Nghiên cứu khoa học

NGHỆ THUẬT NGOẠI GIAO HỒ CHÍ MINH

23/01/2015 11:02:07 SA - Lượt xem: 3877

NỘI DUNG, Ý NGHĨA ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG NGOẠI GIAO CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP

Nguyễn Thị Ngọc Trinh

                    Tóm tắt                                                                           Trường CĐSP Gia Lai

        Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hi sinh và đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, chấn hưng đất nước từ đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh không chỉ được tôn vinh là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, mà Người còn là một nhà ngoại giao kiệt xuất. Ngoài di sản tư tưởng ngoại giao vô cùng sâu sắc, quý giá, khoa học, hiện đại và nhân văn, ở Hồ Chí Minh còn toát lên một nghệ thuật ngoại giao khéo léo, linh hoạt, một phong cách ứng xử tinh tế, lịch thiệp, hấp dẫn lôi cuốn mạnh mẽ với bất cứ ai từng đối thoại với Người.

  1. Mở đầu

        “Ngoại giao hiểu theo nghĩa rộng là tất cả những hoạt đối ngoại của Đảng và Nhà nước, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, của toàn dân, khi tham gia hoạt động quốc tế ở vị trí của mình, nhằm vào một mục tiêu chung phục vụ cho một lý tưởng chung của Đảng và dân tộc”[2;tr.484]. Trong ý nghĩa đó ngoại giao được xem là một hoạt động chính trị - xã hội, đồng thời ngoại giao còn là phương pháp, phong cách và nghệ thuật của các khả năng. Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh có nét riêng, còn phương pháp ngoại giao luôn đi liền với nghệ thuật ngoại giao. Nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh chính là phương pháp sử dụng chiến lược, sách lược đối ngoại một cách nhạy bén, uyển chuyển và hết sức sáng tạo. Các phương pháp ngoại giao tâm công; dự báo, nắm bắt, tạo thời cơ; dĩ bất biến ứng vạn biến…được người sử dụng nhuần nhuyễn đã trở thành nghệ thuật.

        Có thể nói xuyên suốt hoạt động ngoại giao của chủ tịch Hồ Chí Minh là đường lối độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế. Người nhận thức rõ và vận dụng sáng tạo các quy luật phổ biến của đấu tranh cách mạng, đồng thời luôn tính đến hoàn cảnh cụ thể của đất nước trong mỗi giai đoạn, đến mối quan hệ hữu cơ giữa lợi ích dân tộc và nghĩa vụ quốc tế được thể hiện ở những điểm như: Vận dụng nhuần nhuyễn năm cái biết, nhân nhượng có nguyên tắc, lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương. Những điều này đã làm nên nghệ thuật ngoại giao tài ba của Hồ chí Minh trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc.

2. Nội dung

2.1. Vận dụng nhuần nhuyễn “năm cái biết”.

         Trước hết, nghệ thuật ngoại giao của Hồ Chí Minh là nghệ thuật xác định điểm dừng và sử dụng “ngũ tri hay còn gọi là nghệ thuật Vận dụng nhuần nhuyễn “năm cái biết”.

        Hồ Chí Minh “tri” là để“hành”- “biết và làm” là thống nhất với nhau. Người thường dạy muốn biết phải học và học đi đôi với hành. Ngũ tri(năm cái biết) được người phương Đông đúc kết “biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến”. Trong ứng xử Bác luôn căn dặn:“Người ta cương thì mình phải nhu, phải khôn khéo lấy nhu thắng cương thì mới là biết mình biết người” và “phải hiểu cả hai bên mới có thể làm tròn nhiệm vụ”. Ứng xử ngoại giao của Hồ Chí Minh chứng tỏ Người am tường “năm cái biết. Đó là cơ sở để Hồ Chí Minh thực hiện những nhân nhượng có nguyên tắc và lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương đạt tới trình độ nghệ thuật trong các tình thế. Sự xác định điểm dừng của Hồ Chí Minh thể hiện khi cùng với Đảng và Nhà nước ta đề ra các quyết sách đối ngoại. Đứng vững trên mục tiêu cách mạng, Người luôn xuất phát từ thực tế, tương quan lực lượng, biết rõ thực lực của đất nước mình và của đối phương từ đó xác định mọi hành động phải thích hợp với hoàn cảnh cụ thể của nó. Trong kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954) việc kí kết các hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946, Tạm ước 14 /9/1946 là những kiểu mẫu của nghệ thuật đoán định“điểm dừng” của Hồ Chí Minh. Chỉ thị “Tình hình và chủ trương” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ta ngày 3/3/1946 phân tích chủ trương ký Hiệp định Sơ bộ, nêu rõ: “Vấn đề lúc này, không phải là muốn hay không muốn đánh.Vấn đề là biết mình biết người, nhận một cách khách quan những điều kiện lời lãi trong nước và ngoài nước mà chủ trương cho đúng”[3;tr,43].

