Nghiên cứu khoa học

NÂNG CAO HIỆU QUẢ PHÒNG CHỐNG ĐUỐI NƯỚC Ở TRẺ EM

06/01/2015 2:37:16 CH - Lượt xem: 8572

.

                                                                    Nguyễn Văn Dương

                                                                    Giảng viên GDTC

         TÓM TẮT: Bài viết nhằm giúp cho giáo viên, sinh viên biết, hiểu về kiến thức phòng chống đuối nước, từ đó có thể tuyên truyền và áp dụng kiến thức đó vào những trường hợp đuối nước cụ thể trong cuộc sống

PHẦN MỞ ĐẦU

Theo thống kê của Bộ GDĐT năm 2012, có khoảng 1.700 em tử vong vì đuối nước trong tổng số 2.769 ca tử vong do tai nạn thương tích. Ở nước ta, tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Trước thực trạng đó, tất cả các cấp, các ngành đã và đang hết sức chú trọng đến công tác phòng tránh đuối nước cho trẻ em, trong đó ngành giáo dục đặt biệt quan tâm đến vấn đề này vì hầu hết trẻ em là học sinh, đang được sự giáo dục, đào tạo của ngành. Vì vậy, Nhằm cung cấp những hiểu biết, kỹ năng cần thiết cho trẻ em, cho gia đình và cộng đồng về Việc phòng, chống trẻ em bị tai nạn đuối nước góp phần giảm thiểu những tai nạn tử vong do đuối nước gây ra. Xuất phát từ những vấn đề cấp bách trên, dựa vào cơ sở thực tế và căn cứ vào khả năng của bản thân, tôi mạnh dạn đưa bài tham luận về: “NÂNG CAO HIỆU QUẢ PHÒNG CHỐNG ĐUỐI NƯỚC Ở TRẺ EM’’.

Giúp các em học sinh biết được và hình thành ý thức về nguy cơ đuối nước đang rình rập đến sức khỏe, tính mạng của mình trước những thói quen hành động hết sức bình thường diễn ra thường xuyên trong cuộc sống, từ đó hình thành ý thức biết tự đề phòng, cảnh giác, có những kỹ năng cần thiết tự bảo vệ mình và bảo vệ bạn bè, hình thành nhu cầu tập luyện và phát triển kỹ năng bơi lội.

Gia đình và cộng đồng nhận thức được những nguy cơ dẫn đến đuối nước đối với trẻ em, từ đó gia đình và cộng đồng có những hành động thiết thực để giám sát, bảo vệ trẻ em một cách đầy đủ, thay đổi, cải tạo môi trường sống an toàn hơn. Bên cạnh đó, giúp cha mẹ học sinh, thầy cô giáo và các lực lượng chăm sóc, bảo vệ trẻ em khác có những kỹ năng cần thiết để có thể ứng phó cứu người không may bị tai nạn đuối nước một cách có hiệu quả và an toàn cho bản thân.

NỘI DUNG

I. NGUYÊN NHÂN CƠ BẢN

Tai nạn đuối nước xảy ra do những nguyên nhân cơ bản như nhận thức của trẻ em về tai nạn đuối nước còn thấp, thiếu sự giám sát đầy đủ của người lớn, trẻ em thiếu kỹ năng bơi lội, môi trường sống không an toàn, phương tiện vận tải đường thủy không bảo đảm yêu cầu.

1. Nhận thức về tai nạn đuối nước của trẻ em còn thấp

Mặc dù đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây nên tử vong cho nhóm tuổi trẻ em và lứa tuổi vị thành niên từ 1 đến 19 tuổi nhưng nhận thức của cộng đồng người dân và những người có trách nhiệm về vấn đề này vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, tai nạn đuối nước trẻ em chưa được thảo luận rộng rãi và chưa được giải quyết một cách toàn diện.

2. Thiếu sự giám sát đầy đủ của người lớn

Một trong những yếu tố chính dẫn đến tai nạn đuối nước chiếm tỷ lệ cao ở trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ nhỏ do thiếu sự trông nom, giám sát chặt chẽ, đầy đủ của người lớn. Trẻ nhỏ chỉ cần thiếu sự giám sát của người lớn không một khoảnh khắc ngắn từ 1 đến 2 phút, tai nạn đuối nước nói riêng và các tai nạn thương tích khác nói chung đã có thể xảy ra một cách thương tâm.

