Nghiên cứu khoa học

NHẬN THỨC CỦA ĐẢNG VỀ CNH VÀ THỰC TRẠNG CNH-HĐH Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

14/01/2015 2:33:58 CH - Lượt xem: 69525

.

ThS. Nguyễn Thị Hằng

Bộ môn LLCT, trường CĐSP Gia Lai

      Tóm tắt: Công nhiệp hóa, hiện đại hóa (CNH,HĐH) là một tất yếu khách quan của bất cứ quốc gia nào đi lên chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu của CNH, HĐH là nhằm xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại; xây dựng một cơ cấu kinh tế hợp lý nhằm mục đích cuối cùng là xây dựng xã hội “dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” như Đảng ta xác định. Nhận thức của Đảng về CNH là quá trình lâu dài, qua nhiều bước thăng trầm… Bài viết đi sâu làm rõ quá trình nhận thức đó và chỉ ra một số hạn chế trong thực hiện CNH, HĐH hiện nay.

1. Mở đầu:

CNH, HĐH là vấn đề lớn, mang tính chiến lược đối với sự phát triển của nước ta giai đoạn hiện nay, được nhiều tác giả nghiên cứu ở các góc độ khác nhau. Tuy nhiên, trong quá trình nhận thức không phải ai cũng nắm được logic vấn đề và tường tận về quan điểm của Đảng. Việc nghiên cứu sâu sắc hơn vấn đề không chỉ giúp giáo viên truyền đạt tri thức khoa học của Bộ môn mà còn góp phần giáo dục quan điểm, lập trường của Đảng cho sinh viên và những học giả quan tâm… Vì vậy, vấn đề luôn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao.

2. Nội dung

            2.1. Tính tất yếu khách quan của công nhiệp hóa (CNH).

Phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa ra đời là nấc thang phát triển cao hơn phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, tất yếu phải xây dựng cho mình một cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại hơn. Cho đến nay, hầu hết các nước tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi và chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đều có nền công nghiệp chưa phát triển. Vì vậy, để có nền tảng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội tất yếu phải thực hiện CNH.

Trong bộ Tư bản, C.Mác đã phân tích kỹ sự phát triển của cách mạng công nghiệp và cho thấy quy luật tất yếu phải thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp.

Kế thừa quan điểm cách mạng và khoa học của Mác, khi cách mạng tháng Mười Nga thành công, V.I.Lênin đã đặc biệt nhấn mạnh vai trò của CNH và sự nghiệp CNH. Người đã khẳng định: “Chủ nghĩa cộng sản là chính quyền Xô viết cộng với điện khí hóa toàn quốc…Chỉ khi nào nước ta đã điện khí hóa, chỉ khi nào công nghiệp, nông nghiệp và vận tải đã đứng vững trên cơ sở kỹ thuật của đại công nghiệp hiện đại, thì lúc đó, chúng ta mới có thể đạt được thắng lợi hoàn toàn[ 3- tr.195]. Nhận thức rõ  tính tất yếu phải thực hiện CNH trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, ngay từ những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến. Trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài” [ 4- tr.13].        Trên cơ sở nhận thức sâu sắc và vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tế ở nước ta.

    2.2. Quá trình nhận thức của Đảng ta về CNH

Thời kỳ trước đổi mới từ năm 1960-1986:

Vấn đề CNH,HĐH, lần đầu tiên được Đảng ta đề cập vào Đại hội III của Đảng 9.1960. Các Đại hội IV(12.1976), V(2.1982) tiếp tục bàn về vấn đề này. Nhìn chung do tác động của yếu tố chủ quan và khách quan: tiến hành CNH trong một nửa nước, trong điều kiện có chiến tranh, trong sự giúp đỡ của các nước XHCN…Vì vậy, Đảng không có điều kiện để tổng kết lại những thành công cũng như hạn chế trong quá trình thực hiện để rút ra những kinh nghiệm trong giai đoạn sau:

Đại hội Đảng III xác định rõ mục tiêu cơ bản của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cân đối và hiện đại; bước đầu xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Đó là mục tiêu cơ bản, lâu dài, phải thực hiện qua nhiều giai đoạn. Về cơ cấu kinh tế, Đảng xác định: kết hợp công nghiệp với nông nghiệp và lấy công nghiệp nặng làm nền tảng.

