Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách đóng vai trò rất quan trọng. Sách là chiếc chìa khoá vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người, là người thầy siêu việt thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô tận, dạy chúng ta biết sống và biết hy sinh; Sách là kho tàng tri thức quan trọng đối với tất cả mọi người bởi sách ghi lại những kiến thức, những giá trị của cuộc sống mà người đi trước đã kiếm tìm, học tập, trải nghiệm và truyền lại cho thế hệ sau. Những cuốn sách có nội dung tốt sẽ đưa đến cho chúng ta không chỉ những hiểu biết mới mà còn cả những sự suy nghĩ tìm tòi và sự biến đổi về tâm hồn. Có thể nói sách chính là người bạn tâm giao chia sẻ mọi nỗi vui, buồn sâu kín của mỗi con người. Mọi thành công của con người đều nhờ sự kết hợp của kinh nghiệm bản thân với tri thức lĩnh hội được từ việc học trong cuộc sống và trong sách vở.
Tuy nhiên, đất nước ta đang trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng toàn cầu hoá. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin, cuộc sống ngày càng được nâng cao với đầy đủ tiện nghi vật chất. Người ta cho rằng các phương tiện nghe nhìn có thể đáp ứng tối ưu mọi nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật, bồi dưỡng tinh thần và tình cảm thẩm mỹ của con người, văn hoá đọc không còn giữ vị trí độc tôn như trước mà đã bị văn hoá nghe nhìn lấn át như Bill Gates – Chủ tịch tập đoàn Microsft cũng từng khẳng định sức mạnh của công nghệ thông tin: “Thế giới nằm trên mười ngón tay bạn”. Có thể nhận thấy rõ rằng sự phát triển của văn hóa đọc đang thật sự khó khăn. Nếu phân tích một cách kỹ lưỡng chúng ta sẽ thấy rằng, cho dù xã hội có văn minh đến đâu thì văn hoá đọc vẫn được duy trì và phát triển phù hợp theo sự phát triển của xã hội.
Cùng một thông tin tiếp nhận, nhưng mắt đọc và mắt nhìn thuộc hai loại đẳng cấp khác nhau. Bởi lẽ, mắt đọc buộc trí tưởng tượng và khả năng tập trung cao hơn, còn với mắt nhìn thì chỉ lướt qua nên những ấn tượng được lưu lại không nhiều. Văn hoá đọc đòi hỏi tính tự giác rất cao. Khác với việc đọc sách, việc tiếp thu thông tin từ các phương tiện thông tin hiện đại thì người nhận thông tin thường ở thế bị động và lệ thuộc nhiều vào các trang thiết bị, việc đọc sách tự do hơn nhiều. Khi nghe một bản nhạc hoặc xem một bộ phim hay chúng ta cũng bị lôi cuốn nội tâm vào đó, cũng vui, buồn, ghét, giận. Nhưng đọc sách là một sự liên hệ qua lại giữa người đọc và tác giả, người ta thường nói: “Đọc những cuốn sách hay khác nào đàm đạo với những bậc hiền nhân quân tử”, giúp chúng ta suy ngẫm những ý tưởng cao siêu, những chân lý vĩ đại. Suy ngẫm trong quá trình đọc sách sẽ bồi dưỡng trí nhớ và tư duy, mở mang kiến thức và hình thành thế giới quan cho người đọc.
Sách là nguồn tri thức, là kết tinh tất cả những học thuyết có giá trị nhất, sách ghi lại toàn bộ lịch sử loài người. Sách là người thầy, là di huấn của người đời trước để lại cho người đời sau. Sách không chỉ ghi lại quá khứ, phản ánh hiện tại mà còn là cương lĩnh của tương lai. Nhờ có sách mà con người đã tiếp thu được tất cả tri thức của nhân loại được tích luỹ trong suốt quá trình lịch sử lâu dài.
Ngày nay, trong xã hội hiện đại, sự sinh tồn không chỉ là cải thiện đời sống, ứng phó với hoàn cảnh, giải quyết khó khăn, mà còn làm cho đời sống phong phú, mỹ mãn và luôn hướng đến chân thiện mỹ. Muốn có đời sống đạt đến trình độ như thế cần phải dựa vào sách, dựa vào triết học nhân sinh tổng hợp có ở trong sách, những tri thức khoa học ở trong sách, đem ứng dụng vào cuộc sống để sáng tạo ra những cái mới tốt đẹp hơn, hoàn mỹ hơn.
