Văn hóa - Nghệ thuật

Những trang viết cũ

07/09/2016 9:16:50 SA - Lượt xem: 1300

ĐẠI HỘI NHÀ VĂN LẦN THỨ VIII VÀ NHỮNG CHUYỆN LÚC BUỒN KHI VUI

                                                                                                                                                  HƯƠNG ĐÌNH

    Hơi bị già

   Đại hội Hội Nhà Văn Việt Nam mời tất tần tật 923 hội viên về tham dự, nghĩa là một đại hội toàn thể. Đây là đại hội chuyên ngành duy nhất được sự ưu ái này. Hãy thử tưởng tượng xem, nếu họ có mặt đủ cả thì ban tổ chức còn “khổ ải” đến chừng nào. Chính xác chỉ có 736 hội viên tham dự. Một thống kê trước đại hội khiến ai cũng phải giật mình: gần 70% hội viên đã trên 60 tuổi, độ tuổi “nghỉ cho khỏe”. Nói là đáng báo động thì hơi quá, nhưng đó là một thực tế. Vỏn vẹn 16 người, đó là số hội viên có năm sinh không nhỏ hơn 1970. Số nhà văn trẻ, như thế quả là quá ít ỏi. Nói thế thôi, 30 tuổi, có khi cũng đã một chồng (một vợ) hai con rồi, trẻ cái nỗi gì. Nhà thơ Vi Thùy Linh đăng đàn ngay trong buổi sáng đầu tiên của phiên đại hội trù bị “nhắc nhở” về vấn đề này khi mà cho đến đại hội lần này Linh vẫn là hội viên trẻ nhất. Linh nói, đại ý là, xin hãy ghé mắt đến chúng tôi, còn bao nhiêu người viết trẻ có tài đứng bên ngoài đại hội. Riết róng hơn chị cho rằng, đất nước phát triển, tốc độ đổi mới từng ngày, kinh tế có học thuyết mới, công nghệ thông tin đều có thành tựu mới, chỉ văn chương vẫn ì ạch, vẫn chỉ nhắc quá khứ bằng hệ khái niệm và tư duy cũ.

    Thực ra, viết về ngày hôm nay hay lùi xa ra để viết về quá khứ, thì đằng nào rồi các ngòi bút đích thực cũng sẽ dịch dần về nơi mà ở đó còn có biết bao thân phận con người dưới những biến chuyển và tác động của lịch sử. Nhắc quá khứ bằng hệ khái niệm cũ, thì cũng có sao đâu. Thay đổi một hệ khái niệm từ cũ sang mới quả là không dễ dàng chút nào và không phải lúc nào cũng làm được. Không khéo, vô hình trung nó lại lâm vào cái cảnh mà từ trong ước vọng đổi mới ấy, các khái niệm đã bị đánh tráo. Điều quan trọng ở đây là, như Vi Thùy Linh đã đề cập, nó phải được viết bằng một tư duy mới mẻ, một tư duy linh hoạt và luôn trong tâm thế phải vận động. Viết lùi xa hay viết cận cảnh, nhà văn đích thực đều luôn đau đáu về sự hoàn thiện con người trước áp lực những mặt trái của xã hội đang làm rạn nứt mối liên kết cộng đồng và sự phai nhạt nền tảng văn hóa.

 

    Hơi bị nóng

    Đúng thế, Hà Nội mùa này chỉ hơi nóng, chứ không nghẹt thở và ngột ngạt như vài tháng trước đây. Đó cũng là “thời tiết” buổi sáng ngày đại hội nội bộ. Cái “nóng” này có vài nguyên nhân mà không phải là không có lý. Chưa gì, buổi sáng đầu tiên đã loanh quanh chuyện nhân sự và bầu bán. Sao không cho vài chương trình khác “chạy” trước một cách hợp lý, rồi hẳn làm. Đó cũng chính là lý do khiến một số nhà văn đang đăng đàn, rằng phải nên đề cử thế này, bầu cử thế kia bỗng dưng nói “lạc đề” sang những lĩnh vực tầm vóc hơn như, nhà văn đang ở đâu trước cái sự nghèo miết của nông dân, sự tha hóa về đạo đức và lối sống của một bộ phận công chức thậm chí là quan chức, vận mệnh dân tộc và bản lĩnh của ngòi bút. Rồi một đợt “nóng” khác lại rộ lên, đòi hỏi phải có một sự kiểm điểm cần thiết của những người “cầm chịch” tuần báo Văn nghệ về sự trượt dài chất lượng của nó. Nhà thơ Dư Thị Hoàn (Hải phòng), nổi tiếng một thời với tập thơ Lối nhỏ xin chỉ một phút để ví tờ báo này như trái tim của Hội Nhà Văn, sao cứ mãi những nhịp đập bình thường mà bao năm dài thiếu đi những phút giây thổn thức, phập phồng theo từng hơi thở của thời đại.

