Nghiên cứu khoa học

TRƯỜNG CĐSPGL VỚI MỤC TIÊU ĐT ĐỊNH HƯỚNG THỰC HIỆN CT PHỔ THÔNG MỚI

25/12/2015 4:31:48 CH - Lượt xem: 1637

.

TS. NGUYỄN VĂN LONG

Trường CĐSP Gia Lai

          Tóm tắt: Bài viết này chỉ ra sự cần thiết phải đổi mới hoạt động đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường. Từ đó định hướng một số nhiệm vụ mà nhà trường cần thực hiện trong thời gian tới để có thể chuyển đổi mục tiêu đào tạo theo hướng đáp ứng được quá trình đổi mới của giáo dục phổ thông, đồng thời đề xuất một số vấn đề cần nghiên cứu, trao đổi trong thời gian tới để chuẩn bị cho Hội thảo “Dạy và học hướng tới mục tiêu thực hiện tốt chương trình phổ thông mới”.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

          Nguồn nhân lực với cơ cấu hợp lý và được đào tạo có chất lượng luôn là yếu tố mang ý nghĩa quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội và khả năng cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực của một quốc gia. Một nền giáo dục với triết lý, mục tiêu rõ ràng, có mô hình tổ chức, nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp sẽ có đóng góp quyết định đến sự hài hòa về cơ cấu và sự đảm bảo về chất lượng của nguồn nhân lực này. Nhìn lại hoạt động của ngành giáo dục và đào tạo của nước ta trong những năm qua, chúng ta có thể thấy vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này dẫn đến hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu; cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực đã qua đào tạo thiếu hợp lý và chưa đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của thị trường lao động hiện nay.

          Từ những lý do trên, chúng ta có thể thấy rằng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo ở nước ta hiện nay là đòi hỏi có tính tất yếu. Chủ trương về thay đổi một cách căn bản, toàn diện lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã được Đảng ta định hướng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Chính phủ đã ban hành chương trình hành động để thực hiện chủ trương của Đảng bằng Nghị quyết số 44/NQ-CP, ngày 09/6/2014. Ngành giáo dục đào tạo cũng đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình hành động này và đã có những bước đi để tiến dần đến mục tiêu thay đổi một cách căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo. Riêng đối với chương trình giáo dục phổ thông, những dự kiến thay đổi từ mục tiêu đến nội dung, phương pháp, các hình thức tổ chức dạy học và cách thức đánh giá đã được thể hiện qua Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (trong Chương trình giáo dục phổ thông mới). Dự thảo này đang được đưa ra để lấy ý kiến đóng góp từ nhiều nguồn nhằm sớm hoàn thiện và dự kiến sẽ được tổ chức thực hiện từ năm 2018.

Để có thể tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị chu đáo và huy động được nhiều nguồn lực, trong đó lực lượng giáo viên đóng vai trò là nguồn nhân lực chủ chốt. Chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu khá cao về phẩm chất và năng lực mà người giáo viên cần phải đạt được để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của một nhà giáo dục theo đúng nghĩa. Về cơ bản, những phẩm chất và năng lực của người giáo viên được hình thành và phát triển trong quá trình được đào tạo ở trường sư phạm, phần còn lại được tích lũy trong quá trình bồi dưỡng, tự bồi dưỡng và qua trải nghiệm thực tế dạy học. Để tạo được nguồn giáo viên đáp ứng yêu cầu mới, các trường sư phạm cần phải thay đổi mục tiêu đào tạo. Do vậy, vấn đề đổi mới hoạt động đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học ở các trường sư phạm nói chung, ở trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai nói riêng là yêu cầu cần thiết để nhà trường thực hiện mục tiêu từng bước bắt kịp với tiến trình đổi mới giáo dục phổ thông trong thời gian tới.

