Nghiên cứu khoa học

MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH CỦA GIÁO TRÌNH VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM

06/02/2016 9:24:12 CH - Lượt xem: 4324

VỀ TÁC PHẨM ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH – ĐÔI ĐIỀU BÀN LẠI

 

                                                                                                  ThS. NGUYỄN THỊ MỸ VÂN

                                                                                                                       Trường CĐSP Gia Lai

 

          Tóm tắt: Bài viết này chỉ ra một số nhận định phiến diện, chưa thỏa đáng của Giáo trình Văn học trung đại Việt Nam (tập 2) do Nguyễn Đăng Na chủ biên, về nội dung truyện “Đoạn trường tân thanh”, để từ đó, người học và sử dụng giáo trình có cách tiếp cận, xử lí giáo trình hợp lí hơn.

 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Giáo trình Văn học trung đại Việt Nam tập 2 được Nxb Đại học Sư phạm xuất bản (Dự án đào tạo giáo viên THCS), đang là giáo trình chính thức của nhiều trường CĐSP, trong đó có trường CĐSP Gia Lai. Ngoài những ưu điểm dễ nhận thấy của Giáo trình này, chúng tôi thấy vẫn có một số nội dung còn phiến diện và chưa thỏa đáng.Ở đây, xin được đề cập cách đánh giá của Giáo trình về một số chi tiết và nhân vật của tác phẩm Đoạn trường tân thanh. (Về một nhân vật hay tác phẩm văn học bao giờ cũng có nhiều cách hiểu và đánh giá khác nhau, nhưng, với một công trình mang tính khoa học và sư phạm - là giáo trình – thì cần tránh cách nhìn phiến diện).

II. NỘI DUNG

1. Nhận định phiến diện về một số chi tiết trong “Đoạn trường tân thanh”

1.1. Khi so sánh cách Thúy Kiều của Nguyễn Du và Thúy Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân trừng trị Sở Khanh, Giáo trình cho rằng: “Nguyễn Du chắc cũng căm Sở Khanh chẳng kém gì Thanh Tâm Tài Nhân. Nhưng vì thương Thúy Kiều hơn, ông chẳng nỡ để nàng làm một việc có thể nói là rùng rợn đối với phụ nữ: lột da kẻ thù! Thúy Kiều của Nguyễn Du độ lượng hơn, nhân hậu hơn và cũng đàn bà hơn.” (tr 144)

Thực ra, có thể lí giải rằng đó là do khoảng cách thời đại, quan niệm của người ta thay đổi (Nguyễn Du sống xa Thanh Tâm Tài nhân gần một thế kỉ). Không thể phủ nhận Nguyễn Du (và Thúy Kiều của ông) nhân hậu, vị tha và độ lượng (trong nhiều tình tiết khác của tác phẩm), nhưng khoảng cách thời đại cũng hết sức quan trọng. Chẳng ai nói rằng tác giả dân gian đã ít thương nàng Tấm, nên đã để nàng trừng phạt Cám bằng cách cho người giội nước sôi lên người cô ta, rồi làm mắm và gởi về cho mụ dì ghẻ!

1.2. Giáo trình đã cho rằng việc Thúy Kiều bị Hồ Tôn Hiến lừa là một nỗi nhục: “Thế mới hay, bị kẻ thay mặt quốc gia lừa là nỗi nhục lớn nhất của con người.” Thực ra, đây không phải là nhục mà là đau đớn, bẽ bàng, và nghiệt ngã, v.v… cho Kiều.

Những nhận định thiếu chuẩn xác và có phần gượng ép như vậy đã làm giảm đi giá trị và tính khoa học của giáo trình.Những điều này thực ra không lớn, nhưng là những “hạt sạn”, không đáng có.