 

   Hơi bị vui

   Đầy tinh thần trách nhiệm trong đại hội, tất nhiên rồi, nhưng phải vui là chính. Một nhà văn nào đó đề nghị, mỗi buổi của đại hội nên bớt đi một giờ đồng hồ để dành thời gian cho các nhà văn gặp gỡ nhau chụp ảnh là chính chứ. Phải đến 5 năm kia mà. Niềm khao khát gặp gỡ bạn bè tứ xứ là một nhu cầu đã quá rõ ràng. Lắc rắc trong hội trường, những mái đầu đã bạc trắng. Nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn gầy gò chống nạng, từng bước nặng nhọc bước lên diễn đàn. Nhìn từ xa vẫn thấy được nụ cười của chủ tịch Hội, nhà thơ Hữu Thỉnh, đã bắt đầu héo hóm và lóm móm. Các thế hệ gặp nhau, bao vùng miền gặp nhau, không vui sao được.

   Đoàn nhà văn Gia Lai chỉ có 4 người nhưng nhà thơ Văn Công Hùng đã lọt vào danh sách những ứng viên “nặng ký” trong danh sách gần bốn trăm người đề cử nhân sự cho Ban Chấp hành mới. Chưa biết như thế nào, vì đại hội đang diễn ra (đoạn này viết ngày 5/8/2010), nhưng nghĩ lại cũng thấy khó khi con số chốt lại chỉ được 15 người trong Ban Chấp hành khóa này. 15 người, trong hơn 900 hội viên. Yếu tố vùng miền cũng được khe khẽ gợi ý nhưng đối với đa số hội viên, họ có để ý gì đến chuyện đó. Nhà thơ Lệ Thu (Bình Định) cho rằng, người trong Ban chấp hành nên là những nhà văn có tài viết và tài tập hợp được đội ngũ những nhà văn có tài, phải thế. Quyết liệt hơn, nữ sĩ Phạm Thị Minh Thư (Hà Nội) phát biểu trong đại hội trù bị, có thể một vài người trong Ban Chấp hành mới, cái văn tài ấy nó vừa vừa một tí cũng được, nhưng cái quản lý tài kia thì không thể không có.

 

   Người đưa tin ẩn hình

   Có chuyện này, mới nghe không khác gì truyện trinh thám. Tuần trước ngày đại hội diễn ra, hầu như tất cả những hội viên còn viết được đều nhận được những bản tin E-mail của một nhân vật bí hiểm nào đó có tên là Người đưa tin, không rõ nguồn gốc địa chỉ. Mười bảy bản tin như vậy. Người đưa tin bí hiểm, người tốt bụng ẩn hình hay kẻ ném đá giấu tay, xin bạn đọc hãy đọc một đoạn tin này trong Bản tin số 7 rồi tự phán xét: “Người đưa tin có mặt ở trụ sở Hội khoảng 2h chiều. Sân trụ sở vắng hoe. Mấy chị văn phòng hình như vẫn còn nồng giấc. Nhưng Người đưa tin có thấy chị T (tất cả những người được đề cập trong các E-mail này đều được viết tên thật - HĐ) làm ở Ban sáng tác mặc váy đen lững thững như  thất tình. Một lúc sau thấy nhà thơ T.Đ.K đến, rồi N.T.H, P.T.V.A nhảy xe ôm tới. P.T.V.A còn trẻ tuổi mà mặt nghiêm quá. Chị này làm thẩm phán thì rất hợp”. Cứ như truyện trinh thám không bằng. Rồi nữa, trong một bản tin khác, Bản tin số 13: “Thưa các quý vị, sáng nay sáng chủ nhật, Người đưa tin nhận được nhiều thư của các quý vị gửi về với nhiều trăn trở vì đại hội. Đó là nét đẹp của Hội Nhà Văn, không như các hội khác mà Người đưa tin đã dự rất thờ ơ vô trách nhiệm. Cứ tưởng các Hội khác là thành công nhưng đó chính là thiếu trách nhiệm và như là làm cho xong. Cho nên càng không thể áp dụng những mô hình đã làm với các hội khác cho Hội Nhà Văn. Một trong những người trăn trở đó là nhà văn N.T.T.H, gửi cho Người đưa tin một bức thư tâm huyết nhân vụ việc nhà thơ T.Đ.K vừa qua. Người đưa tin xin phép được chuyển đến quý vị”. Đại loại thế. Vân vân và vân vân...

