Nghiên cứu khoa học

SÁNG TẠO TRONG KỸ THUẬT LÀM ĐỒ CHƠI CỦA MÔN THỦ CÔNG

19/01/2015 3:18:10 CH - Lượt xem: 8232

CHƯƠNG TRÌNH TIỂU HỌC

                                                                                      GV. Phạm Thị Minh Hòa

I. TÓM TẮT

      Hoạt động thực hành làm đồ chơi cũng là hình thức lao động, trong đó cần phải dùng đến phương tiện lao động, vận dụng kĩ năng sử dụng công cụ lao động. Hoạt động này mang tính lao động nghệ thuật có sự kết hợp giữa hoạt động tích cực của trí tuệ và vận dụng thao tác lao động để tạo ra các sản phẩm. Do đó, việc tự làm đồ chơi mang tính sáng tạo có tác dụng giáo dục ý thức lao động  và lòng yêu lao động của các em. Bên cạnh việc cho các em chơi các loại đồ chơi bán sẵn, việc hướng dẫn các em biết sử dụng vật liệu dễ kiếm để làm đồ chơi đơn giản là rất cần thiết và có ý nghĩa thiết thực, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh.

II. LỜI MỞ ĐẦU

     Môn Nghệ thuật (phần Thủ công) là môn học có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ dạy học của nhà trường phổ thông : "Phổ thông, lao động, kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp và dạy nghề". Nó góp phần phát triển nhân cách toàn diện cho học sinh, giáo dục lao động, kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp cho thế hệ trẻ. Đồng thời tạo tiền đề để phát triển năng lực lao động nghề nghiệp, hình thành kỹ năng cho lớp người lao động kỹ thuật trong tương lai.

     Xuất phát từ thực tế dạy và học kĩ thuật làm đồ chơi hiện nay ở các trường Tiểu học trên địa bàn thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, đồng thời xuất phát vị trí, nhiệm vụ của người giáo viên dạy môn Thủ công – Kĩ thuật ở trường CĐSP Gia Lai là đào tạo đội ngũ giáo viên dạy môn Nghệ thuật (phần Thủ công) cho các trường Tiểu học của tỉnh nhà. Tôi đã tiến hành tìm hiểu chuyên đề " Sáng tạo trong kĩ thuật làm đồ chơi của môn Thủ công chương trình Tiểu học"

III. NỘI DUNG

1. Tác dụng của đồ chơi với cuộc sống của trẻ em

       Đồ chơi giúp các em giải trí, vui chơi sau những giờ học căng thẳng. Các loại đồ chơi vận động như bóng, dây, cầu giúp các em khỏe mạnh, hoạt bát, nhanh nhẹn.

      Đồ chơi giúp các em nắm bắt được qui luật các hiện tượng thiên nhiên, hiện tượng xã hội: chơi xây dựng, chơi bán hàng, chơi nấu ăn, an toàn giao thông, nhịp sống thường ngày của làng bản ... các em hiểu biết thêm về các ngành nghề phổ biến trong xã hội. Khi sử dụng bộ lắp ráp kĩ thuật, các em có thể hiểu thêm về qui trình kĩ thuật chế tạo máy, các hiện tượng điện trong gia đình. Các hoạt động đó đã hình thành cho các em khả năng quan sát, nhận xét, phân tích, tổng hợp, từ đó hình thành và phát triển khả năng tư duy kĩ thuật, tính sáng tạo.

2. Đặc điểm và yêu cầu của đồ chơi:

- Đặc điểm:

Đồ chơi bao gồm những hình ảnh thu nhỏ của người, đồ vật, động vật được lược bỏ mọi chi tiết phức tạp và chỉ thể hiện những nét đặc trưng, điển hình giúp học sinh liên tưởng dễ dàng với môi trường xung quanh. Đồ chơi làm bằng những vật liệu nhẹ, kích thước vừa phải, thích hợp với hoạt động của học sinh và tiện lợi cho sử dụng.

Đồ chơi thường sinh động, có màu sắc tươi vui, trong sáng, có thể có các bộ phận cử động được và có âm thanh vui tai

- Yêu cầu:

+ Đồ chơi phải đảm bảo tính giáo dục:

Bản thân đồ chơi phải có tính khoa học: các chi tiết của bộ đồ chơi loại lắp ráp phải chính xác, để khi lắp ghép vào nhau được dễ dàng. Nếu không, dễ làm các em chán, thậm chí phá bỏ đồ chơi, như vậy đồ chơi mất tác dụng.

Đồ chơi phải phát huy được tính tích cực sáng tạo của học sinh.