II. NỘI DUNG

Nhiệm vụ chính của trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai là đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục từ bậc học mầm non đến cấp học trung học cơ sở cho tỉnh Gia Lai. Hiện nay, nhà trường đang trong quá trình chuẩn bị để thực hiện đổi mới công tác đào tạo giáo viên theo định hướng từng bước đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới của ngành giáo dục và đào tạo. Vì vậy, nhà trường cần phải tìm hiểu, nghiên cứu, lựa chọn những mô hình và hướng đi thích hợp để thực hiện quá trình này. Bài viết giới hạn không liệt kê, phân tích về những khó khăn cũng như các điều kiện hiện có của nhà trường. Sau khi định hướng các nhiệm vụ cần thực hiện trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, công tác nghiên cứu và tư vấn, bài viết đề xuất một số vấn đề cần nghiên cứu, trao đổi trong thời gian tới để kịp thời chuẩn bị cho Hội thảo “Dạy và học hướng tới mục tiêu thực hiện tốt chương trình phổ thông mới”.

1. Định hướng một số nhiệm vụ mà nhà trường cần thực hiện

Có rất nhiều việc mà nhà trường cần phải dự kiến và lập kế hoạch thực hiện để có thể bắt nhịp với tiến trình đổi mới giáo dục phổ thông. Xét về góc độ chương trình, đội ngũ giảng viên và công tác nghiên cứu khoa học, có thể liệt kê những nhiệm vụ chính cần thực hiện như sau:

1.1. Điều chỉnh chương trình đào tạo hiện hành

Hiện nay, nhà trường đang thực hiện mục tiêu đào tạo giáo viên đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ dạy học đơn môn theo yêu cầu của chương trình phổ thông hiện hành. Do đó, chương trình đào tạo áp dụng cho những khóa học là chương trình đơn ngành. Trong khi đó, các trường Trung học cơ sở trong tỉnh đã bước đầu thử nghiệm cách thức dạy học theo quan điểm tích hợp, với mục tiêu phát triển các năng lực của học sinh. Để có thể dạy học theo phương thức mới này, đòi hỏi giáo viên phải được bổ sung những kiến thức và năng lực vượt ra ngoài phạm vi một môn học. Vì vậy, nhà trường phải điều chỉnh chương trình đào tạo hiện hành sao cho đảm bảo mục tiêu trang bị kiến thức đa ngành, phương pháp dạy học tích hợp và hình thành những năng lực cần thiết để sinh viên có thể tiếp cận với nhiệm vụ dạy học mới. Tuy nhiên, việc điều chỉnh vẫn phải tuân thủ nguyên tắc kế thừa và đảm bảo không vi phạm những quy định đối với chương trình đào tạo theo hệ thống niên chế kết hợp với học phần.

Hiện tại, trường đã bước đầu thực hiện thử nghiệm chương trình đào tạo theo hướng trang bị kiến thức đa ngành cho sinh viên khối ngành tự nhiên. Tuy đây chỉ là phương án tạm thời trước mắt nhưng cũng đã nảy sinh khá nhiều vướng mắc. Do đó, trường cần có thêm thời gian nghiên cứu, đánh giá kết quả để làm cơ sở mở rộng sang các khối ngành còn lại và tiến tới xây dựng chương trình đào tạo mới.

1.2.  Xây dựng chương trình đào tạo mới

Việc xây dựng mới chương trình nhằm thực hiện mục tiêu đào tạo giáo viên đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ dạy học theo yêu cầu của chương trình phổ thông mới. Ngoài ra, việc này còn có ý nghĩa là thực hiện bước chuyển từ hình thức đào tạo theo hệ thống niên chế học phần sang hình thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ để tiến dần đến một quy trình đào tạo có tính linh hoạt hơn.

Việc xây dựng chương trình mới phải đảm bảo được các yếu tố cơ bản như: kế thừa có chọn lọc chương trình hiện hành; phân bổ nội dung có sự trải rộng nhưng đủ mức chuyên sâu và hạn chế sự trùng lắp; khối lượng kiến thức và thời lượng cho các môn học/hợp phần phải hợp lý; thể hiện được mục tiêu đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tối đa quá trình hình thành các năng lực và phẩm chất cần thiết cho sinh viên; sát hợp với chương trình phổ thông và phải có tính mở, tính tiếp nối; có hình thức kiểm tra, đánh giá sinh viên phù hợp với năng lực của người học và mục tiêu đào tạo.