3. Thiếu kỹ năng bơi lội

Các cuộc điều tra, khảo sát ở nước ta ghi nhận hầu hết trẻ em bị tai nạn đuối nước do không biết bơi và trên thực tế cũng thấy rất nhiều trẻ em Việt Nam không biết bơi. Hơn nữa phần lớn các em thường hay chơi đùa, tắm lội ở gần ao hồ, sông suối gần trường hoặc gần nhà. Vấn đề này có thể là yếu tố nguy cơ cao gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ em.

4. Môi trường sống không an toàn

Nước ta có bờ biển khá dài, hệ thống ao hồ, sông suối, kênh lạch nhiều và chằng chịt. Tuy vậy, những người có trách nhiệm hầu như vẫn chưa thực hiện nhiều giải pháp, hành động mạnh mẽ, cụ thể để làm giảm thiểu nguy cơ tai nạn đuối nước ở trẻ em có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất kỳ ở đâu trong môi trường sống.

5. Phương tiện vận tải đường thủy không bảo đảm yêu cầu

Phương tiện giao thông đường thủy là một trong những phương tiện giao thông quan trọng ở nước ta, nhất là ở những khu vực, vùng miền có đường thủy khá phong phú. Người dân thường sử dụng phương tiện giao thông đường thủy trong những hoạt động hàng ngày như đi làm, đưa trẻ em đi học, đi chợ, buôn bán... nhưng rất nhiều phương tiện không bảo đảm an toàn, không trang bị đầy đủ áo phao cứu hộ nên thỉnh thoảng tai nạn đuối nước vẫn xảy ra khi bị sự cố tại một số địa phương.

II. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG ĐUỐI NƯỚC CHO TRẺ EM

1. Truyền thông giáo dục sức khỏe

Các cơ quan truyền thông đại chúng phải có trách nhiệm xây dựng, phát triển những thông điệp tuyên truyền về nguy cơ tai nạn đuối nước và phổ biến biện pháp phòng tránh để chuyển tải nội dung trên các phương tiện truyền thông cùng với các tài liệu tuyên truyền khác. Cần lồng ghép hoạt động phòng tránh đuối nước vào các hoạt động ngoại khóa của nhà trường, đặc biệt trước khi học sinh nghỉ hè để nâng cao nhận thức bảo vệ, phòng ngừa cho các em.

2. Phát triển kỹ năng bơi lội, tập huấn sơ cấp cứu đuối nước

Cần phát triển kỹ năng bơi lội và dạy bơi cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở nói riêng, trẻ em ở các nhóm tuổi nói chung; chú ý ở những địa bàn thường hay bị ngập lụt, có nhiều sông suối, ao hồ, mặt nước. Tổ chức tập huấn về sơ cấp cứu, nhất là phương pháp hô hấp nhân tạo cho nhân viên y tế thôn bản, tổ dân cư; giáo viên ở các trường học, hội viên và cộng tác viên hội chữ thập đỏ ở địa phương; thậm chí cộng đồng người dân cũng cần phải biết phương pháp này để ứng cứu khi cần thiết.

3. Tăng cường ý thức giám sát trẻ em đầy đủ của gia đình, của cộng đồng và của nhà trường

Biết bơi thôi cũng chưa hẳn đã an toàn. Bằng chứng là rất nhiều người lớn cơ bắp khỏe, bơi thành thạo cũng bị đuối nước dẫn đến tử vong nếu chủ quan, lơ là. Ở Việt Nam, hệ thống ao hồ, sông ngòi, cống rãnh chằng chịt, bờ biển dài thì nguy cơ đuối nước luôn rình rập. Vì vậy, để đảm bảo an toàn nhất có thể cho trẻ, bên cạnh việc dạy trẻ bơi, điều cấp thiết là phải giám sát và hướng dẫn trẻ những biện pháp an toàn khi tiếp xúc với nước.

4. Thay đổi môi trường sống cho an toàn hơn

Để thay đổi môi trường sống nhằm bảo đảm sự an toàn, nên tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia thực hiện các biện pháp đơn giản như đậy nắp bảo vệ ở giếng nước, bể nước, hồ thoát nước...; làm rào chắn với các thanh chắn theo chiều dọc. Chú ý nên thoát nước từ những thùng nước to hay san lấp các ao hồ không cần thiết sử dụng.

III. CÁCH PHÒNG TRÁNH

 Tuyên truyền hướng dẫn gia đình, những người trực tiếp chăm sóc, quản lý trẻ và bản thân trẻ về nguyên nhân hậu quả của đuối nước.