       Cố thủ tướng  Phạm văm Đồng đã nói Hồ chí Minh là người biết mình muốn gì và đi đến đâu, biết tránh thác ghềnh và biết thắng quân thù. Tháng 1 năm 1967, Người và chính phủ ta quyết định đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao để buộc Mỹ ngừng ném bom đi vào nói chuyện đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình kết thúc chiến tranh Việt Nam. Một năm sau đó, thắng lợi của công cuộc nổi dậy tết mậu thân, tuy chưa đạt được yêu cầu như kế hoạch đề ra, song ta đã đưa đối phương vào thế bị động buộc phải thay đổi chiến lược chiến tranh và tiếp tục trong thế đánh -  đàm.

2.2. Ngoại giao nhân nhượng có nguyên tắc

       Đấu tranh để đạt đến mục tiêu cao nhất và nhân nhượng những điều có thể vì những mục tiêu ấy, đó là hai mặt của các quá trình thương lượng ngoại giao mà nước nào cũng trải qua. Nhân nhượng và thoả hiệp trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại. Biết nhân nhượng lợi ích bộ phận, tạm thời, đúng lúc, căn cứ vào tương quan lực lượng để bảo vệ lợi ích tối cao của dân tộc, từng bước tiến lên và đi tới mục tiêu cuối cùng.

        Sự nhân nhượng có nguyên tắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đấu tranh ngoại giao thể hiện ở chỗ Người biết thỏa hiệp đúng lúc, trong hoàn cảnh cần phải thoả hiệp để phá vỡ thế bế tắc, vượt qua khó khăn và tạo điều kiện đạt tới mục tiêu đã định. Đồng thời xác định giới hạn của nhân nhượng trong ngoại giao đó là không tổn hại đến lợi ích của quốc gia dân tộc. Luôn nêu cao độc lập suy xét, quan sát thấu triệt, thận trọng cân nhắc thiệt hơn, khi cần thì có nhượng bộ trước mắt để bảo vệ lợi ích lâu dài, lường trước mọi khả năng phát sinh, bình tĩnh ứng phó phù hợp với mọi sự thay đổi của tình thế trong những điều kiện cụ thể. Khi đàm phán với Pháp để ký hiệp định sơ bộ phía ta đã đưa ra những điều khoản đòi Pháp công nhận nền độc lập và tự do của Việt Nam tuy nhiên với tương quan lực lượng giữa ta và địch lúc đó cuối cùng ta chấp nhận nhượng bộ nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc là pháp phải công nhận Việt Nam là một nước cộng hòa một nước tựu do có chính phủ quốc hội, quân đội và tài chính riêng. Ngay sau khi ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3 được hai ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích:“Ký hiệp định đình chiến này không phải là đã hết chiến tranh đâu. Thái độ ôn hoà, nhã nhặn của ta đối với quân đội Pháp không phải là thái độ nhu nhược, thụ động. Trái lại, hơn bao giờ hết phải luôn luôn chuẩn bị để bồi dưỡng lực lượng, nâng cao tinh thần chiến đấu của toàn dân nhằm đối phó với những việc bất ngờ bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra. Tinh thần kháng chiến, sự chuẩn bị chu đáo phải là thường trực”. Ngày 31/5/1946, phái đoàn chính phủ do Phạm Văn Đồng dẫn đầu khởi hành sang Pháp tham dự Hội nghị Fontainebleau. Hội nghị diễn ra kéo dài từ ngày 6/7 tới 10/9/1946 nhưng không đem lại kết quả cụ thể nào vì hai bên đã bế tắc ở hai điểm bất đồng then chốt đó là việc thống nhất ba kỳ: BắcTrungNam và trao trả độc lập cho nước Việt Nam. Cuộc đàm phán tại Phôngtennơblô bị thất bại. Trước tình hình đó, một là kiên quyết không ký kết, ra về với sự tan vỡ không còn gì ràng buộc giữa hai chính phủ, hai là chịu nhân nhượng thêm một bước nữa, giữa hai con đường ấy Hồ Chí Minh quyết định chọn con đường thứ hai. Trong khi phái đoàn chính phủ rời Pari lên đường về nước. Hồ Chí Minh đã nán lại, thảo một bản nghị ước vào chiều ngày 11 và trao cho Marius Moutet. Ba ngày sau, Marius Moutet hồi đáp với một bản nghị ước khác. Đạt được đồng thuận, Hồ Chí Minh đã ký với Marius Moutet Tạm ước 14/9/1946 trong đó ta tiếp tục nhân nhượng đáp ứng một số đòi hỏi của Pháp về kinh tế, văn hóa đặc biệt là về thuế quan và sự nhân nhượng trên thực chất là kế hoãn binh kéo dài thời gian để chuẩn bị lực lượng và cũng là bước nhân nhượng cuối cùng.