1.3. Bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, đội ngũ quản lý chuyên môn của nhà trường

Đội ngũ giảng viên là những người trực tiếp thực hiện chương trình đào tạo nên đây là nguồn nhân lực cơ bản, có đóng góp quyết định vào chất lượng các giáo viên được đào tạo tại trường. Vì vậy, để có được sản phẩm đào tạo đạt yêu cầu, trước hết nhà trường phải có đội ngũ giảng viên đủ chuẩn, đảm bảo chất lượng, đủ phẩm chất và năng lực thực hiện chương trình đào tạo mới. Với điều kiện thực tế hiện tại, nhà trường phải tiến hành đào tạo, bồi dưỡng để nâng chuẩn và nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên của trường. Ngoài hình thức tổ chức bồi dưỡng đồng loạt để giúp giảng viên đạt chuẩn nghiệp vụ theo quy định, trường phải xây dựng kế hoạch tổng thể về bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giảng viên. Ngoài ra, mỗi giảng viên phải có kế hoạch tự bồi dưỡng để liên tục cập nhật về kiến thức chuyên môn và phương pháp dạy học.

Song song với quá trình bồi dưỡng đại trà nhằm phát triển năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho giảng viên, trường cũng cần có những hình thức bồi dưỡng phù hợp để nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý chuyên môn, xây dựng đội ngũ giảng viên nòng cốt, chuyên sâu, có khả năng thúc đẩy và hỗ trợ đội ngũ giảng viên thực hiện quá trình tự bồi dưỡng, tự nghiên cứu.

1.4. Có định hướng phù hợp cho công tác nghiên cứu khoa học

Theo quy định, nghiên cứu khoa học là một trong những hoạt động bắt buộc mà giảng viên cần phải thực hiện. Để hoạt động này thực sự đóng góp có hiệu quả cho mục tiêu đổi mới công tác đào tạo, nhà trường cần có những định hướng phù hợp. Sản phẩm nghiên cứu khoa học của nhà trường trong thời gian qua thiên về chuyên môn hẹp hoặc lý thuyết chung về khoa học giáo dục. Do đó, nhà trường cần phải tăng cường hoạt động nghiên cứu về khoa học sư phạm ứng dụng, trong đó có lĩnh vực xây dựng cơ sở lý thuyết và triển khai thực nghiệm dạy học tích hợp phát triển năng lực của người học. Hướng nghiên cứu này nhằm phục vụ trực tiếp cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình phổ thông mới. Ngoài ra, trường cũng cần thúc đẩy những nghiên cứu mang tính dự đoán, định hướng để làm cơ sở thực hiện tốt vai trò tư vấn cho ngành giáo dục của tỉnh.

2. Đề xuất một số vấn đề cần nghiên cứu, trao đổi trong thời gian tới

          Nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ cho mục tiêu đào tạo hướng tới thực hiện tốt chương trình phổ thông mới là công việc lâu dài, mang tính thường xuyên, sát hợp với diễn biến thực tế của quá trình đổi mới giáo dục đang diễn ra ở phổ thông, cần được cập nhật thông qua thử nghiệm và trao đổi. Những khởi đầu cho các nghiên cứu nhằm mục tiêu này có thể gặp lúng túng trong tìm kiếm vấn đề nghiên cứu. Để góp phần giảm bớt những khó khăn đó, bài viết này xin đề xuất một số vấn đề cần nghiên cứu, trao đổi để chuẩn bị cho Hội thảo cấp trường “Dạy và học hướng tới mục tiêu thực hiện tốt chương trình phổ thông mới”, được tổ chức trong thời gian tới. Đó là:

- Những đề tài nghiên cứu lý thuyết về dạy học tích hợp phát triển năng lực học sinh, làm cơ sở để đề xuất, triển khai hướng thực nghiệm.

          - Những bài viết phân tích, đánh giá Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (trong Chương trình giáo dục phổ thông mới) trên cơ sở có so sánh với chương trình hiện hành, có liên hệ với thực tế giáo dục địa phương.