Định hướng các hoạt động sinh hoạt, vui chơi tập thể để thu hút trẻ vào các hoạt động an toàn lành mạnh.

Hướng dẫn cho trẻ học bơi theo trường lớp có người quản lý.

Kịp thời phát hiện các yếu tố nguy cơ để hạn chế tiếp xúc.

Phòng tai nạn đuối nước trong gia đình bạn bằng cách rào quanh ao hoặc nơi có nước sâu để bảo vệ trẻ em.

Giếng, bể, chum vại, chậu nước và thùng nước phải có nắp đậy an toàn và chắc chắn.

Trong mùa mưa lũ, cần phải có biển báo những chỗ nước sâu, nguy hiểm và nhắc nhở trẻ em tuân theo các lời chỉ dẫn.

Luôn ở cạnh trẻ và theo dõi sát khi chúng tắm hoặc chơi ở chỗ có nước.

Không được để trẻ đi tắm bơi lội ở ao hồ một mình mà không có người lớn biết bơi đi kèm.

IV. CÁC BIỆN PHÁP CỨU VÀ CẤP CỨU NGƯỜI BỊ ĐUỐI NƯỚC

1. Những nguyên tắc và biện pháp khi cứu người bị đuối nước

Khi phát hiện có người bị đuối nước, cần hô hoán để nhiều người có thể nghe được chạy đến trợ giúp.

Người không biết bơi tuyệt đối không bao giờ được nhảy xuống biển, ao, hồ, sông sâu để cứu người bị tai nạn đuối nước.

Khi cứu người bị đuối nước, cần phải có thuyền, cây, dây, phao hoặc can nhựa để làm phao...

Người có khả năng bơi lội tốt có thể xuống nước để cứu người, đây là giải pháp cuối cùng khi không còn giải pháp nào khác, bởi vì thực tế đã có nhiều trường hợp người cứu nạn do chưa hiểu biết về các phương pháp cấp cứu thủy nạn, nên bị nạn nhân ôm cứng và cả hai cùng chết chìm.

Khi nhảy xuống nước bơi để cứu nạn, cần tiến hành theo một trong những phương pháp sau:

+ Phương pháp một: Nạn nhân nằm ngửa, người cứu hộ bơi ở phía sau nạn nhân, một tay dùng để bơi, một tay vắt lên ngang ngực xốc chéo qua nách bên kia. Bơi kiểu nhái đưa họ vào bờ. Kiểu này khiến người cứu hộ khá mệt, nhưng làm cho nạn nhân được an toàn tuyệt đối.

Điều kiện: Người được cứu phải khá tỉnh táo và có biết bơi đôi chút.

+ Phương pháp hai: Nâng cằm nạn nhân cho nằm ngửa hẳn mặt lên cho mũi của nạn nhân sẽ được thoát ra khỏi mặt nước. Phương pháp này dùng cho những nạn nhân có cơ thể hơi mập. Người cứu hộ có thể dùng tay còn lại để bơi vào bờ cho nhanh.

+ Phương pháp ba: Tiếp cận người bị nạn từ phía sau, người cứu hộ dùng tay nắm ngay chùm tóc phía trên trán, giựt ngửa đầu nạn nhân ra đằng sau. Phương pháp này dùng để cứu các bạn nữ rất có lợi.

+ Phương pháp bốn: Nắm cổ áo, nếu nạn nhân còn mặc đầy đủ quần áo mà ta lại không có thời gian cởi ra kịp dưới nước.

+ Phương pháp năm: Nếu nạn nhân đã bất tỉnh thật sự, ta có thể dùng hai tay ta nâng đầu nạn nhân nổi lên mặt nước, bơi ngửa bằng 2 chân và kéo vào bờ.

+ Phương pháp sáu: Nếu nạn nhân có trọng lượng nhẹ hơn ta và đã bất tỉnh. Ta có thể bơi ngửa, dùng ngực để đỡ đầu nạn nhân, hai tay xốc dưới nách cho nạn nhân nằm sải với tư thế thoải mái. Hai chân đạp kiểu nhái đưa nạn nhân vào bờ.

