tài sản ấy. Bất kỳ sự xâm hại nào đến tài sản chung đều làm các Yàng nổi giận đem tai hoạ, dịch bệnh đến cho cả cộng đồng. Như vậy, hành động cá nhân sẽ liên đới đến mọi người nên mỗi cá nhân là một chủ thể quản lý tài sản chung. Đây là điểm tương đồng giữa luật tục và luật pháp nhà nước.

Không nằm ngoài sự vận động chung của xã hội, tộc người Jrai đang có bước chuyển mình trong nền kinh tế mới. Sự thay đổi chính sách kinh tế vùng núi và Tây Nguyên của Đảng và Nhà nước, cụ thể là: Rừng không phải là tài sản của buôn làng mà thuộc về nhà nước, do nhà nước quản lý. Kéo theo sự thay đổi cơ cấu quản lý rừng, các sản vật trong rừng, trong suối cũng không thuộc về buôn làng. Do đó, dân làng không được tuỳ tiện săn bắt như trước. Như vậy, những quy định của luật tục về sở hữu công cộng đất đai, rừng, các sản vật rừng không còn cơ sở vật chất để tồn tại nữa. Trong điều kiện như vậy, sở hữu cá nhân là sở hữu chủ yếu trong đời sống. Sở hữu cá nhân này đã phát triển hơn trước, đã vượt ra khỏi khuôn khổ của cộng đồng. Sự suy giảm sở hữu công cộng trong đời sống đã làm cho chế độ phân phối theo kiểu bình quân cũng ngày càng thu hẹp. Đây là điều kiện để giải phóng sức sản xuất cá nhân và cũng là mở rộng dân chủ. Nói vậy không có nghĩa là giờ đây người Jrai không còn tính cộng đồng, mà là sự ràng buộc cá nhân của cộng đồng dần được nới lỏng, mang tính mềm dẻo hơn để thích nghi với yêu cầu mới.

Như vây, sự tác động của các chính sách của Đảng và Nhà nước có ảnh hưởng lớn đến luật tục. Sự phát triển kinh tế trong điều kiện mới đã ít  nhiều làm quyền dân chủ của người dân ở cơ sở phát triển hơn trước. Những biến đổi trên đã phản ánh quá trình phát triển tự nhiên của văn hoá Jrai nói chung. Với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, luật tục  Jrai tất yếu tiến lên theo sự phát triển của xã hội. Sự hội nhập này là cơ sở để người Jrai phát triển tư duy, phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu, học hỏi bên ngoài… Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, kinh tế thị trường cũng có những tác động mang tính tiêu cực làm bản chất con người bị tha hoá, làm băng hoại các giá trị đạo đức vì lối sống thiếu tình người, đi ngược lại với những điều răn dạy của luật tục và làm luật tục mất dần hiệu lực trong việc điều chỉnh hành vi cá nhân.

Từ các vấn đề phân tích trên, ta có thể khẳng định luật tục Jrai có những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực, trực tiếp đến sự dân chủ về kinh tế và gián tiếp đến tốc độ phát triển kinh tế ở cơ sở. Bởi vậy, khi phân tích thiết chế và quan hệ xã hội của người Jrai, ta phải thấy được mối quan hệ biện chứng, tính hai mặt của vấn đề. Nhiệm vụ đặt ra là, một mặt phải giữ gìn, phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp, những tập tục mang tính dân chủ, tính nhân văn của luật tục. Mặt khác, khắc phục những tập tục lạc hậu cản trở quyền tự do cá nhân. Phải làm sao để tính cố kết cộng đồng được củng cố và phát triển nhưng mỗi thành viên trong cộng đồng vẫn được giải phóng và khẳng định.

      Để giải quyết tốt vấn đề đặt ra ở trên, tôi xin có một số đề xuất cơ bản như sau:

            Một mặt, cần sưu tầm, bổ sung để hoàn thiện hơn bộ luật tục Jrai và phổ biến nó rộng rãi để người dân hiểu cặn kẽ các quy định của luật tục, tránh việc bộ máy tự quản buôn làng áp đặt chủ quan khi xét xử, định tội.

            Hai là, cần quan tâm tới việc truyền bá nét đẹp của luật tục thông qua các hoạt động truyền thống. Đối tượng hướng đến chủ yếu là giới trẻ - những người đang ngày càng xa với đời sống buôn làng, giúp họ thấy được cái hay, cái đẹp của luật tục một mặt sẽ làm tăng sức “đề kháng” đối với các cám dỗ làm tha hoá bản chất con người, mặt khác sẽ làm cho luật tục được lưu truyền và có hiệu lực tích cực trong đời sống. /.

……………

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Phan An (1983), Vấn đề quyền sử dụng và quyền sở hữu đất đai của Tây Nguyên trong lịch sử. Nghiên cứu lịch sử, 6,

[2]. Phạm Trần Anh  (1969 ), Đồng bào Thượng và vấn đề phát triển kinh tế ở Cao nguyên. Luận văn Thạc sỹ,

[3]. Vũ Ngọc Bình (1995),  Văn hoá dân gian Gialai. NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội

[4]. Nguyễn Đình Chi (1996), Bộ lạc Jơrai. Tạp chí dân tộc học, 3

[5]. Phan Hữu Dật (1998), Tín ngưỡng dân gian Tây Nguyên trong đời sống các dân tộc. Tạp chí dân tộc học, 2

[6]. Ngô Đức Thịnh (2001), Ảnh hưởng của luật tục Tây Nguyên. Chuyên đề nghiên cứu và sáng tác về miền núi và Tây Nguyên. NXB Đà Nẵng.

 

CÁC TIN KHÁC
Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Thư viện ảnh
Hỗ trợ online
thaiha0511@gmail.com
Hotline: 02693877244
phonghcqtc38@gmail.com
Hotline: 02693877351
Lượt truy cập
Online: 19 | Thống kê: 529091
Liên kết website
Bản quyền (C) 2013 thuộc trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai
Điện thoại: 0593.877.244 - Fax: 3877312. Email: cdspgialai@cdspgialai.edu.vn
Giấy phép số 383754/GP - BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 03/03/2013
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Địa chỉ: 126 Lê Thánh Tôn - T.P Pleiku - Gia Lai
Ghi rõ nguồn gốc "Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai" khi phát hành lại thông tin từ website này
Các trang sẽ mở ra tại cửa sổ mới. Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai không chịu trách nhiệm nội dung các trang này.