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, cả nước độc lập thống nhất và quá độ lên CNXH. Chiến lược “Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng…” tiếp tục được khẳng định lại tại Đại hội IV của Đảng (1976). Tại Đại hội lần thứ V của Đảng (3-1982) đã xác định trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ ở nước ta phải lấy nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu, ra sức phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng; việc xây dựng và phát triển công nghiệp nặng trong giai đoạn này cần làm có mức độ, vừa sức, nhằm phục vụ thiết thực, có hiệu quả cho nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Đại hội V coi đó là nội dung chính của công nghiệp hóa trong chặng đường trước mắt. Đây là bước điều chỉnh rất đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tế chưa nghiêm chỉnh thực hiện tinh thần chỉ đạo của Đại hội V….Có thể thấy CNH thời kỳ trước đổi mới có những hạn chế như sau:

 Công nghiệp hóa theo mô hình nền kinh tế khép kín, hướng nội và thiên về phát triển công nghiệp nặng. Chủ yếu dựa vào lợi thế về lao động, tài nguyên đất đai và nguồn viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa, chủ lực thực hiện công nghiệp hóa là Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước… Nóng vội, giản đơn, chủ quan duy ý chí, ham làm nhanh, làm lớn, không quan tâm đến hiệu quả kinh tế xã hội.

Thời kỳ đổi mới từ năm 1986- nay: Đảng ta với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”… đã chỉ ra những hạn chế của CNH trước đây và đưa ra nhận thức mới phù hợp với thực tiễn và thế giới

 Đại hội VI của Đảng đã cụ thể hóa nội dung chính của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường đầu tiên là thực hiện 3 chương trình lương thực, thực phẩm; hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu trong những năm còn lại của chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ. Như vậy, đường lối chiến lược coi CNH là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là không đổi, nhưng thay vì dồn sức, tập trung trực diện vào thực hiện CNH như trước đây, Đảng qua tâm nhiều hơn và trước tiên đến khâu tạo dựng tiền đề, cơ sở của CNH. Đây là sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng về CNH. Là điểm khởi đầu hết sức quan trọng cho quá trình đổi mới tư duy về công nghiệp hóa ở Việt Nam.

Đại hội VII của Đảng (năm 1991) tiếp tục có những nhận thức mới, ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn về công nghiệp hóa gắn với hiện đại hóa. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa VII  chính thức đưa ra định nghĩa về Công nghiệp hóa, hiện đại hóa như sau:

   “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản toàn diện các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế, xã hội, từ sử dụng sức lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến hiện đại, dựa trên sự phát triển công nghiệp và tiến bộ khoa học, công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao” [1- tr.65].        

Định nghĩa đã phản ánh được phạm vi rộng lớn của CNH, HĐH; gắn CNH với HĐH; xác định được vai trò của khoa học, công nghệ trong quá trình này; chỉ ra cái cốt lõi của CNH là cải biến lao động thủ công, lạc hậu thành lao động sử dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại để đạt năng xuất lao động cao...Định nghĩa trên đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong nhận thức của Đảng về CNH trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.

 Đại hội VIII của Đảng (năm 1996) nhìn lại đất nước sau 10 năm đổi mới đã

nhận định: nước ta đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành cho phép chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

     Đại hội IX (năm 2001), Đại hội X (năm 2006) và XI (năm 2011) của Đảng của Đảng , tiếp tục bổ sung và hoàn thiện nhận thức của Đảng về CNH, HĐH  đã đưa ra quan điểm về CNH, HĐH cụ thể là: CNH gắn với HĐH  và CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế. Lấy phát huy nguồn lực con người là yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững. Đảng đề ra nội dung và định hướng CNH, HĐH trong những năm tiếp theo thiết thực và phù hợp xu thế thời đại, tất cả nhằm mục tiêu vì con người, vì sự phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2050 nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại.

 Có thể thấy rằng, tư duy của Đảng về CNH, HĐH thời kỳ đổi mới nhất quán với đường lối CNH được nêu ra trước  đó trên một số vấn đề có tính nguyên tắc: CNH là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Mục tiêu của CNH nhằm chuyển đổi một cách căn bản nền sản xuất xã hội từ lao động thủ công là chủ yếu sang lao động bằng máy móc, xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất ; nâng cao đời sống nhân dân; quốc phòng an ninh vững mạnh.