2. Cấp cứu người bị đuối nước khi đã được đưa lên bờ

Nạn nhân đuối nước không thở được do nước tràn vào phổi. Nếu gặp đuối nước nạn nhân cần phải được cấp cứu nhanh, kịp thời và kiên trì. Nên hà hơi thổi ngạt ngay khi vừa dìu được nạn nhân vào chỗ nước cạn, có thể đứng được. Khi đưa lên bờ, hãy dốc ngược nạn nhân hoặc đặt nạn nhân nằm đầu thấp, ép mạnh vào phần bụng và dưới ngực để đẩy nước ra. Cần thực hiện như vậy xen kẽ với hà hơi thổi ngạt. Nếu tim không đập thì phải kết hợp thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Phải hà hơi thổi ngạt và bóp tim ngoài lồng ngực kéo dài cho đến khi nạn nhân thở trở lại hoặc đã chết thực sự. Chú ý cởi bỏ quần áo ướt, lau khô người, xoa dầu nóng toàn thân và ủ ấm cho nạn nhân.

2.1. Xóc nước

Khi chúng ta đưa được nạn nhân vào bờ mà nạn nhân đã bị bất tỉnh, thì hãy xem thử họ có còn thở hay không. Nếu như họ còn thở thì chỉ cần xóc nước. Nếu hết thở thì làm hô hấp nhân tạo ngay. Muốn xóc nước thì ta làm như sau : Đưa nạn nhân lên cao rồi xóc vài cái cho nước trào ra, dùng tay móc những vật lạ mà họ đã nuốt phải ra khỏi miệng để tránh bị nghẽn đường hô hấp.

2.2. Hô hấp nhân tạo:

2.2..1 Phương pháp thổi ngạt miệng qua miệng :

Cách xử lý: Đặt nạn nhân ở nơi thoáng mát, nới lỏng quần áo, dây nịt, cà vạt … nếu có thể thì đặt nạn nhân nằm ngửa trên một mô đất cao, hay bàn ghế, giường … ,để chúng ta đỡ cúi gập người khi thao tác. Nếu trong miệng và cổ họng nạn nhân có vướng vật gì, hãy ấn vải vào đầu ngón tay và móc sạch ra, sau đó lau miệng nạn nhân cho sạch. 

Phương pháp thao tác : Kéo đầu nạn nhân ngửa về phía sau, kéo hoặc đẩy hàm dưới để cho miệng nạn nhân mở ra. Sau đó dùng bản tay vừa đẩy trán nạn nhân vừa bịt mũi họ lại bằng ngón trỏ và ngón giữa. Bàn tay kia dùng banh hàm nạn nhân và kéo miệng cho mở ra. Sau đó cần hít vào đầy lồng ngực, đoạn há miệng rộng rồi áp sát vào miệng nạn nhân. 

Thổi hơi thật mạnh cho đến khi thấy lồng ngực của nạn nhân phồng lên, mấy hơi đầu cần thổi thật mạnh. Sau đó nghiêng đầu lắng tai nghe hơi thở trở ra. Lặp lại động tác trên với nhịp độ 12 lần trong một phút đối với người lớn và 20 lần một phút đối với trẻ em.

2.1.2. Phương pháp  xoa bóp tim:

Ta quỳ cạnh nạn nhân, hai tay thẳng, hai bàn tay chồng lên nhau đặt lên lồng ngực nơi xương ức nạn nhân. Đè tay ép lồng ngực nạn nhân xuống rồi từ từ buông ra, làm theo chu kỳ: khoảng thời gian từ 14 - 15 giây, chúng ta ép ngực nạn nhân khoảng 15 lần và thổi ngạt 2 lần. Sau mỗi 4 chu kỳ chúng ta kiểm tra mạch và hơi thở của nạn nhân một lần.

Phương pháp Sylvester: (do Sylvester nghĩ ra, được bác sĩ Marshall Hall đề nghị phổ biến và sử dụng rộng rãi vào năm 1856. Cách làm như sau:

- Nạn nhân nằm ngửa trên mặt phẳng cứng.

- Nâng cao vai nạn nhân (bằng gối hay mền cuộn tròn)

- Đầu nạn nhân hơi ngửa về phía sau, cằm hướng lên trên.

- Cấp cứu viên quỳ gối phía trước đầu nạn nhân, nắm chặt hai cổ tay nạn nhân.

