Nghiên cứu khoa học

NHÂN VẬT TÁI XUẤT HIỆN TRONG NHÓM SỬ THI DĂM GIÔNG

06/02/2016 9:21:02 CH - Lượt xem: 3887

.

                                                     ThS. NGUYỄN TIẾN DŨNG

                                                              Trường CĐSP Gia Lai

 Tóm tắt: Nhân vật tái xuất hiện trong nhóm sử thi Dăm Giông là một kiểu nhân vật xuất hiện nhiều lần, trong nhiều tác phẩm sử thi khác nhau, có đặc điểm tính cách riêng biệt, cùng xoay quanh nhân vật trung tâm là người anh hùng. Nó có tác dụng nối kết các sử thi đơn với nhau tạo thành một cấu trúc nghệ thuật hoàn chỉnh.

Từ khóa: nhân vật tái xuất hiện, sử thi, Dăm Giông, Bahnar.

 

1. Mở đầu

Khi khảo sát nhóm sử thi Dăm Giông trong Dự án Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên, chúng tôi phát hiện nhiều nhân vật xuất hiện thường xuyên, liên tục và xuyên suốt trong nhiều sử thi. Các nhân vật này cùng tên, xuất thân giống nhau và cùng xoay quanh nhân vật người anh hùng Dăm Giông với nhiều mối quan hệ khác nhau. Sự xuất hiện thường xuyên, liên tục và “trở đi trở lại” của các nhân vật này tương tự như kiểu “nhân vật tái xuất hiện” trong văn học viết. Chúng tôi gọi đây là kiểu “nhân vật tái xuất hiện” trong nhóm sử thi Dăm Giông.

Để xác định đặc điểm của kiểu nhân vật này, chúng tôi tiến hành nhận diện hệ thống nhân vật tái xuất hiện có trong nhóm sử thi Dăm Giông và vai trò của nó trong việc xây dựng hình tượng nhân vật người anh hùng, tạo mối liên kết giữa các sử thi, góp phần tạo nên đặc điểm của nhóm sử thi. Từ đó xác định sự tác động, ảnh hưởng của nó trong quá trình hình thành nội dung, nghệ thuật của nhóm sử thi Dăm Giông.

 

2. Nội dung

 2.1. Khái niệm nhân vật tái xuất hiện

Khái niệm nhân vật tái xuất hiện được đề cập khi nghiên cứu các tác phẩm của Honoré de Balzac. Năm 1997, trong sách Lịch sử văn học Pháp, Xavier Darcos thống kê có 515 nhân vật tái xuất hiện trong Tấn trò đời. Hệ thống nhân vật tái xuất hiện được xem như là một thủ pháp độc đáo nối kết các tác phẩm riêng lẻ với nhau, đặt nhân vật trong nhiều hoàn cảnh để tạo thành một chỉnh thể thống nhất mang tính nghệ thuật cao.

 Khi nghiên cứu về sử thi Ê-đê, GS. Phan Đăng Nhật phát hiện ra sự “đi lại” của các nhân vật trong các sử thi cùng tộc người. Sự “đi lại” của các nhân vật đó chính là hiện tượng nhân vật xuất hiện nhiều lần trong nhiều tác phẩm mà trong văn học viết gọi là “nhân vật tái xuất hiện”. Trong chuyên luận Nhóm sử thi dân tộc Bahnar, Phan Thị Hồng đề cập đến “kiểu”, “loại” nhân vật tái xuất hiện trong nhóm sử thi này. Tác giả chuyên luận cho rằng nhân vật tái xuất hiện là “hiện tượng công thức hóa của ngôn ngữ sử thi” [3, tr.122].

Ý kiến của Phan Đăng Nhật và Phan Thị Hồng là những phát hiện ban đầu về nhân vật tái xuất hiện trong sử thi. Tuy nhiên các tác giả chưa thống kê nhân vật tái xuất hiện và cũng chưa miêu tả được đặc trưng tính cách, hành động, vai trò của các nhân vật này trong nhóm sử thi Ê-đê, Bahnar.

