Nghiên cứu khoa học

VẬN DỤNG LÝ THUYẾT QL SỰ THAY ĐỔI ĐỂ CHỈ ĐẠO ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC

28/12/2015 3:35:19 CH - Lượt xem: 20423

TRONG NHÀ TRƯỜNG HƯỚNG ĐẾN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TỔNG THỂ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

ThS. NGUYỄN THỊ THU THỦY

 Trường CĐSP Gia Lai

Tóm tắt: Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vào tháng 8 năm 2015. Chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng sẽ có những đổi mới căn bản. Do đó công tác quản lý nhà trường, đặc biệt là quản lý hoạt động dạy học cũng phải có những thay đổi nhằm đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Ngay từ bây giờ lãnh đạo các nhà trường cần phải nắm vững và chủ động chỉ đạo đổi mới hoạt động dạy học trong các trường phổ thông nhằm hướng đến thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Trên cơ sở lý luận về Quản lý sự thay đổi, tác giả đề xuất các biện pháp nhằm chỉ đạo đổi mới hoạt động dạy học trong các nhà trường hướng đến thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: quản lý, thay đổi, dạy học, chương trình tổng thể, Gia Lai

1. Đặt vấn đề

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, ngày 27 tháng 3 năm 2015 Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ngày 5 tháng 8 năm 2015 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (gọi tắt là Chương trình tổng thể).

Chương trình tổng thể là phương hướng và kế hoạch khái quát của toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông, trong đó quy định những vấn đề chung của giáo dục phổ thông, bao gồm: Quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông và mục tiêu chương trình giáo dục của từng cấp học, yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung của học sinh cuối mỗi cấp học, các lĩnh vực giáo dục và hệ thống các môn học, thời lượng của từng môn học, định hướng nội dung giáo dục bắt buộc ở từng lĩnh vực giáo dục và phân chia vào các môn học ở từng cấp học đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc, định hướng về phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục và cách thức đánh giá chất lượng giáo dục của từng môn học, điều kiện tối thiểu của nhà trường để thực hiện được chương trình.

Trong Chương trình tổng thể, nhiều môn học mới sẽ hình thành dựa trên sự tích hợp các môn học truyền thống, hoặc thay đổi tên gọi để phù hợp với sự thay đổi nội dung, tính chất và ý nghĩa giáo dục. Số lượng môn học bắt buộc của cả ba cấp học sẽ giảm xuống đáng kể. Chương trình mới phân định hai hệ thống môn học bắt buộc và tự chọn. Đối với hệ thống các môn học tự chọn, chương trình còn phân hóa thêm các nhóm: Môn học tự chọn học sinh có thể chọn hoặc không chọn, những môn học sinh bắt buộc phải lựa chọn một hoặc một số môn trong nhóm, nội dung học sinh có thể lựa chọn trong một môn học. So với Chương trình hiện hành thì Chương trình tổng thể xác định mục tiêu của từng cấp học một cách cụ thể; chuyển từ coi trọng trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực trên cơ sở trang bị kiến thức; coi trọng trải nghiệm sáng tạo; hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá phong phú hơn, theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và được phân hóa dần ở cấp trên. Do đó, chương trình tổng thể sẽ giúp khắc phục sự chồng lấn giữa các môn, bảo đảm sự hài hòa, thống nhất trong từng môn học, giữa các môn học, trong từng lớp, từng cấp và giữa các lớp, các cấp học.

Trong thời điểm hiện nay hoạt động dạy học ở trường phổ thông giữ vị trí trung tâm và nó làm nền tảng quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu giáo dục toàn diện của nhà trường phổ thông; đồng thời, nó quyết định kết quả đào tạo của nhà trường. Công tác quản lý hoạt động dạy học giữ vị trí quan trọng trong công tác quản lý nhà trường và là nhiệm vụ trọng tâm của người hiệu trưởng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Những điểm mới của Chương trình giáo dục tổng thể đã đặt ra những yêu cầu đổi mới với công tác quản lý nhà trường phổ thông, đặc biệt là đổi mới công tác quản lý hoạt động dạy học trong nhà trường.