 

   Nửa bộ thơ ca - hò vè

   Ta thường hay nói cho đủ bộ rằng, thơ ca - hò vè. Ứng vào những chuyện bên lề các đại hội nhà văn gần đây thì thường chỉ xuất hiện nửa bộ thôi, vì không có ca, chỉ có thơ; không có , chỉ có . Những câu vè xuất hiện từ lúc nào không biết, từ các trang blog hoặc trang web cá nhân khoảng một tuần trước đại hội hoặc được len lén ấn vào tay cho những người nhận bất đắc dĩ mà đa số đều hiếu kỳ, muốn đọc thử xem sự thể nó ra làm sao, rồi có khi phá lên cười trong những giờ giải lao mà chẳng có một dụng ý nào. Nhà văn mà đã viết vè thì, chỉ có nước mà vòng tay kính thưa các loại cụ, từ tinh quái trở lên! Nó vừa hóm hỉnh, nó vừa thâm hậu, và nó cũng lại vừa... ác.

   Không biết các đại hội chuyên ngành khác thế nào, mà chắc là không có, còn ở bên trong hội trường đại hội nhà văn lần này, một số hội viên được ấn vào tay các tờ rơi. Có tờ thì ghi rõ hẳn ra một danh sách những nhà văn mà đại hội nên quan tâm hơn khi bầu vào Ban Chấp hành. Hình như việc làm này không bị cấm trong điều lệ và cũng không riêng gì ở đại hội nhà văn? Có tờ thì: Đại hội VIII nhà văn sắp mở / Khắp biển làng núi chợ quan tâm / Đâu đâu cũng giọng xì xầm / Nhà văn võ nghệ quá thâm hậu rồi / ... / Điều lệ cũ ít người thèm sửa / Chỉ nhăm nhăm lời hứa cao xa / Phổ cập láp-tốp hội ta / Mọi người đều được chuyến ra nước ngoài”... Đại loại thế. Còn nhớ ở Đại hội lần thứ IV (khoảng một hai năm sau đổi mới thì phải), người viết bài này chưa được tham dự nhưng nằm ở nhà cũng nghe lỏm được mấy câu vè “đẳng cấp” hơn sau đây của nhà thơ Nguyễn Duy, đến bây giờ vẫn còn nhớ như in: “Thùy Mai nước mắt lưng tròng / Cõng Bùi Minh Quốc vượt vòng hiểm nguy...”.

 

   Và chuyện hai ông “quậy”

   Bùi Minh Quốc. Đúng. Ông “quậy” thứ nhất có tên là Bùi Minh Quốc, người mà cuối buổi sáng ngày đại hội chính thức đã “đàng hoàng” đăng ký đọc tham luận và sau khi được phép đã “đàng hoàng” bước lên sân khấu lễ đài. Lúc ấy hình như đã 11 giờ 30 phút. Ông chưa đọc, mà nói, nói vo, rành rọt từng chữ một. Ông nói về thực trạng Biển Đông. Ông nói rằng, ông đã mừng cực độ khi được tin Nhà Nước đã truy tặng giải thưởng vô cùng cao quý ở cấp Nhà Nước - Giải thưởng Hồ Chí Minh - cho những nhà văn “có vấn đề” trong vụ “Nhân văn giai phẩm” như Phùng Quán, Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt,... Ông nói rằng, nên có kết luận - dù đã quá muộn màng - những sai lầm khi đánh giá về những con người ấy, những nhà văn bị lâm nạn vì ngòi bút, hãy “gỡ” giùm từng người mà đúng ra phải viết lại cả một giai đoạn lịch sử văn học. Trời ơi, ông nói toàn những điều đúng! Ông nào có hoa tay múa chân mà chửi đổng một ai.