2. Một số đánh giá chưa thỏa đáng về nhân vật Kim Trọng, Thúc Sinh và Từ Hải.

Trong 15 năm lưu lạc, theo cách này hay cách khác, Kiều nương tựa vào ba người đàn ông, là Kim Trọng, Thúc Sinh và Từ Hải, mỗi người đều có ý nghĩa, vị trí riêng với Kiều:

Kim Trọng là mối tình đầu trong sáng đắm say và không thể nào quên của Kiều, là một mảng riêng thiêng liêng và đầy tiếc nuối trong tim Kiều suốt 15 năm lưu lạc. Bởi đó là tình yêu tuổi trẻ, nồng nàn, đắm say, sôi nổi và táo bạo. Tình yêu ấy đã đem lại bao mê say và hạnh phúc cho cả Kiều và Kim Trọng.

Sau khi chia tay Kiều để về hộ tang chú, Kim Trọng trở lại vườn Thúy, biết được sự tình, chàng đã vì Kiều mà chắp mối tơ duyên với Thúy Vân. Dù vậy, Kim Trọng vẫn không nguôi thương nhớ Kiều, bằng chứng là chàng nhiều lần đi tìm Kiều, và sau này đã “rắp mong treo ấn từ quan” để tiếp tục tìm kiếm. Khi đã đoàn tụ, Kim Trọng không câu nệ việc Kiều đã từng làm gái làng chơi, đã qua mấy đời chồng, mà vẫn yêu Kiều tha thiết.

Giáo trình cũng nhìn nhận thấu đáo về chàng Kim ở những góc độ này. Tuy nhiên, về phần tái hồi, giáo trình đã phân tích khá phiến diện và gượng ép về Kim Trọng khi cho rằng: “Sau mười lăm năm đáy bể mò kim, họ gặp lại nhau. Chàng Kim – một người chỉ biết yêu đương và sách vở, giờ đây gặp lại Thúy Kiều, chàng không thể hiểu nổi nỗi đau vò xé trong lòng Kiều nữa (…) Hãy thử tưởng tượng mình là Thúy Kiều xem, đau lòng biết bao nhiêu khi buộc phải phơi ra vết thương từ trái tim rỉ máu trước mặt người mình yêu: “Thiếp từ ngộ biến đến giờ/Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa/Bấy chầy gió táp mưa sa/Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn”.

(…) Đã phải nói đến vậy, mà nào chàng Kim có hiểu cho nỗi đau ấy đâu. Cuối cùng, Kiều đành xé toang vết thương kia ra: Chữ trinh còn một chút này/Chẳng cầm cho vững lại giầy cho tan(…)Thế mới hay, chỉ yêu nhau thôi chưa đủ. Cái chính là, phải hiểu nhau.Điều này thì, hiện nay chàng Kim chưa có, còn sau này thì chưa biết. Cuối cùng, vì nể Kim Trọng, Thúy Kiều buộc phải chấp nhận kiểu nửa dơi nửa chuột: không chăn gối cũng vợ chồng. Thật là, chẳng hiểu nổi chàng Kim nghĩ gì nữa. Một thứ chồng hờ, vợ hờ” (trang 151)

Phân tích, đánh giá như vậy là phiến diện, sống sượng và thiếu công bằng với Kim Trọng. Bởi lẽ, trong buổi đoàn viên, đại gia đình Kiều đều muốn nàng và Kim Trọng tái hợp chứ không riêng gì Kim Trọng. Thúy Vân là người khơi điều này ra trước tiên (không ai có thể phù hợp hơn Thúy Vân khi đề cập vấn đề hết sức tế nhị này). Sau đó, Kim Trọng thuyết phục Thúy Kiều, cho đến khi cả Vương ông Vương bà cùng nói vào nữa thì Thúy Kiều mới chấp nhận. Nếu sau khi Thúy Vân đề cập chuyện tái hợp mà chàng từ chối, thì mới đáng trách.Bởi như thế nghĩa là Kim Trọng cho rằng Kiều nhơ nhớp, không còn xứng đáng với chàng.Và khi đó, Kiều – một người nhạy cảm - có tổn thương, có chạnh lòng không? Không thể chê trách cách cư xử của chàng Kim trong màn tái hợp, mặc dù kết cục đó là bi kịch cho Thúy Kiều. Và bi kịch đó không hề do Kim Trọng gây nên. Có vẻ như giáo trình đã tự mâu thuẫn khi trước đó, ở trang 170, đã cho rằng “tuy tái hồi mà cả hai đều dang dở, đều bất hạnh”. Quả thật, kết cục đó cũng đầy thiệt thòi và dang dở cho chàng Kim, tất nhiên là không lớn như thiệt thòi của Kiều.