Đồ chơi giúp học sinh phát triển trí tưởng tượng sáng tạo, tập cho các em biết quan sát, nhận xét, phân tích, tổng hợp, giúp các em có nhận thức về cái đẹp và biết sáng tạo ra cái đẹp.

+ Đồ chơi phải đảm bảo vệ sinh, an toàn và độ bền chắc:

Bản thân đồ chơi phải được chế tạo bằng nguyên vật liệu dễ lau rửa; nếu có sơn thì  phải dùng loại sơn, phẩm bền màu không độc hại. không cho các em chơi đồ chơi sắc cạnh hoặc nhỏ, trơn quá như bi ve. Đồ chơi dù làm bằng vật liệu bền chắc hay vật liệu rẻ tiền, nhất thiết phải đẹp. Đồ chơi phải có hình dạng, màu sắc, cấu tạo giống vật thật mới hấp dẫn và được các em yêu thích.

Trước khi chơi, các em cần được ông, bà, bố, mẹ hoặc cô giáo hướng dẫn cách chơi và giữ gìn đồ chơi. Cần yêu cầu các em chơi xong phải tự thu dọn, có như vậy mới giáo dục được tính ngăn nắp, tự lập và biết quí trọng sản phẩm lao động.

3. Mục đích, ý nghĩa của việc hướng dẫn học sinh tiểu học kĩ thuật làm đồ chơi:

-. Giáo dục trí tuệ:

Để làm được các loại đồ chơi mang những đặc điểm đặc trưng, các em cần phải quan sát để phân tích, nhận xét, so sánh các vật với nhau; các hoạt động trí tuệ như: khả năng quan sát, phân tích, tổng hợp, ghi nhớ, tưởng tượng tư duy kĩ thuật... của các em được hình thành và phát triển.

- Giáo dục thẩm mĩ:

Việc tự làm đồ chơi góp phần giáo dục cho các em biết yêu cái đẹp, biết tự mình tạo nên vẻ đẹp của sản phẩm, tự hào về sản phẩm do chính tay mình làm ra.

- Giáo dục đạo đức:

Giờ học kĩ thuật làm đồ chơi có nhiều khả năng gây hứng thú, đồng thời hình thành nhiều đức tính tốt cho các em như: tính tích cực chủ động, sáng tạo, kiên trì, biết khắc phục khó khăn, biết quan tâm, giúp đỡ bạn bè.

- Giáo dục lao động:

Hoạt động thực hành làm đồ chơi cũng là hình thức lao động, trong đó cần phải dùng đến phương tiện lao động, vận dụng kĩ năng sử dụng công cụ lao động. Hoạt động này mang tính lao động nghệ thuật có sự kết hợp giữa hoạt động tích cực của trí tuệ và vận dụng thao tác lao động để tạo ra sản phẩm. Do đó việc tự làm đồ chơi có tác dụng giáo dục ý thức lao động và lòng yêu lao động của các em

4. Thực tế về sáng tạo trong kĩ thuật làm đồ chơi bằng vật liệu dễ kiếm được ở địa phương

  1. Thuận lợi:
  • Sau những đợt thực tập sư phạm 1&2 của sinh viên khoa Giáo dục Tiểu học tại các Trường Tiểu học trên địa bàn thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Khảo sát sơ bộ cho thấy phần lớn giáo viên đều cảm thấy hứng thú khi dạy bộ môn Thủ công nói chung và chương làm đồ chơi lớp 2&3 nói riêng.

-     Chương trình mang tính vừa sức, sát thực tế

-     Học sinh rất hứng thú khi học chương này

  1. Khó khăn:
  • Thiết bị dạy học chủ yếu là các tranh hướng dẫn thao tác theo qui trình của một số bài làm đồ chơi đơn giản. Điều này dẫn đến tình trạng chất lượng giờ học của học sinh chưa cao, chưa kích thích hứng thú và sáng tạo trong  khi học làm đồ chơi bằng vật liệu dễ kiếm ở địa phương.
  • Mặc dù đã được Bộ GD - ĐT đầu tư theo chương trình dự án thay sách, nhưng nhìn chung TBDH vẫn còn thiếu nhiều so với yêu cầu dạy học bộ môn. Hàng năm trang thiết bị đều cấp phát không kịp thời và chưa đồng bộ. Điều này đã ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả của yêu cầu về thay sách, về chất lượng dạy và học bộ môn, gây nhiều khó khăn cho giáo viên khi đổi mới PPDH. Để khắc phục điều này các trường đã động viên giáo viên tận dụng hết các TBDH đã có và tự làm thêm các TBDH còn thiếu để phục vụ giảng dạy.
  • Đặc thù của phân môn Thủ công là số bài thực hành chiếm một tỷ lệ lớn (70%) và một số bài có nội dung dài (Thủ công 3) khó đảm bảo thời gian để hoàn thành tại lớp. Vì vậy, để hoàn thành các bài thực hành, đòi hỏi giáo viên phải có một sự nổ lực lớn. Phần lớn giáo viên thực hiện hết 100% số bài thực hành nhưng cũng có một số giáo viên thực hiện được trên 75%
  1. Một số mô hình sáng tạo có thể áp dụng trong quá trình dạy Thủ công (phần làm đồ chơi):