- Những đề tài nghiên cứu dựa trên cơ sở lý thuyết và xuất phát từ tình hình thực tế địa phương để đề xuất mô hình quản lý chuyên môn, cách thức tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

          - Những đánh giá bước đầu về công tác điều chỉnh chương trình đào tạo, thực hiện chương trình đã điều chỉnh và đề xuất hướng điều chỉnh tiếp theo.

- Những nghiên cứu, phân tích để làm cơ sở chuẩn bị cho nhiệm vụ xây dựng chuẩn đầu ra, xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo giáo viên đáp ứng được nhiệm vụ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

- Những kết quả đạt được bước đầu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng có liên quan đến phương thức dạy học tích hợp theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

- Những nghiên cứu về đổi mới hình thức, nội dung kiểm tra đánh giá kết quả người học theo hướng đánh giá năng lực, trong đó có hình thức sinh viên tự đánh giá.

- Thống kê, tổng kết, đánh giá tác động của công tác bồi dưỡng thường xuyên hè đối với nội dung dạy học tích hợp theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

III. KẾT LUẬN

Đối với trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và công tác nghiên cứu khoa học xuất phát từ mục tiêu đào tạo giáo viên theo hướng đáp ứng tốt nhất với tiến trình đổi mới giáo dục phổ thông đang diễn ra. Để tiệm cận với mục tiêu đã định, nhà trường cần thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ. Về nhiệm vụ đổi mới chương trình, nhà trường cần phải điều chỉnh chương trình đào tạo hiện hành và tiến tới xây dựng chương trình mới theo hướng trang bị kiến thức đa ngành và hình thành kỹ năng dạy học tích hợp theo định hướng phát triển năng lực. Ngoài ra, trường cần xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, đội ngũ quản lý chuyên môn của nhà trường để đảm bảo thực hiện chương trình đào tạo mới. Bên cạnh đó, nhà trường cần có định hướng phù hợp cho công tác nghiên cứu khoa học để phục vụ mục tiêu đào tạo đã định và góp phần đảm nhận vai trò tư vấn cho ngành giáo dục của tỉnh.

Thực tế hiện nay cho thấy Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (trong Chương trình giáo dục phổ thông mới) vẫn còn nhiều điểm cần phải điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện trước khi chính thức ban hành, áp dụng. Tuy nhiên, nhiệm vụ đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và công tác nghiên cứu khoa học của nhà trường phải được đặt ra từ thời điểm này thì mới có thể bắt nhịp với tiến trình đổi mới đó. Đây là hướng đi bắt buộc, cần thực hiện có hiệu quả để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng phát triển trong lĩnh vực đào tạo giáo viên của nhà trường trong thời gian tới.

Những định hướng nhiệm vụ và đề xuất các nội dung cần nghiên cứu, trao đổi trong giới hạn bài viết này chưa hẳn đã đầy đủ. Vì vậy, chúng cần được thảo luận, bổ sung để dần được hoàn chỉnh hơn.

Pleiku, tháng 11 năm 2015

N.V.L

Tài liệu tham khảo

1. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ; Quyết định số 2653/QĐ-BGDĐT ngày 25/7/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

2. Bộ GD&ĐT (2015), Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (trong Chương trình giáo dục phổ thông mới).

CÁC TIN KHÁC
Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Thư viện ảnh
Hỗ trợ online
thaiha0511@gmail.com
Hotline: 02693877244
phonghcqtc38@gmail.com
Hotline: 02693877351
Lượt truy cập
Online: 100 | Thống kê: 316021
Liên kết website
Bản quyền (C) 2013 thuộc trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai
Điện thoại: 0593.877.244 - Fax: 3877312. Email: cdspgialai@cdspgialai.edu.vn
Giấy phép số 383754/GP - BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 03/03/2013
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Địa chỉ: 126 Lê Thánh Tôn - T.P Pleiku - Gia Lai
Ghi rõ nguồn gốc "Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai" khi phát hành lại thông tin từ website này
Các trang sẽ mở ra tại cửa sổ mới. Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai không chịu trách nhiệm nội dung các trang này.