Từ các ý kiến đã trình bày, người viết tạm nêu khái niệm nhân vật tái xuất hiện trong sử thi như sau: Là một kiểu nhân vật xuất hiện nhiều lần, trong nhiều tác phẩm sử thi khác nhau, có đặc điểm tính cách riêng biệt, cùng xoay quanh nhân vật trung tâm là người anh hùng, có tác dụng nối kết các sử thi đơn lẻ với nhau tạo thành một cấu trúc nghệ thuật hoàn chỉnh.

 2.2. Hệ thống nhân vật tái xuất hiện trong nhóm sử thi Dăm Giông

            Khảo sát 26 sử thi Dăm Giông có 65 nhân vật xuất hiện từ 2 lần trở lên, gọi là nhân vật tái xuất hiện. Trong số 65 nhân vật này, chúng tôi chia ra bốn nhóm nhân vật theo mối quan hệ với nhân vật trung tâm sau đây:

 2.2.1. Nhóm nhân vật tái xuất hiện là thần linh phù trợ cho Giông

            Đó là những thần linh, người có phép màu (cụ già, cô gái đẹp, vợ hoặc người yêu của Giông), linh vật (cọp thần, trăn thần, sư tử thần, thuồng luồng khổng lồ,…) cho Giông sức mạnh, giúp đỡ Giông hoàn thành sứ mệnh.

Nhân vật thần linh trong sử thi Dăm Giông thường là hình ảnh của những người Bahnar thân thiện. Đó là người gần gũi trong đời sống trần tục. Thần linh hiển hiện trong hình ảnh các cụ già vừa trang nghiêm cao quý vừa gần gũi thân thiết. Người ta gọi thần là “bok” như các già làng chứ không phải bằng các danh xưng thần thánh. Thần tối cao bok Kei Dei trong sử thi Giông, Giơ̆ đi săn chém cọp của Dăm Hơ Dang trong hình hài một cụ già hiện về báo mộng cho Giông tìm mèo thần để diệt trừ đàn cọp thần hung dữ của Dăm Hơ Yang. Bok Kei Dei trong sử thi Giông lấy khiên đao của bok Kei Dei có quan hệ với Giông là người trong gia đình, là ông nội của Giông.

Nhân vật thần linh trong sử thi Dăm Giông còn là những cô gái xinh đẹp, biết sử dụng phép thuật, bùa ngải và đoán định các điềm lành dữ. Họ thường là người yêu, vợ của Giông (Bia Phu, Rang Nar, Xem Yang, Rang Hu, Xe Dak, Pơ Lao Chuơh Dreng…), là em gái của Giông (bia Lŭi), em gái của đối phương (bia Pơ Lai, Nang Lĭ, Nang Lâm),… Các cô gái này có vai trò tuyệt đối trong các cuộc giao tranh. Họ thường dùng bùa ngải để mê hoặc kẻ thù hay tìm và triệt hạ chỗ cất giấu vũ khí lợi hại, tìm nguồn nước duy trì sức mạnh và sự bất tử của kẻ thù giúp cho người anh hùng có cơ hội chiến thắng.

Kiểu nhân vật thần linh là linh vật bao gồm: mèo thần, thần Núi, thuồng luồng, sư tử thần, chim thần,… Những linh vật này thường giúp đỡ người anh hùng khi gặp khó khăn. Trong sử thi Giông, Giơ̆ mồ côi từ nhỏ, anh em Giông, Giơ̆ được thuồng luồng chở qua sông để tìm về quê nội ở thượng nguồn.

 Nhờ có các nhân vật thần linh giúp đỡ, sức mạnh của Giông tăng lên gấp vạn lần và có được những vũ khí cực kì lợi hại để chống lại kẻ thù. Thần linh ban cho Dăm Giông có khả năng phi thường. Giông có thể bay trên trời, chui xuống đất, lặn xuống biển, chui vào bụng cá khổng lồ. Nhờ các thần linh phù trợ hình tượng người anh hùng Dăm Giông trở nên lung linh, kì vĩ. Nhìn chung, các nhân vật tái xuất hiện là thần linh có quan hệ chặt chẽ với nhân vật trung tâm là Dăm Giông. Những yếu tố thần kỳ của nhân vật thần linh giúp cho nhân vật người anh hùng Dăm Giông trở nên kì vĩ, hấp dẫn người thưởng thức sử thi.