         Đánh giá kết quả hai lần đàm phán 6/3 và 14/9 báo cáo chính tri tại Đại hội lần thứ II năm 1951 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh“chúng ta cần hòa bình để xây dựng nước nhà, cho nên chúng ta ép lòng mà nhân nhượng. Dù thực dân Pháp bội ước đã gây chiến tranh nhưng gần một năm hòa bình đã cho chúng ta thời giờ để xây dựng lực lượng căn bản”[1;tr.472]. Việc ký Hiệp đánh Sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946  thể hiện sách lược sáng suốt, mềm dẻo, khéo léo biết đề ra đối sách đúng đắn, phù hợp trong những hoàn cảnh hết sức phức tạp của Hồ Chí Minh. Nhân nhượng có nguyên tắc là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng của đấu tranh ngoại giao vì trong đàm phán phải có sự thoả hiệp lẫn nhau, song không phải thoả hiệp bằng bất cứ giá nào, mà phải trên cơ sở giữ vững nguyên tắc vì quyền lợi quốc gia và lợi ích chính đáng của dân tộc.

 2.3. Lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương

        Lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược của cách mạng, đặc biệt là trong hoàn cảnh phải đấu tranh với nhiều đối thủ mạnh hơn. V.I. Lênin nói: “chỉ có thể thắng một kẻ địch mạnh hơn bằng một sự nỗ lực hết sức lớn, và với điều kiện bắt buộc là phải lợi dụng một cách hết sức tỉ mỉ, hết sức chăm chú, hết sức cẩn thận, hết sức khôn khéo bất cứ một “rạn nứt” nhỏ nhất nào giữa các kẻ thù, cũng như phải lợi dụng mọi khả năng dù bé nhỏ nhất để có được một bạn đồng minh mạnh về số lượng, dù đó là bạn đồng minh tạm thời, bấp bênh, có điều kiện, ít chắc chắn và ít tin cậy…”[4;tr.68-69].

        Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954) và chống Mĩ (1954-1975). Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nắm vững, vận dụng và phát triển quan điểm trên của Lênin phù hợp với những điều kiện lịch sử cụ thể trong từng giai đoạn của cách mạng, nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương chiến lược “thêm bạn, bớt thù”, phân hoá và cô lập đối phương, tranh thủ bạn đồng minh, tập trung đối phó với đối tượng chủ yếu.

       Năm 1946, trong bối cảnh đói kém và cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo hoạt động ngoại giao của ta rất khôn khéo, linh động sáng tạo để cuối cùng có thể tập trung toàn bộ lực lượng đối phó với thực dân Pháp. Người thấu hiểu nghệ thuật ngoại giao là nghệ thuật làm cho mình ít kẻ thù nhất. Vì vậy, Người không chỉ triệt để lợi dụng mâu thuẫn giữa hai tập đoàn đế quốc là Anh - Pháp - Mỹ -với chính quyền Tưởng mà còn khơi sâu mâu thuẫn trong nội bộ quân Tưởng và quân Pháp để làm giảm sức mạnh của những đội quân đông đúc, hùng mạnh. Sự linh hoạt đó đã giúp cách mạng Việt Nam thoát khỏi tình thế “bị kẹp giữa hai phía” là Pháp và Quốc dân Đảng. Chỉ 8 ngày sau Hiệp ước Hoa - Pháp được ký ở Trùng Khánh 28/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính quyền cách mạng đã ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946, đẩy được quân đội Tưởng và các nhóm tay sai của Tưởng ra khỏi Việt Nam.

Tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh là hệ thống lý luận, cẩm nang cho hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế việc nghiên cứu phân tích vận dụng sáng tạo nghệ thuật ngoại giao của Người là vấn đề có ý nghĩa thực tiễn và lý luận hết sức quan trọng.

 Một là, Hoạt động ngoại giao cần phục vụ tốt lợi ích quốc gia dân tộc.

