Trịnh Đào Chiến ...................................................................................................................................................................................................
Không thích thi theo hình thức ấy đối với tất cả các môn học, chứ không riêng gì môn Toán. Đó là chính kiến của tôi, ngay từ cái thời còn là cậu học sinh phổ thông chứ không phải đến bây giờ, khi mà suốt cả mấy tuần nay báo chí và các diễn đàn xã hội “nóng” lên vì chuyện ấy.
.....................................................................................................................................................................................................
Phải nhờ đến “Google”, tôi mới tìm được nguyên gốc của câu nói: “Văn hóa, đó là cái còn lại khi người ta đã quên hết cả, đó là cái vẫn thiếu khi người ta đã học đủ cả”. Đây là ý kiến của Edouard, một cố nghị trưởng ở Pháp. Tôi muốn mượn câu nói này để tương tự hóa một ý kiến của mình: Phương pháp tư duy suy luận kia sẽ giúp cho ta tìm lại cái đáng nhớ trong mớ kiến thức hỗn độn đã, đang và sắp bị quên lãng. Hình thức thi trắc nghiệm cũng có nhiều ưu điểm (mà sẽ dài dòng nếu tôi nhắc lại) nhưng cũng chính nó sẽ dần triệt tiêu phương pháp tư duy suy luận quý báu này! Nó như một bàn tiệc mà các món ăn đã được bày sẵn, ta thỏa thuê lựa chọn nhưng phải gắp nhanh tay trong vòng một vài phút, chứ không phải “muốn ăn phải lăn vào bếp”, ngẫm nghĩ ngày nay nên nấu món này, ngày mai phải uống thức kia.
Năm 1975, tôi học lớp Đệ Ngũ ở miền Nam, tương đương lớp Tám bây giờ. Thời ấy, lớp tôi thi thoảng cũng được thầy cô cho làm bài bằng hình thức trắc nghiệm, trong khi ở các lớp đàn chị, đàn anh ở trên, hình thức đó đã như cơm bữa. Ngay từ những ngày ấy, tôi đã không thích nó, những đề thi trắc nghiệm kia, vì nó không có câu nào, dù khó nhất trong các các câu ấy, mà đến nỗi mình phải “vắt nát óc” ra cả. Rồi chính nó, nó luôn buộc mình cứ phải diễn đạt lời giải của đa số bài - toán - bình - bình bằng một thứ ngôn - ngữ - câm!
Rất nhiều ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng đã cho rằng, thi trắc nghiệm đã có từ đời nảo đời nao. Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nhật,... họ thi đầy ra đấy, cớ chi ta lại chùng chình! Tôi không phủ nhận ý kiến này nhưng theo tôi, không phải lúc nào và nơi nào họ cũng thi trắc nghiệm. Đất nước của họ khác, giáo dục của họ khác, phương tiện của họ khác, môi trường giáo dục của họ khác, cách chọn “đầu vào” của họ khác... Áp vào ta, có khi sẽ có chuyện ngay, khi mà một nền tảng triết lý giáo dục còn chưa thật vững, khi mà tâm lý của phần đông học sinh ta muôn đời vẫn là “thi gì, học nấy”. Chưa nói đến trình trạng, thay vì phải ngồi suy nghĩ để lựa chọn ra ô đúng thì có học sinh chỉ ngồi trong mong vào một điều gì ngoài việc đó, chẳng hạn việc cứ đánh bừa (người ta đã tính theo kiểu xác suất rằng, cũng có thể được 3/10 điểm cho cái sự đánh bừa ấy!) hay chẳng hạn “mượn” bài thi của một bạn “tốt bụng” nào đó, rồi không quá khó để suy ra đáp án cho mình. Kỳ thi “hai trong một” vừa qua, có học sinh đạt điểm 10 môn Vật Lý (thi trắc nghiệm) và điểm 0 môn Toán (thi tự luận), thì không cần phải truy vấn dài dòng ta cũng sẽ đoán được cái nguyên nhân kia!
Nói thế, cũng không phải chỉ để mãi bênh vực cho hình thức thi tự luận. Mỗi loại hình thức đánh giá, đo lường trong học tập đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Tổng kết kỳ thi “hai trong một” vừa rồi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, ở các môn thi tự luận (như môn Toán, chẳng hạn) vẫn còn hiện tượng thi không nghiêm túc, chấm bài còn mang “dấu ấn” cá nhân, kết quả vênh nhau giữa nơi này và nơi khác. Một giải pháp kỹ thuật được đề xuất: thi trắc nghiệm tất tần tật (trừ môn Văn, mà sau này có thể cả môn Văn)! Theo tôi, đây chỉ là giải pháp tình thế, chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Có thể coi đây là một kiểu “không quản được thì bỏ”, khi mà khâu coi thi và chấm thi còn bộc lộ nhiều khe hở.
Nhưng, một khi mà chương trình, sách giáo khoa vẫn còn đó theo “phong cách” tự luận, một “ngân hàng” đề thi trắc nghiệm chưa đủ dung lượng, một chất lượng đề thi chưa được chuẩn bị chu đáo, một quyết định thay đổi hình thức thi có phần vội vã,... thì có thể sẽ không quá khó để dẫn đến một kết quả tương tự như trên. Chưa nói đến một số dạng toán quan trọng “muôn đời” trong các đề thi tự luận cũng không còn “đất sống” như: khảo sát (hàm số,...), chứng minh (bất đẳng thức,...), dựng hình (trong không gian,...), vân vân và vân vân.
Pleiku, 15/9/2016
T.Đ.C