Kính gửi: Các đơn vị trong Trường.
Để định hướng thực hiện các nội dung trong Thông báo số 184/TB-CĐSP ngày 08/5/2015 của Hiệu trưởng nhà trường về "Kết quả cuộc họp bàn về công tác chuyên môn", Hiệu trưởng yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến công tác chuyên môn trong năm học 2015-2016 như sau:
1. Thiết lập cơ cấu tổ chức và duy trì sinh hoạt của tổ chuyên môn
Cơ cấu tổ chức hợp lý và cách thức hoạt động hiệu quả của tổ chuyên môn có ý nghĩa quyết định đến chất lượng đào tạo của ngành tương ứng. Tổ trưởng chuyên môn có vai trò rất quan trọng trong công tác điều hành hoạt động của tổ chuyên môn theo đúng chức năng và nhiệm được giao trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Do đó:
- Giao phòng Đào tạo tham mưu thiết lập cơ cấu tổ chức của các tổ chuyên môn mở rộng (theo bộ môn hoặc theo chuyên ngành); đồng thời hướng dẫn các tổ bố trí thời gian sinh hoạt sao cho đảm bảo đủ số giờ quy định theo Thông tư 47/2014/TT-BGDĐT ngày 31/12/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định chế độ làm việc đối với giảng viên và Quyết định 112/QĐ-CĐSP ngày 03/4/2015 của Hiệu trưởng Trường CĐSP Gia Lai về việc Ban hành Quy định định mức giờ chuẩn và cách tính giờ chuẩn đối với cán bộ, giảng viên.
- Trong 02 tuần đầu năm học 2015-2016, các tổ chuyên môn mở rộng tổ chức sinh hoạt theo chủ đề liên quan đến công tác tổ chức và quản lý theo đúng chức năng và nhiệm vụ được giao. Các tổ chuẩn bị nội dung và đăng ký lịch sinh hoạt với phòng Đào tạo để bố trí, sao cho không bị trùng lịch giữa các tổ. Lãnh đạo trường sẽ tham dự, chỉ đạo và phân công phòng chức năng giám sát, kiểm tra đối với đợt hoạt động này.
- Trong năm học 2015-2016, các tổ chuyên môn chuẩn bị nội dung để tổ chức sinh hoạt quản lý và sinh hoạt chuyên môn sâu theo định kỳ hàng tháng, đặc biệt là việc tăng cường các hoạt động seminar, hội thảo, nghiên cứu khoa học.
2. Phân công chuyên môn và thực hiện tiến độ năm học 2015-2016
- Tổ chuyên môn thực hiện công tác phân công sao cho hợp lý, có tính đến tất cả các hoạt động được quy đổi sang giờ chuẩn (coi thi, chấm thi, hướng dẫn NCKH, ôn thi tốt nghiệp,...) để đảm bảo mỗi giảng viên được thực hiện đủ các hoạt động với tỉ lệ phù hợp nhưng không vượt quá quy định. Nên cân đối sao cho mỗi giảng viên có số giờ vượt định mức dự kiến không quá 180 giờ chuẩn, còn lại 20 giờ chuẩn để dự phòng cho các hoạt động phát sinh. Trong quá trình thực hiện phân công chuyên môn, tổ trưởng chuyên môn phải lưu ý đến yếu tố đồng đều về số tiết, luân phiên về học phần để có sự hỗ trợ giữa các giảng viên trong tổ.
- Tổ chuyên môn dự trù kinh phí hoạt động trong năm học sao cho sát hợp với kế hoạch hoạt động của tổ.
- Giao phòng Đào tạo tham mưu và thực hiện kế hoạch ghép lớp đối với các môn học của khóa mới một cách hợp lý trước khi bắt đầu năm học; xếp thời khóa biểu sao cho các tổ chuyên môn có một buổi riêng để sinh hoạt tổ trong mỗi tháng, các lớp có một tiết trống để sinh hoạt lớp trong mỗi tuần; bố trí các lớp trong cùng một khoa nên tập trung học ở một khu vực.
- Giao cho tổ chuyên môn và phòng Đào tạo phối hợp với phòng Tổ chức - Cán bộ trong công tác tham mưu về nhân sự tổ chuyên môn (bổ nhiệm, luân chuyển nội bộ, tuyển dụng, hợp đồng) phục vụ các hoạt động chuyên môn đảm bảo phù hợp và kịp thời.
3. Công tác khảo thí, đánh giá kết quả học tập của người học
- Giao phòng Khảo thí và QLCLGD tham mưu sửa đổi các quy định liên quan đến công tác thi cử trong toàn trường sao cho phù hợp với quy định hiện hành và dễ áp dụng; tiếp tục xây dựng ngân hàng đề thi đối với hệ TCCN (để đảm bảo đúng quy chế); có kế hoạch đánh giá hiệu quả ngân hàng đề thi đã xây dựng đối với hệ Cao đẳng.
- Mỗi giảng viên nên có kế hoạch tập hợp những đề thi do cá nhân đã đề xuất trong những năm qua, biên tập lại để từng bước tự xây dựng thành bộ đề thi của cá nhân, của tổ chuyên môn.
- Đội ngũ giảng viên cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo (giảng dạy, rèn luyện, ôn tập, ra đề thi, chấm thi) sao cho phù hợp với thực tiễn, đồng thời hướng đến cách thức từng bước thực hiện đánh giá kết quả học tập theo năng lực của người học.
4. Điều chỉnh và bước đầu xây dựng mới chương trình đào tạo
- Giao phòng Đào tạo chủ công tham mưu tổ chức đánh giá 3 năm thực hiện chương trình đào tạo đơn ngành; các tổ chuyên môn phối hợp với phòng Đào tạo tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung chương trình khung, chương trình chi tiết hiện hành và giáo trình cho phù hợp với thực tế. Đề cương thay đổi hoặc điều chỉnh nội dung của từng môn học phải được thông qua tổ chuyên môn trước khi chuyển về phòng Đào tạo để trình Hiệu trưởng phê duyệt.
- Giao phòng Đào tạo chủ công tổ chức, các tổ chuyên môn phối hợp và trực tiếp thực hiện bước đầu xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình khung, chương trình chi tiết đối với chương trình mới để có đủ cơ sở thực hiện kể từ năm học 2016-2017 theo tinh thần trong Công văn số 493/TB-BGDĐT, ngày 29/6/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Yêu cầu các đơn vị chủ động triển khai và nghiêm túc thực hiện các nội dung trong công văn này.
Nơi nhận: |
HIỆU TRƯỞNG |
- Như trên (để thực hiện); - Lưu: VT, ĐT. |
(Đã ký)
TS. Trịnh Đào Chiến |