MÔ HÌNH NGÃ TƯ ĐƯỜNG PHỐ


- Cấu tạo: Gồm có đèn tín hiệu, các phương tiện giao thông, người đi bộ, đường một chiều, vỉa hè, phố, dãy phố, hồ sen...

- Vật liệu: Phoóc, sốp mút, giấy đề can, bóng nhựa, thìa sữa chua, keo gắn, dụng cụ bào gọt, cắt tỉa…

- Quy trình:
Thiết kế mô hình ngã tư đường phố được đặt trên bàn phoóc với hệ thống đèn giao thông, dán giấy đề can, trên đường có nhiều người và phương tiện như ô tô, xe máy, xe đạp được cắt, gọt từ những mút sốp, đề can các mầu dùng keo gắn chúng lại với nhau theo bản thiết kế.

MÔ HÌNH ĐÀN GÀ


- Cấu tạo:
Gồm gà mẹ, gà con chơi quanh mẹ. Ngoài ra tạo thêm cảnh cho sinh động như có ngôi nhà, đống rơm, bụi chuối, ao sen, vườn rau, cổng, hàng rào xung quanh...
- Vật liệu:
Vải vụn, lông gà mái thật, hạt bông, hạt vòng màu đen, vỏ hộp nước rửa bát, xốp mầu, kéo, các dụng cụ cắt tỉa, keo 502, len màu vàng, dây thép.
-  Quy trình:
Thiết kế mô hình đàn gà vẽ và cắt hình gà mẹ từ miếng vải vụn, sau đó khâu lại. Nhồi bụng gà mẹ bằng hạt bông gạo, sau đó dùng dao dọc giấy vẽ và cắt cánh gà, mỏ gà bằng vỏ lọ nước rửa bát sau đó cài vào thân gà mẹ để tạo cánh gà và mỏ gà, dùng kim chỉ để khâu hạt vòng làm mắt gà. Dùng kéo cắt mào gà bằng sốp. Tiếp tục lấy keo 502 để gắn lông gà với nhau tao thành hình gà mẹ.
Gà con được làm bằng len màu vàng, cắt gắn và buộc lại. Sau đó dùng kéo cắt mỏ, mào gà con bằng xốp, chân gà được uốn bằng dây thép và bọc lại bằng len. Ngoài ra tạo thêm khung cảnh cho sinh động: Ngôi nhà, đống rơm, bụi chuối, cổng, hàng rào, ao sen, vườn rau xanh ...

MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT CỦA NGƯỜI DÂN MIỀN NÚI

 - cấu tạo và vật liệu
Đồ dùng gồm một khung sắt dạng khung hộp hình chữ nhật có chiều dài 90cm, chiều rộng 70cm, chiều cao 50cm. Trên bề mặt có phủ một lớp xốp để tạo ra vùng miền núi và miền đồng bằng.
Đồ dùng được thiết kế theo dạng đắp mô hình đồi núi, ruộng bậc thang, trâu cày ruộng,  gắn các ngôi nhà sàn, nhà cao tầng.
- Qui trình

Tạo một khung sắt hình chữ  nhật kích thước 90cm x 70cm
Cắt 1 bìa nhựa hình chữ nhật làm hàng rào xung quanh: dài 90cm, rộng 70 cm
Cắt một tấm xốp màu xám kích thước rộng 70cm cao 50cm làm đồi núi.
Cắt các mũi tên bằng xốp màu theo hình vòng cung chỉ Sơ đồ vòng tuần hoàn của nước trong thiên nhiên. Cắt một số tấm thẻ xinh xắn dạng hình đám mây
Cắt một số miếng dán nhựa tạo những ngôi nhà sàn của người dân tộc, ngôi nhà xây và thảm len tạo ra nền cỏ.
Ghép miếng xốp và đắp mô hình đồi núi trên khung sắt làm đồi núi.
Dán tấm nhựa làm viền xung quanh của sản phẩm .
Gắn các mũi tên theo dạng sơ đồ.
Gắn các con vật, cây cối, nhà máy, nhà ở, người dân, cối giã gạo, máy cày, cối xay gió.

