Nghiên cứu khoa học

ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG CÁC HỌC PHẦN TÍCH HỢP TRONG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

06/02/2016 9:15:02 CH - Lượt xem: 2066

CHUYÊN NGÀNH SƯ PHẠM NGỮ VĂN Ở TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM GIA LAI

                                                 ThS. VÕ THỊ THOA

                                                              Trường CĐSP Gia Lai

Tóm tắt: Xây dựng chương trình tích hợp liên môn là một trong những nội dung quan trọng góp phần đổi mới nội dung chương trình đào tạo ở trường Cao đẳng Sư phạm. Tuy nhiên trong thực tế, vấn đề này chưa được triển khai một cách rộng rãi. Để góp phần giải quyết nội dung trên, bài viết tập trung đề cập đến các bước xây dựng các học phần tích hợp, đề xuất tên một số học phần thuộc chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn như là một sự góp ý bước đầu làm cơ sở cho các bước nghiên cứu tiếp theo.

1. Mở đầu

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” và để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, các trường Cao đẳng Sư phạm phải tiến hành đổi mới công tác đào tạo giáo viên. Đổi mới chương trình đào tạo giáo viên là một trong những nội dung quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Xây dựng chương trình đào tạo giáo viên ở trường Cao đẳng Sư phạm là việc làm khó và phải được nghiên cứu một cách tổng thể trên nhiều phương diện, đáp ứng được nhiều yêu cầu khác nhau. Trong phạm vi, điều kiện, khả năng cho phép, bài viết này chỉ đi vào một khía cạnh của việc xây dựng chương trình: Định hướng xây dựng các học phần tích hợp trong chương trình đào tạo chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn ở trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.

2. Nội dung

2.1. Những yêu cầu cơ bản khi xây dựng học phần tích hợp

Thiết nghĩ không cần đề cập đến các khái niệm tích hợp, tích hợp liên môn vì đây là những khái niệm đã được nhiều tài liệu đề cập đến. Ở đây chúng tôi chỉ trình bày những điểm cần lưu ý khi xây dựng học phần tích hợp.

- Nội dung cơ bản của các học phần tích hợp không phải là sự cộng gộp giản đơn về mặt kiến thức của các môn học mà phải tìm ra sự đồng quy, sự liên kết hữu cơ để cùng nhau phát huy vai trò tốt nhất của mỗi môn học. Ví dụ: Khi tích hợp 2 học phần Cơ sở văn hóa Việt Nam với các học phần Văn học Việt Nam thì điều quan trọng là phải xác định được tìm hiểu văn hóa giúp ích gì cho việc tìm hiểu văn học. Tìm hiểu về văn hóa tôn giáo, ta cần làm rõ Đạo Giáo đã chi phối như thế nào đến quan niệm về chữ “nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đạo Phật góp phần giải mã bài kệ Cáo tật thị chúng của Mãn Giác Thiền sư ra sao…

- Xác định được chuẩn kiến thức, kỹ năng cho mỗi học phần tích hợp.

Nếu phương pháp dạy học tích hợp cho phép người dạy linh hoạt hơn trong việc lựa chọn nội dung tích hợp thì trong học phần tích hợp nội dung kiến thức, kỹ năng thuộc các môn học khác nhau phải được xác định một cách cụ thể. Đây là yêu cầu chung của việc xây dựng chương trình nhưng đối với học phần tích hợp thì điều này có ý nghĩa lớn vì nó giúp người dạy tránh được sự chồng chéo, lặp lại về nội dung không cần thiết, gây nặng nề cho người học và không đạt được mục tiêu của môn học.

- Các học phần tích hợp phải hướng đến việc đáp ứng các yêu cầu của việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

2.2. Những thuận lợi và khó khăn khi xây dựng học phần tích hợp

 * Thuận lợi

          - Các môn học thuộc chuyên ngành xã hội của nhà trường về cơ bản thuộc phạm vi quản lý của một đơn vị là khoa Xã hội. Điều này giúp cho việc tổ chức chỉ đạo xây dựng học phần tích hợp được thống nhất và dễ dàng hơn.

          - Bên cạnh những hạn chế nhất định, chương trình Sư phạm Ngữ văn hiện hành vẫn có những điểm tích cực làm cơ sở cho việc kế thừa, đổi mới, xây dựng học phần tích hợp.

 * Khó khăn

- Giảng viên và cán bộ quản lý chuyên môn chưa có kinh nghiệm xây dựng chương trình vì trước đây nhiệm vụ chủ yếu chỉ là quản lý và thực hiện chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên xây dựng chương trình theo hướng tích hợp liên môn.