Ngoài ra, vì quá đề cao Từ Hải, mà có lúc giáo trình đã đánh đồng Kim Trọng với Thúc Sinh, và cho rằng chỉ có Từ Hải mới là tri âm, tri kỉ của Kiều: “Cả chàng Kim và chàng Thúc đều không phải là tri kỉ của nàng. (…) Không một ai hiểu và trân trọng Kiều như Từ Hải. Sau mười lăm năm gặp lại Thúy Kiều, chàng Kim tuy thực lòng nói: “Hoa tàn mà lại thêm tươi/Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”, nhưng, sự thực lòng của chàng khiến Thúy Kiều đau khổ thêm. Vì sao vậy? Vì chàng Kim đã vô tình khơi lại vết thương trong trái tim rớm máu của Thúy Kiều…”. Trong tác phẩm, khi thuyết phục Kiều tái hợp với mình, Kim Trọng không hề đề cập vấn đề hết sức tế nhị là trinh tiết của Kiều, mà chỉ nói: “Dẫu lòng kia vậy, còn lời ấy sao?/Một lời đã trót thâm giao/Dưới dày có đất trên cao có trời/Dẫu rằng vật đổi sao dời/Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh!/Duyên kia có phụ chi tình/Mà toan sẻ gánh chung tình làm hai”. Và Kiều từ chối bằng cách cho rằng mình không còn trinh trắng: “Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng/Hoa thơm phong nhị, trăng vòng tròn gương/Chữ trinh đáng giá ngàn vàng(…)/Thiếp từ ngộ biến đến giờ/Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa…” Đến đây, chàng Kim mới “phản bác” bằng những lời lẽ đầy sẻ chia, thấu tình đạt lí: “Xưa nay trong đạo đàn bà/Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường/Có khi biến có khi thường/Có quyền nào phải một đường chấp kinh?/Như nàng lấy hiếu làm trinh/Bụi nào cho đục được mình ấy vay?/Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời/Hoa tàn mà lại thêm tươi/Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa...”. Trân trọng và thấu hiểu những giá trị của Thúy Kiều mới nói ra được những lời tình nghĩa và đầy sẻ chia như thế. Thử đặt giả thiết: khi Kiều cho rằng “Thiếp từ ngộ biến đến giờ/Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa” mà chàng Kim không nói gì, hoặc đồng ý với điều đó thì có bẽ bàng cho Kiều không? Vậy nên, không thể cho rằng chàng Kim đã khơi lại vết thương lòng của Kiều, và rằng chàng không hiểu, không trân trọng Kiều.

Giáo trình lại thiếu công bằng với Kim Trọng khi cho rằng: “Thúc Sinh hơn chàng Kim ở hai điểm. Thứ nhất, chàng là ân nhân của Thúy Kiều (…)Thứ hai, chàng Thúc hơn chàng Kim ở chỗ, là chồng thực sự của Kiều ít nhất một năm.” Đúng là chàng Thúc rất quan trọng đối với Kiều, vì đã chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh và mang đến cho nàng một mái gia đình trong một năm, nhưng không thể xem đó là điều mà chàng Thúc hơn chàng Kim bởi không thể so sánh kiểu như vậy.

