Nghiên cứu khoa học

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG:

27/12/2015 9:10:39 CH - Lượt xem: 2155

MỘT SỐ BẤT CẬP VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

TS. NGUYỄN THỊ THU HÀ

Trường CĐSP Gia Lai

Tóm tắt: Chương trình đào tạo hiện hành của các trường cao đẳng sư phạm được xây dựng dựa trên chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2004 không hoàn toàn phù hợp với yêu cầu đào tạo giáo viên giảng dạy chương trình phổ thông mới (từ năm 2018). Bài báo này tập trung phân tích những bất cập và đề xuất một số định hướng phát triển chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Chương trình đào tạo là một trong những vấn đề cốt lõi quyết định đến chất lượng đào tạo giáo viên, là tiêu chuẩn quan trọng để kiểm định chất lượng giáo dục ở các trường sư phạm. Tổ chức xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo là trách nhiệm của thủ trưởng cơ sở đào tạo giáo viên được quy định trong Điều lệ trường cao đẳng [2]. Chương trình phổ thông tổng thể đang dần được hoàn thiện và quá trình viết sách giáo khoa bước đầu được triển khai. Với sự đổi mới nổi bật từ việc định hướng tiếp cận nội dung sang định hướng tiếp cận năng lực người học, chương trình – sách giáo khoa mới nhằm đáp ứng mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.

Đổi mới công tác đào tạo trong các trường sư phạm thể hiện sự gắn bó, hài hoà và song hành cùng với trường phổ thông là điều kiện thành công cho đổi mới chương trình – sách giáo khoa. Vì vậy, phân tích, phát hiện những bất cập của chương trình đào tạo hiện hành, định hướng phát triển chương trình đào tạo phù hợp với chương trình phổ thông mới là vấn đề cấp thiết, được chúng tôi lựa chọn trong nghiên cứu này.

II. NỘI DUNG

1. Một số bất cập, hạn chế của chương trình đào tạo giáo viên trong các cơ sở đào tạo giáo viên  trình độ cao đẳng hiện nay

1.1. Về chương trình khung

Theo chương trình khung hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) (2004), cấu trúc chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng được quy định cụ thể về khối lượng kiến thức cho tất cả các ngành học là 169 đơn vị học trình, đào tạo trong 3 năm [1].

Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng Chương trình khung giáo dục đại học, trình độ cao đẳng có 3 tồn tại cần khắc phục như sau:

Một là, tỷ lệ thời gian đào tạo dành cho các khối kiến thức chưa hợp lý. Tổng thời gian dành cho kiến thức và nghiệp vụ sư phạm chỉ có 29 đơn vị học trình (đvht), chiếm 17,15%. Trong đó thực tập sư phạm chỉ chiếm 9/169 đvht. Khối kiến thức đại cương là 38 đvht, chiếm 22,68%.

Hai là, các chương trình đào tạo ngành sư phạm, trình độ cao đẳng gần như cùng chung một khối kiến thức giáo dục đại cương. Xét về phương diện phân hóa, điều này là bất hợp lý. Thực tế cho thấy 16 ngành sư phạm đào tạo giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở được Bộ ban hành có 7 môn đại cương trùng nhau, chiếm 29 đvht.

Ba là, số lượng học phần quá lớn (39-45), sinh viên phải học rất nhiều môn, nhưng nội dung lại dàn trải, chưa thực sự trọng tâm. Trong số đó gần một nửa thời gian học các môn đại cương và các môn khoa học chính trị. Do vậy, kiến thức mà sinh viên tiếp thu được không sâu. Khối kiến thức nghiệp vụ sư phạm còn ít nên việc rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên như: kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề… còn hạn chế. Chương trình cũng chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực và hiệu quả.