- Là trường chuyên nghiệp, việc đào tạo theo hướng chuyên môn sâu đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tích hợp liên môn.

- Tâm lý quá chú ý, đề cao môn học mình giảng dạy, chưa thực sự có những hiểu biết sâu sắc đến các môn học có liên quan của giảng viên cũng là trở ngại lớn cho việc xây dựng học phần tích hợp.

2.3. Các bước tiến hành xây dựng chương trình tích hợp liên môn

- Bước 1: Xác định mục tiêu đào tạo của nhà trường nói chung và chuyên ngành đào tạo Ngữ văn nói riêng; nghiên cứu định hướng xây dựng chương trình phổ thông THCS. Từ đó, định hướng những nội dung cơ bản khi tiến hành xây dựng chương trình tích hợp liên môn. Mục tiêu đào tạo quyết định chương trình đào tạo, sư phạm là phải gắn bó chặt chẽ với chương trình phổ thông. Đó là cơ sở để tiến hành bước này. Ví dụ: Theo định hướng mới, chương trình THCS được xây dựng trên cơ sở tích hợp các môn khoa học xã hội, môn Ngữ văn đã từng tích hợp 3 phân môn Văn - Tiếng Việt - Làm văn thành một môn học là Ngữ văn.

- Bước 2: Nghiên cứu chương trình hiện hành để xác định những học phần nào đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới, học phần nào có thể tích hợp để tạo ra học phần mới.

Chương trình đào tạo chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn hiện hành được xây dựng theo hướng chuyên sâu và được sắp xếp theo trật tự tuyến tính. Ví dụ: Phần Văn học Việt Nam được tổ chức thành các học phần: Văn học dân gian, Văn học trung đại, Văn học hiện đại… Cách tổ chức các học phần như thế này giúp sinh viên có điều kiện nghiên cứu sâu và xâu chuỗi, hệ thống được các kiến thức. Tuy nhiên, cách xây dựng chương trình như thế lại nặng về kiến thức và chưa rèn cho sinh viên kỹ năng đánh giá, nhìn nhận vấn đề trong mối quan hệ đa chiều. Chương trình hiện hành cũng đã thể hiện được tính tích hợp như tích hợp nội dung kiến thức với phương pháp dạy học. Tuy nhiên, xét về thực chất đó cũng chỉ là tích hợp đơn môn.

Chương trình Sư phạm Ngữ văn hiện hành đã bố trí một số môn học cơ sở, môn học tự chọn như: Cơ sở văn hóa Việt Nam, Thường thức âm nhạc… Tuy nhiên, những học phần này lại được học một cách riêng rẽ trong khi trên thực tế nếu được tích hợp với các môn học khác thì hiệu quả sẽ cao hơn.

- Bước 3: Nghiên cứu chương trình đào tạo các chuyên ngành thuộc khoa học xã hội.

Để xây dựng chương trình tích hợp liên môn thuộc chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn, chúng ta không chỉ nghiên cứu riêng chương trình Sư phạm Ngữ văn mà còn phải nghiên cứu chương trình những môn học có mối quan hệ hữu cơ như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Để thực hiện vấn đề này, có thể tổ chức thành các nhóm nghiên cứu chương trình, mỗi nhóm gồm đủ các thành viên đảm nhận việc dạy học các bộ môn thuộc các chuyên ngành khác nhau. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu đó, các tổ trưởng chuyên môn thống nhất, lựa chọn và đặt tên cho các học phần tích hợp.

          - Bước 4: Tiến hành xây dựng chương trình chi tiết.

 - Bước 5: Kiểm tra, thực nghiệm, đánh giá chương trình.

2.4. Đề xuất tên một số học phần tích hợp thuộc chuyên ngành đào tạo Ngữ văn

Trên cơ sở nghiên cứu các vấn đề trên, xin được đề xuất tên một số học phần tích hợp sau đây.

          - Văn học Việt Nam trong mối quan hệ với văn hóa Việt Nam

Cơ sở của sự lựa chọn tên học phần này vì trong chương trình hiện hành, sinh viên được học học phần “Cơ sở văn hóa Việt Nam” và các học phần văn học Việt Nam từ văn học dân gian đến văn học hiện đại. Chúng ta đều biết rằng văn học là một bộ phận của văn hóa. Việc học theo hướng tích hợp liên môn vừa giảm quỹ thời gian vừa tạo điều kiện cho sinh viên được vận dụng kiến thức cơ sở để nghiên cứu sâu kiến thức chuyên ngành.