 2.2.2. Nhóm nhân vật tái xuất hiện trong mối quan hệ gia đình của Giông

Trong 26 sử thi Dăm Giông có 22 nhân vật tái xuất hiện. Để tiện khảo sát, chúng tôi tiếp tục chia thành 4 nhóm nhỏ như sau:

 2.2.2.1. Nhân vật tái xuất hiện là ông bà, bố mẹ của Giông

            Nhóm nhân vật này bao gồm ông bà, bố mẹ của người anh hùng Dăm Giông. Nhân vật ông nội của Giông được nhắc đến 2 lần, một là thần tối cao bok Kei Dei, hai là thần sấm sét bok Glaih. Mối quan hệ này để chỉ Giông là dòng dõi thần linh, người anh hùng có tài sức siêu nhiên được người Bahnar hết sức tôn kính. Người thưởng thức sử thi tin rằng họ là con cháu Giông, dòng dõi thần linh và sẵn sàng đón đợi những hành động kì vĩ, những kì tích siêu phàm của người anh hùng.

            Bok Set và bia Xĭn là cha mẹ của Giông ở thượng nguồn. Họ có với nhau 3 đứa con, con trai đầu là Giông, con trai kế là Giơ̆ và con gái út là bia Lŭi.           Hầu hết các sử thi đều miêu tả bok Set là một chủ đất, một già làng giàu có ở thượng nguồn, hiền lành và tốt bụng thường giúp đỡ những người nghèo khổ. Bok Set hiện lên trong các sử thi là một già làng mẫu mực, một tù trưởng hùng mạnh tiếng tăm lẫy lừng. Nhân vật Set trở thành hình mẫu thủ lĩnh lý tưởng để người anh hùng Dăm Giông hướng tới. Phần lớn kết thúc các sử thi Dăm Giông, bok Set thường giao lại quyền cai quản vùng đất thượng nguồn cho Giông để chàng kế tục vai trò thủ lĩnh, làm cho cộng đồng ngày càng giàu có, hùng mạnh.

 2.2.2.2. Nhân vật tái xuất hiện là bà con, anh em của Giông

 Nhóm nhân vật này bao gồm chú bác, cô, anh em ruột, anh em họ của Giông như bác trai bok Rŏk, bok Jrot Mam, cô bia Pơ Đưh, cậu ma Dŏng, ma Wăt, em trai Giơ̆, em gái bia Lŭi, anh em họ Xem Đum, Xem Treng,…

Bok Rok, bok Jrot Mam là hai bác trai và bia Pơ Đưh là cô ruột của Giông. Các nhân vật này thường được nhắc đến khi giới thiệu về gia đình bok Set, ít khi tham gia vào các cuộc chiến của Giông. Ma Dŏng, ma Wăt là em trai bia Xĭn, Giông gọi bằng cậu. Xem Đum và Xem Treng là các anh dòng họ mẹ của Giông. Bốn nhân vật này luôn bên cạnh Giông trong mọi hoàn cảnh, từ việc làm rẫy, chiến đấu chống lại bọn xấu bảo vệ người đẹp, bảo vệ buôn làng cho đến việc đi uống rượu giao lưu, đi tìm các cô gái đẹp làm vợ. Sau khi chiến thắng kẻ thù, các nhân vật này thường được hưởng những chiến lợi phẩm.

Việc các nhân vật của dòng họ mẹ của Giông xuất hiện nhiều lần, tham gia nhiều hoạt động cùng với người anh hùng cho thấy dấu vết công xã thị tộc mẫu hệ còn ảnh hưởng khá lớn trong các sử thi Dăm Giông. Các chiến công của Giông đều có vai trò to lớn của các thành viên của dòng họ mẹ. Số lần xuất hiện của dòng họ cha ít hơn (5-8 lần) so với số lần xuất hiện của dòng họ mẹ (15 lần) cho thấy vai trò của dòng họ mẹ quan trọng hơn. Tuy nhiên các cậu và anh em họ chỉ là người giúp đỡ, Giông mới là người quyết định trong các cuộc giao tranh.