Mặt khác, trong bối cảnh cạnh tranh của nền kinh tế thị trường hiện nay, con người đôi lúc cũng trở nên mệt mỏi và cần có những giây phút thư giãn. Đọc một cuốn sách hay trong một không gian yên tĩnh làm cho người đọc sách như thoát ra khỏi cuộc sống hiện thực, quên hết mọi chuyện phiền não, khó khăn, tâm hồn như được gạn đục khơi trong
Cho nên trong xu thế hiện nay, vai trò của thư viện rất quan trọng trong việc giữ gìn vị trí độc tôn của văn hoá đọc. Văn hoá nghe nhìn ngày càng chiếm ưu thế là một thách thức mới đối với những người làm công tác thông tin - thư viện.
Nhằm mục đích tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên và sinh viên về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kĩ năng, phát triển tư duy và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích việc đọc sách thường xuyên, liên tục và suốt đời nhằm xây dựng, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, hòa chung với những hoạt động sôi nổi của cả nước cũng như tỉnh nhà nhân ngày Sách Việt Nam (21/4) và ngày sách thế giới (23/4). Xuất phát từ nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa và vai trò to lớn của việc đọc sách, từ thực trạng của việc đọc sách hiện nay, với thông điệp “Đọc sách trong kỷ nguyên thông tin” Thư viện trường Cao Đẳng Sư phạm Gia Lai đã có nhiều hoạt động thiết thực, phong phú như: Xây dựng một Thư viện thân thiện, sáng tạo góc đọc hợp lý; Tổ chức sắp xếp sách khoa học nhất là với kho Đọc (kho sách tự chọn, điểm tin chào mừng ngày sách đồng thời tuyên truyền, giới thiệu sách báo nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn (30/4 và 01/5)…thu hút được nhiều bạn đọc tận dụng mọi thời gian trống trong ngày để đến với sách. Và hơn thế là tìm lại hứng thú với văn hóa đọc đang dần mai một trong giới trẻ.
Chính vì vậy, thông qua ngày hội đọc sách lần này, Thư viện trường Cao Đẳng Sư phạm Gia Lai muốn gửi tới tất cả các cán bộ, giảng viên, sinh viên… thông điệp về tầm quan trọng của việc đọc sách, để khuyến khích tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn sinh viên hãy quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất trong việc đọc sách, rèn luyện được kỹ năng, thói quen và phương pháp đọc sách phù hợp, có hiệu quả. Từ đó giúp nguời đọc không ngừng mở rộng, nâng cao kiến thức, tiếp cận được sự phát triển của khoa học, bồi dưỡng nâng cao năng lực tư duy lôgic, phương pháp làm việc có hiệu quả, có thái độ đúng đắn đối với thế giới xung quanh cũng như đối với bản thân mình, nhất là bồi dưỡng sự hứng thú, năng lực và thói quen tự học suốt đời. Hy vọng sự lĩnh hội tri thức của các bạn trẻ sẽ là cánh buồm no gió đưa con thuyền tri thức cập bến hoa đăng.
Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng tinh thần của “Ngày Sách Việt Nam” với chủ đề “Sách và sự phát triển tri thức trong cộng đồng” sẽ không chỉ thấm sâu trong tiềm thức mỗi cán bộ giáo viên, nhân viên và các sinh viên toàn trường mà còn lan toả sâu rộng tới đông đảo các bạn trẻ, những người làm chủ tri thức tiềm năng.
** Vào lúc 15h ngày 17 tháng 4 năm 2017 tại Thư viện trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai sẽ tổ chức triển lãm, trưng bày sách và phát động phong trào đọc sách trong thư viện chào mừng “Ngày Sách Việt Nam”.
** Vào 18h ngày 17 tháng 4 năm 2017 tại đường Anh Hùng Núp - TP. Pleiku – Tỉnh Gia Lai, Hội sách cấp tỉnh năm 2017 sẽ khai mạc. Hội sách được tổ chức trong 5 ngày từ 18/4/2017 đến 22/4/2017.
** Thư viện trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai trân trọng giới thiệu đến bạn đọc những đầu sách hay có trong thư viện cũng như đang phát hành trên thị trường.
Download thông báo kèm danh mục sách mới