            Nhận thức của Đảng về CNH có sự phát triển so với trước cụ thể là:

CNH thời kỳ trước đổi mới

CNH thời kỳ đổi mới

CNH thiên về phát triển công nghiệp nặng

CNH được đặt trong tổng thể một nền kinh tế thống nhất,cơ cấu ngành được chuyển dịch dần phù hợp trình độ, xuất phát điểm của đất nước

CNH trong cơ chế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp

CNH, HĐH trong cơ chế thị trường định hướng XHCN

Chủ lực thực hiện CNH là Nhà nước và kinh tế quốc doanh

CNH, HĐH là sự nghiệp của toàn dân với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo

Nguồn lực chủ yếu của CNH, HĐH dựa vào lợi thế về lao động, tài nguyên đất đai và nguồn viện trợ của các nước XHCN

Nguồn lực CNH, HĐH là trí tuệ, văn hóa và sự tranh thủ  nguồn lực đa dạng từ bên ngoài, nhất là những thành tựu khoa học của thế giới.

CNH theo mô hình kinh tế khép kín, hướng nội và hướng về công nghiệp nặng

CNH theo mô hình kinh tế mở, hội nhập.

Tư duy lãnh đạo nóng vội, giản đơn, chủ quan duy ý chí, ham làm nhanh, làm lớn, không quan tâm đến hiệu quả kinh tế xã hội.

Tư duy lãnh đạo: với sự cân nhắc, lộ trình phù hợp trên cơ sở chuẩn bị kỹ các điều kiện tiền đề; vừa tuần tự, vừa nhảy vọt ở một số điểm, lĩnh vực để rút ngắn thời gian.

2.3 Thực trạng và một số giải pháp

Đường lối CNH, HĐH được Đảng ta hoạch định  qua 28 năm đổi mới là đúng đắn, toàn diện và ngày càng sáng tỏ cả về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, bước đi... Đây là cơ sở lý luận cho quá trình đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo dựng những tiền đề để đẩy mạnh CNH, HĐH và bước đầu thực hiện CNH, HĐH đạt những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong việc hoàn thiện và tổ chức  thực hiện đường lối CNH, HĐH.

Về đường lối: “Tiêu chí khi nước ta trở thành một nước công nghiệp để làm đích hướng tới chưa được xác định cụ thể; các bước đi của cả quá trình CNH, HĐH chưa được làm rõ; chậm cụ thể hóa mô hình, dẫn đến còn nhiều lúng túng trong thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn” [ 2- tr.111,112].        

Trong thực tiễn vẫn còn tình trạng nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc về vị trí, vai trò của CNH, HĐH, về quan điểm chỉ đạo CNH, HĐH. Nhiều chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng về CNH, HĐH chưa được thực hiện nghiêm túc.

Trong quá trình thực hiện CNH, HĐH nước ta đã đạt nhiều thành tựu. Nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, chưa tương xứng với khả năng. Quy mô nền kinh tế nhỏ, Bình quân thu nhập thấp, tái sản xuất  chủ yếu theo chiều rộng chưa theo chiều sâu. Hiệu quả kinh tế còn thấp (chỉ số ICOR cao:  4-5/1). Các nguồn lực của đất nước sử dụng chưa hiệu quả, nguồn lực trong dân chưa được phát huy. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm

      Xét phương diện những đặc trưng của nền kinh tế tri thức thì chúng ta thấy cơ cấu kinh tế - lao động của Việt Nam hiện nay vẫn là lạc hậu: tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp trong GDP còn hạn chế, ngành nông nghiệp còn cao: Cơ cấu lao động cũng chưa chuyển biến mạnh mẽ: lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng rất cao, chất lượng lao động còn nhiều hạn chế. Năng lực khoa học và công nghệ quốc gia còn yếu; kết quả ứng dụng những công trình, bằng sáng chế phát minh khoa học còn ít và thấp so với các nước; thị trường KH&CN (khoa học và công nghệ) chậm được hình thành; sự gắn kết hoạt động KH&CN với giáo dục - đào tạo và sản xuất, kinh doanh còn yếu

Giá trị xuất khẩu tuy khá cao, nhưng hiệu quả kém: sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nông sản và nguyên liệu ít qua chế biến.

- Vùng kinh trọng điểm chưa phát huy được thế mạnh, chưa có sự liên kết chặt chẽ.

- Cơ cấu thành phần kinh tế  chưa tương xứng với tiềm năng, môi trường đầu tư, cạnh tranh chưa bình đẳng.