 Phương pháp Schaeffer: Do Giáo sư, bác sĩ E. Charpey Schaeffer của Đại học đường Edinburhg nghĩ ra năm 1903. Phương pháp này hiệu quả hơn phương pháp trước, tương đối giản dị và ít mệt nhọc. Cách làm như sau:    

- Đặt nạn nhân nằm sấp trên một tấm ván, phiến đá phẳng, trên một ghế dài (miễn sao bằng phẳng và chắc chắn là được), tay đưa lên phía đầu, mặt ngoảnh về một bên;

- Chèn giữa hai hàm răng một miếng nút chai hay một miếng gỗ nhỏ có buộc dây, cốt để giữ thông đường thở trong suốt quá trình cấp cứu. Dây là để đề phòng lúc nạn nhân tỉnh lại, có thể nuốt vật chèn răng này;

- Cấp cứu viên quỳ phía sau nạn nhân, hai đầu gối tì xuống đất, hoặc ngồi nhẹ lên bắp chân nạn nhân và đặt 2 bàn tay xòe trên lưng nạn nhân, phía trên khung xương chậu, hai ngón tay cái có thể giáp nhau, các ngón tay khác áp chặt vào hai bên sườn của nạn nhân, phía dưới các xương sườn cụt một chút, đừng để tay tì lên gan;

- Nhô người lên, hai tay tì mạnh lên lưng nạn nhân, với sức nặng của thân mình và đếm nhẩm trong 2 giây. Cử động này có mục đích ép bụng nạn nhân, làm cho hoành cách mô bị đẩy mạnh lên cao, ép buồng phổi lại, tống khí độc ra ngoài. Đếm xong lại từ từ trở lại tư thế đầu. Khi buông ra, hoành cách mô hạ xuống, phổi nới rộng, khí trong lành tràn vào. Cứ tiếp tục như trên (từ 15 đến 20 lần trong một phút) cho phù hợp với nhịp thở bình thường của mình (THỞ RA ấn xuống, HÍT VÀO ngã người ra sau);

- Khi nạn nhân đã dần dần hồi tỉnh, đã thoi thóp thở, vẫn phải tiếp tục cấp cứu. Phải để ý, khi nạn nhân hít vào, phải nhấc hẳn tay ra để nạn nhân thở dễ dàng. 

V. KĨ THUẬT BƠI TỰ CỨU

Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm E-Bơi, Hà Nội, cho biết, người ta vẫn nghĩ chết đuối là do không biết bơi. Nếu không muốn chết đuối, phải xuống nước học một kiểu bơi nào đó, ví dụ bơi ếch, bơi sải, bơi ngửa... Thực tế, nhiều người, kể cả biết bơi, thậm chí bơi giỏi, nhưng vì chủ quan, hoặc chuột rút, hay mắc sẵn các bệnh nào đó... vẫn có thể bị đuối nước; và lại có cả trẻ em chết đuối ở những nơi nước nông không bơi được như ngã úp mặt vào xô, chậu, chum vại chứa nước trong nhà.

Vì vậy, theo ông Tuấn, ngoài việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng chống chết đuối với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh “cần một cách khác để phòng chống đuối nước - một cách giúp mọi người có thể sống sót nếu chẳng may bị rơi xuống nước, dù họ chưa hề biết bơi. Và đó là kỹ thuật “Bơi tự cứu” hay “Bơi sống sót”.

Với phương pháp này, người không biết bơi, khi rơi xuống nước vẫn có thể sống sót nhờ thực hiện 4 bước sau đây:

Bình tĩnh nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở (có thể lấy tay bịt mũi) để phổi không bị sặc nước, trở thành cái phao cứu sinh đẩy người nổi dần lên.

Tiếp tục thả lỏng người để nước đẩy lên sát mặt nước trở về tư thế bập bênh bán an toàn, đầu nổi sát mặt nước, chân ở phía nước sâu.

Dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước hoặc cũng có thể quạt nước xiên, đẩy người bơi đi dễ dàng bởi trong nước người trở nên nhẹ hơn so với trên cạn.

Khi chuyển động lên xuống, tới trước hãy nhớ trên mặt nước, há miệng to thở vào nhanh và sâu, dưới mặt nước ngậm miệng, thở ra từ từ bằng mũi, hoặc bằng mồm.

VI. KẾT LUẬN-KIẾN NGHỊ

Kết luận:

1. Các thông tin cần biết về đuối nước ở trẻ em.

     - Chết đuối/đuối nước xảy ra chỉ trong tích tắc. Khi trẻ em bị đuối nước, nếu không can thiệp kịp thời thì khả năng tử vong là rất cao.

     - Ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ em chết đuối cao hơn 10 lần so với các nước phát triển và tình hình này vẫn đang có xu hướng ngày càng tăng.