Công tác chỉ đạo đổi mới hoạt động dạy học trong trường phổ thông có thể được thực hiện theo những quan điểm của các lý thuyết quản lý khác nhau, trong đó có lý thuyết quản lý sự thay đổi. Vậy để đổi mới quản lý nhà trường hướng đến thực hiện Chương trình giáo dục tổng thể, ngay từ bây giờ các nhà quản lý của các trường phổ thông cần nắm vững lý thuyết sự thay đổi để vận dụng vào quản lý hoạt động dạy học trong nhà trường một cách hợp lý nhằm giúp các nhà trường chủ động thay đổi thích ứng với yêu cầu của hoạt động dạy học của chương trình mới.

2. Lý thuyết quản lý sự thay đổi

2.1. Khái niệm sự thay đổi và quản lý sự thay đổi

Thay đổi là quá trình vận động do ảnh hưởng, tác động qua lại của sự vật, hiện
tượng, của các yếu tố bên trong và bên ngoài; thay đổi là thuộc tính chung của bất kì sự vật hiện tượng nào. Thay đổi bao gồm cả sự biến đổi về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Thay đổi được hiểu ở các mức độ khác nhau: cải tiến, đổi mới, cải cách, cách mạng. Sự thay đổi của các nhà trường có thể do các nguyên nhân bên ngoài và nguyên nhân bên trong; có thể là sự thay đổi tự nhiên, diễn ra thường xuyên và sự thay đổi được hoạch định. Trong giáo dục, chúng ta có thể thấy rõ sự thay đổi về chương trình, sách giáo khoa, phương pháp, phương tiện, cơ sở vật chất trường học...

Thay đổi là một yếu tố quan trọng liên quan đến sự thành công của một nhà trường. Nếu không mau chóng thích ứng với sự thay đổi nhà trường khó có thể giữ được vị trí và chất lượng giáo dục. Quản lý sự thay đổi là một cách để tổ chức thích ứng được với sự thay đổi. Theo PGS.TS Đặng Xuân Hải thì “Quản lý sự thay đổi thực chất là kế hoạch hóa, điều hành và chỉ đạo triển khai sự thay đổi để đạt được mục tiêu đề ra cho sự thay đổi đó”. Phải khẳng định rằng người hiệu trưởng trường phổ thông có vai trò kép là lãnh đạo và quản lý. Trong đó:

- Lãnh đạo để luôn có được sự thay đổi và phát triển bền vững.

- Quản lý để các hoạt động có sự ổn định nhằm đạt tới mục tiêu.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã đặc biệt quan tâm đến vai trò lãnh đạo
của người hiệu trưởng và tập trung vào lãnh đạo sự thay đổi trong nhà trường. Lãnh đạo và quản lý sự thay đổi là một tiến trình nhằm xây dựng cầu nối giữa
tầm nhìn và hành động.

2.2. Quá trình quản lý sự thay đổi

Quá trình quản lý sự thay đổi trải qua bốn bước:

Bước 1: Chuẩn bị cho sự thay đổi

Ở bước này nhà quản lý xác định và chọn lựa được những việc cần làm để thay đổi trường phổ thông. Người quản lý nhà trường phải nhận diện cho được “sự thay đổi” mà mình phải quản lý có đặc điểm, tính chất như thế nào; những nội dung cơ bản nào cần giải quyết. Người quản lý phải phân tích được khả năng đón nhận sự thay đổi của nhà trường, dự báo trước những xu hướng, cơ hội và nguy cơ của nhà trường và tiến trình thay đổi trong nhà trường để chuẩn bị với những thách thức đặt ra.

