ThS. NGÔ VÕ THẠNH
Trường CĐSP Gia Lai
Tóm tắt: Bài viết này giúp người dạy và người học tìm mối quan hệ của các chất trong phản ứng không dựa vào hệ số tỷ lượng của phương trình phản ứng hóa học mà dựa vào quy tắc “tích số mol và hóa trị của các chất tham gia phản ứng là bằng nhau” nhằm giảm tải cho chương trình hóa học phổ thông, đồng thời nâng cao tư duy cho người học. Quy tắc này được xây dựng trên cơ sở: định luật tác dụng đương lượng, hóa trị của các nguyên tố, nguyên tử, nhóm nguyên tử và lượng chất (mol).
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong tình hình thực tế hiện nay, việc dạy học, kiểm tra đánh giá trong nhà trường phổ thông và kỳ thi trung học phổ thông quốc gia của môn hóa học yêu cầu cho người dạy và người học phải giải nhanh các bài toán hóa học. Các phương pháp tính được giới thiệu trong sách giáo khoa và sách giáo viên trong chương trình hóa học ở bậc phổ thông hiện nay đều dựa vào phương trình phản ứng hóa học để xác định mối quan hệ về số mol của các chất trong phản ứng. Việc giải bài toán theo định luật hợp thức (phương pháp truyền thống vẫn được dạy trong nhà trường phổ thông) đòi hỏi cần phải cân bằng phản ứng và nhiều trường hợp cần tìm tọa độ cực đại của phản ứng. Đây là việc làm gây tốn nhiều thời gian.
Để tìm mối quan hệ về lượng chất của các chất trong phản ứng mà không dùng hệ số tỷ lượng của phương trình hóa học, ta cần áp dụng nội dung định luật tác dụng đương lượng vào việc dạy và học một cách hợp lí trong chương trình hóa học phổ thông trên cơ sở học sinh đã biết các khái niệm hóa trị và mol chất.