2. Các nguy cơ gây đuối nước ở trẻ 6 – 15 tuỏi?

     Đó là do các em:

       + Không biết bơi.

       + Chơi, đi bơi gần sông, ao, hồ…, không có người lớn trông chừng.

       + Không biết các nguyên tắc an toàn khi đi bơi.

       + Bị lũ cuốn trong mùa lũ.

       + Đi tàu, xuồng, thuyền, đò… không mặc áo phao.

       + Cứu bạn chết đuối khi mình không biết bơi hoặc bơi không giỏi.

       + Dễ bị bạn bè khích động (đặc biệt các em trai) làm những việc nguy hiểm như: nhảy cắm đầu, bơi thi ở nơi nước sâu, chảy xiết…

3. Các em cần làm gì để phòng, chống đuối nước?

* Những điều các em nên làm:

 - Học bơi theo từng lớp có người quản lý hoặc do người lớn hướng dẫn.

 - Khi đi bơi các em nhớ tuân theo các nguyên tắc an toàn sau:

   + Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm.

   + Chỉ bơi khi có người lớn biết bơi và cứu đuối đi kèm.

   + Phải khởi động kỹ trước khi xuống nước.

   + Lên bờ ngay khi trời tối, mưa, sấm chớp.

 - Làm hàng rào quanh ao, hố nước, rãnh nước quanh nhà, làm cổng cửa chắn (đặc biệt khi nhà ở gần sông hồ…).

 - Luôn đậy giếng, bể, lu chứa nước…bằng các nấp đậy an toàn (cứng, trẻ dẫm lên không lọt).

* Những điều các em không nên làm:

+ Không bơi ở những nơi có biển báo nguy hiểm, nước chảy xiết, nước sâu.

+ Không nhảy cấm đầu hoặc bơi thi ở những nơi không có chỉ dẫn.

+ Chơi đùa gần sông, hồ, ao, mương, hố nước…và những nơi có biển báo nguy hiểm.

+ Tự ý lái xuồng, thuyền, võ lãi…khi chưa xin phép người lớn.

+ Không nhảy xuống nước khi vừa đi ngoài nắng về hoặc khi có nhiều mồ hôi.

+ Không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước.

4. Các em phải làm gì khi mình hoặc bạn bị đuối nước?

Nếu thấy mình bị đuối nước, ngay lập tức các em nhớ:

+ Kêu cứu thật to.

+ Bình tỉnh làm nổi người lên bằng cách hít một hơi dài, thả lỏng người.

+ Bơi theo dòng nước để thoát khỏi chỗ xoáy, chỗ sâu và bơi vào bờ.

Kiến nghị:

 Nên ứng dụng tài liệu một cách rộng rãi cho sinh viên trường cao đăng Sư phạm Gia Lai.

Nên có kế hoạch cụ thể hàng năm cho việc bồi dưỡng cho sinh viên về kiến thức cứu đuối

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bài viết của Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm Ebơi.

2. Giáo trình bơi lội, nhà xuất bản Đại học Sư phạm, xuất bản 2004.

3. Căn cứ vào mục tiêu của UBND tỉnh Gia Lai về phòng chống đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2012 - 2015.

4. Chương trình cứu đuối của trường Đại học TDTT - TW III Đà Nẵng.

5. Chương trình Đào tạo của các trường phổ thông trên cả nước như: Sơ cấp cứu_Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, …

6. Chương trình Bơi cứu đuối quốc gia Singapore.

7. Chương trình hành động số 86/CTHĐ – UBATGTQG ngày 11/4/2013 của UBATGT Quốc gia về triển khai chương trình hành động “Vì trẻ em trên sông nước”.

CÁC TIN KHÁC
Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Thư viện ảnh
Hỗ trợ online
thaiha0511@gmail.com
Hotline: 02693877244
phonghcqtc38@gmail.com
Hotline: 02693877351
Lượt truy cập
Online: 100 | Thống kê: 319821
Liên kết website
Bản quyền (C) 2013 thuộc trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai
Điện thoại: 0593.877.244 - Fax: 3877312. Email: cdspgialai@cdspgialai.edu.vn
Giấy phép số 383754/GP - BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 03/03/2013
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Địa chỉ: 126 Lê Thánh Tôn - T.P Pleiku - Gia Lai
Ghi rõ nguồn gốc "Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai" khi phát hành lại thông tin từ website này
Các trang sẽ mở ra tại cửa sổ mới. Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai không chịu trách nhiệm nội dung các trang này.