   Bùi Minh Quốc, ông là ai? Ông là ai mà khi nhắc đến ông, một số người luôn rón rén, dè dặt và cao hơn nữa là xa lánh ông. Người viết bài này - bạn thơ vong niên của ông - chỉ thấy tội nghiệp cho ông, thương hại cho ông, và khi thấy ông nghẹn giọng trên diễn đàn khi nói về bạn ông, nhà văn, anh hùng, liệt sĩ Chu Cẩm Phong, cũng thấy mình sém rơi nước mắt. Ông thực sự cô đơn giữa chốn đông người, cô đơn khi một mình một ngựa “đấu tranh” với chính những đồng nghiệp cũ của ông, những bạn bè cũ của ông, nay đã làm đến chức vị này nọ, và tận cùng cô đơn trong cái vòng luẩn quẩn “đấu tranh” thiếu một phương-pháp-luận. Thực ra, nếu không phải là người “có vấn đề” thì có khi ông đã ngồi trên cái ghế chủ tịch đoàn kia với trách nhiệm điều hành đại hội này rồi. Trong dư luận, trong nhận định và có khi trong danh sách những người cần được đặc biệt “quan tâm” về thái độ chính trị đã nổi lên một cái tên: Bùi Minh Quốc. Đúng, chính cái tên Bùi Minh Quốc kia đã làm cho ông gặp không ít phiền toái, tai ương và trong cơn phẫn nộ với cái ông “quậy” ấy, không ít người đã quên rằng ông còn có một bút danh khác: Dương Hương Ly. Thế hệ chúng tôi, những năm đầu sau ngày giải phóng, làm sao mà quên được những câu thơ xúc động đến tận cùng của ông: “Mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh / Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc / Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác / Bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh”, rồi: "Thôi em nằm lại với đất lành Duy Xuyên/ Trên mồ em có mùa xuân nở mãi/ Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên/ Trời chiến trường không một phút bình yên". Thử hỏi, những năm tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ, đã được bao nhiêu câu thơ ám ảnh lòng ta đến thế này. Rồi được bao nhiêu bài thơ trong cuộc chiến tranh kia theo cùng những chiếc ba lô của chú bộ đội hành quân ra trận, như bài thơ dài “Bài thơ về hạnh phúc” của ông. Bài thơ đã từng làm thổn thức bao trái tim yêu khi ông viết về cái hạnh phúc mong manh, nỗi ám ảnh về cái chết của người vợ trẻ năm 1969, khi mới tròn 28 tuổi - nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý - mà mãi đến năm 2006 mới tìm thấy được di hài...

   Buổi chiều cuối cùng của đại hội, trước khi làm những thủ tục cũng là cuối cùng sau khi gánh nặng bầu bán kia đã được trút đi, nhà văn trung tướng công an Hữu Ước bỗng dưng rời ghế chủ tịch đoàn, bước lên bục micrô. Ông nói nhiều lắm, không nhớ hết, chỉ nhớ một chi tiết khá độc đáo. Ông đặt ra một giả sử, nếu đại hội mà cứ năm nào cũng có hai ông quậy đến như thế này thì sao (chữ quậy được Hữu Ước sử dụng không có dấu ngoặc kép). Không khéo thì, vì hai cái ông này mà lần sau người ta không cho đại hội toàn thể nữa, thì biết làm thế nào. Cứ nghĩ nhà văn Hữu Ước chắc sẽ im lặng một cách “đẳng cấp” cho đến hết đại hội hoặc có nói thì cũng nói ngắn thôi, cùng một cách “đẳng cấp”, vì trong tay ông còn biết bao quyền lực mà những nhà văn khác có mà nằm mơ.

   Ông “quậy” thứ nhất, chắc ta cũng đã rõ. Còn ông “quậy” thứ hai, chắc khi bài viết này lên khuôn thì báo chí và trên các trang mạng trong lẫn ngoài nước đã đưa tin và bình phẩm nhiều rồi. Đó là nhà văn, người lính cầm bút, với những tác phẩm nổi tiếng chưa từng là đảng viên: Trần Mạnh Hảo. Tại sao lại đề cập đến đảng viên hay không phải là đảng viên ở cái chỗ này. Số là, trước ngày đại hội trù bị và ngày đại hội chính thức, tất cả nhà văn đảng viên phải họp để bàn một số vấn đề mà cả hai phiên đại hội sau này đều... bàn lại một lần nữa. Cả hai nhà văn Bùi Minh Quốc và nhà văn Trần Mạnh Hảo đều không phải là đối tượng có giấy mời riêng buổi hôm ấy. Bùi Minh Quốc bị khai trừ sau năm 1988, đồng thời với việc cách chức Chủ tịch Hội Văn Nghệ Lâm Đồng, sau khi Tạp chí Lang Biang chỉ mới ra ba số đầu đã bị đình bản. Còn Trần Mạnh Hảo là nhà văn chưa bao giờ được kết nạp, ông chưa phải là đảng viên, nhưng một thời oanh liệt ông cũng không khác gì Bùi Minh Quốc mà sẽ là dài dòng nếu ta nhắc lại. Những bài thơ của ông viết từ thời đạn bom khói lửa, rồi trường ca “Đất nước hình tia chớp”, "Mặt trời trong lòng đất", rồi tập thơ thiếu nhi nọ, bộ tiểu thuyết dày cộm kia, tập tiểu luận phê bình sắc sảo ấy dù gì thì nó vẫn còn đó trên tay chúng ta, trong các tiết giảng ở trường phổ thông, trong các thư viện khoa hoc hay dưới những tàn cây mát xanh một góc giảng đường.