Bước 2: Xây dựng kế hoạch thay đổi

Phải làm cho mọi người hiểu đúng mục đích, nội dung, sự thay đổi, tránh nhiễu không cần thiết. Lập kế hoạch để thực hiện hệ thống mục tiêu tức là tìm các nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực) và thời gian, không gian...cần cho việc hoàn thành các mục tiêu. Chi phí về tất cả các mặt phải được xác định. Hơn nữa phải tìm ra phương án chi phí ít nhất cho việc thực hiện mỗi một mục tiêu. Thay đổi có kế hoạch là loại hình thay đổi tổ chức được sử dụng nhiều nhất hiện nay.

Bước 3: Tổ chức thực hiện thay đổi

Soạn thảo và ra các quyết định liên quan đến sự thay đổi của nhà trường. Xác định và phân loại các hoạt động cần thiết để thực hiện mục tiêu, nhóm các hoạt động lại theo nhân lực và các nguồn lực hiện có một cách tối ưu theo hoàn cảnh để hình thành cơ cấu tổ chức. Lựa chọn, sử dụng cán bộ phù hợp thực hiện sự thay đổi, phân nhiệm và phân quyền rành mạch cho các bộ phận, ràng buộc các bộ phận theo chiều dọc và chiều ngang trong mối quan hệ trách nhiệm, quyền hạn và thông tin.

Bước 4: Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện thay đổi và củng cố sự thay đổi

Ở giai đoạn này các nhà trường cần theo dõi tiến độ, duy trì sự cân bằng, xem xét lại các kết quả, thành công và thất bại để từ đó điều chỉnh mục tiêu và kế hoạch. Đồng thời cần kiểm định, đánh giá kết quả thay đổi và đánh giá chất lượng và năng lực thay đổi của nhà trường.

3. Vận dụng lý thuyết sự thay đổi trong chỉ đạo đổi mới hoạt động dạy học trong nhà trường hướng đến thực hiện Chương trình giáo dục tổng thể trên địa bàn tỉnh Gia Lai

3.1. Sự cấp thiết phải chỉ đạo đổi mới hoạt động dạy học trong nhà trường trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong giai đoạn hiện nay

Tỉnh Gia Lai có một hệ thống giáo dục tương đối hoàn chỉnh, đầy đủ các ngành học, bậc học, cấp học (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên). Số trường phổ thông trong toàn tỉnh hiện có 561 trường (307 trường tiểu học, 208 trường trung học cơ sở, 46 trường trung học phổ thông; trong đó, có 17 trường phổ thông dân tộc nội trú, 23 trường phổ thông dân tộc bán trú). Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, nâng cao chất lượng giảng dạy ở các cấp học, bậc học, hướng tới hoàn thiện hệ thống giáo dục của tỉnh là một trong những mục tiêu mà ngành Giáo dục và Đào tạo Gia Lai luôn hướng đến. Trong những năm học vừa qua, công tác quản lý hoạt động dạy học trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã được lãnh đạo các nhà trường chú trọng đầu tư. Đa số các nhà trường đều quán triệt yêu cầu và nội dung đổi mới tổ chức hoạt động dạy học trong nhà trường bao gồm đổi mới hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh; xây dựng kế hoạch dạy học và phân phối chương trình mới phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện của nhà trường; điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tích hợp, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương, đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ của từng cấp học; tổ chức các hình thức dạy học phù hợp. Công tác bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên và triển khai các đợt tập huấn được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.

Tuy nhiên, nhận thức của một số cán bộ quản lý và giáo viên về những chủ trương đổi mới trong công tác quản lý, dạy học ở một số trường còn hạn chế. Số lượng học sinh phát triển mạnh, trong khi số lượng trường lớp, trang thiết bị dạy học không thể ngày một ngày hai đáp ứng kịp thời. Công tác chỉ đạo đổi mới hoạt động dạy học trong một số nhà trường chưa được chú trọng đúng mức dẫn đến chất lượng giáo dục còn có sự chênh lệch giữa các địa phương trong tỉnh. Việc đổi mới hoạt động dạy học diễn ra trong môi trường tương tác giữa người dạy và người học mà ít có sự tham gia của người quản lý và các giáo viên khác nên chất lượng của việc đổi mới phụ thuộc rất lớn vào sự nỗ lực của chính giáo viên và học sinh.