- Lịch sử, văn hóa và văn học địa phương

Chương trình hiện hành dành 2 đơn vị học trình cho phần văn học địa phương. Tuy nhiên, việc cảm nhận văn học địa phương chỉ có thể sâu sắc, lòng yêu quê hương đất nước chỉ thấm sâu khi sinh viên, học sinh có những hiểu biết về lịch sử, văn hóa địa phương mình; đặc biệt là đối với một địa phương có nhiều nét văn hóa đặc sắc như Gia Lai.

 - Lịch sử và lịch sử văn học Việt Nam

Bất cứ một nền văn học nào, một trào lưu văn học nào cũng được hình thành và phát triển trên cơ sở những yếu tố lịch sử xã hội cụ thể. Tuy nhiên trong thời gian qua, vì những lý do khác nhau mà việc hiểu biết về lịch sử dân tộc của sinh viên rất hạn chế. Việc đề xuất tên gọi môn học này vừa mang tính phương pháp luận vừa dựa trên cơ sở thực tế hiện nay.

 - Tham quan thực tế văn học

Đây là môn học tích hợp kiến thức thực tế về văn hóa - văn học; văn học và đời sống vào trong thực tế học tập và giảng dạy sau này. Đáp ứng những yêu cầu cơ bản của việc xây dựng chương trình mới là gắn nội dung kiến thức với các hoạt động thực tiễn xã hội.

Ngoài các môn học tích hợp, chương trình cần thể hiện rõ hơn yếu tố tích hợp thông qua việc xây dựng các chuyên đề tích hợp như: Vận dụng triết học vào giải mã văn học, vận dụng ngôn ngữ học để giải thích văn học…

3. Kết luận - đề nghị

* Kết luận:

          - Xây dựng chương trình tích hợp liên môn không thể tách rời với yêu cầu và mục tiêu đào tạo của trường Cao đẳng Sư phạm là phát triển năng lực và phẩm chất của sinh viên sư phạm.

          - Để thực hiện được chương trình tích hợp liên môn cần phải tiến hành đồng bộ với việc đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá.

* Đề nghị:

          - Giảng viên sư phạm cần tăng cường thực tế phổ thông, nắm bắt, tổng kết kịp thời những đổi mới ở bậc học phổ thông THCS để có thể xây dựng chương trình đào tạo một cách hợp lý nhất. Đây không chỉ là yêu cầu đối với giảng viên bộ môn “Phương pháp giảng dạy” mà là yêu cầu chung đối với tất cả giảng viên.

          - Mỗi giảng viên cần tự học tự nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn những môn học có quan hệ mật thiết để có thể đảm nhận dạy học những học phần tích hợp.

          - Thực hiện cách thức đào tạo theo chuyên ngành rộng như Văn - Sử, Sử - Địa, Văn - Sử - Địa, Văn - Giáo dục công dân… Cách đào tạo này vừa thỏa mãn việc dạy học theo hướng tích hợp liên môn vừa đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội.

          Chương trình đào tạo của trường sư phạm đòi hỏi phải là chương trình mở. Đây chỉ là bước đầu tìm hiểu trên một phạm vi hẹp. Vì vậy, cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, thể nghiệm, điều chỉnh để có một chương trình hoàn chỉnh, đồng bộ; góp phần thực hiện mục tiêu đào tạo của nhà trường./.

 

Tài liệu tham khảo

 1/ Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa”.

 2/ Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh, Tài liệu hội thảo, trang 42.

 3/ Bộ Giáo dục và Đào tạo (2015), Tài liệu hỏi đáp về Chương trình giáo dục tổng thể.

 4/ Trường CĐSP Gia Lai (2012), Chương trình đào tạo Sư phạm Ngữ văn, ban hành kèm theo Quyết định số 238/QĐ-CĐSP ngày 10/5/2012.                                                                                                             .         

CÁC TIN KHÁC
Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Thư viện ảnh
Hỗ trợ online
thaiha0511@gmail.com
Hotline: 02693877244
phonghcqtc38@gmail.com
Hotline: 02693877351
Lượt truy cập
Online: 40 | Thống kê: 320777
Liên kết website
Bản quyền (C) 2013 thuộc trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai
Điện thoại: 0593.877.244 - Fax: 3877312. Email: cdspgialai@cdspgialai.edu.vn
Giấy phép số 383754/GP - BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 03/03/2013
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Địa chỉ: 126 Lê Thánh Tôn - T.P Pleiku - Gia Lai
Ghi rõ nguồn gốc "Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai" khi phát hành lại thông tin từ website này
Các trang sẽ mở ra tại cửa sổ mới. Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai không chịu trách nhiệm nội dung các trang này.