   Sau đó, Trần Mạnh Hảo có “quậy” trong hội trường không, thì ai mà biết được. Nhưng công bằng mà nói, trước khi ông bước lên diễn đàn, vài câu mào đầu, rồi micrô bị... tịt, ông không có “quậy”. Chỉ có điều, không biết có phải là một hành động “quậy” không khi ông buộc phải giằng lấy micrô từ đôi tay cù cưa của một nữ phục vụ viên xinh đẹp để đăng đàn. Cuối cùng, điều này Trần Mạnh Hảo là không được tí nào khi ông giăng giăng huơ huơ và gục gặc nói gì đó và hình như với một ai đó, mấy câu rồi đi xuống. Trong giờ giải lao và trên các trang mạng hay trên các blog cá nhân sau đó, những người ngồi ở những hàng ghế trên nghe được cho rằng, Trần Mạnh Hảo đã “dằn mặt” ai đó trên ghế chủ tịch đoàn, đại ý rằng: sao người này lại được ngồi ở ghế chủ tịch đoàn? Chuyện là vậy. Vô văn hóa ư? Toàn là thông tin truyền miệng, nên càng không rõ thực hư thế nào. “Quậy” ư? Cũng có thể, nhưng thiết nghĩ với một nhà văn, một nhà phê bình tầm cỡ như Trần Mạnh Hảo, không lẽ ông lại chủ ý đi làm cái chuyện “cơ bắp” ấy sao. Có thể đó chỉ là sản phẩm “trẻ con” của một “người lớn” mất bình tĩnh vì đã khá tốn sức cho cái việc dùng dằng chiếc micrô kia.

   Cũng như nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà thơ Trần Mạnh Hảo cũng không vượt thoát được khỏi cái cảnh ngộ bị cô đơn giữa chốn đông người kia. Nhưng trông kìa, mặt của Trần Mạnh Hảo lại vẫn cứ lạnh tanh giữa chốn đông người nọ, chứ không phải còn có hồn vía như Bùi Minh Quốc. Chuyện hai ông “quậy” chắc sẽ còn dài kỳ. Thôi, tạm khép lại. Những chuyện khác của hai ông, ngoài đại hội lần này, chưa đề cập ở đây. Có dịp sẽ viết.

 

   Tái bút

   Giờ giải lao, người viết bài này phải vội nhảy tót lên xe ôm tìm mua vài cuốn sách (không phải sách văn), mai về rồi. Ngồi sau, bật cười khi nghe ông xe ôm chờ từ sáng đến giờ ở trước cổng đại hội, móm mém nói: “Sáng giờ đói thấy mẹ, đứng ngoài này nghe mấy nhà văn nhà viết gì mà quậy dữ vậy ta!”

 

 

                                                                                                                                              Hà Nội, 6/8/2010

                                                                                                                                                     H.Đ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CÁC TIN KHÁC
Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Thư viện ảnh
Hỗ trợ online
thaiha0511@gmail.com
Hotline: 02693877244
phonghcqtc38@gmail.com
Hotline: 02693877351
Lượt truy cập
Online: 103 | Thống kê: 319840
Liên kết website
Bản quyền (C) 2013 thuộc trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai
Điện thoại: 0593.877.244 - Fax: 3877312. Email: cdspgialai@cdspgialai.edu.vn
Giấy phép số 383754/GP - BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 03/03/2013
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Địa chỉ: 126 Lê Thánh Tôn - T.P Pleiku - Gia Lai
Ghi rõ nguồn gốc "Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai" khi phát hành lại thông tin từ website này
Các trang sẽ mở ra tại cửa sổ mới. Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai không chịu trách nhiệm nội dung các trang này.