Từ Hải không phải là một thư sinh nho nhã, gia thế, mà là một người từng trải, khí phách, và có phần “ngang tàng” (nghĩa tích cực) theo kiểu những anh hùng hảo hán. Từ Hải hào sảng, trượng phuvà quyền lực, nên đã làm được cho Kiều những điều mà không dễ có người làm được.Từ Hải hoàn toàn xứng đáng với Kiều và đã đem lại hạnh phúc cho Kiều. Nếu Kim Trọng và Thúy Kiều gặp nhau là tài hoa gặp tài hoa thì Từ Hải và Thúy Kiều là cuộc gặp gỡ của trai anh hùng – gái thuyền quyên. Thúc Sinh thì không thể là tri âm tri kỉ với Kiều theo đúng nghĩa của nó, nhưng Kim Trọng là người đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu với Kiều. Không thể đánh đồng Kim Trọng với Thúc Sinh, và cũng không vì quá đề cao Từ Hải mà hạ thấp Kim Trọng.

III. KẾT LUẬN

          Ba người đàn ông Kiều gắn bó là ba người Kiều gặp trong những cảnh ngộ và đoạn đời khác nhau. Hơn nữa, mỗi người có những điều kiện và khả năng, hoàn cảnh và xuất thân khác nhau, không thể cân đong đo đếm về vai trò, vị trí; cũng không nên xoáy vào những cái mà nhân vật không có để mà phê phán họ. Bên cạnh đó, trong văn học trung đại, người ta phản ánh hiện thực như nó cần phải có, chứ không phải như nó vốn có, do đó, việc Kiều và Kim Trọng sống kiểu “không chăn gối cũng vợ chồng” cũng cần đặt trong quan niệm và lí tưởng thẩm mĩ của người trung đại.

          Vì vậy, khi hướng dẫn sinh viên chuẩn bị bài, chúng tôi yêu cầu sinh viên đọc kĩ tác phẩm Đoạn trường tân thanh, sau đó nghiên cứu kĩ Giáo trình (phần viết về Đoạn trường tân thanh) rồi tự rút ra những điểm mà bản thân đồng tình/không đồng tình với Giáo trình, sau đó cả lớp cùng thảo luận để lựa chọn cách hiểu thỏa đáng nhất.

                                               

Tài liệu tham khảo:

[1] Trần Đinh Hượu (1999), Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, NXB Giáo dục.

[2] Lê Đình Kỵ (2001), Phê bình nghiên cứu văn học, NXB Giáo dục.

[3] Nguyễn Hữu Sơn, Trần Đình Sử, Huyền Giang, Trần Ngọc Vương, Trần Nho Thìn, Đoàn Thị Thu Vân, Về con người cá nhân trong văn học cổ, NXB Giáo dục.

[4] Trần Hữu Sơn (2005), Văn học trung đại Việt Nam – quan niệm con người và tiến trình phát triển, NXB Khoa học Xã hội.

[5] Trần Đình Sử (2005), Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.

[6] Trần Nho Thìn (2003), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, NXB Giáo dục

 

CÁC TIN KHÁC
Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Thư viện ảnh
Hỗ trợ online
thaiha0511@gmail.com
Hotline: 02693877244
phonghcqtc38@gmail.com
Hotline: 02693877351
Lượt truy cập
Online: 61 | Thống kê: 321121
Liên kết website
Bản quyền (C) 2013 thuộc trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai
Điện thoại: 0593.877.244 - Fax: 3877312. Email: cdspgialai@cdspgialai.edu.vn
Giấy phép số 383754/GP - BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 03/03/2013
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Địa chỉ: 126 Lê Thánh Tôn - T.P Pleiku - Gia Lai
Ghi rõ nguồn gốc "Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai" khi phát hành lại thông tin từ website này
Các trang sẽ mở ra tại cửa sổ mới. Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai không chịu trách nhiệm nội dung các trang này.