            Nhân vật Giơ̆ thường xuất hiện với tư cách là em trai của Giông. Giơ̆ xuất hiện 20 lần/26 sử thi. Trong nhiều sử thi, nhân vật Giơ̆ được mô tả là một chàng trai đẹp, tài giỏi gần bằng Giông. Giơ̆ luôn kề vai sát cánh cùng anh trai trong mọi công việc, từ việc đi làm rẫy, đánh giặc đến tìm vợ, lập làng. Có thể nói Giơ̆ là nhân vật bổ sung cho Giông để hoàn thiện hình tượng người anh hùng toàn thiện toàn mỹ. Đặc điểm này có thể so sánh với sử thi Mahabharata, phẩm chất anh hùng của năm anh em dòng họ Pandava mỗi người một vẻ nhưng bổ sung cho nhau hợp thành kiểu mẫu anh hùng lý tưởng qua “bức tượng N vị nhất thể”, mỗi anh hùng thể hiện một nhất thể lý tưởng.

            Bia Lŭi xuất hiện18 lần trong các sử thi Dăm Giông với mối quan hệ là em gái út của Giông. Đó là cô gái xinh đẹp, thông minh, có lắm bùa ngải, tài phép, luôn giúp đỡ Giông. Nhân vật bia Lŭi cùng với các nhân vật nữ xinh đẹp, có lắm tài phép như Răng Năr, Pơ Lao Chuơh Dreng,… tạo thành kiểu “nhân vật nữ xinh đẹp lắm tài nhiều phép”, một kiểu nhân vật tiêu biểu trong nhóm sử thi Dăm Giông.

 2.2.2.3. Nhân vật tái xuất hiện là vợ của Giông

Trong 26 sử thi được khảo sát, chúng tôi thống kê có 5 nhân vật tái xuất hiện là vợ của Giông (Phụ lục), gồm: Rang Năr (xuất hiện 10 lần), Bia Phu (8 lần), Rang Hu (3 lần), Xe Dak (4 lần) và Pơ Lao Chuơh Dreng (5 lần).

Đó là những phụ nữ xinh đẹp, yêu Giông hết mực, lắm phép thuật, giỏi bùa ngải, thường đi theo bảo vệ Giông, hỗ trợ cho Giông đánh thắng kẻ thù. Trong số những người vợ của Giông có những người là người yêu hoặc vợ đã đính ước của Giơ̆. Trong nhiều sử thi, nàng Xem Yang và nàng Rang Hu vừa là vợ của Giông vừa là vợ của Giơ̆. Nàng Xem Yang làm vợ Giông một lần và làm vợ Giơ̆ 4 lần. Nàng Rang Hu làm vợ Giông 3 lần và làm vợ Giơ̆ 5 lần. Việc Giông và Giơ̆ có chung vợ phản ánh dấu vết của chế độ quần hôn còn sót lại trong cộng đồng người Bahnar ở Tây Nguyên. Vấn đề này được P. Engels nêu trong Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước khi nói về chế độ quần hôn trong thời kì công xã thị tộc như sau: “Nhiều anh em trai có thể lấy chung một vợ; người nào thích vợ bạn cũng có thể cùng bạn chia sẻ người vợ đó; và người ta cho rằng đem vợ mình mà trao cho một “con ngựa đực” khỏe mạnh – như Bi-xmác nói - là một việc đúng đắn, dù là trao cho một người không phải là công dân của nước mình cũng vậy.” [1, tr.101]

Những nhân vật tái xuất hiện là vợ Giông có vai trò quyết định trong sinh hoạt gia đình và trong các cuộc chiến. Trong gia đình, vợ của người anh hùng có thể chửi mắng, đánh đập, thậm chí lột quần áo, đuổi người anh hùng ra đường khi các nàng giận dữ. Trong sử thi Giông đạp đổ núi đá cao ngất, Bia Phu nghe lời bịa đặt của con chó rằng Giông đi săn về trễ là muốn có nàng Đinh Trĕng xinh đẹp bên kia bờ biển đã nổi cơn ghen đánh chửi Giông tới tấp. Bia Phu nắm tóc chàng, va đầu chàng vào vách, vào cột nhà. Mặc cho Giông cúi đầu nhận lỗi, cha và hai anh trai can ngăn nhưng Bia Phu vẫn lột hết khố áo và đuổi chàng ra khỏi nhà với lời nguyền: Không được ăn cơm cha mẹ ở thượng nguồn, hãy qua biển rộng mà ăn cơm của Đinh Trĕng [6, tr.455-466].