1.2. Về chương trình chi tiết

Trên cơ sở chương trình khung, chương trình chi tiết các học phần của Bộ GD&ĐT ban hành, các trường xây dựng chương trình chi tiết học phần của trường mình. Tuy nhiên, chương trình chi tiết các học phần khác nhau của một ngành đào tạo có nhiều phần trùng lặp. Cá biệt có một số học phần trùng lặp đến 50-60% về nội dung. Ví dụ: Học phần Sinh thái học và học phần Sinh thái học nông nghiệp…

Nội dung các học phần Tâm lý học, Giáo dục học vẫn nặng về lý thuyết và có tính chất hàn lâm, chưa thực sự gắn kết và bắt kịp với sự biến đổi ngày càng phức tạp ở thực tế trường phổ thông. Sinh viên chưa thực sự được hoà mình vào các tình huống trong thực tiễn dạy học và giáo dục ở trường phổ thông. Bởi vậy, họ cảm thấy ít gắn bó với môn học và mang tâm lý học đối phó.

Các học phần về phương pháp dạy học bộ môn tuy đã cố gắng trang bị cho sinh viên nắm vững hệ thống các phương pháp giảng dạy, đồng thời cập nhật những đổi mới về nội dung này ở trường phổ thông, song vẫn còn khoảng cách khá xa giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa đào tạo ở trường sư phạm với thực tế giảng dạy ở trường phổ thông.

Trong Hội nghị “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông của các cơ sở đào tạo giáo viên” được tổ chức tại Đăk Lăk tháng 6 năm 2015 của Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: “Hiện các trường sư phạm không bước đồng hành cùng các trường phổ thông”. Đồng thời thẳng thắn nêu rõ: “Chương trình đào tạo của các trường sư phạm hiện được đánh giá là lạc hậu nhất trong các cơ sở giáo dục đại học” [3].

Từ những bất cập này, chúng tôi cho rằng, chương trình đào tạo sư phạm nói chung, đào tạo giáo viên sư phạm trình độ cao đẳng nói riêng chưa thể hiện được tính nghề nghiệp của nó. Trong khi mục tiêu đào tạo nhà giáo là trang bị đủ các yếu tố: kiến thức chuyên môn, năng lực sư phạm và lòng yêu nghề thì các trường sư phạm hiện nay chủ yếu chỉ mới thiên về trang bị kiến thức chuyên môn, chưa chú trọng bồi dưỡng các yếu tố còn lại.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, các trường sư phạm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ GD&ĐT đã và đang tiến hành đổi mới, thiết kế, xây dựng lại chương trình đào tạo. Công việc này cần có những định hướng rõ ràng, cụ thể.

2. Một số định hướng phát triển chương trình đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông

2.1. Chương trình đào tạo giáo viên phải đảm bảo các tiêu chí của chuẩn nghề nghiệp giáo viên

Mục tiêu của các trường cao đẳng sư phạm là đào tạo sinh viên thành giáo viên bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Do đó, chương trình đào tạo phải đạt được các tiêu chí về phẩm chất, nhân cách và các năng lực của Chuẩn nghề nghiệp giáo viên từng bậc đã được quy định tại Quyết định số 02/2008/QĐ-BGDĐT ngày 22/1/2008, Quyết định số 14/2007/QĐ-BGDĐT ngày 04/5/2007, Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT ngày 22/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 Từ chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chương trình đào tạo giáo viên của các trường cao đẳng sư phạm phải được thiết kế một cách tổng thể các hoạt động của quá trình đào tạo, trong đó, mô tả mục tiêu, các khối kiến thức, năng lực, phẩm chất, các phương pháp, các hình thức tổ chức dạy học, kế hoạch đào tạo, các tiêu chí để kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo. Các thành phần này chỉ ra những phẩm chất, năng lực mà quá trình đào tạo phải đạt được. Đó cũng chính là chuẩn đầu ra của các ngành đào tạo.

2.2. Chương trình đào tạo giáo viên phải được thiết kế hướng vào sự thay đổi vai trò của giáo viên trong chương trình phổ thông mới

Theo quan niệm mới, giáo viên các bậc học hiện nay phải trở thành: Nhà giáo dục; Người nghiên cứu; Người học; Nhà văn hoá-xã hội.