- Công tác quy hoạch chất lượng còn thấp, cơ chế thị trường chậm hoàn hiện Nhiều chính sách chưa đủ mạnh để huy động các nguồn lực....

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế, trong đó công tác lãnh đạo của Bộ chính trị, Ban bí thư và quản lý, điều hành của nhà nước trong xử lý mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng còn hạn chế; công tác dự báo chưa tốt… Sự yếu kém của thể chế kinh tế thị trường, của chất lượng nguồn nhân lực kết cấu hạ tầng đã trở thành những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện yếu kém.

      Để khắc phục những hạn chế cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Thứ nhất, làm tốt công tác lãnh đạo của Bộ chính trị, Ban bí thư và quản lý, điều hành của nhà nước trong xử lý các mối quan hệ. Cụ thể là: phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa khoa học, công nghệ và tri thức. Sự phát triển của khoa học, công nghệ là điều kiện cần để hình thành và phát triển kinh tế tri thức. Cần đầu tư hơn nữa cho khoa học, công nghệ; tạo ra chính sách phát triển khoa học, công nghệ. cần đầu tư cao vào những ngành mũi nhọn của quốc gia như: công nghệ thông tin, nhất là công nghệ phần mềm; công nghệ số hoá, công nghệ năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ sinh học...

Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ CNH, HĐH . Công nghệ thông tin là chìa khoá để đi vào kinh tế tri thức. Muốn rút ngắn quá trình CNH, HĐH , rút ngắn khoảng cách với các nước, phải khắc phục khoảng cách về công nghệ thông tin.

Thứ hai, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực cho kinh tế tri thức.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa  hướng đến việc phát huy vai trò của khoa học, công nghệ, hướng đến kinh tế tri thức. Cụ thể là: cần có chế tài xử lý nghiêm minh những hành vi tham nhũng làm thất thoát tài sản nhà nước; khen thưởng xứng đáng đối với những sáng kiến, phát minh có giá trị thực tiễn ứng dụng vào sản xuất; nghiêm túc thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc của các cơ quan nhà nước trong  chỉ đạo thực hiện...

Thứ tư, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng với chiều sâu. Cần kết hợp hợp lý phát triển kinh tế theo hai mô hình này, một mặt khai thác những lợi thế sẵn có về lao động, tài nguyên; mặt khác phải “đi tắt, đón đầu”, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo mô hình “hiện đại”, “rút ngắn” để phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam. 

3. Kết luận:

CNH, HĐH đất nước là một vấn đề có phạm vi nghiên cứu rộng, trong bài viết tác giả đề cập chủ yếu đến quá trình nhận thức của Đảng, so sánh nhận thức về vấn đề này giai đoạn trước và sau đổi mới và bước đầu nêu ra một số giải pháp nhằm khắc phục hạn chế trong thực hiện CNH, HĐH của Đảng. Lãnh đạo sự nghiệp CNH, HĐH là quá trình khó khăn, lâu dài đòi hỏi Đảng luôn tổng kết thực tiễn, học hỏi kinh nghiệm của các nước... để bổ sung cho lý luận và vận dụng vào thực tiễn, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp năm 2020./.

            Tài liệu tham khảo

[1]. Đảng cộng sản Việt Nam (1994), Văn kiện Hội nghị lần thứ 7 BCHTW khóaVII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội

[2]. Đảng cộng sản Việt Nam (2005), Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986-2006), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội

[3]. V.I. Lênin toàn tập (1979), tập 42, Nxb Tiến bộ

[4.]  Hồ Chí Minh toàn tập (1996), tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 

CÁC TIN KHÁC
Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Thư viện ảnh
Hỗ trợ online
thaiha0511@gmail.com
Hotline: 02693877244
phonghcqtc38@gmail.com
Hotline: 02693877351
Lượt truy cập
Online: 60 | Thống kê: 322052
Liên kết website
Bản quyền (C) 2013 thuộc trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai
Điện thoại: 0593.877.244 - Fax: 3877312. Email: cdspgialai@cdspgialai.edu.vn
Giấy phép số 383754/GP - BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 03/03/2013
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Địa chỉ: 126 Lê Thánh Tôn - T.P Pleiku - Gia Lai
Ghi rõ nguồn gốc "Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai" khi phát hành lại thông tin từ website này
Các trang sẽ mở ra tại cửa sổ mới. Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai không chịu trách nhiệm nội dung các trang này.