Hành động, tính cách của nhân vật tái xuất hiện là vợ của người anh hùng Dăm Giông cho thấy vai trò của người phụ nữ Bahnar được đề cao. Nó phản ánh đặc trưng của chế độ công xã thị tộc mẫu hệ được P. Engels đề cập trong Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước: “Thường thường thì người đàn bà quản lí gia đình; lương thực là của chung, nhưng nguy thay cho anh chồng hoặc người tình nhân không may mắn nào mà lười biếng hoặc vụng về nên không góp được phần nào của mình vào số lương thực chung. Mặc dù con cái anh ta nhiều hay ít và tài sản riêng của bản thân anh ta ở trong nhà nhiều hay ít, người chồng đó vẫn luôn luôn có thể nhận được lệnh cuốn gói và rời khỏi nhà… Đàn bà có quyền lực rất lớn. Khi cần, họ không ngần ngại cách chức một tù trưởng và hạ người đó xuống hàng chiến binh thường” [1, tr.82-83].

Nhóm nhân vật có quan hệ gia đình với Giông xuất hiện với tần suất cao cho thấy các sử thi Giông có mối liên hệ chặt chẽ. Sự thống nhất về các mối quan hệ gia đình cho thấy những phẩm chất ban đầu của người anh hùng rất tốt đẹp. Trước khi Giông trở thành người anh hùng lý tưởng của cộng đồng, một thủ lĩnh tài năng thì Giông phải là một thành viên xuất sắc của gia đình. Đó là nền tảng vững chắc để Giông được dân làng tin yêu, cộng đồng nể phục và kẻ thù khiếp sợ.

 2.2.3. Nhóm nhân vật tái xuất hiện là bạn bè, người có cảm tình với Giông

Số lượng nhân vật là bạn bè của Giông có số lượng cao nhất. Trong 26 sử thi khảo sát có 23 nhân vật tái xuất hiện là bàn bè của Giông.

Nhân vật là bạn bè của Giông ở nhiều vùng miền khác nhau và xuất hiện tần suất cao cho thấy mối quan hệ, sự giao du của Giông rất rộng rãi. Giông đi tới đâu cũng được ưu ái, tiếp đón nồng nhiệt. Sở dĩ vậy là do Giông là con bok Set ở thượng nguồn, một tù trưởng giàu có, hùng mạnh ai ai cũng biết. Một lý khác là do Giông đẹp trai, tài giỏi, siêng năng và tốt bụng. Bạn bè của Giông đông đảo nên Giông làm việc gì cũng được họ giúp đỡ, ủng hộ. Họ cùng đi làm rẫy, săn bắn, đi tìm người đẹp với Giông hoặc cùng Giông chiến đấu chống lại kẻ thù, bảo vệ buôn làng. Họ là những con người tốt bụng, siêng năng, chăm chỉ làm ăn, cùng với Giông xây dựng quê hương giàu mạnh. Đó là các chàng trai Dăm Hơ Dang, Rang Kơm Mlat, Rěch Yang ở thượng nguồn và Trĕng Kong, Krô̆i Yang, Glang Kong ở hạ nguồn,…

Bạn bè Giông còn là những người có cảm tình với Giông. Có thể họ là dân làng hạ nguồn hoặc anh em của kẻ xấu đang gây chiến với Giông nhưng thấy được lẽ phải và hành động chính nghĩa của chàng nên quay ra ủng hộ chàng. Đó là các chàng trai, cô gái như Glaih Phang, Nang Lĭ, Nang Lâm, bia Pơ Lai,…. Glaih Phang trong các sử thi Giông giết sư tử cứu làng Set là người hạ nguồn của Klot Măng nhưng thấy hành động xấu xa của bọn Klot Măng nên đã bí mật báo âm mưu tấn công của bọn xấu để Giông chuẩn bị đối phó, chỉ cho Giông cách đánh mau chóng giành thắng lợi.

Thậm chí có người trước đây là kẻ thù của Giông nhưng sau khi hòa giải trở thành bạn bè hoặc kết nghĩa anh em với Giông.

Những điều nêu trên cho thấy nhân vật tái xuất hiện trong quan hệ là bạn bè của Giông có tính cách phức tạp. Điều này cũng cho thấy những xung đột của các cộng đồng ở Tây Nguyên có những xung đột nhất thời, có thể dễ dàng hòa giải và liên kết thành những cộng đồng lớn hơn.