Giáo viên là nhà giáo dục: Theo nghĩa rộng, giáo viên không chỉ có vai trò giảng dạy, truyền thụ kiến thức mà còn là nhà giáo dục chuyên nghiệp, thực hiện sứ mệnh cải tạo xã hội và phát triển toàn diện học sinh bằng năng lực tư duy và năng lực hành động để học sinh không ngừng phát triển nhận thức, trí tuệ, sức khoẻ, cảm xúc và kỹ năng cần thiết, cơ bản của con người.

Giáo viên là một người nghiên cứu: Hội nghị thượng đỉnh quốc tế tại thành phố Chicago, Hoa Kỳ năm 2011 với chủ đề “phát triển tài năng để dẫn dắt sáng tạo trong một xã hội toàn cầu” đã khẳng định: giáo viên phải là người canh tân và nghiên cứu trong giáo dục chứ không đơn thuần là người truyền tải chương trình giáo dục [5]. Do đó, giáo viên phải có vai trò là người nghiên cứu và giải quyết những vấn đề của thực tiễn giáo dục, là người lao động sáng tạo, xây dựng và phát triển những kiến thức mới trên cơ sở quan sát, phân tích, suy ngẫm và tổng kết những kinh nghiệm từ thực tiễn giáo dục, hoạt động nghề nghiệp của bản thân.

Giáo viên là người học suốt đời: Giáo viên phải là người học suốt đời để vừa nâng cao năng lực cá nhân, sự hiểu biết về xã hội và khoa học trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình vừa nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục học sinh. Việc đào tạo trong trường sư phạm mới chỉ là sự chuẩn bị ban đầu cho một người bước vào nghề và sẽ tiếp tục diễn ra, hoàn thiện trong giai đoạn hành nghề. Vì vậy, giáo viên phải là người học suốt đời, phải trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực tự học, tự bồi dưỡng và hướng dẫn học sinh tự học.

Giáo viên là nhà văn hoá - xã hội: Điều này nhấn mạnh đến trách nhiệm đóng góp của giáo viên trong cộng đồng nơi cư trú và cộng đồng địa phương như một công dân có ý thức trách nhiệm xây dựng môi trường văn hoá – xã hội qua tấm gương nhân cách, đạo đức của mình.

Với 4 vai trò trên, đòi hỏi chương trình đào tạo giáo viên phải hướng tới việc đào tạo những giáo viên tương lai trở thành nhà giáo dục, người nghiên cứu, người học suốt đời và nhà văn hoá – xã hội.

2.3. Chương trình đào tạo giáo viên phải được xây dựng theo tiếp cận mục tiêu phát triển năng lực nghề

Mục tiêu của các trường cao đẳng sư phạm là đào tạo ra những giáo viên có đủ năng lực thực hiện các hoạt động cơ bản trong thực tiễn nghề nghiệp và giải quyết tốt các tình huống xảy ra trong bối cảnh cụ thể của thực tiễn giáo dục [3].

Từ năm 2018, chương trình – sách giáo khoa ở phổ thông sẽ được thực hiện theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Vì thế, chương trình đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm phải được cấu trúc và thiết kế lại sao cho phát triển được những năng lực nghề cần thiết. Muốn vậy, trong xây dựng và phát triển chương trình đào tạo giáo viên cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa học lý thuyết với thực hành, thực tập; tri thức lý luận với tri thức thực tiễn; tri thức khoa học với tri thức kinh nghiệm và tri thức hành động theo định hướng phát triển năng lực nghề. Trong đó chú trọng rèn luyện các năng lực dạy học – giáo dục cho sinh viên. Chương trình đào tạo phải đặt bộ môn phương pháp dạy học và khối kiến thức nghiệp vụ sư phạm vào một vị trí thích đáng, đồng thời chăm lo đầu tư cho các bộ môn này thực sự trở thành rường cột trong quá trình đào tạo giáo viên.