       Muốn phục vụ tốt nhất lợi ích quốc gia, hoạt động giao phải xuất phát từ đặc điểm, xu thế chung của quốc gia và thế giới. Trong quá trình hội nhập cần nhận thức được rằng trong điều kiện mới thế và lực của Việt Nam đã khác trước. Đại hội IX khẳng định “ chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực”. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, hội nhập sâu và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu. Hiện nay tình hình an ninh chính trị tương đối ổn định, sự đồng thuận xã hội cao, Sự nghiên cứu, ứng khoa học công nghệ đang được đẩy mạnh. Toàn cầu hóa, khu vực hóa ngày càng gia tăng, điều này giúp chúng ta có thể tiếp cận được với các nguồn lực tương đối dễ dàng tạo điều kiện thuận lợi sự phát triển đất nước. Thực tế cho thấy, trong thời kỳ đổi mới chúng ta đã và đang triển khai mạnh mẽ công tác ngoại giao theo tư tưởng Hồ Chí Minh và đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần đưa nước ta ra khỏi sự đối đầu thù địch, phá được thế bao vây cấm vận, giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, mở rộng phát triển quan hệ song phương, đa phương với khu vực và thế giới, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội, nền kinh tế Việt Nam có bước phát triển mới, thế và lực nước ta trên trường quốc tế từng bước nâng cao.

         Hai là, coi trọng quan hệ với các nước lớn và xử lý đúng đắn mối quan hệ quốc tế đối với các nước lớn.

Trước những vấn đề phức tạp đặt ra trong thời kỳ hội nhập, ngoại giao Việt Nam cần vận dụng khéo léo, linh hoạt nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước giao phó. Để đáp ứng tốt những đòi hỏi của tình hình mới, ngoại giao Việt Nam cần phát huy những lợi thế và hạn chế những thách thức do những chuyển biến lớn trên thế giới cũng như những xu thế lớn trong quan hệ quốc tế tạo ra. Xử lý các mối quan hệ với các nước lớn một cách thận trọng, xuất phát từ vị trí, lợi ích của quốc gia dân tộc, theo dõi đánh giá cục diện tình hình của các nước lớn và tác động của nó đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân, tránh đối đầu, đỗ vỡ, nhằm tạo khuôn khổ ổn định lâu dài xây dựng phát triển đất nước. Đồng thời quán triệt sâu sắc phương châm hành động đã được Đảng xác định là lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế  xã hội là lợi ích cao nhất của Tổ quốc.

         Ba là, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Việt Nam là nước đang phát triển. Trong quan hệ với quốc gia lớn, nhất là trong các xung đột lợi ích, nếu tính đến tương quan lực lượng giữa hai bên thì cán cân thường nghiêng phía các nước lớn. Vì vậy, trước các cường quốc lớn chúng ta cần phải nâng cao sự đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng, toàn quân, đồng thời huy động sức mạnh tổng hợp cả về vật chất và tinh thần của toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh quốc tế, sức mạnh thời đại thì mới có thể bảo vệ được các lợi ích chính đáng của dân tộc ta. Sức mạnh quốc tế thời đại ngày nay trước hết là sức mạnh của hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đấu tranh ngoại giao theo tư tưởng Hồ Chí Minh là cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa, phù hợp với lương tri thời đại. Hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội là ngọn cờ tập hợp các lực lượng quốc tế khác nhau cùng có mẫu số chung là ủng hộ Việt Nam trước bất cứ thế lực ngoại xâm nào.

  1. Kết luận

 Sự ứng xử linh hoạt của Hồ Chí Minh trong ngoại giao đã trở thành những câu chuyện huyền thoại. Ở Người cái thâm thúy, tinh tế ở phương Đông luôn kết hợp một cách tự nhiên với sự uyên bác, lịnh lãm phương Tây. Cách ứng xử của Người bắt nguồn từ nội tâm trong sáng, tính cách giản dị cộng với sự hiểu biết uyên thâm về nền văn hóa đông tây, kim cổ. Chính nghệ thuật ngoại giao tài ba kiệt xuất của Hồ Chí Minh đã góp phần làm lên thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc./.

N.T.N.T

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]  Hồ Chí Minh (1980): Tuyển tập, tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội.

[2]  Nguyễn Dy Niên (2000) – Ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, Nxb, CTQG, Hà Nội.

[3]  Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8 (2000) Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội .

[4] V.I.Lênin(1980) Toàn tập, t.41, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva. 

CÁC TIN KHÁC
Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Thư viện ảnh
Hỗ trợ online
thaiha0511@gmail.com
Hotline: 02693877244
phonghcqtc38@gmail.com
Hotline: 02693877351
Lượt truy cập
Online: 79 | Thống kê: 319758
Liên kết website
Bản quyền (C) 2013 thuộc trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai
Điện thoại: 0593.877.244 - Fax: 3877312. Email: cdspgialai@cdspgialai.edu.vn
Giấy phép số 383754/GP - BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 03/03/2013
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Địa chỉ: 126 Lê Thánh Tôn - T.P Pleiku - Gia Lai
Ghi rõ nguồn gốc "Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai" khi phát hành lại thông tin từ website này
Các trang sẽ mở ra tại cửa sổ mới. Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai không chịu trách nhiệm nội dung các trang này.