 2.2.4. Nhóm nhân vật tái xuất hiện là kẻ thù của Giông

Trong 26 sử thi có 18 nhân vật tái xuất hiện là kẻ thù của Giông, gồm: Lao, Jrai, Pư̆ Pưng, Xor Mam, Jŭng Măng, Bŭng Lŭng, Atâu So Hle, Kơne Gơseng, Đinh Kât,... Kẻ thù của Giông thường được miêu tả là những thanh niên ở hạ nguồn bẩn thỉu, lười biếng, ti tiện, ganh tỵ, rất thèm muốn sự giàu có của người khác. Hàng ngày bọn này chỉ biết cầm cần uống rượu, say sưa, khoác lác, bất tài. Chúng thường đi khắp các làng buôn kêu gọi, dụ dỗ mọi người theo chúng gây chiến, phá hoại cuộc sống bình yên, cướp bóc buôn làng khác. Chúng không những gây tội ác với người vùng thượng nguồn và các vùng lân cận mà còn gây khổ đau trên quê hương hạ nguồn của chúng. Vì vậy không chỉ dân làng thượng nguồn căm ghét mà dân chúng trong vùng hạ nguồn, thậm chí anh em trong gia đình cũng oán hận chúng.

Kẻ thù của Giông còn là những thủ lĩnh hùng mạnh, tài giỏi. Chúng giàu có, ngang tài ngang sức với Giông nhưng hung hãn, gian ác. Đó là Dăm Hơ Dang, Glaih Phang, Atâu So Hle,… Sử thi Atâu So Hle, Kơne Gơeng miêu tả thù của Giông là bọn Atâu So Hle, Kơne Gơseng, Đinh Kât ở bên kia bờ biển rộng lớn, nhà rông của chúng cao đụng trời.

Có thể nói, nhân vật tái xuất hiện là kẻ thù của người anh hùng Dăm Giông rất phong phú và đa dạng. Sự đa dạng, phức tạp của kiểu nhân vật này phản ánh phần nào những xung đột phức tạp trong xã hội Tây Nguyên thời kì xa xưa.

 2.3. Vai trò của hệ thống nhân vật tái xuất hiện

 2.3.1. Là yếu tố để nhận diện nhóm sử thi

            Mỗi nhân vật tái xuất hiện có sự khái quát hóa cao độ và có tính cách riêng biệt. Nhờ sự khái quát hóa nhân vật, nghệ nhân có thể mô tả bao quát cuộc sống đa dạng, phong phú của xã hội Tây Nguyên mà không rơi vào kể lể, rườm rà. Mặc dù nhân vật sử thi chỉ được miêu tả về hành động, không miêu tả về nội tâm nhưng dựa vào sự phát triển, thay đổi hành động của nhân vật qua từng sử thi khác nhau chúng ta vẫn khu biệt rõ tính cách của từng nhân vật. Qua đó mỗi sử thi vừa có đặc điểm chung của nhóm vừa có nét độc đáo riêng của một sử thi độc lập. Nhờ đặc điểm này người ta có thể phân biệt được hệ thống nhân vật tái xuất hiện của sử thi tộc người này với sử thi tộc người khác. Ngay cả những sử thi Dăm Giông ở những vùng khác nhau cũng có sự khác nhau rõ rệt. Trong số 26 sử thi Dăm Giông được khảo sát thì 3 sử thi sưu tầm tại Gia Lai khác hẳn với 23 sử thi sưu tầm tại Kon Tum về tên gọi, tính cách, hành động của mỗi nhân vật.

 2.3.2. Tham gia vào việc kiến tạo sử thi

Nhờ có hành động của các nhân vật tái xuất hiện, người kể sử thi có thể biến một hành động đơn giản, một sự việc, sự kiện bình thường trở thành câu chuyện hấp dẫn. Chẳng hạn sử thi Giông đi đòi nợ không có sự kiện nào quan trọng nhưng với các nhân vật tái xuất hiện như bok Set, bia Xin, Giơ̆, bia Lŭi kết hợp với chuyện uống rượu, gặp gỡ các cô gái,... nghệ nhân đã sáng tạo nên câu chuyện tìm vợ cho Giông. Mặc dù tên sử thi là Giông đi đòi nợ nhưng chuyện đòi nợ chỉ là cái cớ, chuyện Giông lấy vợ mới là nội dung chính của sử thi này. Nhờ có hệ thống nhân vật tái xuất hiện, nghệ nhân có thể thoải mái hát kể hết sử thi này đến sử thi khác mà không sợ “lạc đề” hay người nghe không thể nhận diện các nhân vật trong sử thi.