Theo tiếp cận này thì mục tiêu của chương trình đào tạo phải được cụ thể hoá bằng hệ thống năng lực của người giáo viên: năng lực chuyên ngành, năng lực dạy học và giáo dục, năng lực đánh giá, năng lực sáng tạo và đổi mới, năng lực nghiên cứu, năng lực phát triển chương trình, năng lực giao tiếp; năng lực thích ứng môi trường; năng lực học tập suốt đời, năng lực văn hoá – xã hội, năng lực cảm xúc, năng lực truyền thông, năng lực công nghệ thông tin, năng lực phát triển nghề…

2.4. Chương trình đào tạo giáo viên phải được thiết kế lại phù hợp với sự thay đổi của chương trình - sách giáo khoa phổ thông mới

Chương trình – Sách giáo khoa mới được xây dựng theo quan điểm chuyển từ việc trang bị kiến thức sang hình thành năng lực cho học sinh; dạy theo chương trình tích hợp và phân hoá. Vì thế số môn học ở bậc trung học cơ sở sẽ giảm, nhiều môn không còn tồn tại độc lập mà tích hợp trong môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội [5].

Thực tế này đòi hỏi các trường sư phạm phải tái cấu trúc lại các ngành đào tạo theo hướng dạy học tích hợp để sinh viên ra trường có thể đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông.

Hiện tại, các khoá đang đào tạo đơn ngành sẽ được điều chỉnh, bổ sung một thời lượng, một số chuyên đề, học phần nhất định về biên soạn chuyên đề, tổ chức dạy học tích hợp, kiểm tra đánh giá theo đo lường năng lực học sinh. Các khoá tiếp theo cần được đào tạo theo hướng tích hợp liên ngành đáp ứng giảng dạy các môn học tích hợp (Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội) ở trường phổ thông.

III. KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu chúng tôi đã xác định được 3 vấn đề bất cập trong chương trình khung và một số vấn đề hạn chế trong chương trình chi tiết cần khắc phục đối với chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng hiện hành. Các bất cập này là rào cản trong quá trình đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đổi mới chương trình – sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Để sản phẩm đào tạo của các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng tốt nhất cho quá trình triển khai, giảng dạy và phát triển chương trình phổ thông mới, nghiên cứu đã đề xuất 4 nội dung cơ bản, quan trọng, định hướng trong xây dựng, phát triển chương trình đào tạo giáo viên phù hợp với yêu cầu đổi mới của thực tiễn trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo

 [1] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2004), Chương trình khung giáo dục đại học khối ngành cao đẳng sư phạm ban hành kèm theo Quyết định số 15/2004/QĐ-BGDĐT ngày 10/6/2004

[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2015), Điều lệ trường cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư 01/2015/TT-BGDĐT ngày 15/01/2015

 [3] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2015), Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông của các cơ sở đào tạo giáo viên, Tài liệu lưu hành nội bộ, tháng 5/2015

[4] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2015), Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (trong chương trình giáo dục phổ thông mới), Dự thảo, tháng 8/2015

[5] Hội nghị thượng đỉnh giáo dục đại học toàn cầu lần thứ 5, http://w.w.w. vnu.edu.vn

 

 

CÁC TIN KHÁC
Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Thư viện ảnh
Hỗ trợ online
thaiha0511@gmail.com
Hotline: 02693877244
phonghcqtc38@gmail.com
Hotline: 02693877351
Lượt truy cập
Online: 545 | Thống kê: 504280
Liên kết website
Bản quyền (C) 2013 thuộc trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai
Điện thoại: 0593.877.244 - Fax: 3877312. Email: cdspgialai@cdspgialai.edu.vn
Giấy phép số 383754/GP - BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 03/03/2013
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Địa chỉ: 126 Lê Thánh Tôn - T.P Pleiku - Gia Lai
Ghi rõ nguồn gốc "Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai" khi phát hành lại thông tin từ website này
Các trang sẽ mở ra tại cửa sổ mới. Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai không chịu trách nhiệm nội dung các trang này.