5. Một số giải pháp:

a.  Đối với giáo viên dạy ở trường Tiểu học:

- Giáo viên Tiểu học cần linh hoạt điều khiển giờ dạy có không gian thích hợp. Ví dụ: Làm đồ chơi đèn lồng, làm con bướm, làm dây xúc xích trang trí... Giáo viên có thể tổ chức giờ thực hành ở một góc vườn trường. Như vây, học sinh sẽ phát huy tính sáng tạo khi trình bày sản phẩm của cá nhân hoặc của nhóm mình.

- Tăng cường tổ chức tấp huấn trao đổi kinh nghiệm dạy học cho các giáo viên dạy Tiểu học.

- Sở Giáo dục – Đào tạo và Công ty sách thiết bị trường học nên tổ chức các hội thi tự làm đồ dùng dạy học để giáo viên Tiểu học phát huy tính sáng tạo khi làm đồ chơi.

b. Đối với sinh viên khoa Giáo dục Tiểu học:

- Trường CĐSP cần hỗ trợ kinh phí thực hành theo chương trình cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học. 

- Khoa Giáo dục Tiểu học nên tổ chức các buổi ngoại khóa về chủ đề làm đồ chơi mang tính sáng tạo để sinh viên học tập và phát huy tính sáng tạo khi làm đồ dùng dạy học

IV. KẾT LUẬN

     Giáo dục tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kỹ năng cơ bản, góp phần hình thành nhân cách con người Việt nam xã hội chủ nghĩa, bước đầu xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân, chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học THCS.

     Giáo dục tiểu học phải đảm bảo cho học sinh có hiểu biết đơn giản, cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người. Phương pháp giáo dục tiểu học phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh. 

     Chương trình môn Thủ công (chương làm đồ chơi) đã bám sát mục tiêu cùa bậc Tiểu học, đã quán triệt yêu cầu chống quá tải và thể hiện rõ sự đổi mới về PPDH. Nội dung chương trình bộ môn vừa sức với học sinh. Tỷ lệ giữa số bài lý thuyết và thực hành phân phối trong chương trình là hợp lý, rõ ràng, dễ hiểu, cấu trúc hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dạy, đồng thời đặt ra cho giáo viên yêu cầu phải đổi mới PPDH phân môn Thủ công ở bậc Tiểu học.

       Đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp hầu hết đã đạt trình độ chuẩn so với quy định hiện hành. Tất cả các giáo viên đều đã qua các lớp tập huấn thay sách bộ môn. Các giáo viên đều tâm huyết với nghề và có ý thức dạy và học theo đúng yêu cầu thay sách bộ môn ở khối lớp được phân công giảng dạy. Đây là điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức và thực hiện chương trình giảng dạy Tiểu học của tỉnh nhà. Vì vậy, cùng với sự cố gắng của giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học nên chất lượng môn Thủ công (chương làm đồ chơi) lớp 2, 3 đã đạt được yêu cầu đề ra.

                                                                                                            P.T.M.H

 

                                   TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Chương trình Tiểu học (Ban hành theo quyết định số 43/2001/QĐ - BGD & ĐT ngày 9-11-2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo) - Bộ Giáo dục và Đào tạo.

    2. Tài liệu tập huấn giáo viên cốt cán tỉnh, thành phố triển khai chương trình môn Nghệ thuật, phần Thủ công - Bộ Giáo dục và Đào tạo.    

    3. Sách giáo viên môn Nghệ thuật, phần Thủ công lớp 1, 2, 3 (2005)- Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nhà xuất bản giáo dục. 

CÁC TIN KHÁC
Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Thư viện ảnh
Hỗ trợ online
thaiha0511@gmail.com
Hotline: 02693877244
phonghcqtc38@gmail.com
Hotline: 02693877351
Lượt truy cập
Online: 72 | Thống kê: 528155
Liên kết website
Bản quyền (C) 2013 thuộc trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai
Điện thoại: 0593.877.244 - Fax: 3877312. Email: cdspgialai@cdspgialai.edu.vn
Giấy phép số 383754/GP - BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 03/03/2013
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Địa chỉ: 126 Lê Thánh Tôn - T.P Pleiku - Gia Lai
Ghi rõ nguồn gốc "Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai" khi phát hành lại thông tin từ website này
Các trang sẽ mở ra tại cửa sổ mới. Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai không chịu trách nhiệm nội dung các trang này.