Nhân vật tái xuất hiện còn có khả năng tạo ra các chuỗi sử thi liên hoàn. Bởi vì cuộc sống nhân vật tái xuất hiện không kết thúc khi kết thúc xung đột hoặc kết thúc tác phẩm sử thi mà nó còn tiếp tục có cuộc sống mới ở các sử thi sau đó. Nhân vật tái xuất hiện có thể chết ở sử thi này nhưng sống lại ở sử thi khác. Sự tiếp nối của các nhân vật tái xuất hiện trong các sử thi làm cho câu chuyện về người anh hùng có thể kéo dài đến vô tận. Mỗi sử thi đơn Dăm Giông chỉ kể về một chiến công, một hành động hoặc một vài hành động của Giông nhưng nhờ có hệ thống nhân vật tái xuất hiện người kể sử thi đã tạo nên rất nhiều sử thi về Giông và câu chuyện về chàng Giông hầu như kéo dài không hết.

 2.3.3. Tạo nên thi pháp sử thi

Khi định nghĩa về sử thi, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhấn mạnh thi pháp lặp lại: “Mỹ học của sử thi tương ứng với thi pháp sử thi, vốn hoàn toàn là thi pháp lặp lại, bắt đầu từ các đoạn nghi thức cố định, sau đó là những tập hợp cố định các hình ảnh môtip được lặp lại, kết thúc bằng những đoạn lặp lại, thường là lặp lại ba lần” [2, tr.283]. Như vậy, sự lặp lại hay “trở đi trở lại” của các nhân vật xuyên suốt nhiều sử thi Dăm Giông tạo nên thi pháp của nhóm sử thi này. Nhân vật tái xuất hiện là yếu tố để xâu chuỗi các sử thi thành một chỉnh thể nghệ thuật mà điểm tựa là sự lặp lại. Các nhân vật tái xuất hiện thường “trở đi trở lại” trong nhiều sử thi tạo nên những khuôn mẫu xây dựng hình tượng nhân vật, khuôn mẫu diễn xướng sử thi. Những khuôn mẫu này cho phép người kể sử thi vừa linh hoạt, phóng túng sáng tạo khi trình diễn sử thi vừa “gò mình” để không thoát ra khỏi kết cấu chung của nhóm.

Sự tái hiện của các nhân vật còn là phương pháp trì hoãn sử thi. Qua các nhân vật tái xuất hiện, người kể sử thi thường kể lể, miêu tả, giới thiệu chuyện này chuyện nọ, về phong tục tập quán, về chuyện đông chuyện tây cho người nghe trước khi đi vào nội dung chính. Theo G. Hegel, đó là sự kéo dài câu chuyện về phía trước hoặc sau. Trong thời gian đó, người kể sử thi có thể hồi ức lại các sự kiện, các lời kể hoặc sáng tạo thêm các tình tiết mới rồi lắp ghép thành câu chuyện.

Nhân vật tái xuất hiện còn góp phần tạo nên tính liên văn bản của sử thi. Theo Kristeva, liên văn bản không phải là một phương pháp, mà là một khái niệm, cho phép nhận ra mối quan hệ phức hợp giữa văn bản với văn bản khác [6]. Kristeva cho rằng mỗi văn bản là một liên văn bản, là một sự hấp thụ và chuyển thể của văn bản khác, với vô số trình dẫn cũ, vô số mảnh vụn của quy ước văn học, các khuôn mẫu thể loại. Cùng với ý kiến này, Nguyễn Việt Hùng nhận xét: “Văn bản sử thi là một dạng liên văn bản, tức là trong đó có rất nhiều văn bản của các thể loại khác nhau, hòa trộn vào nhau, có sự trộn văn bản của các thể loại, hòa trộn văn bản tác phẩm này với tác phẩm khác” [4, tr.309].