Trong bối cảnh giáo dục nước ta đang có những thay đổi như hiện nay, nâng cao chất lượng dạy học vẫn là yêu cầu, nhiệm vụ cao nhất mà ngành giáo dục và đào tạo nói chung và ngành giáo dục Gia Lai nói riêng cần phải đạt tới. Dự thảo Chương trình giáo dục tổng thể đã xác định nhiều “cái mới” về hoạt động dạy học trong các nhà trường trong thời gian sắp đến. Do đó, công tác quản lý hoạt động dạy học trong các nhà trường cũng cần được quan tâm, nhất là việc đổi mới cơ chế quản lý nhà trường theo hướng dân chủ hoá, xã hội hoá, nhà trường được tự chủ, được giám sát và chịu trách nhiệm giải trình. Khi quản lý, chỉ đạo đổi mới hoạt động dạy học trong nhà trường trên địa bàn tỉnh Gia Lai nhất thiết phải vận dụng các kiến thức của quản lý sự thay đổi.

3.2. Vận dụng lý thuyết sự thay đổi trong chỉ đạo đổi mới hoạt động dạy học trong nhà trường hướng đến thực hiện Chương trình giáo dục tổng thể trên địa bàn tỉnh Gia Lai

3.2.1. Nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên về Chương trình tổng thể, chuẩn bị tốt tâm thế và các điều kiện cần thiết để giáo viên thực hiện đổi mới trong dạy học

- Tuyên truyền để giáo viên và nhân viên của nhà trường hiểu rõ về chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của Đảng và nhà nước.

- Tổ chức quán triệt sâu rộng trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về tầm quan trọng và sự cần thiết của đổi mới hoạt động dạy học trong nhà trường trong giai đoạn hiện nay khi mà các nhà trường đang chuẩn bị thực hiện lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

- Phổ biến các văn bản liên quan đến Chương trình giáo dục tổng thể cho tập thể giáo viên, nhân viên của nhà trường. Phân tích những điểm mới liên quan đến hoạt động dạy học trong nhà trường và những nội dung mà chương trình mới kế thừa từ chương trình hiện tại để giáo viên hiểu rõ.

- Trưng cầu ý kiến đóng góp và tổ chức cho tập thể giáo viên được thảo luận về những điểm mới trong chương trình tổng thể để từ đó giáo viên lập kế hoạch thay đổi cho bản thân hướng tới việc thực hiện chương trình tổng thể từ năm 2018.

3.2.2. Thực hiện đầy đủ các nội dung của quản lý sự thay đổi trong công tác chỉ đạo đổi mới hoạt động dạy học trong nhà trường hướng đến thực hiện Chương trình giáo dục tổng thể trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Bước 1: Chuẩn bị cho sự thay đổi

- Phân tích tình hình nhà trường để xác định rõ những điểm mạnh, điểm yếu, thời cơ và thách thức đối với việc đổi mới hoạt động dạy học trong nhà trường. Đối chiếu với những yêu cầu đổi mới hoạt động dạy học trong Chương trình tổng thể để nhận diện những thay đổi mà nhà trường cần hướng đến.

- Tìm hiểu số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên trong trường; cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học; trạng thái của nhà trường và thói quen, sức ỳ của giáo viên đối với hoạt động dạy học. Xác định những thuận lợi, khó khăn khi triển khai chủ trương đổi mới nội dung và phương pháp dạy học.

- Tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của mọi người (kể cả học sinh và phụ huynh học sinh) về mong muốn thay đổi một cách nghiêm túc và thấu hiểu.

Bước 2: Xây dựng kế hoạch thay đổi

- Xây dựng kế hoạch dạy học cho nhà trường một cách linh hoạt, mềm dẻo mà vẫn đảm bảo đúng yêu cầu của chương trình.

- Xác định rõ các mục tiêu đổi mới hoạt động dạy học trong nhà trường hướng đến thực hiện Chương trình tổng thể vào năm 2018.

- Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đổi mới hoạt động dạy học nên được thực hiện theo phương án đổi mới dần dần, thực hiện từ từ, có trọng tâm, trọng điểm.

- Phát huy vai trò của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng chuyên môn và các chuyên gia trong quá trình chỉ đạo đổi mới hoạt động dạy học trong nhà trường.

- Xây dựng hệ thống các giải pháp nhằm thực hiện đổi mới hoạt động dạy học và lộ trình để thực hiện các giải pháp.

Bước 3: Tổ chức thực hiện thay đổi

- Tìm các yếu tố khích lệ, hỗ trợ sự thay đổi: Tìm điển hình nhiệt tình tham gia đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức các hoạt động dạy học trong trường để khích lệ phong trào. Tạo điều kiện cho giáo viên có thành tích tốt, hay tâm huyết với việc tìm hiểu việc đổi mới phương pháp dạy học đi tham quan học tập tại một số trường điểm; cử giáo viên đi tập huấn theo chương trình của các dự án.

- Hướng dẫn, chỉ đạo sát sao, yêu cầu cụ thể đối với từng giáo viên tham gia vào việc đổi mới hoạt động dạy học hướng đến việc thực hiện chương trình mới. Đánh giá kịp thời, khách quan mức độ thực hiện các nội dung và chỉ tiêu đề ra cho từng hoạt động.

- Cung cấp, hỗ trợ các điều kiện nguồn lực; động viên, khuyến khích tinh thần, vật chất hay kết hợp cả hai; tạo điều kiện cho giáo viên triển khai, nhân rộng điển hình, duy trì sự đổi mới.

- Thực hiện hệ thống các giải pháp đã được xác định nhằm đổi mới các hoạt động dạy và học trong nhà trường. Xây dựng các phong trào thi đua đổi mới hoạt động dạy học trong nhà trường.

Bước 4: Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện thay đổi và củng cố sự thay đổi

- Đánh giá sự thay đổi nhận thức về vấn đề đổi mới hoạt động dạy học trong nhà trường. Phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm để có thể kế hoạch hóa đổi mới hoạt động dạy học trong những năm tiếp theo.

- Chỉ đạo sát sao và tạo điều kiện môi trường thuận lợi để giáo viên tiếp tục đổi mới hoạt động dạy học trong nhà trường.

- Việc đổi mới hoạt động dạy học được đưa vào kế hoạch hành động của nhà trường, của các tổ chuyên môn và của mọi giáo viên.

 

Tài liệu tham khảo

1. Bộ giáo dục và Đào tạo, Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Nguồn: http://www.moet.edu.vn/?page=1.10&view=21072.

2. Dự án Srem (2009), Quản trị hiệu quả trường học, NXB Hà Nội.

3. Đặng Xuân Hải (2006), Vận dụng lý thuyết quản lý sự thay đổi trong đổi mới phương pháp dạy học ở nhà trường trong giai đoạn hiện nay. Tạp chí Giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo số tháng 1/2005.

4. Tony Wanger and Robert Kegan (2011), Lãnh đạo sự thay đổi: Cẩm nang cải tổ trường học (Trần Thị Ngân Tuyết dịch), NXB Trẻ.

5. http://www.gialai.edu.vn/

 

 

 

CÁC TIN KHÁC
Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Thư viện ảnh
Hỗ trợ online
thaiha0511@gmail.com
Hotline: 02693877244
phonghcqtc38@gmail.com
Hotline: 02693877351
Lượt truy cập
Online: 72 | Thống kê: 319725
Liên kết website
Bản quyền (C) 2013 thuộc trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai
Điện thoại: 0593.877.244 - Fax: 3877312. Email: cdspgialai@cdspgialai.edu.vn
Giấy phép số 383754/GP - BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 03/03/2013
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Địa chỉ: 126 Lê Thánh Tôn - T.P Pleiku - Gia Lai
Ghi rõ nguồn gốc "Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai" khi phát hành lại thông tin từ website này
Các trang sẽ mở ra tại cửa sổ mới. Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai không chịu trách nhiệm nội dung các trang này.