3. Kết luận

 Chúng tôi nhận định rằng có một hệ thống nhân vật tái xuất hiện trong nhóm sử thi Dăm Giông. Đó là những nhân vật xuất hiện nhiều lần, trong nhiều tác phẩm sử thi khác nhau, có đặc điểm tính cách riêng biệt, cùng xoay quanh nhân vật trung tâm là người anh hùng, có tác dụng nối kết các sử thi đơn lẻ tạo thành một cấu trúc nghệ thuật hoàn chỉnh. Vai trò chính của các nhân vật tái xuất hiện là bổ sung cho hình tượng người anh hùng Dăm Giông để Giông trở thành người anh hùng toàn thiện toàn mỹ trong lý tưởng của người Bahnar.

Tính liên văn bản của sử thi Dăm Giông thể hiện ở sự xuất hiện lặp đi lặp lại của các nhân vật. Nhờ có sự lặp đi lặp lại này, người nghe hiểu rõ và có được cảm xúc hưng phấn về câu chuyện người anh hùng mà họ đã quen thuộc từ các sử thi đã được nghe. Đồng thời họ có thể liên tưởng đến các sử thi khác để hình dung câu chuyện trong sử thi đang nghe thêm phong phú, hấp dẫn.

Tính cách nhân vật tái xuất hiện trong các sử thi Dăm Giông phức tạp và không nhất quán, điển hình là nhóm nhân vật kẻ thù của Giông. Qua đó cho thấy nghệ thuật xây dựng nhân vật trong nhóm sử thi Dăm Giông không còn đơn giản như các sử thi cùng thể loại của các tộc người khác ở Tây Nguyên.

 Nhân vật tái xuất hiện có vai trò quan trọng trong nhóm sử thi. Đó là vai trò nhận diện nhóm sử thi, liên kết, xâu chuỗi các sử thi đơn lẻ thành nhóm. Nhân vật tái xuất hiện trở thành các khuôn mẫu để nghệ nhân xây dựng tác phẩm. Mỗi nhân vật tái xuất hiện là một câu chuyện nhỏ để nghệ nhân cấu kết với các yếu tố khác tạo nên tác phẩm sử thi. Đặc biệt, nhân vật tái xuất hiện tạo nên thi pháp cơ bản của sử thi là tính lặp lại và tính liên văn bản, khả năng tạo nên sử thi liên hoàn.

                                                                                     N.T.D

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ph. Ăng-ghen (2004), Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước, C.Mác và Ph. Ăng-ghen toàn tập, tập 21, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

2. Lại Nguyên Ân (2004), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

3. Phan Thị Hồng (2006), Nhóm sử thi dân tộc Bahnar, Nxb Văn học, Hà Nội.

4. Nguyễn Việt Hùng (2013), Sử thi otndrong cấu trúc văn bản và diễn xướng, Nxb Văn hóa Thông tin.

5. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2005), Võ Quang Trọng-Lưu Danh Doanh sưu tầm, Giông, Giơ̆ mồ côi từ nhỏ, Nxb Khoa học Xã hội.

6. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2005), Võ Quang Trọng sưu tầm, Giông làm nhà mồ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

7. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2006), Võ Quang Trọng sưu tầm, Giông đạp núi đá cao ngất, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

8. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2007), Võ Quang Trọng sưu tầm, Giông cưới nàng Khỉ; Atâu So Hle, Kơne Gơseng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

 

 

Thông tin liên lạc:

Nguyễn Tiến Dũng

Trường CĐSP Gia Lai

42/2 - Thống Nhất - Pleiku - Gia Lai

Tel: 0164 3454 511

 

CÁC TIN KHÁC
Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Thư viện ảnh
Hỗ trợ online
thaiha0511@gmail.com
Hotline: 02693877244
phonghcqtc38@gmail.com
Hotline: 02693877351
Lượt truy cập
Online: 109 | Thống kê: 309774
Liên kết website
Bản quyền (C) 2013 thuộc trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai
Điện thoại: 0593.877.244 - Fax: 3877312. Email: cdspgialai@cdspgialai.edu.vn
Giấy phép số 383754/GP - BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 03/03/2013
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Địa chỉ: 126 Lê Thánh Tôn - T.P Pleiku - Gia Lai
Ghi rõ nguồn gốc "Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai" khi phát hành lại thông tin từ website này
Các trang sẽ mở ra tại cửa sổ mới. Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai không chịu trách nhiệm nội dung các trang này.